Mới đây, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng đã công bố đề án tổ chức kỳ thi độc lập, đánh giá năng lực để xét tuyển đại học hệ chính quy, trong đó, công bố chi tiết đề thi tham khảo kỳ thi độc lập, đánh giá năng lực của trường năm 2023.
Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: website nhà trường |
Theo đó, lý giải về sự cần thiết của kỳ thi đề án nêu:
Ngành giáo dục đang tích cực triển khai Nghị quyết 29 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Tiếp tục đẩy mạnh triển khai tự chủ đại học đi vào chiều sâu, gắn với thực hiện trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch thông tin theo quy định; tổ chức thực hiện chuẩn chương trình đào tạo và các giải pháp bảo đảm chất lượng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh công tác hậu kiểm. Trong bối cảnh này, kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông và kì thi tuyển sinh đại học được đổi mới theo lộ trình, phù hợp với tiến trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đại học.
Từ năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông với mục đích công nhận tốt nghiệp là chủ yếu. Các cơ sở giáo dục đại học bắt đầu tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học nhằm đánh giá năng lực học sinh, lấy kết quả thi để xét tuyển đại học. Chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của các trường đại học tăng dần và chỉ tiêu theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông giảm dần.
Năm 2022 công tác tuyển sinh đại học thực hiện theo Quy chế tuyển sinh mới với nhiều cải tiến về kĩ thuật. Yêu cầu đặt ra đối với các trường đại học trong kỳ tuyển sinh năm 2023 là hoàn thiện đề án tuyển sinh, trong đó đặc biệt lưu ý hoàn thiện các phương thức tuyển sinh theo hướng đơn giản hóa, thực hiện đúng Quy chế tuyển sinh hiện hành. Các cơ sở giáo dục đại học cần xây dựng và công bố kịp thời định hướng, phương hướng cho công tác tuyển sinh cho năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 cần phù hợp với mục tiêu, yêu cầu cần đạt, nội dung, cấu trúc của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Do vậy, việc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội xây dựng và triển khai đề án “Tổ chức kỳ thi độc lập, đánh giá năng lực để xét tuyển đại học hệ chính quy” có tính cấp thiết cao, góp phần thúc đẩy quá trình đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác tuyển sinh đại học hệ chính quy trong cả nước.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng cho biết, trường có nguồn nhân lực phong phú, chất lượng để bảo đảm thực hiện tốt các nhiệm vụ trong từng khâu của quy trình tổ chức thi:
- Đội ngũ biên soạn đề thi: Trường có đội ngũ cán bộ, giảng viên đông đảo, có phẩm chất tốt và trình độ chuyên môn cao thuộc các khoa đào tạo giáo viên tương ứng với các môn học ở trường phổ thông. Nhiều cán bộ, giảng viên tham gia biên soạn câu hỏi nguồn, đề thi là thành viên chính xây dựng chương trình, sách giáo khoa phổ thông cũng như tham gia biên soạn câu hỏi nguồn, đề thi học sinh giỏi, đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông hàng năm cho Cục Quản lý chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trường đã cử nhiều lượt cán bộ, giảng viên đi tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn về xây dựng đề thi đánh giá năng lực theo hướng chuẩn hóa.
- Đội ngũ cán bộ phân tích đề thi: Đánh giá tầm quan trọng của việc phân tích đề thi đối với công tác đảm bảo chất lượng của đề thi, trường đã xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách phân tích đề thi theo các lý thuyết khảo thí hiện đại. Hiện nay, trường có 04 cán bộ phân tích đề thi, bao gồm: 01 tiến sĩ, 01 nghiên cứu sinh và 02 thạc sĩ chuyên ngành đo lường, đánh giá trong giáo dục.
- Đội ngũ cán bộ chấm thi: Trường có đội ngũ chấm thi đông đảo, bao gồm: giảng viên của 23 khoa đào tạo và giáo viên của 03 trường trung học phổ thông trực thuộc trường. Đội ngũ cán bộ chấm thi có kinh nghiệm nhiều năm chấm thi học sinh giỏi các cấp, chấm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, chấm thi tuyển sinh đại học và đánh giá năng lực tiếng Anh, tiếng Việt. Nhiều cán bộ, giảng viên đã tham gia chấm thi học sinh giỏi quốc tế (Olympic Toán, Sinh học, Hóa học, Vật lý).
- Đội ngũ cán bộ tổ chức thi và cán bộ hỗ trợ: Trường có các đơn vị chuyên trách tổ chức thi là phòng Đào tạo, trung tâm Đảm bảo chất lượng; có các đơn vị hỗ trợ thi về cơ sở vật chất, kĩ thuật là trung tâm Công nghệ thông tin, phòng Quản trị và phòng Khoa học - Công nghệ. Hằng năm, trường tổ chức hàng chục đợt thi với quy mô vài nghìn thí sinh/đợt như thi tuyển sinh đại học, thi tuyển sinh vào lớp 6, lớp 10 các trường trung học phổ thông trực thuộc, thi kết thúc học phần và đánh giá năng lực tiếng Anh, tiếng Việt. Do vậy, đội ngũ cán bộ tổ chức thi, hỗ trợ kỹ thuật của trường được tích lũy nhiều kinh nghiệm và am hiểu quy chế thi.
Ngoài ra, Trường có đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị và phần mềm, đáp ứng yêu cầu hỗ trợ hiệu quả công tác tổ chức thi, bao gồm cả yêu cầu về bảo mật, an toàn, an ninh, chống gian lận trong kỳ thi. Các điểm thi đều nằm trong khuôn viên rộng của Trường, biệt lập với các hoạt động xã hội bên ngoài; có cán bộ an ninh, bảo vệ giám sát hoạt động ra vào khu vực thi. Các điểm thi có phòng Ban chỉ đạo thi đủ lớn để tập trung cán bộ coi thi trước giờ thi để phân công các cán bộ làm nhiệm vụ tại điểm thi. Các phòng thi có đủ số lượng bàn ghế, đảm bảo khoảng cách giữa các thí sinh ngồi dự thi theo quy định và đảm bảo cho giám thị, giám sát quan sát tốt thí sinh trong quá trình thi. Khu vực thi có đầy đủ hệ thống cảnh báo và chống cháy, nổ, đảm bảo an toàn cho kỳ thi. Trường có ký túc xá đáp ứng nhu cầu lưu trú trong thời gian dự thi đối với thí sinh ở xa.
Kỳ tuyển sinh năm 2022, trường đã tổ chức thành công kỳ thi đánh giá năng lực với tính chất là kỳ thi tuyển sinh riêng. Trường đã huy động 200 chuyên gia, giảng viên biên soạn 5300 câu hỏi nguồn, bao gồm: 300 câu hỏi tự luận và 5000 câu hỏi trắc nghiệm. Từ bộ câu hỏi nguồn này, biên soạn 9 đề thi chính thức (môn tiếng Anh thi hai ca khác nhau) và 9 đề thi dự bị. Tổ chức thi đánh giá năng lực cho 2248 thí sinh với 5315 bài thi, 02 điểm thi, 83 phòng thi và 178 cán bộ tham gia coi thi, giám sát, phục vụ, y tế, công an, bảo vệ. Chất lượng các đề thi và công tác coi thi được thí sinh và xã hội đánh giá tốt.
Từ thực tiễn tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022 và nguồn lực hiện có, có thể khẳng định rằng Trường Đại học sư phạm Hà Nội đáp ứng đầy đủ năng lực tổ chức kỳ thi độc lập, đánh giá năng lực theo quy định tại khoản 2 Điều 12 của Quy chế tuyển sinh hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Theo Trường Đại học Sư phạm Hà Nội:
Thời gian đăng ký dự thi: từ 20/02 đến 09/04/2023.
Thời gian thi: Thứ 7, ngày 06/05/2023.
Công bố kết quả thi: trước ngày 01/06/2023.