Hồ Tôn Hiến 胡宗憲 (1512 - 1565) là nhân vật của Truyện Kiều nhưng lại là một trọng thần có thật ở đời Minh của Trung Quốc. Chính Hồ Tôn Hiến là người đầu tiên cho quan thuộc cấp ghi chép lại việc đánh dẹp Từ Hải, bắt Vương Thúy Kiều để rồi dần dà hàng trăm năm sau, chuyện người thật việc thật ấy được phóng tác thành nhiều tiểu thuyết khác nhau của Trung Quốc và cuối cùng tạo nguồn cảm hứng cho Nguyễn Du viết Truyện Kiều bằng chữ Nôm ở nước ta.
Tiếp tục mạch bài về cách hiểu Truyện Kiều của Nguyễn Du, nhất là các đoạn được trích trong sách giáo khoa, đây là bài thứ 6 trong loạt bài 7 bài mà Tòa soạn đang giới thiệu tới độc giả là của thày giáo, nhà nghiên cứu Nguyễn Cẩm Xuyên. Các bài viết này, không chỉ có giá trị tham khảo trong giảng dạy cho các thày cô giáo, mà còn là những góc nhìn, phân tích rất thú vị của riêng tác giả đối với tác phẩm bất hủ của đại thi hào Nguyễn Du.
Trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
Hồ Tôn Hiến từng đỗ tiến sĩ đời Minh Thế Tông, là nhà quân sự có tài, đã bình định được nhiều cuộc nổi loạn, đặc biệt đã đánh dẹp được Oa khấu (quân cướp biển người Nhật) thường quấy nhiễu vùng biển đông-nam Trung Quốc, được thăng Thái tử thái bảo, giữ chức Đô Sát Viện Tả Đô Ngự Sử kiêm Thượng thư bộ Binh. Hồ Tôn Hiến còn là nhà viết văn, sử đời Minh; về sau vì liên kết bè cánh với Nghiêm Tung (1) là người tạo biến cố Canh Tuất (1550), Tôn Hiến bị bắt giam rồi tự tử, chết trong ngục.
Kim Vân Kiều truyện đời Thanh là nguồn gốc của Truyện Kiều nhưng lại ít người biết đến
Thầy Dương Quảng Hàm trong Việt Nam văn học sử yếu, học giả Phạm Quỳnh trên Nam Phong tạp chí đều cho rằng Truyện Kiều nước ta xuất phát từ Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân. Quả đúng như vậy và ta có thể đoán chắc được điều này bởi xem kĩ, so sánh các các tiểu thuyết Minh-Thanh viết về Vương Thúy Kiều–Từ Hải thì nội dung Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân(2) là gần gũi nhất với Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du. Chỉ có một điều rất lạ là trong khi Truyện Kiều của Nguyễn Du nổi tiếng khắp nơi mà Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân thì về sau không riêng gì quần chúng mà ngay các học giả Trung Quốc cũng ít người biết đến.
Giáo sư Văn học Đổng Văn Thành, Trường đại học Liêu Ninh đã viết:
“…Những năm 60, hồi học khoa Trung văn trường đại học, qua giáo trình văn học nước ngoài, tôi được biết ở Việt Nam có một truyện thơ nổi tiếng thế giới gọi là truyện Kim Vân Kiều. Từ đó tên truyện Kim Vân Kiều – viên ngọc sáng của văn học phương Đông, in vào ký ức tôi. […] Vì truyện thơ đó có quan hệ máu thịt với văn học của tổ quốc cho nên tôi rất hứng thú. […] Chúng ta cần phải học tập và tham khảo di sản ưu tú của nước ngoài, nhưng cũng không nên lãng quên gốc gác mà nên tôn trọng và kế thừa di sản văn học ưu tú của dân tộc mình. Dựa trên tinh thần đó, từ lâu tôi đã mong có ngày nhìn thấy truyện “Kim Vân Kiều”, cuốn tiểu thuyết Trung Quốc nghe nói đã thất truyền ở trong nước.
Năm 1981 bất ngờ phát hiện ra cuốn sách đó ở thư viện Đại Liên, nỗi vui mừng của tôi thật không sao hình dung nổi. Tôi đọc một hơi hết cả cuốn sách …” (3) .
Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân vốn đã bị người Trung Quốc coi rẻ
Cũng trong bài trên, GS. Đổng Văn Thành viết thêm:
“… cuốn sách của tác giả Thanh Tâm tài nhân bị vùi lấp hàng mấy thế kỷ trong văn học sử Trung Quốc; từ cuối đời Thanh cho tới những năm 50 của thế kỷ XX, cuốn tiểu thuyết ấy hầu như được ít người biết đến. Trong tất cả các sách về lịch sử tiểu thuyết, lịch sử văn học, kể từ cuốn Sơ lược lịch sử tiểu thuyết Trung Quốc của Lỗ Tấn đến nay, đều không có đến nửa chữ giới thiệu về nó. Thứ hai, ông Tôn Khải Đệ, chuyên gia nghiên cứu tiểu thuyết Trung Quốc, người sớm nhất nhắc đến nó trong sách Thư mục tiểu thuyết, được thấy ở Tokyo – Nhật Bản, xuất bản năm 1932, lại coi nó là điển hình của những tác phẩm kém cỏi. Ông nghiêm khắc chê bai: “Dựa vào sự việc của Thúy Kiều mà viết cho sáng rõ ra – vốn có thể mở một thế giới khác ngoài lối tiểu thuyết cũ rích in hệt nhau, tiếc rằng lực hút của tác giả quá yếu, không thể mang lại sức sống cho Thúy Kiều. Còn việc Thúy Kiều nhảy xuống sông tự trầm vốn là kết cục rất tự nhiên, có thể viết rất hay, thế mà tác giả lại cố ý xóa nhòa sự thực, cho nàng được người cứu sống, trả lại đoàn viên. Nhân đấy than thở cho kẻ tục trong đời, thật là muốn chữa chạy cũng chữa không nổi. Người xưa tiết hạnh lạ kỳ đến thế, không may lạc vào sách của kẻ tầm thường nên cảnh tượng mới ra như vậy”.
Cuốn sách hầu như bị sổ toẹt, từ đó tiếng xấu lan xa trong ngoài nước. Lúc được phát hiện thì đồng thời cũng là lúc dường như bị phán quyết án tử hình. Truyện Kim Vân Kiều khó mà thay đổi được số phận đáng buồn là bị vứt bỏ.
Sau khi người Trung Quốc tự đẩy cuốn tiểu thuyết của mình xuống vực, học giả nước ngoài nghiên cứu văn học Trung Quốc càng không thèm để ý đến nữa. Nếu không có Nhà xuất bản Xuân Phong Văn Nghệ in lại tiểu thuyết đời Minh–Thanh, hẳn bộ tiểu thuyết này còn bị ngăn cách với bạn đọc lâu hơn nữa.
Phải chăng tác giả Trung Quốc Thanh Tâm tài nhân – con người “tầm thường”, “không thể cứu chữa” – đã làm hỏng đề tài Vương Thúy Kiều đến nỗi không một chỗ nào coi được, phải hoàn toàn nhờ sự gia công “thiên tài” của tác giả Việt Nam Nguyễn Du mới biến miếng sắt bỏ đi thành vàng ròng lấp lánh?...” (4)
Ở Trung Quốc, trải qua mấy trăm năm “Kim Vân Kiều truyện” ít được phổ biến. Các học giả cũng chẳng mấy ai biết… vậy mà ở nước ta, 62 năm trước khi GS. Đổng Văn Thành phát hiện ra Kim Vân Kiều truyện, học giả Phạm Quỳnh đã từng đọc truyện này và viết trên tạp chí Nam Phong số 30, tháng 12 năm 1919: “…Nguyên bộ tiểu thuyết Tàu mà cụ phỏng theo để đặt ra truyện Kiều đề là “Thanh Tâm tài nhân lục”, không biết rõ tác giả là ai, soạn vào đời nào, nhưng truyện với lời văn cũng tầm thường, ngoài mấy bài từ điệu có vẻ thanh tao lưu loát, không có đặc sắc gì…”.
Vào những năm đầu thế kỉ XX ấy, Phạm Quỳnh tuy chưa đủ nguồn tư liệu để biết người Trung Quốc đánh giá Kim Vân Kiều truyện ra sao nhưng căn cứ vào câu chữ, nghệ thuật của truyện… đã khẳng định được đây chỉ là một cuốn truyện xoàng. Nay thì ta biết rõ hơn là cuốn truyện này qua mấy thế kỉ đã bị chính người Trung Quốc rẻ rúng.
Xác định tương quan giá trị giữa "Kim Vân Kiều truyện" và "Truyện Kiều"
Trần Nghĩa, trên tạp chí Hán Nôm số 2/1998 đã viết: “… Khi luận giải về mối quan hệ giữa Kim Vân Kiều tân truyện của Nguyễn Du và Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, một số người băn khoăn không rõ vì sao Nguyễn Du lại chọn một tác phẩm vô danh tiểu tốt của Trung Quốc để cải biên hoặc chuyển thể và càng khó hiểu hơn ở chỗ tác phẩm cải biên hoặc chuyển thể này lại được công chúng Việt nam chấp nhận và hoan nghênh. Liệu có sự nhầm lẫn gì ở đây không ? […] Hiện tượng “người bỏ, ta lấy; người khinh, ta chuộng” cũng đã từng xảy ra trong giao lưu văn học thế giới […] Nhưng với Kim Vân Kiều tân truyện và Kim Vân Kiều truyện, tình hình không phải như vậy. Bởi lẽ đề tài “Thúy Kiều” trước Thanh Tâm tài nhân đã được rất nhiều cây bút Trung Quốc khai thác, như Dư Hoài với Vương Thúy Kiều truyện, Đới Sĩ Lâm với Lý Thúy Kiều truyện, Mộng Giác Đạo Nhân với Sinh báo Hoa Ngạc ân, tử tạ Từ Hải nghĩa trong Tam khắc phách án kinh kỳ... Và sau Thanh Tâm Tài Nhân, Diệp Trĩ Phỉ đã dựa vào Kim Vân Kiều tân truyện để sáng tác vở kịch Hổ phách thỉ và Hạ Bỉnh Hoành cũng đã theo đó để sáng tác vở kịch Song Thúy viên...
Với thực tế vừa nêu, khó mà nói truyện “Thúy Kiều” ở Trung Quốc không mấy ai để ý và Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân chỉ thuộc loại “xoàng”. Nếu quả là “xoàng” thì tại sao Kim Vân Kiều truyện lại được liệt vào loại “Tài tử thư” của Trung Quốc ?”…
Xem lại bản chép tay Kim Vân Kiều truyện thì quả là đầu mỗi quyển đều có ghi: “Quán Hoa Đường bình luận, Kim Vân Kiều quyển chi… Thánh Thán ngoại thư” (5). Các bản in gần đây cũng theo đó mà in như thế.
Được xếp vào hàng “Quán Hoa Đường bình luận - Thánh Thán ngoại thư” có nghĩa là sách thuộc vào loại có giá trị nên đã được nhà phê bình kiệt xuất Kim Thánh Thán để ý xem xét, bình luận.
Việc Kim Vân Kiều truyện được Kim Thánh Thán liệt vào hàng “Thánh Thán ngoại thư” thì có thể còn xem xét - còn nếu cho là “Kim Vân Kiều truyện” là “Tài tử thư” như Trần Nghĩa đã viết ở trên thì không đúng - bởi Trung Quốc chỉ có 6 tác phẩm được Kim Thánh Thán bình luận, xếp vào danh hiệu “Tài tử thư” (lục Tài tử), gồm có: Nam Hoa kinh của Trang Tử, Ly Tao của Khuất Nguyên, Sử kí của Tư Mã Thiên, Thơ luật của Đỗ Phủ, Thủy Hử của Thi Nại Am và Tây sương kí của Vương Thực Phủ. Một số sách khác tuy được Kim Thánh Thán bình luận lưu vào thư viện riêng “Quán Hoa Đường” song chỉ thuộc hàng “Thánh Thán ngoại thư ”.
Vậy Kim Vân Kiều truyện có phải là Thánh Thán ngoại thư? Trước câu hỏi này, các nhà nghiên cứu nước ta đã không đồng nhất ý kiến: Có người tin nhưng cũng nhiều người tỏ ý nghi ngờ.
Có thể ngờ lắm bởi vì vào thời mà việc lưu truyền, phổ biến tác phẩm chủ yếu chỉ nhờ vào chép tay thì dòng chữ “Quán Hoa đường bình luận - Thánh Thán ngoại thư” ghi ở đầu truyện chưa thể xem là bằng chứng chắc chắn để tin được Kim Vân Kiều truyện được Kim Thánh Thán khen ngợi; nhất là về sau tác phẩm đã bị các học giả coi thường, đặc biệt trong số đó có nhiều học giả Trung Quốc.
Chỉ có một điều chắc chắn là sau khi Truyện Kiều của Nguyễn Du nổi tiếng, được dịch ra nhiều thứ tiếng: Pháp, Anh, Đức, Nhật, Hoa, Tiệp… thì người Trung Quốc mới ra sức tìm kiếm và biết được là nước mình có cuốn Kim Vân Kiều truyện… Từ đó họ bắt đầu chiêu tuyết. Chính GS. Đổng Văn Thành là người đã viết bài ca ngợi Kim Vân Kiều truyện, cho rằng truyện “không chỉ xây dựng một cách thành công những điển hình nghệ thuật mang đặc trưng thời đại mà còn có cống hiến quan trọng về mặt khai thác đề tài phụ nữ, về phương pháp nghệ thuật”… và “không phải đến ngày nay, mà ngay từ khi ra đời, Kim Vân Kiều truyện đã được nhiều người có quan điểm tiến bộ nhiệt liệt tán dương…”(6)
Chú thích:
(1) Nghiêm Tung là quan đại thần đời Minh, rất giỏi nịnh hót khiến Minh Thế Tông rất thích. Sau khi làm Thủ Phụ, Nghiêm Tung liên kết bè phái, lạm dụng chức quyền, tham nhũng. Trước việc các bộ lạc phương Bắc tiến quân xâm lấn Thông Châu vào năm Canh Tuất (1550), Nghiêm Tung chủ trương để mặc cho giặc cướp phá. Sử Trung Quốc gọi đây là "Canh Tuất chi biến". Sau khi tội Nghiêm Tung bị phát hiện, triều đình lại bắt được thư của con Nghiêm Tung là Nghiêm Thế Phồn gửi cho Hồ Tôn Hiến để liên kết bè đảng. Năm 1565, sau khi bị bắt giam, Hồ Tôn Hiến tự tử, chết trong ngục.
(2) Đến nay tuy có nhiều ý kiến nhưng xem ra chưa ai khẳng định được chắc chắn Thanh Tâm tài nhân là ai, bởi đây chỉ là bút hiệu (người viết truyện muốn xưng mình là khách đa tình: THANH 青 ghép với TÂM忄 là TÌNH 情). Nếu các bản Kiều của ta chỉ lệch một số câu chữ thì các bản Kim Vân Kiều truyện của Trung Quốc lại lệch nhau khá xa về độ dài, kết cấu, nội dung. Ấn bản và tên gọi của cuốn tiểu thuyết này phức tạp. Bản in đầu tiên xuất hiện khoảng cuối Minh đầu Thanh. Đến đời Khang Hy lại có bản in đơn giản hơn vì đã bị sửa chữa, lược bớt. Bản được phổ biến rộng rãi hiện nay gồm 20 hồi. Bản này có tại Đại Liên Đô thư quán. Năm 1983, Kim Vân Kiều truyện được Lý Trí Trung hiệu đính, nhà xuất bản Xuân Phong Văn Nghệ (Trung Quốc) phát hành. Nay truyện này dễ dàng tìm thấy trên nhiều trang điện tử của Trung Quốc. Truyện còn có tên “Song kì mộng”, “Song hợp hoan”.
(3)(4) Phạm Tú Châu “So sánh Truyện Kim Vân Kiều Trung Quốc và Việt Nam”; 200 năm nghiên cứu bàn luận “Truyện Kiều”, Nxb. Giáo dục, Hà Nội 2005.
(5) Kim Thánh Thán 金聖歎 sống vào khoảng cuối Minh, đầu Thanh (bị xử chém năm 1661 vì dám tố cáo việc làm phi pháp của quan huyện), tên thật là Kim Vị 金 喟, là nhà văn, nhà phê bình văn học nổi tiếng của Trung Quốc, được đời sau tôn vinh là "vua của thể văn bạch thoại". Kim Thánh Thán đã phê bình nhiều sách văn học Trung Quốc, có thư viện riêng đặt tên là “Quán Hoa Đường”. Những sách nào được Kim Thánh Thán khen ngợi, lưu vào thư viện riêng đều có ghi : “Quán Hoa đường bình luận-Thánh Thán ngoại thư”.
(6) Nguyễn Khắc Phi; Mối quan hệ giữa văn học Việt Nam và văn học Trung Quốc qua cái nhìn văn học so sánh, NXB Giáo dục, Hà Nội, 2001, tr.178 – 189.