Trường tư vấn tổ hợp môn nhưng HS có thể 'chọn bừa' theo cảm tính vì sợ không đỗ

09/05/2022 07:02
Trần Lý
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo thống kê có 108 tổ hợp môn tuy nhiên trong môn Công nghệ chia ra Công nghệ nông nghiệp và Công nghệ công nghiệp nên thực tế số lượng tổ hợp sẽ nhiều hơn.

Theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, chương trình bậc trung học phổ thông được thiết kế theo hướng phân hóa, định hướng nghề nghiệp. Cụ thể, ngoài 7 môn học bắt buộc, học sinh được chọn 5 môn học trong các nhóm môn học lựa chọn, cùng 3 cụm chuyên đề phù hợp với sở trường, định hướng nghề nghiệp tương lai.

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường trung học phổ thông rà soát điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên để thiết kế các tổ hợp môn học phù hợp với điều kiện của trường và nhu cầu học sinh.

Để có cơ sở cho việc này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường trung học phổ thông phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo tổ chức khảo sát nhu cầu học tập của học sinh lớp 9. Điều này nhằm đáp ứng mục tiêu kép: Phát huy tối đa năng lực của nhà trường và đáp ứng nhiều nhất có thể nguyện vọng người học.

Tiến hành tư vấn, định hướng học sinh trước khi tiến hành khảo sát

Để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới lần đầu tiên đối với bậc trung học phổ thông mà cụ thể năm học 2022-2023 là áp dụng đối với lớp 10 nên Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (Nam Định) đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng.

Ảnh minh họa: K.N

Ảnh minh họa: K.N

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Văn Đằng, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (Nam Định) thông tin: “Về cơ bản, nhà trường đã lựa chọn xong tổ hợp môn lớp 10 trong năm học tới. Trường xây dựng 7 nhóm môn trong đó có 5 nhóm môn tự nhiên và 2 nhóm môn xã hội. Để thuận tiện cho phụ huynh và học sinh theo dõi, trường đã đăng công khai nhóm tổ hợp trên website nhà trường”.

Trước đó, nhằm đáp ứng được tối đa nguyện vọng của học sinh, Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn đã tiến hành khảo sát.

“Từ đầu tháng 4, trường bắt đầu làm phiếu khảo sát và gửi đến 7 trường trung học cơ sở trên địa bàn huyện, dựa vào kết quả khảo sát xây dựng các tổ hợp môn và công khai trên website vào cuối tháng 4. Trước khi tiến hành khảo sát bằng phiếu điện tử, trường thực hiện công tác tư vấn trực tuyến đối với học sinh lớp 9 thuộc các trường trung học cơ sở trên địa bàn huyện, sau đó tổ chức họp các hiệu trưởng cấp trung học cơ sở để triển khai chi tiết kế hoạch”, thầy Đằng nói.

Thầy Nguyễn Văn Đằng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác tư vấn, định hướng học sinh trước khi các em làm khảo sát: “Thực tế, công tác định hướng nghề nghiệp học sinh ở cấp trung học cơ sở rất yếu nên bước tư vấn cho học sinh trước khi làm khảo sát là khâu vô cùng quan trọng. Thông thường, học sinh chỉ tập trung vào học văn hóa, nhiều khi lên lớp 11, 12 các em còn chưa thể xác định được mình thi vào trường đại học nào, theo ngành gì.

Theo quy định hiện hành, khi đã chọn thì các em không thể đổi môn được. Điều này gây ảnh hưởng rất nhiều đến môn thi tương lai. Chính vì vậy, các trường phải làm tốt công tác tư vấn để học sinh hiểu rõ được môn học của mình”.

Quá trình khảo sát khó khăn, nhiều trường còn loay hoay

Thầy Nguyễn Văn Đằng cũng chia sẻ, quá trình khảo sát các em học sinh lớp 9 từ khâu tư vấn đến khi thu kết quả gặp nhiều khó khăn.

Thứ nhất, trong thời điểm này học sinh, phụ huynh, giáo viên quan tâm nhất là việc học sinh có đỗ vào trường hay không, khi đỗ rồi mới quan tâm đến việc sẽ học gì. Chính vì vậy, dù nhà trường đã tiến hành định hướng, tư vấn kỹ về các tổ hợp nhưng nhiều học sinh vẫn điền phiếu rất cảm tính.

Thứ hai, theo thống kê có 108 tổ hợp môn tuy nhiên trong môn Công nghệ còn chia ra thành Công nghệ nông nghiệp và Công nghệ công nghiệp nên thực tế số lượng tổ hợp ‘đẻ’ ra lớn hơn nhiều. Số lượng tổ hợp môn nhiều nhưng nhà trường không đủ khả năng tổ chức được, nếu tổ chức được cũng khó kiểm soát, quản lý.

Thứ ba, nhà trường đặt mục tiêu cố gắng đáp ứng tối đa nguyện vọng học sinh nhưng cũng phải căn cứ vào nguồn nhân lực hiện có. Trong năm học tới, Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn tuyển mới 405 học sinh vào 9 lớp 10, đây là một số lượng không nhỏ nên nếu để tự đăng ký sẽ phát sinh thêm nhiều tổ hợp môn mà thực tế nhà trường không thể tổ chức dạy.

Hiện nay, ở tỉnh Nam Định chưa tuyển được giáo viên môn Nghệ thuật (Mỹ thuật, Âm nhạc) dạy bậc trung học phổ thông. Vì vậy, trong phiếu khảo sát trường bỏ hẳn môn Nghệ thuật. Điều này cũng là một thiệt thòi đối với các em theo thiên hướng Nghệ thuật muốn vào trường.

“Việc khảo sát chưa được như trường kỳ vọng vì bản thân học sinh không thực sự quan tâm nhiều đến định hướng nghề nghiệp tương lai. Theo tôi, hiệu quả của việc khảo sát nguyện vọng đợt này chỉ đạt khoảng 50 - 60% vì nhiều em chọn bừa, tính mơ hồ còn cao.

Nhà trường tiến hành tuyển sinh vào giữa tháng 6, khi có kết quả tuyển sinh chắc chắn sẽ tiến hành tư vấn khảo sát lại một lần nữa. Khi đó mới đúng và sát đối tượng, còn đợt khảo sát này chỉ mang tính tham khảo”, thầy Đằng nhấn mạnh.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các trường trung học phổ thông phải hoàn thiện và công khai phương án xây dựng tổ hợp môn học trước thời điểm tuyển sinh lớp 10 để phụ huynh, học sinh nắm thông tin. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, nhiều trường phổ thông vẫn đang loay hoay trong quá trình tiến hành khảo sát.

Thầy Hoàng Hải Nam - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hoa Lư A (Ninh Bình) cho biết: “Hiện tại, nhà trường đang tiến hành khảo sát nguyện vọng của học sinh. Vì là trường trọng điểm của huyện nên địa bàn tuyển sinh rộng, gồm các trường trung học cơ sở thuộc 8 huyện nên việc khảo sát sẽ lâu hơn các trường khác”.

Bên cạnh đó, thầy Vũ Ngọc Khánh - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lý Tự Trọng (Nam Định) cho hay, trường đã xây dựng xong tổ hợp môn lớp 10 cho năm học tới dựa trên căn cứ nguồn giáo viên nhà trường có nhưng vẫn chưa khảo sát xong.

“Hiện tại, Trường Trung học phổ thông Lý Tự Trọng đang thực hiện phiếu khảo sát vì chưa có hướng dẫn tuyển sinh chi tiết của Sở nên không thể đóng phiếu khảo sát được”.

Theo thầy Khánh, khó khăn lớn nhất khi xây dựng tổ hợp là nhà trường không đáp ứng được nguyện vọng của những học sinh theo thiên hướng nghệ thuật vì trường không có giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật. Bên cạnh đó, nhiều học sinh chưa được định hướng nghề nghiệp tương lai kỹ càng.

“Đối với đầu vào, nhà trường sẽ cố gắng hướng dẫn, tư vấn nhưng đầu ra thì có nhiều vấn đề đáng bàn. Lúc này, trường đại học phải thi tuyển sinh như thế nào, các môn thi ra sao cho phù hợp để các trường trung học phổ thông như chúng tôi đáp ứng được.

Ví dụ học sinh đã xác định thi vào Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội và lựa chọn tổ hợp môn học theo những môn thi năm trước từ lớp 10 nhưng nếu đến lớp 12, ngành, trường em muốn vào thay đổi tổ hợp môn thi, lúc đấy các em phải xoay sở ra sao”, thầy Khánh bày tỏ thắc mắc.

Trong khi đó, thầy Đỗ Xuân Vượng, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Triệu Quang Phục (Hưng Yên) cho rằng, việc khảo sát nguyện vọng học sinh lớp 9 do các trường trung học cơ sở khảo sát, nhà trường chỉ nắm số liệu khi đã có kết quả.

Trần Lý