Từ năm học 2024-2025, môn tiếng Nhật được đưa vào kỳ thi chọn HSG quốc gia

25/08/2024 06:21
Minh Chi
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Môn tiếng Nhật được đưa vào Kỳ thi chọn học sinh giỏi trung học phổ thông cấp quốc gia từ năm học 2024-2025.

Cục trưởng Cục quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ký ban hành công văn số 1513/QLCL-QLT gửi các Sở Giáo dục và Đào tạo: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Bắc Giang, Bình Thuận và Đại học Quốc gia Hà Nội về việc bổ sung môn thi tiếng Nhật trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2024-2025.

Văn bản nêu rõ, căn cứ theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 5 của Quy chế thi chọn học sinh giỏi quốc gia ban hành kèm theo Thông tư số 17/2023/TT-BGDĐT ngày 10/10/2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và đề nghị của 9 đơn vị nói trên, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đồng ý tổ chức thi môn tiếng Nhật tại kỳ thi chọn học sinh giỏi trung học phổ thông cấp quốc gia từ năm học 2024-2025.

gdvn-hs-theo-doi-3628.jpg
Môn tiếng Nhật được đưa vào Kỳ thi chọn học sinh giỏi trung học phổ thông cấp quốc gia từ năm học 2024-2025. Ảnh minh họa: Ngân Chi

Hiện nay, kỳ thi học sinh giỏi quốc gia cấp trung học phổ thông gồm có 12 môn thi: Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp và tiếng Trung Quốc. Từ năm học 2024-2025, kỳ thi có thêm môn thi tiếng Nhật, nâng tổng số môn thi lên 13.

Theo Quy chế thi chọn học sinh giỏi quốc gia được ban hành ngày 10/10/2023, từ năm học 2023-2024, tỷ lệ thí sinh đạt giải (từ Khuyến khích trở lên) không vượt quá 60% số thí sinh dự thi, tăng 10% so với Quy chế cũ.

Trong đó, tổng số giải Nhất, Nhì, Ba không vượt quá 60% tổng số giải, số giải Nhất không vượt quá 5% tổng số giải.

Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức vào tháng 12 hằng năm. Đây là kỳ thi học sinh giỏi quy mô lớn nhất cả nước do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Kỳ thi nhằm động viên, khuyến khích người dạy và người học phát huy năng lực sáng tạo, dạy giỏi, học giỏi; góp phần thúc đẩy việc cải tiến, nâng cao chất lượng dạy và học, chất lượng công tác quản lý, chỉ đạo của các cấp quản lý giáo dục; đồng thời, phát hiện người học có năng khiếu về môn học để tạo nguồn bồi dưỡng, thực hiện mục tiêu đào tạo nhân tài cho đất nước.

Điểm a, khoản 1, Điều 5 của Quy chế thi chọn học sinh giỏi quốc gia ban hành kèm theo Thông tư số 17/2023/TT-BGDĐT ngày 10/10/2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định như sau:

Đối với kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, tổ chức thi các môn: Toán, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Tin học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí và môn Ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc). Chỉ xem xét tổ chức thi đối với môn thi có ít nhất 05 đơn vị đăng ký dự thi trở lên. Việc điều chỉnh môn thi (nếu có) sẽ được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét quyết định

Minh Chi