Trung Quốc, đồng minh địa chính trị của Nga, đã quyết định bỏ phiếu trắng dự thảo nghị quyết không thừa nhận kết quả trưng cầu dân ý ly khai của Cộng hòa tự trị Crimea.
Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Lưu Kết Nhất. |
Dự thảo nghị quyết của Mỹ đề xuất cho rằng cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea là trái phép, thúc giục Liên Hợp Quốc cùng cộng đồng quốc tế không công nhận kết quả của nó và rằng Ukraine vẫn là một nước có chủ quyền.
Tuy nhiên, Nga đã đơn phương phủ quyết nghị quyết trong cuộc bỏ phiếu tại New York hôm 15/3 và tái khẳng định lập trường sẽ tôn trọng sự lựa chọn của người dân Crimea.
"Không có gì là bí mật rằng Nga sẽ bỏ phiếu phản đối dự thảo nghị quyết của Mỹ", Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin cho biết. "Chúng tôi không chấp nhận nhận định cho rằng cuộc trưng cầu dân ý ngày 16/3 của người dân Crimea là bất hợp pháp. Người dân Cộng hòa Crimea nên quyết định tương lai của họ".
"Triết lý của tác giả dự thảo đi ngược lại một trong những nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế - các nguyên tắc về quyền bình đẳng và tự quyết của các dân tộc được ghi trong Điều 1 của Hiến chương Liên Hợp Quốc", nhà ngoại giao Nga nói.
Ông Churkin cũng cho rằng, bảo dự thảo nghị quyết của Mỹ về tình hình Ukraine chỉ giải thích cho mong muốn áp đặt của người Mỹ nhằm chính trị hóa tình hình vốn đã phúc tạp, kích động hỗn loạn tại các nước thành viên Liên Xô cũ vì lợi ích địa chính trị của Washington.
Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin |
Bộ Ngoại giao Nga cho rằng Mỹ không quan tâm đến sự ổn định, thịnh vượng và an ninh của Ukraine. Washington đang sử dụng chiến tranh lạnh để áp đặt quan điểm của mình về cấu trúc chính trị Ukraine.
Trong khi đó, báo chí điện Kremlin cho rằng cụm từ "tự cô lập" để nhận xét về Nga sau cuộc bỏ phiếu liên quan tới các sự kiện ở Ukraine là vô lý.
Mặc dù nghị quyết không được thông qua, nhưng phương Tây dường như không hoàn toàn không hài lòng về cuộc bỏ phiếu khi lôi kéo được đồng minh quan trọng của Nga tại Liên Hợp Quốc là Trung Quốc về phe mình và cô lập được Moscow hơn nữa tại diễn đàn quốc tế về vấn đề Ukraine.
"Nga bị cô lập, đơn độc và sai lầm khi ngăn việc thông qua nghị quyết", Samantha Power - Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc phát biểu. "Đây là một khoảnh khắc buồn và đáng chú ý."
Tuy nhiên, việc mất đi sự hỗ trợ của Trung Quốc tại Hội đồng Bảo an có thể sẽ đánh một cú mạnh vào sự tự tin của Moscow khi đối mặt với các mối quan hệ đang xấu đi với phương Tây.
Crimea chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu ly khai. |
Kiev bình luận sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố: "Nga đã tự cô lập mình không chỉ ở Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, mà còn với các phần còn lại của thế giới".
Đại sứ Pháp tại LHQ Gerard Araud nhận xét, ông không tin vào những gì ông gọi là sáp nhập Crimea của Nga với lý do bảo vệ Nga trong khu vực và cho rằng sự "sáp nhập này...vượt xa phạm vi Ukraine, nó liên quan đến tất cả chúng ta".
Đại sứ Anh tại Liên Hiệp Quốc Mark Lyall Grant cho rằng, thông điệp vang dội từ cuộc bỏ phiếu là "Nga đang bị cô lập trong hội đồng này và trong cộng đồng quốc tế".
Bắc Kinh, theo truyền thống rất nhạy cảm khi nói đến toàn vẹn lãnh thổ, đặc biệt là vấn đề Tây Tạng, đã nhắc lại hỗ trợ của mình đối với "chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các nước", Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Lưu Kết Nhất cho biết và kêu gọi một giải pháp chính trị, một "cơ chế điều phối quốc tế" để giải quyết các tranh chấp, thông tấn AP cho biết.
Khoảng 2 triệu người dân Crimea sẽ đi bỏ phiếu quyết định sẽ sáp nhập vào Liên bang Nga hoặc tuyên bố độc lập khỏi Ukraine vào ngày hôm nay (16/3). /.
Nguyễn Hường