Ngành Luật thuộc Khoa Luật, Chính trị học và Quan hệ quốc tế được đánh giá là khoa “hot” và có số lượng tuyển sinh lớn của Trường Đại học Thái Bình trong nhiều năm qua.
Khoa có sứ mệnh đào tạo ra những cử nhân Luật có phẩm chất chính trị, đạo đức trong sáng, có trình độ chuyên môn cao, có năng lực làm việc liên quan đến các mặt khác nhau của đời sống pháp lý tại toà án, viện kiểm sát, văn phòng luật sư, cơ quan công an, cơ quan thi hành án, cơ quan công chứng và một số bộ phận trong các cơ quan hành chính nhà nước, các tổ chức chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước.
Chương trình đào tạo gắn với thực tiễn
Theo Tiến sĩ Hà Văn Đổng - Trưởng phòng Đào tạo và Học sinh, sinh viên, chương trình đào tạo cử nhân ngành Luật của Trường Đại học Thái Bình có mục tiêu chung là đào tạo giúp người học có đầy đủ các năng lực theo Khung năng lực trình độ quốc gia Việt Nam gắn với đặc thù ngành và phù hợp với tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi của trường.
“Về kiến thức, sinh viên theo học sẽ được trang bị kiến thức lý luận toàn diện, chuyên sâu về các lĩnh vực của khoa học pháp lý; những kiến thức cơ bản về hệ thống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội có liên quan đến lĩnh vực pháp luật, kiến thức cần thiết về tin học, ngoại ngữ.
Về kỹ năng, chương trình đào tạo ngành Luật của Trường Đại học Thái Bình chú trọng đến việc rèn luyện cho sinh viên những kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc hành nghề luật, đó là: kỹ năng phân tích, tổng hợp vấn đề; kỹ năng tư duy phản biện; kỹ năng làm việc nhóm; kỹ năng soạn thảo hợp đồng; kỹ năng tư vấn pháp luật trong các lĩnh vực; kỹ năng thuyết trình; kỹ năng giao tiếp, ứng xử…
Đội ngũ giảng viên, chuyên gia thỉnh giảng của ngành Luật là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ được đào tạo bài bản tại các cơ sở giáo dục uy tín trong và ngoài nước, có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm thực tiễn từ các cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, đơn vị chuyên môn của Bộ Tư pháp, các cơ quan hành chính nhà nước, các cơ quan bảo vệ pháp luật, luật sư, chuyên gia trong lĩnh vực khoa học pháp lý.
Một số giảng viên của ngành là chủ nhiệm các nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp tỉnh đã được nghiệm thu và là chủ biên của nhiều giáo trình, sách chuyên khảo trong lĩnh vực khoa học pháp lý”, Tiến sĩ Hà Văn Đổng cho biết.
Trong quá trình học, bên cạnh việc học lý thuyết, sinh viên sẽ được tham gia vào các hoạt động của Đoàn Thanh niên Trường Đại học Thái Bình, hội thi nghiên cứu khoa học các cấp, tham gia vào câu lạc bộ Pháp luật, câu lạc bộ Ngoại ngữ, các buổi Workshop, các hội thảo về Khoa học pháp lý, các Phiên toà giả định,…do nhà trường, khoa đào tạo phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức.
Sinh viên hoàn cảnh gia đình khó khăn và sinh viên có kết quả học tập cao, được đánh giá rèn luyện tốt sẽ nhận được học bổng khuyến khích học tập hàng kỳ của nhà trường, các học bổng của doanh nghiệp, tổ chức phi Chính phủ và những nhà tài trợ.
Cũng theo Tiến sĩ Hà Văn Đổng, việc học lý thuyết kết hợp với học tập thực tế từ các cơ quan, tổ chức, đơn vị sẽ giúp sinh viên bám sát thực tiễn, tăng khả năng ghi nhớ và tích luỹ kinh nghiệm để tạo dựng cho mình một hồ sơ ấn tượng khi ra trường.
“Sinh viên ngành Luật của Trường Đại học Thái Bình sẽ được tham gia trải nghiệm thực tế và thực tập tốt nghiệp tại doanh nghiệp, Tòa án nhân dân các cấp, Viện Kiểm sát nhân dân các cấp, văn phòng công chứng, văn phòng Luật sư và các cơ quan nhà nước...
Đối với hoạt động trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp, sinh viên sẽ có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về cơ cấu tổ chức, cách thức vận hành của doanh nghiệp, việc tuân thủ các quy định của Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại, Luật Đầu tư, Luật Bảo hiểm xã hội…Sinh viên được tạo điều kiện để trải nghiệm làm thử tại các bộ phận: tổ chức - hành chính, bộ phận pháp chế… của một số doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh.
Đối với thực tập tốt nghiệp, sinh viên Luật sẽ thực tập tại các cơ quan nhà nước và các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực khoa học pháp lý.
Những đợt tham gia trải nghiệm thực tế và thực tập tốt nghiệp cuối khóa là cơ hội để sinh viên ngành Luật, Trường Đại học Thái Bình được tiếp xúc với môi trường làm việc thực tế, tham gia vào công tác chuyên môn tại các đơn vị thực tập, giúp sinh viên vận dụng kiến thức lý thuyết đã học vào thực tiễn, phát triển các kĩ năng cần thiết cho việc hành nghề luật, tạo cơ hội để sinh viên được gặp gỡ và giao lưu với các chuyên gia trong ngành, từ đó giúp các em có định hướng nghề nghiệp rõ ràng hơn trong tương lai”, Tiến sĩ Hà Văn Đổng nói.
Gần 100% sinh viên ra trường có việc làm
Tiến sĩ Đinh Ngọc Chính - Phó trưởng khoa phụ trách Khoa Luật, Chính trị học và Quan hệ quốc tế cho biết, hiện nay, trong bối cảnh hội nhập kinh tế - xã hội, nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản trong lĩnh vực khoa học pháp lý không ngừng tăng lên.
Vì vậy, sau khi tốt nghiệp ngành Luật - Trường Đại học Thái Bình, với kiến thức chuyên môn vững vàng, kỹ năng mềm tốt, có kinh nghiệm thực tế, định hướng nghề nghiệp rõ ràng, gần 100% sinh viên đều có việc làm và nhận được mức lương ổn định.
"Các năm, khoa đều có số liệu khảo sát về cựu sinh viên ra trường đã có việc làm hay chưa và làm việc trong những lĩnh vực nào.
Cụ thể, trong năm học 2022-2023, chúng tôi đã tiến hành khảo sát tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp đã có việc làm sau một năm đạt gần 100% (khảo sát qua số điện thoại, có vị trí việc làm cụ thể).
Các sinh viên ngành Luật sau khi ra trường chủ yếu về công tác tại các xã, phường làm việc theo đúng chuyên môn được đào tạo", Tiến sĩ Chính nhấn mạnh.
Các cựu sinh viên Luật - Trường Đại học Thái Bình đang làm việc tại các cơ quan của nhà nước từ Trung ương tới địa phương, tại các văn phòng Luật sư, văn phòng công chứng, các tổ chức giáo dục, các doanh nghiệp lớn,...Nhiều sinh viên đã trở thành những luật gia uy tín và đạt được thành công trong sự nghiệp. Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc được giữ lại để công tác tại trường.
Anh Lê Chí Công (cựu sinh viên ngành Luật - Trường Đại học Thái Bình) hiện đang công tác tại Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) cho biết, anh ra trường được hơn 2 năm và tìm kiếm được việc làm ngay sau khi rời giảng đường.
"Tôi thấy chương trình đạo tạo của ngành Luật rất bài bản, đội ngũ giảng viên của Khoa Luật, Chính trị học và Quan hệ quốc tế đều có kinh nghiệm giảng dạy tốt, chuyên sâu.
Khi học tập tại trường, tôi thường được tham gia các chương trình tư vấn, trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp cụ thể. Nhà trường cũng thường xuyên kết nối các cơ quan hành chính nhà nước, các công ty lớn để sinh viên có cơ hội trải nghiệm trong thời gian học tập", anh Công nói.
Tiến sĩ Đinh Ngọc Chính cho rằng, đào tạo gắn liền với việc tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế là động lực chính tạo sự bứt phá để phát triển các nguồn lực nhằm thúc đẩy sự phát triển không ngừng của ngành Luật.
Trường Đại học Thái Bình là thành viên của mạng lưới các cơ sở đào tạo Luật tại Việt Nam, nhà trường đã tích cực tham gia các hội thảo, kí kết nhiều văn bản hợp tác với các cơ sở đào tạo luật uy tín trong cả nước.
Trong nhiều năm gần đây, nhằm thúc đẩy hoạt động đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, hướng nghiệp và trải nghiệm thực tiễn, nhà trường cũng đã kí kết các thỏa thuận hợp tác với Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình, Ủy ban nhân dân các cấp, các văn phòng Luật, các doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh.
Trong thời gian tới, để nâng cao hoạt động hợp tác quốc tế trong đào tạo Luật, Trường Đại học Thái Bình sẽ làm việc với một số trường đại học lớn tại nước Nga, Trung Quốc, Ba Lan, Đức, Ấn Độ, Mỹ... để thỏa thuận về các chương trình liên kết đào tạo, trao đổi giảng viên, sinh viên.
Tiến sĩ Đinh Ngọc Chính hi vọng, trong tương lai ngành Luật - Trường Đại học Thái Bình với chương trình đào tạo tiên tiến, đào tạo gắn lý thuyết với thực tiễn, chú trọng phát triển kỹ năng cho sinh viên chắc chắn sẽ mang đến cho các em nhiều cơ hội học tập và phát triển.