Trường chuyên đào tạo nhân lực chất lượng cao, xã hội hóa chứ không nên xóa

01/07/2020 06:06
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cùng một sứ mệnh trường chuyên nhưng lại được nhiều trường công và tư cùng làm thì rõ ràng nguồn nhân lực chất lượng cao của chúng ta ngày càng nhiều, càng mạnh.

Xung quanh cuộc tranh luận về vấn đề có nên dùng ngân sách nhà nước đầu tư vào hệ thống trường chuyên hay để khối tư thục làm, trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam, nhà giáo Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội, cho biết:

“Có rất nhiều Nghị quyết liên quan đến việc bồi dưỡng nhân lực, đào tạo nhân tài cho đất nước, hiền tài là nguyên khí quốc gia.

Điều này phải được hiểu sâu xa rằng nguồn nhân lực chất lượng cao, chứ không phải nguồn nhân lực đại trà.

Thực tế cho thấy rất nhiều học sinh học ở các trường chuyên trước đây cũng như hiện nay sau khi tốt nghiệp đã tham gia vào các ngành nghề sau đại học.

Những em này đang đóng góp hàm lượng chất xám đáng kể vào công cuộc đổi mới đất nước, có thể nhìn thấy rất nhiều gương điển hình đã có ảnh hưởng và có đóng góp vừa trực tiếp, vừa gián tiếp cho nhiều thế hệ học sinh noi theo.

Quan điểm liên quan đến việc sử dụng cơ sở vật chất của công để phục vụ số lượng ít, trường chuyên để phục vụ con nhà giàu… đó là cách hiểu chưa thấu đáo”.

Nhà giáo Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Tùng Dương.Nhà giáo Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Tùng Dương.

Theo thầy Cường: “Với những em học sinh có năng khiếu thì cần có hệ thống chuyên này bồi dưỡng, và những tố chất nổi trội đó lại càng cần có hệ thống trường chuyên, trường chất lượng cao đủ điều kiện để đào tạo.

Những tố chất kia lại gặp điều kiện thuận lợi như cơ sở vật chất tốt, giáo viên tốt và quan trọng hơn cả là định hướng rất rõ ràng thì chắc chắn những học sinh đó có cơ hội phát triển khả năng của mình.

Trong nhiều năm qua những giải quốc tế đã đem lại tầm ảnh hưởng của Việt Nam trên trường quốc tế thì hầu hết là học sinh trường chuyên.

Khi thế giới nhắc đến các nhà khoa học nổi tiếng của Việt Nam thì hầu hết là học trường chuyên.

Ngay cả những em học sinh sau khi học trường chuyên rồi đi du học, thậm chí là không quay về nước làm việc nhưng đó cũng là một cách quảng bá chúng ta với thế giới.

Mỗi em đó ở nước ngoài như là một kênh quảng bá cho Việt Nam, nhiều nước chưa hề biết đến chúng ta nhưng qua em học sinh đó thì họ hiểu về đất nước Việt Nam nhiều hơn.

Vậy nên không chỉ có những em quay về nước mới là tốt, thậm chí các em định cư ở nước ngoài cũng sẽ đem lại được tầm ảnh hưởng của Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Có thể ai đó có quan điểm về vấn đề đào tạo thì đó là một câu chuyện khác, trong một hệ thống giáo dục quốc dân và ai cũng có quyền được đào tạo, học tập.

Tuy nhiên sự sắp xếp, quy hoạch mạng lưới trường lớp vẫn đảm bảo được phổ cập giáo dục theo đúng chiến lược, khi đào tạo đại trà đã hoàn thành sứ mệnh đề ra thì chúng ta phải nghĩ đến việc đào tạo cao hơn.

Cá nhân tôi rất ủng hộ trường chuyên và điều đó đã được chứng minh là vai trò và sứ mệnh của hệ thống này rất tuyệt vời”.

Nhân lực chất lượng cao

Thầy Cường chia sẻ: “Có thể nói hàm lượng chất xám, nhân lực mũi nhọn cho các ngành nghề đã và đang thay đổi cách suy nghĩ của thế giới về đất nước Việt Nam.

Trước đây nhắc đến Việt Nam thì thường là nguồn nhân lực dồi dào và rất rẻ, tại sao họ có nhận định như vậy?

Trong khi hiện nay chúng ta đang dần tiến tới đào tạo nhân lực bậc cao, chất lượng cao có trí tuệ thì chính là nhờ hệ thống trường chuyên này.

Từ đây các em sẽ được phát triển thế mạnh, thăng hoa thành những mũi nhọn trong công cuộc phát triển đất nước, nhất là trong giai đoạn 4.0 hiện nay thì đây là lực lượng cực kì cần thiết.

Vẫn đề cho rằng trường chuyên học lệch? Đây là câu chuyện đang diễn ra và theo tôi đây là cái lệch trong dung sai cho phép.

Không phải là bỏ hoàn toàn các môn, nếu như anh vào trường và chỉ học một môn Toán hoặc một môn nào đó thôi thì câu chuyện hoàn toàn khác.

Nhưng rõ ràng sứ mệnh của các trường chuyên hiện nay đã có sự đổi mới, đào tạo được một ngưỡng nhất định về mặt phổ cập kiến thức kĩ năng các môn mở rộng.

Còn đối với các môn chuyên thì được tăng thời gian học và chú trọng hơn. Vào các trường chuyên và nhìn vào các hoạt động của họ thì sẽ thấy học sinh ở đây không chỉ có những môn chuyên mà họ theo đuổi.

Ngoài ra kiến thức các môn và kĩ năng mềm rất tốt, thực tế những năm gần đây khi mạng xã hội phát triển thì chúng ta mới có cơ hội biết được nhiều hoạt động của trường chuyên.

Còn từ trước các hoạt động này vẫn phát triển mạnh nhưng hầu như mọi người không biết đến.

Nói công bằng thì những hoạt động đó rất tích cực, mang lại nhiều cách nhìn mới cho học sinh, cách ứng xử tốt hơn trong cùng một sự việc.

Chỉ cần bồi dưỡng một chút là các em trường chuyên đã có thể tổ chức tốt các hoạt động hội nhập.

Vài năm gần đây thì các em học sinh trường chuyên đã liên kết tham gia các dự án cộng đồng và mang lại những ý nghĩa cho xã hội.

Đôi khi sự xuất hiện của học sinh trường chuyên tại vài trường không chuyên cũng đã đem lại những động lực cho các em học sinh noi theo, phấn đấu, phần nào đó cũng giúp các em hình thành nhân cách”.

Học sinh Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội tại lễ báo cáo thành tích học tập 6/2020 tại Văn miếu Quốc Tử Giám. Ảnh: Nhà trường cung cấp.Học sinh Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội tại lễ báo cáo thành tích học tập 6/2020 tại Văn miếu Quốc Tử Giám. Ảnh: Nhà trường cung cấp.

Có nên xã hội hóa trường chuyên?

Thầy Cường nói: “Đó cũng là một ý tưởng không tồi nhưng chúng ta nên làm theo từng bước, thực tế xã hội hóa giáo dục hiện nay nếu làm tốt thì sẽ rất tuyệt vời.

Từ đó giáo dục có thêm được nguồn đầu tư về cơ sở vật chất, về con người và còn nhiều hoạt động khác mà ngân sách nhà nước chưa thể đáp ứng đủ.

Tuy nhiên là với mỗi tỉnh thành thì cũng nên giữ những trường chuyên trong hệ thông công lập để định hướng, cũng như tham gia vào các chính sách phát triển giáo dục của tỉnh đó.

Nếu chúng ta đưa vào xã hội hóa hết thì có thể ở một khâu nào đó sẽ có bất cập nhất định, ví dụ như học phí sẽ cao.

Vì thế phải giữ nhịp, từng bước để những em giỏi thực sự nhưng kinh tế khó khăn vẫn có thể theo học được.

Ở trường Trung học cơ sở Thái thịnh này thì chúng tôi vẫn thường nhắc nhở học sinh rằng: Con đường ngắn nhất đến thành công cho mình và gia đình tiến lên là con đường học tập.

Mọi người thường hỏi làm thế nào để thay đổi cuộc sống thì tôi cho rằng chỉ có học tập là con đường ngắn nhất.

Thực tế hiện nay thì hệ thống giáo dục tư thục họ cũng đã có hướng phát triển của mỗi nhà trường, và tiến tới có phát triển hệ thống chuyên hay không là phụ thuộc vào chính trường đó”.

Thầy Cường nhấn mạnh: “Nhà nước rất cần khuyến khích họ vì hệ thống giáo dục công lập hiện nay nhiều nơi vẫn còn khó khăn, ngân sách không đáp ứng đủ về cơ sở vật chất, chính sách ưu đãi với giáo viên…

Vậy nên hệ thống tư thục làm được việc này thì quá tuyệt vời, một sứ mệnh trường chuyên nhưng lại được nhiều trường công và tư cùng làm thì rõ ràng nguồn nhân lực chất lượng cao của chúng ta ngày càng nhiều, càng mạnh”.

Tùng Dương