Từ Yên Bái đến Sài Gòn, Vừ A Du nỗ lực để thực hiện ước trở thành doanh nhân

07/02/2022 06:40
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Vừ A Du mơ ước trở thành doanh nhân, kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin trong tương lai.

May mắn được nhận học bổng Vừ A Dính, cậu học trò nghèo hiếu học từ tỉnh Yên Bái đã được vào Thành phố Hồ Chí Minh học từ nhiều năm nay. Trải qua nhiều năm học tập tại thành phố mang tên Bác, từ 1 cậu bé nhút nhát, Vừ A Du đã trở thành chàng trai tự tin, hoạt bát và đạt nhiều thành tích cao trong học tập.

Suốt 5 năm qua, Vừ A Du (15 tuổi, ngụ tại thôn Hồng Lâu, xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) đã không ngừng cố gắng trong công việc học hàng ngày của mình. Ngoài ra, với nhiều hoạt động, phong trào khác thì Vừ A Du cũng đã thể hiện khả năng vượt trội của mình. Thế nhưng, ít ai biết rằng, khi vừa mới vào Thành phố Hồ Chí Minh, đây chính là cậu bé rất nhút nhát, e dè, tự ti với xuất phát điểm của mình.

Cậu học trò nghèo mơ ước làm kinh doanh

Vào tháng 1/2021, khi tất cả các em học sinh khối 10 tại Thành phố Hồ Chí Minh được trở lại trường học trực tiếp, thì Vừ A Du vẫn phải đang ở quê hương Yên Bái để học trực tuyến qua mạng.

Theo lãnh đạo nhà trường Nam Việt cho biết, sau tết Nguyên Đán 2022, Vừ A Du và một số bạn học sinh ở vùng sâu, vùng xa mới trở lại thành phố để tiếp tục việc học trực tiếp tại trường. Dù việc học trực tuyến có phần gây cản trở, do đôi lúc đường truyền mạng không ổn định, nhưng bù lại, cậu học sinh Vừ A Du rất chịu khó tương tác với thầy cô, chăm chỉ học tập.

Những lúc sóng yếu, chập chờn thì Vừ A Du lại học trên các video clip do thầy cô gửi cho.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Vừ A Du cho biết, từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại Thành phố Hồ Chí Minh đến nay, em được tạo điều kiện cho về quê học trực tuyến ở nhà.

Ngoài giờ học, Vừ A Du cũng trở lại với các công việc của một người nông dân như trước đây, như: Phụ giúp cha mẹ làm nương rẫy, đi chăn trâu, bắt cá, nấu cơm…Cuộc sống ở miền quê luôn yên bình, lặng lẽ nên em lúc nào cũng cảm thấy nhớ không khí trường lớp, nhớ các bạn và thầy cô tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Kể về những ngày tháng đầu tiên mới bước chân vào thành phố, Vừ A Du cho biết, vào thời điểm đó, em rất nhút nhát, rụt rè và tự ti. Lần đầu tiên phải rời xa thôn làng vùng sâu, rời xa vòng tay cha mẹ đến với một thành phố xa lạ, Vừ A Du vừa lo, vừa sợ.

Vừ A Du ở quê nhà (ảnh: NVCC)

Vừ A Du ở quê nhà (ảnh: NVCC)

Trong lòng, Vừ A Du cứ tự động viên mình rằng, hãy cố gắng lên vì thời gian sẽ trôi qua rất nhanh, nhưng cảm giác nhớ nhà luôn bủa vây khiến cho Vừ A Du khóc rất nhiều.

“Rất may, trong khoảng thời gian này, các thầy cô nhận thấy sự lo lắng của em nên đã động viên, an ủi em rất nhiều. Các anh chị, bạn bè trong khu nội trú cũng bắt chuyện, tâm sự với em một cách tự nhiên. Em nhận thấy rằng, tất cả mọi người không ai phân biệt rằng mình là người dân tộc thiểu số hay nghèo nàn. Chính nhờ những tình cảm này của thầy cô, bạn bè mà em đã vượt qua được khoảng thời gian ấy, để cố gắng học tập và rèn luyện cho thật tốt.” – Vừ A Du nói.

Cứ như vậy, ngày ngày, Vừ A Du đều chăm chỉ, cố gắng học tập. Em dành toàn bộ thời gian của mình cho việc học tập. A Du nói rằng, may mắn lớn nhất trong cuộc đời em là được nhận học bổng, bước vào một môi trường học tập hoàn toàn mới, khác xa hoàn toàn với những thứ mà em đang có.

Vừ A Du chia sẻ: “Em không thể ngờ được việc có thể học trong ngôi trường khang trang, đầy đủ tiện nghi như thế. Ngôi trường trước đây của em chỉ là một căn nhà nhỏ, có bàn ghế và giáo viên…Biết mình may mắn, có cơ hội để thay đổi cuộc đời, nên em luôn tự nhủ sẽ cố gắng hết sức”.

Chia sẻ về tương lai, Vừ A Du cho biết, em rất thích công nghệ thông tin. Nhưng trong tương lai, em muốn được làm doanh nhân, kinh doanh trong lĩnh vực này. Với em đây chính là động lực để vượt khó, vượt nghèo và có thể giúp đỡ được gia đình của mình.

Cậu bé nhút nhát, gây xúc động với ca khúc “Gặp mẹ trong mơ”

Cô Nguyễn Thị Hồng Vân – giáo viên trường Nam Việt, người đã làm chủ nhiệm Vừ A Du trong suốt 5 năm học ở Thành phố Hồ Chí Minh (từ lớp 6 đến 10) cho biết, Vừ A Du là học sinh người dân tộc thiểu số, có thành tích học tập tốt tại địa phương (tỉnh Yên Bái), nhà đông anh em, hoàn cảnh gia đình kinh tế khó khăn.

Được địa phương nơi em xác nhận, lựa chọn và gửi danh sách về ban điều hành quỹ học bổng Vừ A Dính, từ đó em đã được giới thiệu về trường Nam Việt học tập hoàn toàn miễn phí tất cả từ nhiều năm nay.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Hồng Vân nói mình không bao giờ có thể quên được hình ảnh cậu bé Vừ A Du nhút nhát, tự ti, lạ lẫm mọi thứ trong những ngày tháng đầu tiên mới vào Thành phố Hồ Chí Minh.

Thế nhưng, sau 5 năm học, Vừ A Du ngày nay đã là một chàng trai hoàn toàn khác. Ngoài việc luôn đứng ở vị trí top 3 những học sinh xuất sắc nhất lớp, em còn là một học sinh đa tài, xông xáo trong mọi hoạt động.

Và điều trưởng thành nhất ở em, theo cô giáo chủ nhiệm đó chính là sự tự tin, dám thể hiện mình – điều mà rất nhiều người e ngại là cậu bé không thể làm được.

Vừ A Du là đại biểu chính thức tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc vào cuối năm 2020 (ảnh: NTCC)

Vừ A Du là đại biểu chính thức tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc vào cuối năm 2020 (ảnh: NTCC)

Cuối năm 2020, Vừ A Du vinh dự được là một trong số hơn 2.000 đại biểu chính thức tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X tổ chức tại Hà Nội.

Với cô Hồng Vâng, kỷ niệm đẹp và đáng nhớ nhất, luôn in sâu đậm trong trái tim cô chính là hình ảnh một cậu bé học trò nhỏ nhắn, buồn thiu với các bạn trong đêm sinh hoạt đầu tiên khi gia nhập trường

“Những ngày đầu, khi mới có mặt tại trường, trong đêm tổ chức sinh hoạt thì Vừ A Du đã hát ca khúc “Gặp mẹ trong mơ”. Em có giọng hát rất hay, truyền cảm, cộng với nỗi nhớ nhà, nhớ cha mẹ khiến cho từng câu, từng chữ trong bài hát được em cất lên như lay động tất cả mọi người nghe.

Em vừa hát, vừa khóc nức nở khiến cho tất cả những người có mặt lúc đó đều khóc. Đây có lẽ là một kỷ niệm mà tôi không bao giờ có thể quên được. Kể cả sau này, sau nhiều năm gắn bó cùng với em, thì cứ nhìn thấy em là tôi lại nhớ tới khoảnh khắc xúc động này” – cô Hồng Vân tâm sự.

Quỹ học bổng Vừ A Dính do Nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa làm Chủ tịch.

Theo trang web chính thức của quỹ học bổng này, điều 13 nói về thể thức xét chọn học bổng ghi rõ: Căn cứ tiêu chuẩn và chỉ tiêu, kế hoạch được phân bổ, Tỉnh hay Thành Đoàn làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo tại các địa phương có hướng dẫn cụ thể, để các trường phát hiện, tổng hợp danh sách được đề nghị cấp học bổng.

Sau đó, các cơ quan này sẽ tiến hành họp, xem xét một bước để thống nhất danh sách được đề nghị cấp học bổng gửi về cơ quan thường trực của Quỹ.

Ban điều hành của Quỹ sẽ tổ chức tiếp nhận, tiến hành thẩm tra, xét duyệt và quyết định việc cấp học bổng với hình thức, mức học bổng cụ thể.

Đối tượng được xét cấp học bổng: Học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số đang học tập tại các trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và đoàn thể, đoạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc tế, quốc gia, tỉnh hay thành phố hoặc tương đương.

Việt Dũng