Trường ĐH chỉ ra nhiều bất cập trong chính sách tín dụng đối với SV hiện nay

11/11/2023 06:39
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thực tế hiện nay cho thấy, nhiều sinh viên gặp khó khăn khi tiếp cận với chính sách tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên đã giúp hàng nghìn học sinh, sinh viên được vay vốn để phục vụ quá trình học tập.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số vướng mắc cục bộ như: thời gian làm thủ tục vay vốn lâu, rườm rà, mức vay thấp, thời hạn vay ngắn,... khiến sinh viên gặp khó khăn khi tiếp cận với chính sách tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Bàn về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Bùi Liên Hà – Trưởng phòng Công tác chính trị và sinh viên, Trường Đại học Ngoại thương cho biết, chính sách tín dụng cho sinh viên của Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm hỗ trợ các em hoàn cảnh khó khăn có tiền đóng học phí, mua dụng cụ, và các phương tiện phục vụ học tập.

Sinh viên Trường Đại học Ngoại thương. Ảnh nhà trường cung cấp.

Sinh viên Trường Đại học Ngoại thương. Ảnh nhà trường cung cấp.

Tuy nhiên, khi đánh giá về đối tượng được hỗ trợ vay vốn sinh viên của Ngân hàng Chính sách xã hội, cô Hà cho rằng còn có hạn chế nhất định.

"Hiện nay đối tượng được vay vốn chỉ gói gọn trong Điều 2 Quyết định 157/2007/QĐ-TTg Về tín dụng đối với học sinh, sinh viên và khoản 1 Điều 1 Quyết định 05/2022/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định 157/2007/QĐ-TTg.

Ở Trường Đại học Ngoại thương, trung bình 1 khóa học có khoảng 400 sinh viên thuộc các đối tượng được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội. Tuy nhiên, Phòng không thống kê số lượng bao nhiêu sinh viên đã và đang thực hiện vay.

Điều đáng nói là có những sinh viên của trường không thuộc đối tượng được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội nhưng thực tế lại có hoàn cảnh rất khó khăn và luôn mong muốn được tiếp cận với chính sách này”, cô Hà chia sẻ.

Nêu thực tế tại Trường Đại học Ngoại thương, cô Hà cho biết, với những sinh viên của trường không thuộc diện được vay vốn theo quy định sẽ được xem xét để nhận hỗ trợ của nhà trường. Đơn cử, đầu năm học 2023 – 2024, nhà trường có một sinh viên năm nhất bị mắc bệnh hiểm nghèo, bố mẹ em làm công chức nhà nước, chi phí phải trả để điều trị hàng tháng rất tốn kém. Sinh viên này đã làm đơn mong nhà trường hỗ trợ để giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình. Sau khi xem xét, nhà trường quyết định miễn học phí đối với sinh viên này trong năm học 2023-2024.

Liên quan đến việc giám sát thực hiện chính sách tín dụng cho sinh viên, cô Hà cho biết, Phòng Công tác chính trị và sinh viên chỉ thực hiện nhiệm vụ xác nhận sinh viên đang theo học tại trường có đủ điều kiện vay vốn theo quy định hay không, mức học phí mà sinh viên này phải đóng là bao nhiêu. Còn việc Ngân hàng Chính sách xã hội cho sinh viên vay bao nhiêu, vay như thế nào, sinh viên có vay được hay không thì Phòng không nắm rõ.

Theo cô Hà, từ trước đến nay, chưa có phản ánh nào của Ngân hàng Chính sách xã hội về việc sinh viên của trường vay vốn nhưng sau khi tốt nghiệp lại không trả nợ.

Dưới góc độ thực hiện nhiệm vụ của Phòng, cô Hà kiến nghị cần phải giám sát việc cấp giấy chứng nhận sinh viên thuộc diện chính sách đảm bảo yêu cầu đúng đối tượng, tránh trường hợp sinh viên cứ đi học đại học là xin được giấy xác nhận hộ nghèo, cận nghèo từ địa phương để có điều kiện thực hiện vay vốn.

Thêm nữa, mức cho vay dành cho sinh viên hiện nay thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của các em. Bởi, học phí cao, mọi chi phí cho việc học ngày càng trở nên đắt đỏ trong khi mức cho vay chỉ đáp ứng một phần nào đó.

Cùng chia sẻ với phóng viên về vấn đề này, Thạc sĩ Dương Đông Giang – cán bộ Phòng Công tác sinh viên và Tư vấn việc làm, Trường Đại học Hoà Bình cho biết, những sinh viên thuộc đối tượng được hỗ trợ vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ làm xác nhận theo mẫu chung của Ngân hàng Chính sách xã hội.

“Căn cứ vào mức thu học phí của trường và sinh hoạt phí theo vùng, Ngân hàng Chính sách xã hội quy định mức vay cụ thể. Hiện nay, sinh viên có mức vay tối đa là 4 triệu đồng/tháng. Các quy định về lãi suất hỗ trợ vay vốn sinh viên, thời hạn cho vay đều được xác định rõ. Vào đầu mỗi năm học hàng năm, trung bình nhà trường có khoảng 50-70 sinh viên thuộc đối tượng được vay vốn đến Phòng xin xác nhận”, thầy Giang chia sẻ.

Theo thầy Giang, khi sinh viên có nhu cầu vay vốn đều là những sinh viên đang trong giai đoạn khó khăn về tài chính. Do đó, đánh giá mức vay và lãi suất cho vay hiện tại, thầy Giang cho rằng, đối với sinh viên, mức vay cao, lãi suất thấp sẽ càng thuận lợi. Tuy nhiên, việc xác định lãi suất vay cũng phải phụ thuộc vào thị trường nên rất khó để kiến nghị điều chỉnh.

Khó khăn lớn nhất hiện nay đối với sinh viên và nhà trường là việc làm hồ sơ xét duyệt cho sinh viên được vay vốn. Bởi vì, có sinh viên không nắm được các quy định, quy chế nên khâu làm giấy tờ, hồ sơ gặp nhiều vướng mắc; hay một số hộ gia đình có nhu cầu vay để lo cho con ăn học nhưng không tiếp cận được với nguồn vốn do gặp vấn đề về thủ tục.

Thầy Giang cũng cho biết thêm, quy định về thời gian trả nợ theo Ngân hàng Chính sách xã hội được chia thành các kỳ hạn. Tuy nhiên, đối với sinh viên vay vốn cho khoảng 4 năm học đại học, thời hạn cho vay lúc này nên quy định là 3 năm sau khi tốt nghiệp. Bởi vì, 1 năm đầu tiên sau khi ra trường, sinh viên cần phải tìm kiếm việc làm, 2 năm tiếp theo tập trung vào công việc thì mới có tài chính để trả nợ ngân hàng.

Để chính sách tín dụng cho sinh viên của Ngân hàng Chính sách xã hội mở rộng đối tượng được vay vốn, theo thầy Giang, quỹ vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội dành cho sinh viên vay phải tăng lên.

Đồng thời, mong muốn của nhà trường, sinh viên và phụ huynh là phía Ngân hàng Chính sách xã hội cần tối ưu thủ tục làm hồ sơ, có hướng dẫn chi tiết, thống nhất, rõ ràng để gia đình sinh viên chuẩn bị hồ sơ được đầy đủ, nhanh chóng, dễ dàng và đơn giản.

Bên cạnh đó, trong báo cáo theo năm của Ngân hàng Chính sách xã hội cũng nên thống kê trong năm học vừa qua có bao nhiêu sinh viên của trường đã vay vốn để nhà trường nắm được. Điều này cũng góp phần giám sát việc thực hiện chính sách tín dụng cho sinh viên của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Theo quy định tại Điều 2 Quyết định 157/2007/QĐ-TTg và khoản 1 Điều 1 Quyết định 05/2022/QĐ-TTg, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn theo học tại các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp hoặc các cơ sở đào tạo nghề được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam là đối tượng được hỗ trợ vay vốn sinh viên. Cụ thể như sau:

Sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động.

Sinh viên là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng: Hộ nghèo theo chuẩn quy định của pháp luật; Hộ cận nghèo theo chuẩn quy định của pháp luật; Hộ có mức sống trung bình theo chuẩn quy định của pháp luật.

Sinh viên mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh trong thời gian theo học có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú.

Mức lãi suất hỗ trợ vay vốn sinh viên được quy định tại Điều 7 Quyết định 157/2007/QĐ-TTg và khoản 2 Điều 1 Quyết định 853/2011/QĐ-TTg như sau:

Lãi suất cho vay ưu đãi đối với sinh viên là 0,65%/tháng

Lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất khi cho vay

Ngọc Mai