Trường mở cửa, tại sao phụ huynh lại không muốn cho con đi học trực tiếp?

11/12/2021 06:46
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Câu hỏi tại sao phụ huynh vẫn cho các con ra nơi công cộng để tham dự các hoạt động vui chơi, nhưng lại không muốn cho trẻ đến trường, vậy điểm khác nhau là gì?

Sáng 9/12, Trường Trung học phổ thông Trần Nhân Tông (Hà Nội) chỉ có duy nhất một học sinh đi học trực tiếp, giảm 8 em so với hôm ngày 8/12.

Cô Phạm Thị Kiều Oanh - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhà trường mở cửa đón học sinh đi học trực tiếp theo đúng kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội chỉ đạo.

Ngày ngày đầu tiên mở cửa trường học trở lại (6/12), toàn trường có 33 học sinh đi học trực tiếp. Ngày đi học thứ 2 (7/12), có 9 học sinh đi học trực tiếp. Tổng cộng cả 2 buổi đầu tiên trở lại trường, chỉ có 42/681 học sinh đến trường, chiếm hơn 6,1% trên tổng số học sinh khối 12 của trường.

Ngày thứ 3 đi học trực tiếp (8/12), số học sinh đến trường từ 33 trước đó, chỉ còn lại 27 em, giảm 6 em so với ngày 6/12. Buổi thứ 4 sau khi mở cửa trường học, chỉ có một học sinh đến trường học trực tiếp.

Theo cô Kiều Oanh, sở dĩ số học sinh đi học trực tiếp rất ít vì tình hình dịch trên địa bàn đang căng thẳng, một số học sinh cư trú ở khu vực 3 nên phụ huynh lo ngại và chọn hình thức học trực tuyến cho con em để đảm bảo an toàn. Nhiều phụ huynh chưa yên tâm khi cho trẻ đi học trực tiếp tại trường để chờ tiêm đủ mũi hai mũi vắc xin”.

Việc cho học sinh đến trường trong thời gian qua đặc biệt “nóng” và gây nhiều tranh cãi trong xã hội. Bên cạnh những ý kiến đồng tình thì vẫn còn nhiều phụ huynh băn khoăn trước tình hình dịch bệnh. Vậy, chúng ta cần chuẩn bị những gì để các em có thể đến trường an toàn trong thời gian sắp tới?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Thành viên Hiệp hội Tâm lý và Giáo dục Việt Nam - Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Thành viên Hiệp hội Tâm lý và Giáo dục Việt Nam - Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Thành viên Hiệp hội Tâm lý và Giáo dục Việt Nam - Chủ nhiệm khoa Các Khoa học Giáo dục, Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), thầy Nam nhận định:

“Với tư cách là một phụ huynh, tôi cũng rất lo lắng, nhất là khi số liệu hàng ngày, hàng giờ các ca mắc Covid-19 càng tăng lên. Có thể nhận thấy là chúng ta vừa trải qua một đợt dịch bùng phát và nỗi lo lắng đó vẫn in sâu trong tâm trí mọi người.

Bối cảnh vừa qua khi các ca nhiễm tăng lên và có thêm biến chủng mới, chính vì vậy chúng ta cũng phải thông cảm cho nỗi lo của các bậc làm cha làm mẹ. Có những việc mà chúng ta không thể thử, và cũng không được phép mắc sai lầm. Tuy nhiên có thể thấy trong thời gian vừa qua có nhiều thông tin chưa được “thông suốt” đã làm cho phụ huynh lo lắng, ví dụ: Có bao nhiêu phần trăm phụ huynh biết được rõ cách thức các nhà trường chuẩn bị cho công tác phòng chống dịch để đảm bảo an toàn đón các con quay trở lại trường học?

Hoặc việc chuẩn bị kĩ năng phòng dịch cho các con khi quay trở lại đi học trực tiếp theo các nguyên tắc đã được khuyến cáo để bảo vệ an toàn cho bản thân. Rồi các hoạt động tại trường được tổ chức thế nào để đảm bảo được khoảng cách an toàn?

Tất cả những việc đó, những thông tin đó đã được nhà trường chuẩn bị, chính quyền chuẩn bị nhưng sự “thông suốt” những việc đó đến với phụ huynh có thể chưa thật tốt, chưa thật đầy đủ, chính điều này đã làm cho các bậc phụ huynh rất căng thẳng.

Chúng ta cũng có một câu hỏi rằng tại sao phụ huynh vẫn cho các con ra vui chơi tại nơi công cộng để tham dự các hoạt động, nhưng lại không muốn cho trẻ đến trường, vậy điểm khác nhau ở đây là gì? Theo tôi, khi các bậc phụ huynh đưa con ra nơi công cộng, đồng nghĩa với việc họ ý thức được con trẻ ở nhà đến thời điểm này đã có những hệ quả rất lớn đến tinh thần và thể chất, vậy nên bắt buộc họ phải cho con ra ngoài để cân bằng lại tâm lí.

Nhưng khi đưa con ra nơi công cộng thì chính họ có quyền kiểm soát giao tiếp, và chính họ cũng được tham gia vào các hoạt động đó. Trong khi chính quyền đưa ra một chính sách, yêu cầu phụ huynh và các con phối hợp đưa các con quay trở lại trường thì cảm giác được quyền kiểm soát, được tham gia,…của phụ huynh hoàn toàn không có.

Phụ huynh đưa con đi thì họ được tự quyết, được kiểm soát với các hoạt động như nào thì phù hợp, nhưng khi con ở lại trường thì nhiều hoạt động họ không được biết, họ thiếu thông tin nên dẫn đến lo lắng. Vậy cái để làm cho các bậc phụ huynh đỡ lo lắng hơn là họ phải được tham gia”.

Thầy Nam nêu quan điểm: “Có 3 vấn đề đáng lo ngại khi cho học sinh đến trường thời điểm này: Thứ nhất an toàn về mặt y tế; Thứ hai là tâm lý sợ thi, sợ kiểm tra trực tiếp khi suốt thời gian dài học trực tuyến không tránh khỏi chểnh mảng; Và thứ ba là sức khỏe tâm thần, những thay đổi tâm sinh lý nếu phải dậy sớm, tiếp xúc với nhiều người…

Bây giờ, để triển khai được một quyết định thì phải dựa trên bằng chứng khoa học, tôi nghĩ phụ huynh và các cấp chính quyền cũng ý thức được là phải cùng nhau sớm đưa đưa các con quay trở lại trường vì những lợi ích to lớn đối với sức khỏe, tâm sinh lí, cũng như tương lai học tập của trẻ.

Nhưng cần có sự phối hợp, quyền tham gia, và theo tôi chính quyền cần có những buổi nói chuyện trực tiếp với phụ huynh toàn thành phố, rằng chúng ta cùng chung mục tiêu đưa các con quay trở lại nhà trường.

Đồng thời nhà trường cũng cần thông tin rõ những việc đã và đang làm về công tác an toàn phòng dịch cho học sinh, đã kích hoạt một số hoạt động hỗ trợ tâm lí, và cũng rất cần sự chung tay của các bậc phụ huynh để chuẩn bị kĩ năng cho các con, và hơn cả là có một bằng chứng khoa học chứng minh chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh, lúc đó tất cả các bên cùng chung tay đưa trẻ quay trở lại trường học thì mới có hiệu quả.

Trước khi trở lại trường, cha mẹ nên chuẩn bị cho con một thời gian thích ứng với hoạt động mới ở trường, giúp con hiểu đúng về tình hình thực tế hiện nay và có cảm giác an toàn khi đi học trở lại. Trước khi quay trở lại trường học trực tiếp cần phải giảm tải học trực tuyến, thiết lập lại lịch ăn, ngủ phù hợp, cập nhật các thông tin liên quan đến việc trở lại trường như một hành động “lên dây cót” tinh thần cho trẻ.

Về phía nhà trường và giáo viên, trong tuần đầu tiên học sinh quay trở lại trường, cần nới lỏng để học sinh thích ứng lại với cuộc sống học tập ở trường. Giáo viên không nên chỉ quan tâm đến việc đuổi kịp chương trình giảng dạy mà có thể chỉ dạy một nửa khối lượng kiến thức theo lịch trình, sau đó dành thời gian cho các hoạt động giao lưu và giáo dục ngoài giờ lên lớp.

Tôi nghĩ nếu tranh thủ được cả những giải pháp cùng chung tay của phụ huynh, mọi thông tin thông suốt như vậy thì phụ huynh cũng sẽ nhất trí với các phương án mà thành phố cũng như nhà trường đưa ra”

Thay thầy Nam: "Bản thân các bậc phụ huynh cũng như các con học sinh cần phải được trang bị năng lực để quản lí cảm xúc, tư duy theo cách thức thông thái và đúng đắn". Ảnh minh họa: T.D.

Thay thầy Nam: "Bản thân các bậc phụ huynh cũng như các con học sinh cần phải được trang bị năng lực để quản lí cảm xúc, tư duy theo cách thức thông thái và đúng đắn". Ảnh minh họa: T.D.

Cần chuẩn bị tâm lí cho cho trẻ và các bậc phụ huynh

Thầy Nam chia sẻ: “Trong thời gian trẻ phải học trực tuyến ở nhà quá dài thì có khá nhiều em bị ảnh hưởng tổn thương sức khỏe tinh thần, rối loạn lo âu, trầm cảm. Chúng ta cũng cần phải nhìn thấy sự e ngại của các con khi quay trở lại trường không phải vì các con thích học trực tuyến, mà vấn đề ở đây là các con tự “thu mình” lại sau một khoảng thời gian rất dài phải học ở nhà.

Bây giờ tâm lí chung là các con “ngại” phải quay trở lại với môi trường học tập bình thường, đây là biểu hiện của tâm lí, của tổn thương sức khỏe tinh thần. Sau một thời gian tương tác trên môi trường ảo, thì những kĩ năng sống, những tương tác trong môi trường thật của các con đã bị cùn mòn,…Bây giờ phải quay trở lại thì các con phải kích hoạt lại tất cả những kĩ năng tương tác trên môi trường thật đó cũng làm cho các con e ngại.

Một điều nữa là cảm xúc của cha mẹ không yên tâm, sợ nhiễm dịch bệnh,…đã ảnh hưởng rất nhiều với con trẻ, cũng làm cho trẻ lo sợ. Vậy rất cần phụ huynh tư duy một cách thông thái hơn, suy tính giữa một mối nguy hại nhưng ngắn hạn ngay trước mắt là dịch bệnh, với một mối nguy hại lâu dài gây ảnh hưởng đến tương lại của trẻ khi không được đến trường.

Mỗi đứa trẻ đều có giai đoạn “cửa sổ” để phát triển một kĩ năng nào đó, ví dụ: Trong giai đoạn 2 tuổi trẻ bắt buộc phải được học nói, cha mẹ không thể nào nói đợi 2 năm nữa hết dịch bệnh rồi học nói vẫn kịp.

Như vậy là trẻ đã qua mất giai đoạn để các con có thể phát triển tốt nhất về năng lực ngôn ngữ, như vậy cha mẹ đã làm mất cơ hội của trẻ, và những hệ quả lâu dài tổn thương sức khỏe tinh thần tại thời điểm này thì sau đến 15 - 16 tuổi trẻ mới bộc phát ra.

Hiện nay trẻ ở nhà quá lâu, tiếp cận nhiều nguồn thông tin không đúng ở trên mạng, thậm chí là có cả bạo lực gia đình, phát sinh nhiều mâu thuẫn trong các mối quan hệ,…bây giờ các con chưa nhìn thấy hậu quả về hành vi, nhưng lâu dài sẽ có những hệ quả rất lớn. Vậy nên rất cần các bậc làm cha mẹ phải thông thái, cần lí tính hơn là cảm tính trong những lúc cần cân nhắc như hiện nay.

Theo tôi, bản thân các bậc phụ huynh cũng như các con học sinh cần phải được trang bị năng lực để quản lí cảm xúc, tư duy theo cách thức thông thái và đúng đắn. Đầu tiên cần bình thường hóa mọi lo âu, bố mẹ lo lắng khi con quay trở lại trường cũng là bình thường bởi ai cũng như vậy. Cha mẹ cần cho mình một số câu tự nhủ tích cực như mọi chuyện cũng bình thường, cũng sẽ ổn thôi, các nhà trường, chính quyền sẽ làm mọi việc cho trẻ an toàn”.

Tùng Dương