TS Trần Nam Dũng: "Giáo dục nếu không trung thực có thể sẽ mất tất cả"

14/07/2023 06:36
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tiến sĩ Trần Nam Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu cho rằng, phần lớn các em tham dự cuộc thi này chủ yếu để săn học bổng vào RIT.

Trong những ngày vừa qua, câu chuyện nữ sinh Mai Chi lên tiếng về việc bài thi Genius Olympiad của em bị sao chép được dư luận đặc biệt quan tâm.

Đặc biệt, vấn đề về tính trung thực trong thi cử lại càng được nhấn mạnh, khi em Mai Chi nhận được thư trả lời khiếu nại từ ban tổ chức cuộc thi rằng, bài làm của em N.Q.U. (người bị tố sao chép) giống đến 86% so với bài làm của em Mai Chi, có phát hiện gian lận liên quan đến em Q.U và sẽ tiến hành thu hồi giải thưởng của nam sinh này, đồng thời không cho phép người hướng dẫn của cả hai em là thầy Nguyễn Minh Trung (giáo viên Trường trung học phổ thông Gia Định) sẽ không được gửi bất kỳ đề án nào để tham dự cuộc thi này trong năm 2024 sắp đến.

Thầy giáo đi với tư cách cá nhân hay đại diện trường?

Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Genius Olympiad là một cuộc thi quốc tế, thúc đẩy sự hiểu biết toàn cầu về các vấn đề môi trường, và đạt được sự bền vững thông qua khoa học cơ bản, nghệ thuật, viết sáng tạo, kỹ thuật, thiết kế và phát triển kinh doanh.

Genius Olympiad mang đến những thách thức, cơ hội cho học sinh trung học, truyền cho các em những kỹ năng và kiến thức cần thiết để trở thành những công dân, nhà lãnh đạo, nhà khoa học, nghệ sỹ, nhà văn, kỹ sư và nhà hoạch định chính sách trong tương lai.

Cuộc thi này tập trung vào tất cả các khía cạnh của các vấn đề môi trường toàn cầu, để giúp học sinh trung học trên khắp thế giới đối phó với các vấn đề môi trường, khơi gợi khả năng của họ và đưa ra giải pháp; truyền cảm hứng cho học sinh trung học để bảo vệ môi trường; trang bị cho thế hệ trẻ bảo vệ môi trường.

Cuộc thi này dành cho các học sinh trong độ tuổi từ 13 đến 17 tuổi (học từ lớp 9 đến lớp 12). Học sinh dưới 17 tuổi muốn tham dự cuộc thi này phải có người lớn đi kèm (giáo viên hay thành viên gia đình).

Mỗi thí sinh tham dự cuộc thi này chỉ được trình bày một dự án trong vòng chung kết. Tối đa hai học sinh có thể trình bày một dự án khoa học, kinh doanh hoặc phim ngắn.

Theo một số chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục quốc tế, Genius Olympiad là một cuộc thi có quy trình tuyển chọn vừa phải. Về cơ bản, cuộc thi này có hai vòng là vòng loại và vòng chung kết.

Thông thường, khoảng trên dưới 50% (tùy theo từng năm) dự án dự thi trong vòng loại sẽ được chấp nhận vào vòng chung kết.

Thư của ban tổ chức cuộc thi Genius Olympiad gửi Trường trung học phổ thông Gia Định (ảnh chụp màn hình)

Thư của ban tổ chức cuộc thi Genius Olympiad gửi Trường trung học phổ thông Gia Định (ảnh chụp màn hình)

Tại địa chỉ website http://geniusolympiad.org, ban tổ chức cuộc thi này cũng công khai chi phí tham gia như phí đăng ký là 50 USD/dự án. Sau khi có danh sách được lọt vào vòng chung kết, thí sinh sẽ đóng tiếp 425 USD để xác nhận tham dự.

Liên quan đến vấn đề thầy giáo dẫn học sinh tham gia cuộc thi này hồi tháng 6/2023 với tư cách cá nhân hay đại diện cho Trường trung học phổ thông Gia Định, trong rất nhiều lần trả lời phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Ngọc Khánh Vân – Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Gia Định đều trả lời rằng, thầy Trung đi với tư cách cá nhân, không đại diện cho nhà trường hay của thành phố.

Tuy nhiên, phóng viên lại có được một thư thông báo của ban tổ chức cuộc thi gửi tới Trường trung học phổ thông Gia Định, nêu rõ danh sách họ tên và ngày tháng năm sinh của thí sinh tham dự cuộc thi này trong năm nay, đồng thời có cả họ tên, ngày tháng năm sinh của người hướng dẫn thí sinh đi kèm.

Về vấn đề này, ngày 12/7, cô Nguyễn Ngọc Khánh Vân – Hiệu trưởng đã một lần nữa khẳng định rằng, thầy Trung tham dự cuộc thi này với tư cách cá nhân, kinh phí hoàn toàn tự túc. Quyết định cho phép thầy đi đã nêu rõ điều này.

Phóng viên đặt vấn đề, tại sao thầy đi với tư cách cá nhân thì sao ban tổ chức cuộc thi lại gửi thư thông báo cho nhà trường, cô Nguyễn Ngọc Khánh Vân lý giải, do thầy Trung ghi nơi công tác là trường Gia Định.

Theo giải thích của cô Khánh Vân, ở nước ngoài thì đơn vị công tác của mình ở đâu, thì mặc định là đại diện cho đơn vị đó. Khi đăng ký tài khoản để dự thi, ghi rõ đơn vị công tác thì sẽ mặc định là đoàn đó. Đưa tên học sinh vào cũng không thay đổi được tên trường, dẫn đến có những hiểu lầm.

Cô Nguyễn Ngọc Khánh Vân nhấn mạnh, thầy Trung đã sử dụng email cá nhân, chứ không phải email của trường cấp cho thầy để đăng ký dự thi. Trường cũng đã kiểm tra lại những vấn đề này và có xác nhận là đúng.

Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử giáo dục Việt Nam, từ năm học 2017 – 2018 cho đến năm 2022, học sinh của Trường trung học phổ thông Gia Định đạt rất nhiều huy chương ở cuộc thi này, trong đó vai trò giáo viên hướng dẫn cho các học sinh tham gia phần lớn là Thạc sĩ Nguyễn Minh Trung, Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Khánh Vân.

Tại sao cuộc thi Genius Olympiad hút học sinh TPHCM?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề tính trung thực trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là đối với các cuộc thi nghiên cứu khoa học, Tiến sĩ Trần Nam Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, trung thực là yếu tố tối quan trọng, thậm chí nếu thiếu trung thực có thể mất tất cả.

Là một chuyên gia am hiểu nhiều cuộc thi quốc tế, Tiến sĩ Trần Nam Dũng cho hay, nhiều cuộc thi quốc tế có uy tín tỷ lệ tuyển chọn rất khắt khe.

Tiến sĩ Trần Nam Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: V.D)

Tiến sĩ Trần Nam Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: V.D)

Còn với Genius Olympiad, tỷ lệ xét duyệt đề tài vào chung kết dễ, vì thí sinh phải đóng phí đăng ký, phí tham dự cuộc thi…Phần lớn các em tham dự cuộc thi này chủ yếu để săn học bổng vào RIT (Viện Công nghệ đại học Rochester ở New York, Hoa Kỳ).

Với một số cuộc thi quốc tế, việc được tham dự vòng chung kết là vô cùng khó, còn Genius Olympiad thì khoảng 50% đề tài tham dự vòng loại được lọt vào vòng chung kết, nên tất nhiên là không được đánh giá cao bằng nhiều cuộc thi khác.

Về những vấn đề có liên quan đến hai thí sinh Mai Chi và Q.U ở cuộc thi Genius Olympiad 2023, Tiến sĩ Trần Nam Dũng cho rằng, ngay từ ban đầu, khi theo dõi câu chuyện, Tiến sĩ Dũng đã đánh giá thầy Trung đã có nhiều điểm mập mờ, không rõ ràng, thiếu trung thực. Điều này sẽ rất nguy hiểm, và đã có hậu quả xảy ra.

Theo quan điểm của Tiến sĩ Trần Nam Dũng, và cũng là của nơi chính ông đang là phó hiệu trưởng, thì đề tài, dự án, sản phẩm của chính các bạn học sinh, là phải do chính các bạn tự làm, nghĩ ra.

Thầy cô chỉ là người phản biện, học sinh sẽ là người bảo vệ đề tài. Thầy Trần Nam Dũng nhấn mạnh rằng, mục đích của các cuộc thi trên thế giới chắc chắn cũng vì mục đích này, chứ không ai muốn thầy cô giáo lại “chen chân” vào đề tài, sản phẩm của học sinh.

“Trong giáo dục, vấn đề trung thực là tối quan trọng. Học sinh Việt Nam cũng cần phải dạy nhiều về vấn đề bản quyền” – thầy Trần Nam Dũng chia sẻ quan điểm.

Vấn đề đề tài của Q.U. giống đến 86% bài làm của Mai Chi như ban tổ chức cuộc thi Genius Olympiad công bố như vừa rồi là cần phải lên án, để tránh những trường hợp tương tự có thể xảy ra trong tương lai.

Việt Dũng