Tàu cảnh sát biển Trung Quốc được Philippines xác định đích danh là bọn "cướp có vũ trang" |
Tân Hoa xã – kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc trưa ngày 16 tháng 5 cho biết, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã đưa ra một quy định cấm đánh bắt cá bất hợp pháp liên quan đến Biển Đông trong năm nay.
Nội dung quy định này là: Từ 12 giờ ngày 16 tháng 5 trở đi, Biển Đông bước vào giai đoạn "nghỉ đánh bắt cá" của mùa nóng nhất với thời gian là 2 tháng rưỡi, vùng biển này “do nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa quản lý” từ 12 độ vĩ Bắc đến “tuyến giáp giới vùng biển Mân Việt (Phúc Kiến và Quảng Châu)”.
Lệnh cấm đánh bắt cá này kéo dài đến 12 giờ ngày 1 tháng 8 năm nay. Theo bài báo, các tàu cá của tỉnh Hải Nam thực hiện “quy định dừng đánh bắt cá” lên tới gần 9.000 chiếc.
“Quy định cấm đánh bắt cá Biển Đông” lần này do Trung Quốc áp đặt yêu cầu, hễ là tàu cá “có giấy phép đánh bắt riêng” ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) trong năm nay, đến vùng biển Trường Sa sản xuất (phi pháp) cần mở các thiết bị liên lạc như thiết bị đầu cuối Bắc Đẩu (hệ thống dẫn đường vệ tinh Trung Quốc), bộ đàm, điện thoại vệ tinh, thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo ra vào cảng của tàu cá, cấm sản xuất ở vùng biển “cấm”.
Tàu Ngư chính-311 Trung Quốc (ảnh tư liệu) |
“Quy định” còn cho biết, trên đường đi, tàu cá cần chằng buộc lưới đánh cá. Theo “quy định” của cơ quan khu vực Biển Đông của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, tàu cá Hải Nam chỉ tiếp tế và bán cá ở 3 cảng là Tam Á, Đàm Môn và Bạch Mã Tỉnh. Tất cả những tàu cá không nhận được “giấy phép đánh bắt” ở Trường Sa đều không được phép ra khơi.
Trang mạng “Biển Đông” (hinews) Trung Quốc ngày 15 tháng 5 còn cho biết, trong thời gian áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá, “các tàu thực thi pháp luật Ngư chính (Trung Quốc) sẽ gia tăng mức độ tuần tra, giám sát, quản lý trên biển, phối hợp với cơ quan ngư nghiệp và hàng hải tỉnh Hải Nam, căn cứ vào nhu cầu quản lý và tình hình ngừng đánh bắt cá để triển khai hoạt động kiểm tra, thực thi pháp luật liên hợp trên biển, xét xử các hành vi vi phạm…”.
Ngoài ra, theo tờ “Phương Nam” Trung Quốc ngày 16 tháng 5, điều đáng chú ý là, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh tuyên truyền cho ngư dân của họ về chính sách và pháp luật nghề cá, về nguồn lợi thủy sản trên biển.
Thậm chí như thành phố Mậu Danh, tỉnh Quảng đông sẽ thành lập “Tiểu ban lãnh đạo ngừng đánh bắt cá” để đưa ra phương án thực hiện, tổ chức các cuộc họp động viên ngừng đánh bắt cá, ra thông báo công tác quản lý.
Tàu cảnh sát biển Trung Quốc được Philippines xác định đích danh là bọn "cướp có vũ trang" |
Tiếp theo, họ còn đào tạo ngư dân, nâng cao ý thức an toàn, học những kiến thức cơ bản về luật nghề cá, kỹ thuật sản xuất nghề cá và an toàn đi lại của tàu thuyền, nâng cao ý thức “tuân thủ luật pháp” và “sản xuất an toàn” cho các ngư dân…
Như vậy, Chính phủ Trung Quốc lại ra quy định cấm đánh bắt cá phi pháp ở Biển Đông. Phạm vi khu vực cấm đánh bắt cá bao trùm lên cả vịnh Bắc Bộ, vùng biển quần đảo Hoàng Sa và bãi cạn Scarborough. Đây là điều không thể chấp nhận được - PV.
Kể từ năm 1999, Trung Quốc hàng năm vẫn ngang nhiên đơn phương đưa ra quy định cấm đánh bắt cá bất hợp pháp trên Biển Đông, phục vụ cho áp đặt yêu sách tham lam, bành trướng và xâm lược mang tên “đường lưỡi bò” – một yêu sách phi pháp và hết sức lố bịch - PV.
Cho dù Trung Quốc có tìm mọi cách áp đặt chủ quyền Biển Đông bằng các hành động phi pháp cả về chính trị, ngoại giao, hành chính, pháp lý, quân sự…, trong đó có lệnh cấm đánh bắt cá vô lý nêu trên thì nó cũng chẳng đem lại chủ quyền hợp pháp cho Trung Quốc - PV.
Tàu cá Trung Quốc |
Luật pháp quốc tế và cộng đồng quốc tế mạnh mẽ tuyên bố với giới cầm quyền Trung Quốc rằng, hành động dùng vũ lực xâm lược quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa của Việt Nam và cướp bãi cạn Scarborough từ tay Philippines đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, mọi mưu đồ và thủ đoạn xâm lược, bành trướng, bá quyền ở khu vực Biển Đông cuối cùng sẽ thất bại - PV.