Trường ĐH khó thu hút và giữ chân giảng viên có trình độ ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc

14/11/2023 06:36
Nhật Lệ
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lý do được đại diện trường đại học nêu ra là do mức lương ngoài thị trường hoặc của một số trường đại học tư thục thường cao và hấp dẫn hơn. 

Ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc là ngành học chuyên nghiên cứu về phương pháp, kỹ năng giao tiếp, làm việc bằng tiếng Hàn. Ngoài ra, học ngành này sinh viên còn được cung cấp thêm kiến thức về văn hoá xã hội của đất nước Hàn Quốc để áp dụng vào công việc thực tiễn.

Nằm trong nhóm ngành ngôn ngữ, ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc những năm trở lại đây thu hút số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển rất đông. Nhất là khi Việt Nam và Hàn Quốc đẩy mạnh quan hệ hợp tác về thương mại và đầu tư, cơ hội việc làm của ngành này càng rộng mở hơn.

Điểm chuẩn cao vẫn thu hút sinh viên

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Thị Lan Anh, Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng cho biết quy mô đào tạo ngành này của trường dao động từ hơn 100-134 sinh viên.

Cụ thể, năm học 2019-2020 trường mở 3 lớp với 104 sinh viên. Năm học 2020-2021, trường có 4 lớp với 126 sinh viên.

Năm học 2021-2022, trường có 3 lớp với 104 sinh viên. Năm học 2022-2023, nhà trường mở 4 lớp với 134 sinh viên.

Cô Trần Thị Lan Anh - đại diện khoa nhận giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc. (Ảnh: NVCC)

Cô Trần Thị Lan Anh - đại diện khoa nhận giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc. (Ảnh: NVCC)

Điểm chuẩn các năm dao động từ 25-28 điểm với thang điểm 30. Để tốt nghiệp ngành này ngoài những quy định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sinh viên cần đạt chứng chỉ năng lực giao tiếp tiếng Hàn (TOPIK cấp 5/6).

Học phí của ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc tại Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng là hơn 200.000 đồng/tín chỉ. Chương trình đào tạo 4 năm học gồm 140 tín chỉ, tương đương gần 30 triệu đồng.

Cũng theo cô Lan Anh, nhà trường và khoa rất chú trọng đầu tư cơ sở vật chất phục vụ hoạt động đào tạo. Riêng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc có riêng một phòng tư liệu tiếng Hàn với 2.000 đầu sách ở tất cả lĩnh vực: truyện tranh, tiểu thuyết, sách lịch sử, văn học, địa lý, pháp luật, nghệ thuật...

Phòng tư liệu tiếng Hàn tại Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Phòng tư liệu tiếng Hàn tại Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Ngoài ra, nhà trường còn trang bị tivi thông minh, tủ Hanbok, 1 phòng dự án Sejong, phòng không gian Hàn Quốc (Korea Corner) dành cho sinh viên tìm hiểu chuyên sâu về văn hóa Hàn Quốc.

Về đội ngũ giảng viên, khoa có 3 tiến sĩ đào tạo tại Hàn Quốc, 2 nghiên cứu sinh tiến sĩ, 10 thạc sĩ đào tạo tại Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, khoa cũng nhận được tài trợ cơ sở vật chất từ Tổ chức KOICA, Đại sứ quán Hàn Quốc, Lãnh sự quán Hàn Quốc, Quỹ giao lưu quốc tế KF Hàn Quốc. Có nguồn học bổng cho sinh viên thường xuyên từ KF-Samsung (5.000 USD/ năm), Lotte (5.000 USD/ năm).

Quan hệ hợp tác quốc tế phát triển mạnh mẽ giúp khoa có thể cử sinh viên giao lưu với các trường đại học, doanh nghiệp của Hàn Quốc để nâng cao chất lượng đào tạo. Có mạng lưới đa quốc gia về đào tạo tiếng Hàn tạo thuận lợi cho việc thực hiện các dự án liên quan đến học tập, nghiên cứu của khoa.

Đặc biệt, chương trình đào tạo Ngôn ngữ Hàn Quốc của trường đã được kiểm định chất lượng.

Cũng là một cơ sở đào tạo ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc, Tiến sĩ Phạm Thị Ngọc, Trưởng khoa Ngôn ngữ Hàn Quốc, Trường Đại học Hà Nội cho biết, nhà trường đào tạo ngành này ở 2 hệ: đại trà và chất lượng cao.

Năm học 2022-2023, trường có 114 sinh viên trúng tuyển nhập học ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc hệ đại trà (điểm chuẩn 36,42 điểm); 145 sinh viên nhập học hệ chất lượng cao (điểm chuẩn 34,73 điểm)

Năm học 2023-2024, nhà trường có 74 sinh viên ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc trúng tuyển hệ đại trà (điểm chuẩn 36,15 điểm); 109 sinh viên chất lượng cao (điểm chuẩn 34,73 điểm).

Mức học phí năm học 2022-2023 của trường đối với ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc hệ đại trà là 650.000 đồng/ tín chỉ (toàn khóa 154 tín chỉ, tương đương 100 triệu đồng). Ở hệ chất lượng cao, mức học phí là 1.060.000 đồng/ tín chỉ (toàn khóa 163 tín chỉ, tương đương hơn 172 triệu đồng).

Tiến sĩ Phạm Thị Ngọc, Trưởng khoa Ngôn ngữ Hàn Quốc, Trường Đại học Hà Nội cùng sinh viên trong cuộc thi nói Cúp Đại sứ. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Tiến sĩ Phạm Thị Ngọc, Trưởng khoa Ngôn ngữ Hàn Quốc, Trường Đại học Hà Nội cùng sinh viên trong cuộc thi nói Cúp Đại sứ. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Cô Ngọc cũng cho biết thêm tại Trường Đại học Hà Nội khi học Ngôn ngữ Hàn Quốc sinh viên được thực hành giao tiếp để luyện thuần thục các kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết.

Sinh viên đi thực tập, kiến tập ở các công ty Hàn Quốc được tiếp cận với môi trường làm việc tại doanh nghiệp; Cách giao tiếp với lãnh đạo các phòng ban và lãnh đạo công ty người Hàn Quốc; Xử lý văn bản, giấy tờ hành chính và dịch từ tiếng Việt sang tiếng Hàn cũng như từ tiếng Hàn sang tiếng Việt; Thực hành phiên dịch trực tiếp các cuộc họp và làm việc cho lãnh đạo người Hàn Quốc tại công ty.

Đội ngũ giảng viên của khoa phần lớn được đào tạo và học tập cao học, nghiên cứu sinh từ Hàn Quốc trở về. Khoa cũng phối hợp với đoàn, hội sinh viên tổ chức nhiều hoạt động tìm hiểu về văn hóa và ngôn ngữ Hàn Quốc như: Tuần lễ văn hóa Hàn Quốc; ngày hội tiếng Hàn (Hangeulnal); Rung chuông vàng,...

Sinh viên Trường Đại học Hà Nội nhận học bổng của doanh nghiệp Hàn Quốc. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Sinh viên Trường Đại học Hà Nội nhận học bổng của doanh nghiệp Hàn Quốc. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Sinh viên có nhiều cơ hội học tập, nhận học bổng học tại nhiều trường đối tác ở Hàn Quốc.

Chia sẻ về các hoạt động thực hành của sinh viên khi học ngành Ngôn ngữ Hàn Quốc tại Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng, cô Lan Anh cho hay: Nhà trường có rất nhiều hoạt động thực hành cho sinh viên như:

Các dự án dịch thuật, văn học, dự án thiện nguyện được liên kết giữa khoa và các tổ chức, đoàn thể ở Hàn Quốc.

Các công tác phục vụ cộng đồng về giảng dạy tiếng Hàn, y tế… tại các địa phương ở miền Trung cùng với doanh nghiệp Hàn Quốc.

Tham gia giờ giảng online, e-school do các giáo sư của các trường đại học ở Hàn Quốc đảm nhận.

Tham gia các giờ giảng đặc biệt về chuyên ngành như: Biên phiên dịch, ngôn ngữ, văn hóa, kỹ năng giao tiếp liên văn hóa, bản quyền…

Tham gia các dự án và hỗ trợ các hoạt động kinh tế, xã hội, văn hóa, phim ảnh, ẩm thực… do lãnh sự quán Hàn Quốc phối hợp với Trường Đại học Ngoại ngữ tổ chức.

Tham gia Hội thảo, Seminar cùng với giảng viên của nhà trường.

Tham gia giao lưu trực tiếp với đoàn sinh viên Đại học Kookmin, Hàn Quốc hàng năm về lĩnh vực Quản trị kinh doanh, Marketing.

Tham gia và trình diễn nghệ thuật Samulnori trong Câu lạc bộ Samulnori do khoa quản lý.

Sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng đoạt giải cuộc thi nói tiếng Hàn miền Trung do Lãnh sự Quán Hàn Quốc tổ chức. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Sinh viên Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng đoạt giải cuộc thi nói tiếng Hàn miền Trung do Lãnh sự Quán Hàn Quốc tổ chức. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Sinh viên mới ra trường thu nhập 10-15 triệu đồng/tháng

Theo Trưởng khoa Ngôn ngữ Hàn Quốc, Trường Đại học Hà Nội, với sinh viên học Ngôn ngữ Hàn Quốc tại trường chủ yếu làm việc tại các doanh nghiệp sản xuất ở các khu công nghiệp như: Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nam…

Một số sinh viên làm việc tại các văn phòng đại diện công ty, tập đoàn Hàn Quốc tại Hà Nội. Một bộ phận khác làm phiên dịch tự do. Mức lương trung bình dao động từ 10-15 triệu đồng/ tháng đối với sinh viên mới ra trường.

Các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đánh giá cao sinh viên của khoa với chất lượng đầu ra đáp ứng đầy đủ các nhu cầu tuyển dụng nhân sự.

Trong khi đó, Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng cho hay nhà trường đào tạo cử nhân ngôn ngữ Hàn Quốc định hướng biên phiên dịch và định hướng du lịch.

“Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành này sẽ làm việc ở các mảng: Biên phiên dịch, giáo viên tiếng Hàn (sau khi bổ sung chứng chỉ sư phạm); Biên tập viên; Thư ký và nhân sự; Hướng dẫn viên du lịch; Nhà hàng khách sạn; Cơ quan ngoại giao; Tổ chức hợp tác quốc tế…”, cô Lan Anh nhấn mạnh.

Cũng theo cô Lan Anh mức lương của ngành này thuộc mức tương đối cao so với thị trường. Cụ thể, sinh viên có thể làm việc tại các tập đoàn của Hàn Quốc, mức lương cơ bản 12-15 triệu đồng/ tháng. Nếu có TOPIK cấp 4 lương tăng thêm 4.500.000 đồng/ tháng; Có TOPIK cấp 5 lương tăng thêm 5.500.000 đồng/ tháng; Có TOPIK cấp 6 lương tăng thêm 6.500.000 đồng/ tháng.

Giảng viên và sinh viên khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc, Trường Đại học Ngoại ngữ tham dự Lễ Quốc khánh Hàn Quốc tại Lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Giảng viên và sinh viên khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc, Trường Đại học Ngoại ngữ tham dự Lễ Quốc khánh Hàn Quốc tại Lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng. (Ảnh: Nhà trường cung cấp)

Làm việc tại các doanh nghiệp Hàn Quốc, mức lương cơ bản từ 13-20 triệu đồng tùy vào năng lực TOPIK.

Làm việc tại các doanh nghiệp Việt Nam, mức lương cơ bản từ 10-15 triệu đồng.

Làm việc tại khách sạn, resort, mức lương cơ bản từ 10-15 triệu đồng tùy vào từng vị trí.

Tuy nhiên vì ngành này có cơ hội việc làm cũng như mức lương cao nên các trường cũng khó thu hút và giữ chân được giảng viên có trình độ. Theo Tiến sĩ Phạm Thị Ngọc, Trưởng khoa Ngôn ngữ Hàn Quốc, Trường Đại học Hà Nội:

"Hiện tại khoa gặp khó khăn trong tuyển dụng giảng viên mới đủ điều kiện và giữ giảng viên cơ hữu gắn bó lâu dài với nghề do mức lương ngoài thị trường hoặc của một số trường đại học tư thục thường cao và hấp dẫn hơn”.

Nhật Lệ