Dù tiếp tục hay bỏ thì khuynh hướng chung của sở Giáo dục Đà Nẵng là vận dụng những thành tố tích cực của phương pháp giáo dục VNEN để áp dụng vào chương trình học.
Kế hoạch của Đà Nẵng về VNEN
Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng vừa có báo cáo gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo về kế hoạch triển khai mô hình trường học mới – VNEN của địa phương này.
Một tiết học theo mô hình VNEN ở trường tiểu học Bạch Đằng (quận Hải Châu, Đà Nẵng). Ảnh: TT |
Theo đó, trong năm học 2017-2018, ở bậc tiểu học, Sở này đã ban hành văn bản hướng dẫn các đơn vị xây dựng kế hoạch, tiếp tục nhân rộng mô hình trường học mới.
Chỉ đạo các trường thực hiện tốt công tác truyền thông để chính quyền địa phương, cộng đồng xã hội và các bậc phụ huynh hiểu rõ về bản chất và lợi ích của mô hình trường học mới, tạo sự đồng thuận trong quá trình thực hiện.
Sở cũng đã cung cấp tài liệu hướng dẫn học các môn học kịp thời cho các trường, đảm bảo học sinh có đầy đủ tài liệu trước khi bắt đầu năm học mới.
Tổ chức các lớp tập huấn về phương pháp dạy học các môn học và hoạt động giáo dục theo mô hình trường học mới cho tất cả giáo viên các khối lớp tại các trường nhân rộng toàn phần.
Đối với tất cả các trường tiểu học chưa đủ điều kiện, chỉ đạo thực hiện lựa chọn các thành tố tích cực của mô hình trường học mới như: việc tổ chức lớp học, các công cụ hỗ trợ lớp học, xây dựng các góc học tập, góc thư viện…
Tăng cường sự phối hợp giữa cha mẹ học sinh, cộng đồng trong quá trình giáo dục học sinh…. Bổ sung vào đổi mới quá trình giáo dục, đảm bảo nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm.
Sở yêu cầu các đơn vị trường học vận dụng các ưu điểm của mô hình trường học mới vào việc tổ chức dạy học, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá tại các trường trung học cơ sở trên địa bàn thành phố.
Huy động các điều kiện về giáo viên và cơ sở vật chất để có thể thu nhận hết số học sinh đã học theo mô hình này vào học tiếp chương trình ở lớp 8 và tuyển sinh thêm 3 lớp 6 thực hiện theo mô hình VNEN cho năm học 2017-2018.
Trong những năm tiếp theo, Sở sẽ chỉ đạo các trường đảm bảo đủ điều kiện triển khai mô hình trên tinh thần tự nguyện, đồng thuận của học sinh, cha mẹ học sinh.
Tham mưu đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng phòng học, phòng chức năng đảm bảo sĩ số học sinh trên lớp theo quy định của Điều lệ trường tiểu học và 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày.
Chỉ đạo các trường còn lại xây dựng kế hoạch áp dụng mô hình trường học mới, từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất và các điều kiện khác để có thể triển khai mô hình hiệu quả.
Tăng cường công tác bồi dưỡng giáo viên, tổ chức các lớp tập huấn để cán bộ quản lý, giáo viên hiểu rõ, nắm chắc phương pháp dạy học theo mô hình mới.
Tiếp tục hay dừng: Sở không ép
Cô Hồ Thị Cẩm Bình, Trưởng phòng tiểu học (sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng) cho biết, thông thường, kết thúc mỗi năm học, vào khoảng tháng 4 - 5, Sở sẽ tiến hành họp lại với các trường để đánh giá về VNEN.
Những trường nào làm tốt, phụ huynh đồng ý ủng hộ thì các trường này sẽ đăng ký để tiếp tục triển khai.
“Đối với những trường có phụ huynh phàn nàn, cơ sở vật chất không đáp ứng, giáo viên chưa chuẩn thì có thể dừng.
Tất cả thực hiện trên tình thần tự nguyện, Sở không ép buộc. Còn khuynh hướng chung của Sở là vận dụng những thành tố tích cực của phương pháp giáo dục VNEN để áp dụng vào chương trình học”.
Cô Bình phân tích thêm, ví dụ, tại các trường tiểu học, vào tiết học tăng cường vào buổi chiều (lớp bán trú) sẽ thiết kế tài liệu cho học sinh tổ chức tự học như phương pháp của VNEN.
Trong đó có các góc như: góc Tiếng Việt, góc Toán học… Những mô hình này đều từ VNEN mà ra.
Trong khi nhiều trường học ở Đà Nẵng còn phân vân chưa biết nên dừng hay tiếp tục với VNEN thì tại nhiều địa phương khác như Hà Tĩnh, Nghệ An... đã có chủ trương dừng bởi mô hình này nảy sinh quá nhiều bất cập.