Trong quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định các địa phương xét tốt nghiệp trung học phổ thông cho học sinh theo công thức 70% điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông + 30% điểm trung bình học bạ lớp 12 của học sinh.
Công thức tính này đã tạo ra nhiều luồng quan điểm trái chiều nhau về chuyện nên hay không bỏ kết quả học bạ khi xét tốt nghiệp trung học phổ thông nhất là khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố đối sánh điểm trung bình của điểm thi với điểm trung bình học bạ lớp 12 của thí sinh nhiều địa phương có mức độ chênh lệch lớn.
Ảnh chụp tại trường Trung học phổ thông Trần Phú, Vĩnh Phúc (ảnh: Thùy Linh) |
Để lắng nghe ý kiến từ cơ sở, phóng viên có cuộc trao đổi với ông Hoàng Minh Tuấn - Trưởng phòng Khảo thí quản lý chất lượng giáo dục của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc.
Phóng viên: Theo các chuyên gia, 30% điểm học bạ được coi là “phao cứu sinh” làm nên giá trị ảo, đã đến lúc cần loại bỏ “phao” này bởi lẽ khi đó trường, địa phương sẽ không còn sức ép về chuyện “làm đẹp” học bạ. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Hoàng Minh Tuấn: Việc đánh giá kết quả giáo dục đang chuyển từ đánh giá kết quả sang đánh giá quá trình nên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông dùng cả điểm thi kết hợp điểm học bạ có tính hợp lý.
Bộ Giáo dục và Đào tạo có giải pháp để hạn chế việc “làm đẹp” học bạ thông qua việc đối sánh điểm thi trung bình của các bài thi, môn thi thành phần với điểm trung bình môn học tương ứng của năm học lớp 12 của các học sinh nên việc đánh giá kết quả học tập ngày càng đi vào thực chất.
Từ thực tế kết quả thi Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông tỉnh Vĩnh Phúc năm 2021: Kết quả mức chênh lệch giữa điểm học bạ với điểm thi của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trung bình là 0,75 điểm, thậm chí có những trường có điểm lệch âm như trường trung học phổ thông dân tộc nội trú tỉnh có độ lệch thấp nhất -0,03 điểm.
Mục đích của Kỳ thi là xét công nhận tốt nghiệp và một phần giúp các cơ sở đào tạo xét tuyển nên đề thi ở mức cao hơn so với chuẩn kiến thức kỹ năng, vì vậy việc kết hợp giữa điểm học bạ và điểm thi góp phần tạo ra sự cân bằng trong xét tốt nghiệp trung học phổ thông khi trong đề thi còn có các phần kiến thức ở mức vận dụng, vận dụng cao.
Theo ông, cần có giải pháp nào để điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông thực chất để tạo đầu vào thật tốt cho các cơ sở giáo dục đại học?
Ông Hoàng Minh Tuấn: Việc tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông ngày càng chặt chẽ, kết quả thi tốt nghiệp cơ bản đánh giá đúng thực chất năng lực của thí sinh nên việc dùng kết quả này để xét đầu vào của các cơ sở đào tạo vẫn đảm bảo yếu tố công bằng cho tất cả các thí sinh.
Với vai trò là cơ quan quản lý, Sở đã quán triệt như thế nào để không xảy ra nhiều trường hợp giáo viên “làm đẹp” học bạ của học sinh để tạo điều kiện cho các em có điểm cao?
Ông Hoàng Minh Tuấn: Trong vài năm gần đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc đã lấy việc đánh giá đúng chất lượng thực làm động lực phát triển giáo dục của tỉnh.
Song song với các bài kiểm tra thường xuyên và định kỳ theo phân phối chương trình, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức các Kỳ khảo sát chất lượng cho học sinh và đối sánh kết quả học tập của học sinh ở thời điểm hiện tại với kết quả khảo sát, từ đó phân tích để chỉ ra những vấn đề cần phải điều chỉnh nhằm nâng cao chất lượng trong công tác dạy, học và kiểm tra đánh giá học sinh của các nhà trường.
Việc đối sánh điểm thi trung bình của các bài thi, môn thi thành phần với điểm trung bình môn học của học sinh trong các Kỳ khảo sát và đặc biệt là trong Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đã được đưa thành tiêu chí đánh giá thi đua của các đơn vị trong từng năm học đã góp phần đưa việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh đi vào thực chất, tránh việc giáo viên “làm đẹp” học bạ của học sinh.
Trân trọng cảm ơn ông.