Trường Cao đẳng Hải Dương thường được chọn làm nơi tập huấn cho công tác chuyên môn của giáo viên trong tỉnh.
Đến đây, các thầy cô rất ngạc nhiên vì cách trang trí hàng rào bằng ảnh các danh nhân mà phần lớn là những anh hùng dân tộc.
Kể chuyện ra, nhiều người cho biết là họ cũng thấy lạ lẫm từ lâu mỗi khi đến đây, nhưng chưa có dịp để nói.
Trường thực hành trong Trường Cao đẳng Hải Dương. (Ảnh tác giả cung cấp) |
Lạ lẫm với kiểu hàng rào đặc biệt
Trường Cao đẳng Hải Dương trước đây là Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương. Trong đó, có một trường thực hành mang tên Trường Trung học cơ sở Chu Văn An.
Bước qua cổng ngôi trường thực hành này, khách được đứng trên một khoảnh sân mỗi chiều chừng vài chục mét. Khoảnh sân chật hẹp này được bưng kín bằng một loại hàng rào đặc biệt.
Đó là hàng rào gồm các tấm hình lớn ghép lại để giới thiệu tên tuổi các danh nhân của dân tộc và nước ngoài.
Có lẽ bức bình phong này được thiết kế với ý đồ khu biệt trường thực hành với xung quanh và cũng là để cung cấp thêm cho học sinh những tên tuổi lớn cần nhớ.
Việc làm này có lẽ một công đôi việc, vừa là rào chắn cho các cháu đỡ chạy ra ngoài sân to chơi ầm ĩ, vừa để giáo dục đạo đức học sinh. Tuy nhiên, đứng quan sát là thấy ngay những hình ảnh này được bố trí ở vị trí chưa phù hợp với mục đích.
Hầu như ai đến đây cũng thấy lạ lẫm, phân vân.
Hình ảnh danh nhân còn bị bảng tin che lấp. (Ảnh tác giả cung cấp) |
Ảnh các danh nhân giăng ra quây quanh sân: Đẹp mà không đẹp!
Sân trường không được rộng, một mặt sân tiếp giáp với cửa các lớp học. Ba mặt còn lại là ảnh các danh nhân bao bọc.
Mỗi tấm hình có diện tích khoảng ba mét vuông. Từ cổng vào là hình Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, người anh hùng đánh giặc Mông Nguyên.
Tiếp theo là hình danh nhân văn hóa, thi hào Nguyễn Trãi. Rồi đến hình cụ Chu Văn An, nhà giáo của mọi thời đại…
Phía bên kia sân là hình của nhiều nhà khoa học, nhà bác học trên các lĩnh vực khác nhau của thế giới,…
Có thể nói đẹp mà không đẹp ở nhiều lẽ.
Trước hết là những tấm hình này được gắn vào cái vị trí không trang trọng. Vị trí sân chơi với cảnh học sinh nô đùa có thế ném bóng, ném đồ vào những ảnh chân dung kia bất cứ lúc nào.
Thế rồi mỗi lần có khách đến, xe máy, xe đạp rất nhiều. Những chân dung đó như phải miễn cưỡng nhìn cảnh ngổn ngang xe cộ,… thật phản thẩm mĩ.
Và đây là ảnh chứ không phải là tượng. Là ảnh chân dung thì người ta ít trưng ra ngoài trời cho đày nắng đày mưa.
Điều này thuộc về nội tâm nhưng dễ hiểu nhất là nếu dãi nắng dầm mưa, những tấm hình đó rồi sẽ bạc màu, lúc đó rất xấu.
Mỗi khi có khách, xe cộ thật ngổn ngang trước các tấm hình danh nhân. (Ảnh tác giả cung cấp) |
Chân dung Giáo sư Ngô Bảo Châu không thể “đứng” cùng các danh nhân được!
Nói đến Giáo sư Ngô Bảo Châu thì ai cũng biết. Ông sinh năm 1972 và là một nhà khoa học nghiên cứu về Toán.
Tài năng của ông về Toán học là điều chúng ta phải thừa nhận. Tài năng đó đã vượt ra ngoài lãnh thổ và khuôn khổ một quốc gia.
Nhưng nếu nói về những đóng góp cho đất nước thì không thể xếp chân dung ông cùng hàng với Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh,… được.
Chẳng lẽ khi đặt bức chân dung Giáo sư Ngô Bảo Châu ở đây, những người thiết kế bức tường rào này lại không hình dung tới sự nhạy cảm trong suy nghĩ của bất kì ai đến tham quan nơi này.
Giáo sư Ngô Bảo Châu “đứng ngang” với các anh hùng dân tộc. (Ảnh tác giả cung cấp) |
Phải chăng, hình ảnh Giáo sư Ngô Bảo Châu mới chỉ ở mức độ là một tấm gương sáng về tinh thần học tập, nghiên cứu với kết quả đạt được là giải thưởng Fields.
Hình ảnh của ông trước mắt chúng ta nên trân trọng ở mức độ những chuyện kể, những lời giảng dạy cho học sinh thấy đó mà noi gương chứ chưa thể in ảnh đặt cùng với cụ Chu Văn An và các anh hùng dân tộc được.
Đề nghị Trường Cao Đẳng Hải Dương cho sửa lại hàng rào “danh nhân”
Trường Cao đẳng Hải Dương là nơi đào tạo giáo viên Tiểu học và Trung học cơ sở cho toàn tỉnh. Đây là môi trường giàu tính sư phạm. Mỗi việc làm, mỗi hình ảnh nơi đây cần thấm đẫm tính nhân văn và có ý nghĩa giáo dục sâu sắc.
Với hình ảnh bờ rào toàn danh nhân, Trường Cao đẳng Hải Dương đã tạo những chê trách không đáng có.
Việc thay đổi hình ảnh trên bờ rào nói trên là việc dễ làm. Mong lãnh đạo nhà trường nhanh chóng khắc phục để trả lại cho ngôi trường thực sự là cái nôi của sư phạm Hải Dương.