Nâng cấp tàu cũ, mua tàu mới đối phó Bắc Kinh
Trang mạng "Jane's Defense Weekly" Anh ngày 13 tháng 1 đưa tin, Chính phủ Philippines đang tiến hành đấu thầu đối với chương trình cải tiến một chiếc tàu hộ vệ hạng nhẹ.
Vào năm 1997, Hải quân Philippines đưa chiếc tàu hộ vệ hạng nhẹ cũ của Hải quân hoàng gia Anh vào hoạt động. Sau cải tiến, tàu này sẽ có năng lực mạnh hơn hỗ trợ cho các hành động bảo vệ vùng biển phía nam của hải quân.
Tàu hộ vệ hạng nhe BRP Artemio Ricarto của Hải quân Philippines |
Quan chức Bộ Quốc phòng Philippines Amelia Garreiro ngày 13 tháng 1 xác nhận với báo chí, Bộ Quốc phòng Philippines đã tái khởi động thủ tục đấu thầu chương trình cải tiến tàu hộ vệ hạng nhẹ BRP Artemio Ricarto (PS-37) lớp Jacinto.
Trước đó, một cuộc đấu thầu vào tháng 11 năm 2014 đã thất bại. Ngân sách dành cho công tác cải tiến lần này được đưa ra là 5,56 triệu USD.
Tàu hộ vệ hạng nhẹ BRP Artemio Ricarto trước đây phục vụ trong Hải quân hoàng gia Anh. Tàu này có lượng giãn nước 775 tấn, bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 8 năm 1984, nó được chuyển giao và biên chế cho Hải quân Philippines vào tháng 8 năm 1997.
Theo tờ "Niên giám tàu chiến Jane's", trong cải tạo nâng cấp năm 2006, pháo cỡ 76 mm của tàu này đã tiến hành đại tu, cũng đã lắp bệ pháo cỡ 25 mm của hệ thống phòng thủ MSI. Nó cũng đã lắp radar tìm kiếm mặt nước BridgeMaster E và hệ thống điều khiển hỏa lực quang điện Radamec 1500 do Công ty tàu thủy Sperry sản xuất.
Được biết, công tác cải tiến lần này sẽ bao gồm sửa chữa đối với thân tàu, thiết bị điện và hệ thống giám sát.
Trước đó, cuối năm 2014, Philippines đã tuyên bố kế hoạch hiện đại hóa hải quân để tăng cường sức mạnh quân sự. Ngày 17 tháng 12 năm 2014, người phụ trách hệ thống vũ khí của Hải quân Philippines, Caesar Taccad còn cho biết, Philippines dự định mua 2 tàu hộ vệ, 2 máy bay trực thăng và 3 tàu pháo để triển khai ở Biển Đông.
Tháng 4 năm 2014, Philippines cũng đã ký kết “Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường” với Mỹ, muốn dựa vào sự can thiệp quân sự của Mỹ để ngăn chặn Trung Quốc.
Trung Quốc đang xây đảo nhân tạo phi pháp ở đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam |
Bắc Kinh xây đảo nhân tạo không phải vì hòa bình?
Liên quan vấn đề Biển Đông, gần đây, Philippines đã tiếp tục tiến hành phê phán đối với việc Trung Quốc tiến hành lấn biển xây đảo bất hợp pháp ở Biển Đông (những đá ngầm đang được “đảo hóa” này thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Theo VOA Mỹ, Trung Quốc bắt đầu hoạt động lấn biển xây đảo từ tháng 8 năm 2014, đã gây lo ngại và phản đối từ Philippines.
Gần đây, Tổng tham mưu trưởng Quân đội Philippines, tướng Gregorio Catapang cho rằng, Trung Quốc đã hoàn thành một nửa công trình ở khu vực này, “điều này có thể được sử dụng cho mục đích ngoài hòa bình, cần cảnh giác”.
Trước tuyên bố không e ngại này, Bắc Kinh vẫn phản ứng với tính chất bành trướng thường thấy, vẫn ngang nhiên coi những đá ngầm đã xâm chiếm của Việt Nam như là “đất tổ tông để lại”, cho rằng: “Hoạt động của Trung Quốc ở các đảo đá quần đảo Trường Sa là việc trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc”.
Báo Trung Quốc dẫn lời chuyên gia an ninh cho rằng, Trung Quốc xây dựng đường băng sân bay ở khu vực này sẽ “làm thay đổi rất lớn tình hình an ninh của Biển Đông”, Philippines lo ngại đá ngầm này có thể biến thành “căn cứ chỉ huy”, làm bàn đạp để máy bay Trung Quốc áp sát Philippines trong tương lai, đồng thời trở thành cơ sở hậu cần cho tàu thuyền, tàu cá Trung Quốc.
Phương án mở rộng đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên mạng sina Trung Quốc |
Theo báo Trung Quốc, Mỹ trước đây từng kêu gọi Trung Quốc dừng hoạt động xây dựng đảo nhân tạo bất hợp pháp này, giải quyết tranh chấp bằng luật pháp quốc tế…, nhưng Trung Quốc phản ứng, cho rằng lời kêu gọi của Mỹ là “vô trách nhiệm”.
Tờ “Jane's Defense Weekly” Anh tháng 11 năm 2014 đã công bố hình ảnh vệ tinh hoạt động lấn biển xây đảo bất hợp pháp của Trung Quốc ở đá Chữ Thập. Đất được bồi đắp ở đá ngầm này dài 3.000 m, rộng gần 300 m, đủ để xây dựng một đường băng sân bay. Trung Quốc cũng đã bồi đắp phi pháp ở đá Gạc Ma, đá Châu Viên và đá Tư Nghĩa (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), nhưng quy mô của chúng không đủ để xây dựng một đường băng sân bay.
Có nhà phân tích cho rằng, những hành động này của Trung Quốc là một phần của chiến lược lớn hơn, đó là thông qua lấn biển xây đảo để tăng cường tuyên bố chủ quyền về mặt pháp lý đối với “vùng biển tranh chấp”. Tuy nhiên, một lần nữa khẳng định rằng, đã là hành động xâm lược thì biển đảo chiếm được cũng không thể áp đặt chủ quyền lên được, luật pháp quốc tế không cho phép làm điều đó.
Hình ảnh đá Tư Nghĩa thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên mạng quân sự sina Trung Quốc ngày 15 tháng 10 năm 2014 |