Trường Đại học Trà Vinh: Đào tạo 7/7 khối ngành, nguồn thu từ NCKH chưa đạt 2%

26/09/2024 06:16
Quỳnh Giao
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo báo cáo 3 công khai năm học 2022-2023 và năm học 2023-2024, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học của trường chiếm tỷ trọng rất thấp trong cơ cấu nguồn thu.

Trường Đại học Trà Vinh được hình thành và phát triển từ Trường Cao đẳng Cộng đồng Trà Vinh. Sau 5 năm triển khai thành công Dự án Cao đẳng Cộng đồng Việt Nam - Canada do Chính phủ Canada và Chính phủ Việt Nam đồng tài trợ, cùng với nhu cầu cấp thiết về phát triển giáo dục và đào tạo của tỉnh nhà cũng như nhu cầu về nguồn nhân lực thực hiện chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước, Trường Đại học Trà Vinh được chính thức thành lập theo Quyết định 141/QĐ/2006-TTg ngày 19/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo thông tin đăng tải trên website, sứ mệnh của trường là đào tạo đa ngành, đa cấp, liên thông, đáp ứng đa dạng nhu cầu của người học; nghiên cứu khoa học; phát triển ứng dụng, chuyển giao công nghệ, phục vụ xã hội; góp phần quan trọng làm tăng cơ hội việc làm, thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước.

Hiện, Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tiết Khánh là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch hội đồng trường; Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Minh Hòa là Phó Bí thư Đảng ủy, hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh.

Quy mô đào tạo trình độ thạc sĩ giảm, chính quy tăng

Theo báo cáo 3 công khai hai năm học 2022-2023 và năm học 2023-2024 có thể thấy quy mô đào tạo của nhà trường có xu hướng tăng ở trình độ tiến sĩ, đại học chính quy và đại học hệ vừa học vừa làm. Trong khi đó, quy mô đào tạo trình độ thạc sĩ lại giảm.

unnamed (17).png
Quy mô đào tạo 2 năm gần nhất của Trường Đại học Trà Vinh.

Căn cứ vào bảng số liệu trên có thể thấy, quy mô đào tạo tiến sĩ của nhà trường tăng. Cụ thể, năm học 2022-2023 nhà trường có 81 nghiên cứu sinh. Năm học 2023-2024, số nghiên cứu sinh tăng lên 108 người (tăng 27 người, tương đương 33,3%).

Trong khi đó, ở trình độ thạc sĩ năm học 2022-2023, nhà trường có 1573 học viên, nhưng đến năm học 2023-2024 chỉ còn 1318 học viên (giảm 255 học viên, tương đương giảm 16,2%).

Với trình độ đại học chính quy, năm học 2023-2024 nhà trường có 9820 sinh viên (tăng 630 sinh viên so với năm học 2022-2023, tương đương tăng 6,9%). Quy mô hệ vừa học vừa làm trình độ đại học cũng tăng, cụ thể năm học 2023-2024, nhà trường có 1525 sinh viên (tăng 244 sinh viên so với năm học 2022-2023, tương đương tăng 19%).

Lý giải về việc quy mô đào tạo thạc sĩ giảm, đại diện Trường Đại học Trà Vinh thông tin với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam: Quy mô đào tạo trình độ thạc sĩ của trường giảm trong những năm gần đây do một số nguyên nhân như:

Số trường đại học, viện trong nước đào tạo trình độ thạc sĩ ngày càng tăng. Người học có nhiều cơ hội chọn trường để học hơn cách đây khoảng 10 năm.

Các ngành đào tạo trình độ thạc sĩ như Kỹ thuật điện, xây dựng, thú y… ít người học hơn các ngành Quản trị kinh doanh, Luật, Quản lý kinh tế,…

Các chương trình đào tạo liên kết sau đại học do các trường nước ngoài cấp bằng tổ chức tại Việt Nam ngày càng nhiều.

Các chương trình học bổng sau đại học của các trường đại học, viện, tổ chức chính phủ,… ở nước ngoài có điều kiện và chính sách thu hút, hấp dẫn.

Người có trình độ đại học, đi làm tại những cơ quan, đơn vị không bắt buộc phải có bằng thạc sĩ, không có đam mê nghiên cứu sẽ không có động cơ tham gia học tập ở trình độ thạc sĩ.

Thị trường lao động, doanh nghiệp, công ty tuyển dụng người có bằng đại học, bằng nghề nhiều hơn tuyển dụng ở trình độ sau đại học.

Cũng theo báo cáo 3 công khai năm học 2022-2023 và năm học 2023-2024, số lượng giảng viên của trường có xu hướng tăng. Theo đó, nhà trường tăng số lượng giảng viên tiến sĩ và thạc sĩ, tuy nhiên số lượng phó giáo sư lại giảm.

unnamed (18).png
Số lượng giảng viên 2 năm học gần nhất của Trường Đại học Trà Vinh.

Năm học 2023-2024, Trường Đại học Trà Vinh có tất cả 1179 giảng viên cơ hữu (tăng 177 giảng viên, tương đương 17,7%) tuy nhiên lại giảm 4 phó giáo sư so với năm học 2022-2023 (tương đương giảm 12,5%).

Đối với giảng viên trình độ tiến sĩ, năm học 2023-2024 nhà trường tăng 131 giảng viên so với năm học liền kề trước đó (tương đương tăng 52,6%).

Đối với giảng viên trình độ thạc sĩ, năm học 2023-2024 nhà trường tăng 194 giảng viên so với năm học liền kề trước đó (tương đương tăng 38,6%).

Đáng chú ý, tỷ lệ giảng viên cử nhân giảm mạnh. Nếu như năm 2022-2023, nhà trường có 215 giảng viên trình độ cử nhân thì năm 2023-2024 chỉ còn 73 người (giảm 142 giảng viên, tương đương 66%).

Chia sẻ về vấn đề này, đại diện nhà trường cho hay: Nhà trường luôn có những chính sách thu hút người mới, giữ chân giảng viên, viên chức đang công tác, giảng dạy tại trường. Nhất là đối với giảng viên có trình độ tiến sĩ, chức danh phó giáo sư hay giáo sư. Tuy nhiên, trong năm vừa qua cũng có một số ít giảng viên chuyển đơn vị công tác về gần với gia đình, do sức khoẻ cá nhân, hết tuổi làm việc… Vì thế, số lượng giảng viên trình độ cao giảm.

Nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chiếm tỷ trọng rất thấp

Theo báo cáo 3 công khai năm học 2022-2023, tổng thu năm 2022 của trường là 747.875 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách là 18.017 tỷ đồng (chiếm 2,4%); thu từ học phí là 707.404 tỷ đồng (chiếm 94,6%); thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là 3.646 tỷ đồng (chiếm 0,5%); từ nguồn thu hợp pháp khác là 18.808 tỷ đồng (chiếm 2,5%).

Tổng thu năm 2023 của trường theo báo cáo 3 công khai năm học 2023-2024 là 835,8 tỷ đồng. Trong đó, nguồn từ ngân sách là 14,8 tỷ đồng (chiếm 1,8%); thu từ học phí là 788 tỷ; đồng (chiếm 94,3%); thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ là 14 tỷ đồng (chiếm 1,7%); từ nguồn thu hợp pháp khác là 19 tỷ đồng (chiếm 2,2%).

Căn cứ vào Tiêu chuẩn 6 “Nghiên cứu và đổi mới sáng tạo” Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học quy định: “Tỷ trọng thu từ các hoạt động khoa học và công nghệ trên tổng thu của cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ (có tính trọng số theo lĩnh vực), tính trung bình trong 3 năm gần nhất không thấp hơn 5%”.

Như vậy, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Trường Đại học Trà Vinh chiếm tỷ trọng thấp hơn khá nhiều so với yêu cầu của Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT.

Chia sẻ về vấn đề này, đại diện nhà trường cho hay: "Trong vài năm gần đây, nhà trường không ngừng đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Nguồn thu từ hoạt động này khá thấp, năm 2023 có tăng nhưng khá khiêm tốn. Đến năm 2025, thực hiện báo cáo theo Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì việc đạt được con số 5% nguồn thu đến từ nghiên cứu khoa học của nhà trường là khó khả thi.

Con số này là một áp lực cho tập thể Trường Đại học Trà Vinh. Tuy nhiên, nhà trường đã và đang triển khai thực hiện nhiều kế hoạch, dự án biến áp lực thành động lực phấn đấu, kiên trì để nguồn thu trên 5% từ nghiên cứu khoa học cho những năm tiếp theo".

Chia sẻ thêm về một số đề tài nghiên cứu khoa học của trường, vị này thông tin: "Nhà trường cũng đấu thầu một số đề tài cấp Bộ hoặc cấp tỉnh. Hiện tại, nhà trường đã nghiên cứu, sản xuất và đã thương mại hóa một số sản phẩm. Có thể kể đến sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo. Sản phẩm này đã được kiểm nghiệm bởi trung tâm kiểm nghiệm của Bộ Y tế cho hàm lượng dinh dưỡng rất tốt.

Hay một sản phẩm khác rất nổi tiếng ở Trà Vinh cũng đã được chúng tôi nghiên cứu là dừa sáp. Trước đây dừa sáp chỉ có người dân trồng, năng suất và chất lượng chưa cao, chỉ có một số hộ dân trồng dừa, và trong số dừa đó thì chỉ có một số quả ra sáp. Nhưng khi Trường Đại học Trà Vinh nuôi cấy phôi hoặc mô thì sản lượng dừa ra sáp đạt tới 89%. Hiện tại, nhà trường có một khu tương đối rộng trồng dừa sáp để thương mại hóa vừa bán cây giống vừa bán quả.

Nhà trường sẽ thương mại hóa sản phẩm thông qua doanh nghiệp trực thuộc trường và đảm bảo xin cấp phép đầy đủ theo quy định. Bên cạnh đó trường cũng có trại nuôi tôm, hay nghiên cứu quả quách ra một số sản phẩm liên quan".

IMG_1-2048x1365.jpg
Hoạt động nghiên cứu khoa học tại Trường Đại học Trà Vinh. (Ảnh: website nhà trường)

Tuy nhiên, đại diện nhà trường cũng chỉ ra một thực trạng hiện nay là các thủ tục để thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu tương đối phức tạp. Đây cũng là một khó khăn chung của nhiều cơ sở giáo dục đại học khiến các trường chưa thể gia tăng nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu.

"Bên cạnh đó, từ trước đến nay xã hội vẫn thường nhìn nhận trường đại học chỉ chủ yếu tập trung cho công tác đào tạo, còn hiện tại nếu chuyển sang một mô hình nữa là đi bán sản phẩm sẽ gặp khó khăn hơn vì không phải chuyên môn của nhiều trường. Nhà trường cũng cố gắng đưa sản phẩm vào các siêu thị hoặc mở một số đại lý… Chúng tôi kỳ vọng có thể đạt được nguồn thu cao hơn từ thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu trong thời gian sắp tới", đại diện nhà trường bày tỏ.

Khối ngành I: Khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên;

Khối ngành II: Nghệ thuật;

Khối ngành III: Kinh doanh và quản lý, Pháp luật;

Khối ngành IV: Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên;

Khối ngành V: Toán và thống kê, Máy tính và công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật, Kỹ thuật, Sản xuất và chế biến, Kiến trúc và Xây dựng, Nông lâm và thủy sản, Thú y;

Khối ngành VI: Sức khỏe;

Khối ngành VII: Nhân văn, Khoa học xã hội và hành vi, Báo chí và thông tin, Dịch vụ xã hội, Khách sạn – du lịch – thể thao và dịch vụ cá nhân, Dịch vụ vận tải, Môi trường, An ninh quốc phòng.

Quỳnh Giao