Vì sao nhu cầu nhân lực lớn nhưng ngành Kỹ thuật môi trường vẫn khó tuyển sinh?

15/11/2023 06:39
Thảo Ly
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Công tác tuyển sinh ngành Kỹ thuật môi trường còn gặp nhiều khó khăn khi chưa nhận được sự quan tâm và hiểu rõ về ngành của phụ huynh, học sinh.

Ngành Kỹ thuật môi trường có vai trò quan trọng đối với xã hội hiện nay nhưng trong những năm gần đây, một số học sinh, phụ huynh có nhận định ngành học “khổ” nên công tác tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học gặp nhiều khó khăn.

Công tác tuyển sinh gặp khó do chưa nhận được sự quan tâm đúng mức

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nam - Trưởng Bộ môn Kỹ thuật môi trường (Khoa Môi trường, Trường Đại học Mỏ - Địa chất) cho biết, ngành này trang bị kiến thức về kỹ thuật môi trường, đào tạo các kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ có năng lực nghề nghiệp chuyên sâu, đáp ứng yêu cầu thực tế công việc về lĩnh vực môi trường.

“Với sự phát triển kinh tế, kỹ thuật, công nghiệp cũng như nhu cầu môi trường sống ngày càng tốt lên, đặt ra áp lực đối với môi trường không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Bởi vậy, đòi hỏi phải có đội ngũ cán bộ chuyên môn làm công tác xử lý môi trường”, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nam chia sẻ.

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nam - Trưởng Bộ môn Kỹ thuật môi trường (Khoa Môi trường, Trường Đại học Mỏ - Địa chất). Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nam - Trưởng Bộ môn Kỹ thuật môi trường (Khoa Môi trường, Trường Đại học Mỏ - Địa chất). Ảnh: NVCC

Đề cập đến công tác tuyển sinh của ngành, thầy Nam nói: “Trong những năm gần đây, tình hình tuyển sinh đại học của ngành Kỹ thuật môi trường nói riêng và khối ngành kỹ thuật nói chung đều gặp khó khăn hơn so với các ngành kinh tế, công nghệ thông tin, tự động hóa và quản lý,...

Tại Trường Đại học Mỏ - Địa chất, số lượng sinh viên đăng ký ngành này tăng không đáng kể, chưa đáp ứng được kỳ vọng. Trong khi đó, công tác tuyển sinh cao học và nghiên cứu sinh được thực hiện khá tốt.

Đặc thù là một trường đại học đa ngành, công tác tuyển sinh ngành học này luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban Giám hiệu và các đơn vị chuyên trách. Bên cạnh đó, Khoa kết hợp với trường tổ chức thực hiện tư vấn tuyển sinh tại các trường phổ thông, tư vấn tuyển sinh trực tuyến nhằm định hướng cho thí sinh hiểu về ngành học, chương trình đào tạo, cơ hội việc làm...”

Tuy nhiên, mỗi phương thức tuyển sinh mà Khoa và trường triển khai đều gặp những khó khăn nhất định trong quá trình thực hiện. Đối với công tác tư vấn tuyển sinh trực tiếp, Khoa và trường chưa tiếp cận hết các trường trung học phổ thông tiềm năng, chưa hệ thống được thông tin học sinh quan tâm sau chương trình tư vấn.

Lý giải nguyên nhân này, Tiến sĩ Hoàng Nam nói: “Hiện, học sinh có xu hướng sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông muốn đi xuất khẩu lao động, không lựa chọn học đại học, hoặc phần lớn các em muốn đăng ký vào các ngành kinh tế, quản lý và ít quan tâm đến khối ngành kỹ thuật trong đó có ngành Kỹ thuật môi trường với tâm lý "sợ" học vất vả. Đồng thời, do kinh phí dành cho công tác truyền thông tuyển sinh trực tiếp của trường còn nhiều hạn chế.

Bên cạnh đó, công tác tư vấn tuyển sinh trực tuyến chưa tích cực do trường thiếu nhân sự có chuyên môn kinh nghiệm trong việc xây dựng ý tưởng chiến dịch truyền thông, viết bài quảng cáo,...; việc chia sẻ lan tỏa thông tin trong nội bộ trường còn ít”.

Cũng là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực ngành Kỹ thuật môi trường, Khoa Môi trường, Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Đà Nẵng) đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật, công nghệ chất lượng cao và cung cấp các dịch vụ khoa học, công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và trên cả nước.

Sinh viên Khoa Môi trường (Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng) trải nghiệm học theo dự án thông qua các buổi tập huấn. Ảnh: website khoa.

Sinh viên Khoa Môi trường (Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng) trải nghiệm học theo dự án thông qua các buổi tập huấn. Ảnh: website khoa.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Huấn - Trưởng Khoa Môi trường, Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Đà Nẵng) nhận định: “Trong vài năm gần đây, không chỉ riêng Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Đà Nẵng) mà hầu hết các trường có đào tạo ngành này đều gặp khó khăn.

Tình hình tuyển sinh ngành học này của trường luôn gặp khó, thường chỉ đạt khoảng 50% - 80% chỉ tiêu được phê duyệt. Bởi, hiện nay, có nhiều trường đại học tư thục được thành lập, nhiều ngành học được mở thêm nên việc tuyển sinh của trường công gặp không ít khó khăn.

Bên cạnh đó, ngành Kỹ thuật môi trường là lĩnh vực chưa nhận được sự quan tâm đúng mực từ học sinh và phụ huynh so với các ngành học khác. Kể đến, năm 2019, do đào tạo theo mô hình chất lượng cao nên học phí ngành này tăng đáng kể, số thí sinh đăng ký lựa chọn ngành học này cũng rất ít. Các năm sau đó, số lượng thí sinh lựa chọn đăng ký ngành này cũng giảm đáng kể”.

Đổi mới chương trình đào tạo để thu hút sinh viên

Song song với công tác đào tạo cử nhân, Khoa Môi trường, Trường Đại học Bách Khoa (Đại học Đà Nẵng) thực hiện đào tạo kỹ sư ngành này, giúp sinh viên có thêm nhiều lựa chọn.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Huấn - Trưởng Khoa Môi trường (Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng). Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Nguyễn Đình Huấn - Trưởng Khoa Môi trường (Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Đà Nẵng). Ảnh: NVCC

Thầy Huấn thông tin: “Sinh viên có thể lựa chọn chương trình đào tạo cử nhân với 130 tín chỉ hoặc có thể lựa chọn học tiếp đạt tới 180 tín chỉ để lấy bằng kỹ sư, với kiến thức chuyên môn sâu, đáp ứng nhu cầu thực tế của xã hội.

Thêm vào đó, trong quá trình thực hiện kiểm định chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế, trường tiến hành lấy ý kiến của các bên liên quan như cựu sinh viên, doanh nghiệp, chuyên gia. Từ đó, đổi mới chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức, kĩ năng mềm, kỹ năng thực hành,... phù hợp để sinh viên sau khi ra trường có thể làm việc và đáp ứng được yêu cầu của công việc.

Đồng thời, trường cũng chú trọng đưa ra những chính sách học bổng hấp dẫn để người học có động lực học tập, thu hút nhiều sinh viên đăng ký ngành Kỹ thuật môi trường và nâng cao chất lượng đào tạo của ngành học này”.

Để điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế của xã hội Trường Đại học Mỏ - Địa chất sau thời gian đào tạo có sự đánh giá chất lượng, tìm hiểu nhu cầu, xu hướng của xã hội và thế giới áp dụng học phần công nghệ cao, thực tập doanh nghiệp,... vào chương trình đào tạo.

Chia sẻ về cơ hội việc làm của ngành, Tiến sĩ Nguyễn Đình Huấn nhận định, xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu về môi trường sống được nâng cao. Do vậy, những quy định về môi trường trong các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất ngày càng khắt khe hơn. Cơ hội việc làm đối với người học ngành Kỹ thuật Môi trường ngày càng rộng mở. Thị trường việc làm không chỉ giới hạn trong nước mà còn ở khu vực ASEAN và thế giới.

Trong khi đó, số lượng kỹ sư ngành này được đào tạo hàng năm trên cả nước thấp hơn nhiều so với nhu cầu thực tế. Do đó, công tác đào tạo nhân lực có chuyên môn về môi trường rất quan trọng đối với nước đang phát triển như Việt Nam. Tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm đạt khoảng 88% - 93%”.

Cùng chia sẻ về nội dung này, thầy Hoàng Nam nói: “Trong những năm gần đây, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm của ngành là 100%, trong đó, tỷ lệ sinh viên làm đúng ngành đào tạo chiếm khoảng trên 85%.

Sinh viên tốt nghiệp ngành này của trường không đủ đáp ứng về số lượng cho nhu cầu của thị trường hiện nay. Nhiều doanh nghiệp tham gia hội chợ việc làm tại Trường Đại học Mỏ - Địa chất để tìm kiếm nguồn nhân lực ngành Kỹ thuật môi trường, nhưng số lượng sinh viên tốt nghiệp không đủ cung cấp cho doanh nghiệp. Điều đó cho thấy, nhu cầu của thị trường lao động về ngành này hiện đang cao.

Thực tế, trên địa bàn tất cả các tỉnh, thành phố của cả nước đều có các phòng, ban Quản lý Tài nguyên và môi trường. Theo quy định về cơ cấu nhân sự, mỗi phòng, ban ở các xã, phường, thị trấn phải có ít nhất một cán bộ có chuyên môn về môi trường trình độ đại học hoặc cao đẳng ; ở các quận/huyện phải có ít nhất 2 cán bộ công nghệ kỹ thuật môi trường có trình độ đại học trở lên.

Tuy nhiên, do điều kiện về nguồn nhân lực ở thời điểm hiện tại chưa đáp ứng đủ nhu cầu nên hầu hết cán bộ tại các phòng Tài nguyên và môi trường đều phải kiêm nhiệm, rất ít người có chuyên môn về Kỹ thuật môi trường”.

Nói về định hướng thu hút sinh viên tham gia ngành học này, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nam nhấn mạnh: “Các trường đại học hiện nay phải cạnh tranh gay gắt trong vấn đề tuyển sinh cho năm học mới. Xuất phát từ nhu cầu tồn tại và phát triển của ngành, các trường đại học ngày càng quan tâm hơn đến sinh viên, học sinh trung học phổ thông; nhu cầu thực tế của thị trường; hướng phát triển của ngành để đổi mới chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội và hội nhập quốc tế.

Hiện, Khoa và Trường Đại học Mỏ - Địa chất đã có chính sách hỗ trợ cho sinh viên như giới thiệu việc làm cho sinh viên mới tốt nghiệp, tổ chức ngày hội việc làm, kết nối sinh viên tham gia thực tập, phỏng vấn tuyển dụng tại các công ty, doanh nghiệp và viện nghiên cứu”.

Thảo Ly