Trường ĐH tự chủ đề xuất được quyết định tỷ lệ GV hạng I thay vì bị giới hạn 20%

04/03/2024 06:23
Nhật Lệ
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo lãnh đạo các cơ sở giáo dục, đối với các trường đã tự chủ hoàn toàn, tự chi trả lương cho giảng viên thì không nên giới hạn tỷ lệ % chức danh nghề nghiệp.

Thông tư 13/2022/TT-BNV và Công văn số 64/BNV-CCVC của Bộ Nội vụ về việc xác định cơ cấu ngạch công chức và cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp viên chức quy định:

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (đơn vị tự chủ nhóm 1) và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị tự chủ nhóm 2): Chức danh nghề nghiệp hạng I và tương đương: Tối đa không quá 20%; Chức danh nghề nghiệp hạng II và tương đương: Tối đa không quá 50%; Chức danh nghề nghiệp hạng III và tương đương trở xuống (nếu có): Tối đa không quá 30%.

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên (đơn vị tự chủ nhóm 3) và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên (đơn vị tự chủ nhóm 4): Chức danh nghề nghiệp hạng I và tương đương: Tối đa không quá 10%; Chức danh nghề nghiệp hạng II và tương đương: Tối đa không quá 50%; Chức danh nghề nghiệp hạng III và tương đương trở xuống (nếu có): Tối đa không quá 40%.

Nhiều ý kiến cho rằng việc giới hạn % chức danh nghề nghiệp tại các cơ sở giáo dục đại học khiến các trường gặp khó khăn trong việc thu hút đội ngũ nhân lực chất lượng cao, nhất là giáo sư, phó giáo sư. Đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến chế độ lương của người lao động nếu đủ điều kiện xét thăng hạng nhưng vì đơn vị đã đủ % theo quy định nên không thể nâng hạng được.

Không nên giới hạn % chức danh nghề nghiệp với trường đại học

Trao đổi với Tạp chí điện tử giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng: Giáo sư, phó giáo sư đương nhiên được công nhận chức danh nghề nghiệp hạng I. Như vậy việc giới hạn 20% vô hình chung lại không cho phép các trường đại học được vượt quá 20% số giáo sư, phó giáo sư.

Theo thầy Thắng điều này không hợp lý bởi một cơ sở giáo dục đại học có càng nhiều giáo sư, phó giáo sư thì càng tốt. Việc giới hạn % tỷ lệ chức danh nghề nghiệp với các đơn vị sự nghiệp công lập là cần thiết nhưng giáo dục là một trường hợp đặc thù riêng.

thay-thangg.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội. (Ảnh: website Đại học Bách khoa Hà Nội)

Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cũng cho biết thêm, hiện tại Đại học Bách Khoa Hà Nội đang có số lượng giáo sư, phó giáo sư trên tổng số giảng viên là 26,9%. Ở thời điểm hiện tại thì đã vượt ngưỡng 20%. Nếu theo quy định như vậy thì các giảng viên của nhà trường sẽ không bao giờ được bổ nhiệm làm giáo sư, phó giáo sư nữa.

Tuy nhiên, năm 2023 vừa qua, Đại học Bách Khoa Hà Nội đã có thêm 40 giáo sư, phó giáo sư được công nhận đạt chuẩn chức danh. Nhà trường đã làm công văn gửi lên Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Nội Vụ thì việc thăng hạng của 40 giáo sư, phó giáo sư đều được chấp thuận, không gặp quá nhiều khó khăn.

“Việc nâng hạng quy định công chức, viên chức là thuộc thẩm quyền của Bộ Nội. Với các thầy cô được công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, lúc đó nhà trường sẽ làm báo cáo thông qua Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo làm quyết định công nhận thăng hạng, nhà trường dựa trên quyết định đó để bổ nhiệm giảng viên vào ngạch tương ứng”, thầy Thắng cho biết thêm.

Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cũng đề xuất không nên áp dụng quy định giới hạn tỷ lệ % này với các trường đại học.

Khoản 3, Điều 4, Thông tư 13/2022/TT-BNV Hướng dẫn việc xác định cơ cấu ngạch công chức cũng quy định "Trường hợp có sự thay đổi về cơ cấu ngạch công chức của cơ quan, tổ chức, các bộ, ngành, địa phương kịp thời báo cáo Bộ Nội vụ để có ý kiến thống nhất trước khi tổ chức thực hiện.

Như vậy, các đơn vị có thể tùy thuộc vào tình hình thực tế của tổ chức, cân đối và báo cáo Bộ Nội vụ nếu có sự thay đổi để điều chỉnh.

Đề xuất các đơn vị tự chủ được tự quyết định % chức danh nghề nghiệp

Cùng bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Chương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải cho biết: Ngành giáo dục là một lĩnh vực đặc thù riêng, mặc dù là quy định chung đối với các đơn vị sự nghiệp công lập nhưng các trường đại học cần có sự hướng dẫn cụ thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo sao cho phù hợp với đặc thù thực tế của từng trường.

Tuy nhiên, theo thầy Chương quy định này cũng có sự mâu thuẫn đối với các đơn vị tự chủ đại học.

“Quy định này đối với các trường tự chủ trong lĩnh vực giáo dục có phần mâu thuẫn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì giáo dục đại học lại là một trường hợp đặc biệt trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Nếu nhìn một cách thông thường nhất cũng có thể thấy ngay khó khăn cho các cơ sở giáo dục đại học. Bởi, việc sở hữu đội ngũ giáo sư, phó giáo sư càng nhiều thì càng thuận lợi cho sự phát triển của trường đại học. Vì đây là đội ngũ giảng dạy có chuyên môn và chất lượng cao. Nhà trường sở hữu đội ngũ này nhiều thì chất lượng đào tạo sẽ được nâng lên, đồng thời uy tín và vị thế của nhà trường cũng được tăng cao. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện như thế nào đối với quy định giới hạn % chức danh nghề nghiệp theo Thông tư 13 thì nhà trường cũng đang chờ hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

thay-chuong.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Chương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải. (Ảnh: website nhà trường)

Trong khi đó, lãnh đạo một trường đại học đã tự chủ hoàn toàn ở Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Với các trường đại học đã tự chủ rồi thì nên để nhà trường có quyền tự quyết định % giảng viên chức danh nghề nghiệp hạng I, II, III sao cho phù hợp với thực tế ở cơ sở giáo dục.

Cũng theo vị này, đối với công chức, viên chức của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Nhà nước hay các bộ ngành thì Bộ Nội vụ quyết định còn thực tế với các trường đại học tự chủ, việc chi trả lương cho đội ngũ cán bộ, giảng viên vốn dĩ nhà trường đã tự lo, không phụ thuộc vào quỹ lương chung. Do đó, cơ cấu % như thế nào thì nên để nhà trường tự quyết định là hợp lý nhất.

“Nhà nước trả lương cho đơn vị nào từ ngân sách thì nhà nước quyết định còn đơn vị nào đã tự chủ chi thường xuyên, chi đầu tư rồi thì nên cho họ tự quyết định đội ngũ của mình. Tại các trường đại học có thể để cho Hội đồng trường được quyền quyết định. Như vậy thì mới đảm bảo quyền tự chủ, năng động, khuyến khích và thúc đẩy trường phát triển.

Cũng giống như các trường tư thục họ cũng được tự quyết định đội ngũ giáo sư, phó giáo sư chỉ cần đảm bảo trả được mức lương tương ứng theo thỏa thuận giữa hai bên", vị này nêu.

Ngoài ra, theo vị này, đội ngũ giáo sư, phó giáo sư càng nhiều, tỷ lệ càng cao thì trường càng danh tiếng. Chỉ cần giảng viên nhà trường có đủ năng lực, ai cũng muốn phấn đấu được công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư. Sau khi được công nhận rồi thì đương nhiên, việc xét nâng hạng nghề nghiệp cũng nên được thực hiện thì mới khuyến khích được nhà khoa học theo đuổi con đường nghiên cứu, không nên giới hạn một con số % nào cả.

Nhật Lệ