Trung Quốc lập vùng nhận dạng phòng không Biển Đông cũng không cản được Mỹ

15/06/2015 07:10
Đông Bình (nguồn báo Hoàn Cầu)
(GDVN) - Đô đốc Harry Harris cho rằng: “Biển Đông là vùng biển quốc tế, không phải là lãnh hải, hoan nghênh Nhật Bản tham gia hành động”.
Ngày 12 tháng 6 năm 2015, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hội kiến với Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ Harry Harris
Ngày 12 tháng 6 năm 2015, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hội kiến với Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ Harry Harris

Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 13 tháng 6 đưa tin, nhà nghiên cứu Kim Xán Vinh vừa trả lời phỏng vấn tuyên truyền cho rằng, quan hệ Trung-Mỹ năm nay tổng thể không tồi, nhưng gần đây tình hình nội bộ Mỹ không tốt lắm.

Trong khi đó, Trung Quốc lại không nghe lời (bất chấp các đề xuất của Mỹ như chấm dứt lấn biển xây đảo bất hợp pháp - PV), làm cho một số người Mỹ nhìn Trung Quốc không thuận mắt. Bất cứ vấn đề tin tặc, gián điệp hay Biển Đông, đằng sau đều thể hiện sự mất kiên nhẫn của Mỹ đối với Trung Quốc.

Ở châu Á, ngày 12 tháng 6, tại Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã hội kiến với Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ Harry Harris. Hãng tin Kyodo cho biết, hai bên xác nhận sẽ hợp tác ứng phó với các hoạt động trên biển của Trung Quốc và các vấn đề như CHDCND Triều Tiên phát triển hạt nhân và tên lửa.

Đô đốc Harry Harris còn bày tỏ hoan nghênh và trông đợi mạnh mẽ Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đến Biển Đông (nơi Trung Quốc lấn biển xây đảo phi pháp) tham gia hoạt động tuần tra.

Trung Quốc đang xây dựng tiền đồn quân sự ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, dùng để áp đặt yêu sách xâm lược, bành trướng "đường lưỡi bò" bất hợp pháp, vô lý, lố bịch
Trung Quốc đang xây dựng tiền đồn quân sự ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, dùng để áp đặt yêu sách xâm lược, bành trướng "đường lưỡi bò" bất hợp pháp, vô lý, lố bịch

Theo hãng tin Kyodo Nhật Bản, Mỹ đã tăng cường cảnh giác đối với hoạt động trên biển gia tăng của Trung Quốc và đã tăng cường trinh sát trên không ở Biển Đông.

Đô đốc Harry Harris cho rằng: “Biển Đông là vùng biển quốc tế, không phải là lãnh hải, hoan nghênh Nhật Bản tham gia hành động”, bày tỏ hy vọng Lực lượng Phòng vệ dựa trên “Phương châm hợp tác phòng vệ Nhật-Mỹ” mới để phát huy vai trò hỗ trợ.

Trong khi đó, đối với Vùng nhận dạng phòng không biển Hoa Đông do Trung Quốc đơn phương lập ra, Harry Harris cho biết “hoàn toàn không để ý đến” (coi thường), cho rằng, cho dù Trung Quốc có lập ra Vùng nhận dạng phòng không Biển Đông thì cũng không cản được các hành động của Quân đội Mỹ.

Ngày 12 tháng 6, tại Ủy ban đặc biệt về pháp chế an ninh và hòa bình, Hạ viện Nhật Bản, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani cho biết, trong tình hình Nhật Bản trực tiếp bị tấn công vũ lực, không chỉ Quân đội Mỹ, Quân đội Australia cũng có khả năng tham gia hỗ trợ phòng thủ.

Mỹ-Nhật tăng cường quan hệ đồng minh quân sự
Mỹ-Nhật tăng cường quan hệ đồng minh quân sự

Hãng tin Kyodo cho rằng, phát biểu trên cho thấy Nhật Bản coi Australia là quốc gia gần như đồng minh, tăng cường quan hệ Nhật Bản-Australia có thể nhằm kiềm chế Trung Quốc – quốc gia đang hoạt động ngày càng gia tăng (hung hăng, hăm dọa) trên biển Hoa Đông và Biển Đông.

Đối với các động thái của Nhật Bản trong vấn đề Biển Đông, ngày 12 tháng 6, Chính phủ Trung Quốc cử phát ngôn viên ngoại giao của họ là Hồng Lỗi đã nói rằng họ “đặc biệt quan ngại và căm tức”, “đã nhiều lần đưa ra giao thiệp nghiêm túc” với Nhật Bản.

Hồng Lỗi giở giọng nói: Nhật Bản không phải là nước đương sự của vấn đề Biển Đông, biểu hiện gần đây “rất không bình thường”, “có ý định nhúng tay vào vấn đề Biển Đông”, “gây mâu thuẫn” giữa các nước trong khu vực, “có ý đồ gây ra căng thẳng tình hình Biển Đông”.

Hồng Lỗi còn nghĩ rằng: Hành động của Nhật Bản không có lợi cho giải quyết tranh chấp Biển Đông, không có lợi cho hòa bình, ổn định Biển Đông, cũng gây tổn hại nghiêm trọng cho lòng tin an ninh và chính trị Trung-Nhật, đi ngược lại xu thế cải thiện quan hệ Trung-Nhật.

Hồng Lỗi - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 12 tháng 6 năm 2015
Hồng Lỗi - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 12 tháng 6 năm 2015

Hồng Lỗi giở giọng như vậy, nhưng Trung Quốc cố tình quên rằng, Nhật Bản có lợi ích và an ninh quốc gia ở Biển Đông, nhất là an toàn hàng hải. Hơn nữa, chính yêu sách “đường lưỡi bò” mang tính thực dân của Trung Quốc mới trực tiếp gây ra căng thẳng và nguy cơ xung đột nghiêm trọng ở Biển Đông, dẫn tới sự can dự trực tiếp của các nước ngoài khu vực hiện nay - PV.

Đông Bình (nguồn báo Hoàn Cầu)