LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của thầy Nguyễn Xuân Thu, Giáo sư giảng dạy ở Úc, một tác giả quen thuộc trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.
Ở bài viết này, Giáo sư Thu chia sẻ về kinh nghiệm tuyển dụng và thăng ngạch giáo viên trong các Đại học tại Úc và các nước phát triển nói tiếng Anh.
Tòa soạn trân trọng gửi tới bạn đọc bài viết.
I. TỔNG QUÁT
1. Thăng ngạch giáo viên trong một đại học
Tại các nước phát triển nói tiếng Anh trên thế giới, các đại học (universities) đều là những đại học đa ngành (cơ cấu tổ chức tương tự như 2 đại học quốc gia và 3 đại học vùng ở Việt Nam)[1] và hoàn toàn tự chủ.
Việc tuyển dụng, bổ nhiệm, thăng ngạch giáo viên vì vậy là nhiệm vụ của mỗi trường đại học. Các nước này không có Hội đồng Chức danh Nhà nước như ở Việt Nam.[2]
Ở Úc, Ủy ban Thăng ngạch (Academic Promotions Committee) gồm Hội đồng Khoa học (Academic Board) và bộ phận nhân sự (Human Resource Office) trong Đại học dựa trên các quy định của Ủy hội Quan hệ Công nghiệp của Chính phủ Liên bang Úc (Australian Industrial Relations Commission)[3] để soạn ra các Chính sách và Quy trình Thăng ngạch Giáo viên (Policy and Procedures for Academic Promotions) cho trường đại học của mình.
2. Ba cấp quản lý trong các đại học
Trước khi đi vào nội dung chính, thiết nghĩ chúng ta cũng cần biết qua ba cấp quản lý của họ và ở mỗi cấp có ngân sách riêng và có sự phân quyền rất rõ rệt.
Nhờ thế, các quyết định của họ rất nhanh chóng, linh hoạt và sáng tạo.
1. Các trường đại học dù lớn hay nhỏ đều gọi là Đại học (University). Đứng đầu của một Đại học tại Úc được gọi là Vice-Chancellor/President, tại Việt Nam gọi là Giám đốc (President).
2. Các đơn vị đào tạo dưới Đại học ở nước ngoài có tên gọi khác nhau tùy mỗi quốc gia như Faculty, hoặc College hoặc School và người đứng đầu mỗi trường được gọi thống nhất là Dean.
Tại các Đại học quốc gia và đại học vùng ở Việt Nam tên tiếng Việt thì gọi là Trường đại học nhưng họ dịch ra tiếng Anh là University và người đứng đầu Việt Nam gọi là Hiệu trưởng, dịch ra tiếng Anh là Rector.
Như vậy là ở Việt Nam các Đại học quốc gia và vùng có nhiều Universities trong một University (có nhiều Universities trong một University là điều không xảy ra trong các nước phát triển).
3. Dưới một Faculty/College là các Departments/schools (Khoa) và đứng đầu mỗi đơn vị đào tạo này được gọi là Head of School (HOS) hoặc Head of Department.
Việt Nam dịch ra tiếng Anh là Dean làm cho người nước ngoài hiểu lầm.
Đại học Sydney, Úc. (Ảnh: scholarshipplanet.info) |
3. Bốn loại chức vụ mang tính chuyên môn trong các đại học (dựa trên chức năng chính của mỗi loại hoạt động liên quan trực tiếp đến giáo dục, không kể các chức vụ hành chính):
1. Các chức vụ giảng dạy và nghiên cứu (Teaching & research) liên quan đến giảng dạy và các hoạt động nghiên cứu gốc kể cả in và phổ biến kiến thức mới thuộc chức vụ này.
2. Các chức vụ chỉ liên quan đến nghiên cứu, (Research focus) tập trung vào nghiên cứu gốc, in ấn và phổ biến kiến thức mới.
3. Các chức vụ chuyên vào giảng dạy (Teaching specialist) tập trung vào các hoạt động giảng dạy và các hoạt động như dạy trên lớp, hướng dẫn cá nhân hay nhóm sinh viên, soạn tài liệu học tập, thiết lập chương trình, các đóng góp nổi trội trong giáo dục, hướng dẫn sinh viên.
4. Các chức vụ liên quan đến hàn lâm (Academic specialist) nhưng không hoàn toàn gắn liền với giảng dạy hay nghiên cứu, bao gồm tham gia cộng đồng, xây dựng các chính sách giáo dục, dịch vụ nghiên cứu và lãnh đạo và nắm giữ các chức vụ cao trong đại học như Giám đốc, Phó Giám đốc.
4. Ngạch giáo viên trong các đại học Úc (Academic ranks)[4] gồm các bậc như sau:
Bậc |
Chức danh ở Úc |
Chức danh tại Mỹ, Bắc Mỹ, Anh, châu Á |
Bậc A |
Trợ lý giáo viên/phó giảng viên/trợ lý nghiên cứu (Tutor/Associate Lecturer/Research Associate) |
Giảng viên/Nghiên cứu viên (Lecturer/Research Fellow) thường là những người có kinh nghiệm nhiều trong công nghiệp liên quan với một vài bộ môn giảng dạy và nghiên cứu trong trường đại học; nhiều người nắm giữ chức vụ này chưa có học vị tiến sĩ |
Bậc B |
Giảng viên/Nghiên cứu viên (Lecturer/Research Fellow) |
Tương đương với Trợ lý Giáo sư (assistant professor) trong các trường đại học ở Bắc Mỹ |
Bậc C |
Giảng viên chính/Nghiên cứu viên chính (Senior Lecturer hoặc Senior Research Fellow) |
Tương đương với Phó Giáo sư (Associate Professor) trong các trường đại học ở Bắc Mỹ |
Bậc D |
Phó Giáo sư/Nghiên cứu Trưởng (Associate Professor/Reader) |
Tương đương với bậc Giáo sư (Professor) trong phần lớn các nước ở châu Á và các đại học ở Bắc Mỹ |
Bậc E |
Giáo sư (Professor) |
Tương đương với bậc Giáo sư đầu ngành, có nắm giữ chức vụ hàn lâm (Chair Professor) trong phần lớn các nước ở châu Á và tại các đại học ở Bắc Mỹ, và bậc giáo sư đầu ngành của một bộ môn đào tạo (academic discipline) tại các Đại học Anh quốc |
Tại Đại học Quốc gia Australia (ANU), Bậc E còn được chia ra E1, E2, E3. Bậc E3 là bậc cao nhất, dành cho những giáo sư xuất sắc (distinguished professor).[5]
Giáo viên thuộc mỗi bậc trên, theo nguyên tắc, được hưởng lương tối thiểu dựa trên Bảng lương dành cho Giáo viên Đại học do Chính phủ Liên bang Úc quy định.
Tuy nhiên trong thực tế các đại học trả lương cho giáo viên cao hơn nhiều so với mức lương tối thiểu do Chính phủ Liên bang quy định tùy theo kinh nghiệm và sự đóng góp xuất sắc của mỗi người.
5. Ngạch nghiên cứu khoa học
Ngoài các ngạch trên, tại Úc có một tổ chức nghiên cứu và chuyển giao công nghệ rất nổi tiếng trên thế giới.
Đó là Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghệ Liên bang Úc (CSIRO)[6], giống như Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
CSIRO có hệ thống nhân sự gồm các nhà khoa học chuyên môn về các hoạt động ứng dụng nghiên cứu vào sản xuất gồm 5 bậc riêng, tương đương với 5 bậc của các giáo viên thuộc trường đại học.
II. CHÍNH SÁCH THĂNG NGẠCH GIÁO VIÊN
1. Các tiêu chí đánh giá
Mọi quyết định liên quan đến việc tuyển dụng, bổ nhiệm và thăng ngạch giáo viên phải áp dụng đúng với các Tiêu chuẩn Tối thiểu (Minimum Standards) đối với mỗi bậc trên (5 bậc) và phù hợp với các Điểm chuẩn và Chỉ số Ngành nghề Học thuật (Academic Career Benchmarks and Indicators)[7].
Mỗi đại học đưa ra những quy định riêng.[8]
Đại học Melbourne quy định rằng tất cả giáo viên đều xuất sắc trên tất cả các loại hoạt động: (1) giảng dạy (teaching) với 13 loại chỉ số, (2) nghiên cứu và đào tạo nghiên cứu (research and research training) với 11 loại chỉ số,
(3) lãnh đạo (leadership) với 3 loại chỉ số và (4) phục vụ cộng đồng (engagement) với 16 loại chỉ số.
Các thành tích về học thuật (academic achievements) cùng với chất lượng (quality) và hiệu quả (impact) của các thành tích ấy trong xã hội (không dựa trên thời gian phục vụ) sẽ là hai tiêu chí then chốt của các quyết định liên quan đến tuyển dụng, bổ nhiệm và thăng thưởng một giáo viên giảng dạy và nghiên cứu hay một giáo viên thuần nghiên cứu.
Một số hoạt động mà Đại học Melbourne chủ trương:
(a) Lĩnh vực nghiên cứu: các chuyến nghiên cứu thực địa, hợp tác nghiên cứu và/hoặc phân tích dữ liệu nghiên cứu và viết báo cáo nghiên cứu để xuất bản các công trình nghiên cứu mới, lập hồ sơ xin tài trợ các dự án nghiên cứu và xây dựng các mạng lưới nghiên cứu mới.
(b) Lĩnh vực dạy và học: Điều tra các kinh nghiệm giáo dục hoặc được dạy một chương trình tại một trường đại học khác để có thêm kinh nghiệm trong mô hình giảng dạy mới và các phương pháp đánh giá nhằm giới thiệu những kinh nghiệm dạy và học mới trong trường Đại học Melbourne và phát triển những mạng lưới giảng dạy lâu dài.
Giáo sư Nguyễn Xuân Thu hỏi giáo dục phổ thông Úc có khác với Việt Nam? |
(c) Lĩnh vực phục vụ cộng đồng: Tại một kỳ nghỉ ứng viên đến thăm một cơ sở sản xuất.
Tại đó ứng viên tham gia vào các hoạt động của nhà máy và thảo luận xin cho sinh viên đến thực tập với kinh phí do nhà máy đài thọ.
Điều này giúp công nghiệp cập nhật được kiến thức cũng như kiến thức mới giúp hoàn chỉnh kinh nghiệm công nghiệp đang áp dụng và lâu dài có thể phát triển những mạng lưới công nghiệp mang tầm chiến lược.
(d) Lĩnh vực lãnh đạo: Xây dựng những kỹ năng và kiến thức lãnh đạo mới bằng cách tiến hành một chương trình làm việc lớn hoặc đứng sau một nhà lãnh đạo trong một trường đại học, một cơ sở nghiên cứu hoặc một công ty sản xuất, nhằm đạt được những mục tiêu phát triển chuyên môn của một cá nhân và lập kế hoạch tiếp theo về lãnh đạo của trường đại học và của khoa.[9]
Cũng như Đại học Melbourne, Đại học New South Wales chú trọng đến các hoạt động với những tập trung như sau:
(1) Về in ấn, chú trọng đến cả định tính và định lượng của các công trình xuất bản, ứng viên đạt được tầm cỡ nào;
Về hướng dẫn nghiên cứu sinh, ứng viên có những kinh nghiệm và hoạt động nào nổi bật; về tài trợ các dự án nghiên cứu, ứng viên đã hoạt động ra sao;
Trong vai trò đồng tác giả trong xuất bản, tài trợ nghiên cứu và hướng dẫn nghiên cứu sinh sau đại học, ứng viên có những đóng góp cá nhân ra sao trong nhóm hợp tác nghiên cứu.
(2) Về giảng dạy, ứng viên có gì xuất sắc khi so sánh với các đồng nghiệp khác; tiêu chuẩn giảng dạy của ứng viên, kể cả thiết kế và đánh giá chương trình, sáng tạo và đổi mới, sử dụng công nghệ;
Hiệu quả của công tác giảng dạy của ứng viên qua sự đánh giá của sinh viên, đồng nghiệp và về sự tiến bộ của sinh viên; qua các phản hồi của sinh viên, ứng viên làm gì để tham gia vào các hoạt động giúp cải thiện công tác giảng dạy?
(3) Về phục vụ cộng đồng và lãnh đạo, nhắm đến những hoạt động sau:
Giáo viên 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì cho nghỉ |
Đóng góp vào việc quản trị, đưa ra kế hoạch và đường hướng phát triển trường, xây dựng và phát triển văn hóa trong đại học bất kể ở vị trí nào.
Cam kết cộng đồng qua việc đóng góp có ý nghĩa cho xã hội Úc và thế giới, cho các cộng đồng kinh doanh hoặc các tổ chức chính phủ, hoặc cho việc xây dựng đối tác với cộng đồng.
Đóng góp về mặt chuyên môn như biên tập, làm giới thiệu viên, đánh giá các công trình nghiên cứu…
Chuyển giao tri thức và phát triển chính sách.
2. Quy trình (Procedures)
Quy trình mỗi đại học khác nhau trong chi tiết nhưng về mặt tổng quát gần giống nhau. Dưới đây là Quy trình áp dụng tại Đại học New South Wales.
2.1 Các bước
Bước 1: Hỏi ý kiến của Hiệu trưởng (Dean) và của Khoa trưởng (HOS)
Ứng viên phải hỏi ý kiến của Khoa trưởng (HOS) và Hiệu trưởng (Dean) trước khi tiến hành nộp hồ sơ xin bổ nhiệm/thăng thưởng.
Một trong hai vị này có thể không khuyến khích việc tiến hành nộp hồ sơ vì qua công tác hàng ngày vị quản lý này thấy người có ý định nộp hồ sơ thăng ngạch mới chưa đủ khả năng.
Bước 2: Báo cáo của Khoa trưởng
Ý kiến của Giáo sư Nguyễn Xuân Thu về khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân |
Khoa trưởng có nhiệm vụ viết báo cáo và ứng viên có quyền xem và ký tên vào bản báo cáo ấy.
Báo cáo của Khoa trưởng (theo Mẫu báo cáo của Khoa trưởng) phải gửi tới cho các giới thiệu viên và bản báo cáo này phải được đăng trên trang mạng của bộ phận Nhân sự của các Trường đại học liên hệ (faculties) trong Đại học (University).
Bản báo cáo chú trọng vào các hoạt động sau:
a) Nghiên cứu:
- Kết quả mong muốn của lĩnh vực nghiên cứu là gì về mặt chất lượng và số lượng của các công trình nghiên cứu và vai trò của ứng viên trong các công trình này.
- Kết quả mong muốn của lĩnh vực nghiên cứu là gì về mặt hướng dẫn nghiên cứu sinh sau đại học và ứng viên đã hoàn thành như thế nào.
- Kết quả mong muốn của lĩnh vực nghiên cứu là gì về mặt tài trợ dự án nghiên cứu và ứng viên đã hoàn thành như thế nào.
- Cung cấp thông tin liên quan đến vai trò của ứng viên trong các công trình xuất bản có nhiều thành viên tham gia, các dự án được tài trợ và trong hướng dẫn nghiên cứu sinh trên đại học và phạm vi đóng góp cá nhân của ứng viên trong nỗ lực chung của cả nhóm.
b) Giảng dạy:
- Kết quả mong muốn trong Trường về mặt giảng dạy và so sánh ứng viên với số giờ dạy và những thách thức hay khó khăn gặp phải trong giảng dạy.
- Tiêu chuẩn giảng dạy của ứng viên ra sao? Kể cả thiết kế và đánh giá chương trình, ứng dụng đổi mới, sử dụng công nghệ.
- Hiệu quả của việc giảng dạy của ứng viên như qua nhận xét của sinh viên, ý kiến của đồng nghiệp và về mặt tiếp nhận của sinh viên.
- Ứng viên đã làm gì trong việc triển khai giảng dạy nhằm đáp ứng các phản hồi của sinh viên, cũng như tham gia vào các hoạt động mang tính phát triển.
c) Phục vụ cộng đồng và năng lực lãnh đạo:
- Trong việc xây dựng lĩnh vực phát triển cộng đồng và năng lực lãnh đạo, vị đứng đầu Department/School phải có ý kiến về mức độ hoàn thành công việc của ứng viên và sự đóng góp qua các hoạt động cộng đồng và năng lực lãnh đạo của ứng viên liên quan đến các loại sau đây:
a. Đóng góp vào việc quản trị, lập kế hoạch và hướng đi chiến lược, năng lực xây dựng và phát triển văn hóa trong trường.
b. Nối kết cộng đồng qua việc đóng góp cho đất nước, thế giới hoặc cho doanh nghiệp và chính quyền địa phương hoặc qua xây dựng đối tác với cộng đồng.
Tôi phản đối "tối ngày đầy công", ủng hộ bỏ biên chế trong ngành giáo dục |
c. Đóng góp phát triển nghề nghiệp và/hoặc bộ môn học tập qua chỉ tiêu phát triển cộng đồng trong việc quản trị các cơ quan chuyên môn;
Ví dụ biên tập, làm giới thiệu viên, đánh giá nghiên cứu hoặc các hoạt động khác và/hoặc qua đóng góp kinh nghiệm chuyên môn hoặc theo ngành nghề cho cộng đồng.
d. Chuyển giao công nghệ và phát triển chính sách.
e. Lãnh đạo tư tưởng qua việc tham gia với xã hội rộng lớn hơn, tăng cường vai trò của các đại học trong các cuộc tranh luận công cộng về những vấn đề có tính cách quan trọng và cấp bách.
2.2 Quan điểm của giới thiệu viên (Referee)
Trước khi ứng viên được phỏng vấn bởi Hội đồng Thăng ngạch cấp Trường (Faculty Promotions Committee), vị Khoa trưởng (HOS) được yêu cầu cung cấp một bản tóm lược ngắn về quan điểm của các giới thiệu viên (một số do ứng viên giới thiệu và một số do Hiệu trưởng của trường giới thiệu).
2.3 Báo cáo của các giới thiệu viên
2.3.1 Các giới thiệu viên do ứng viên giới thiệu
- Các ứng viên phải thảo luận với các Trưởng khoa (HOS) của mình về những giới thiệu viên mà họ đề cử.
- Các ứng viên phải tìm những giới thiệu viên trước khi họ xác nhận đề cử và phải cung cấp cho giới thiệu viên hồ sơ của mình.
- Khoa trưởng và Hiệu trưởng hoặc bất cứ ai có tham gia vào trong tiến trình đánh giá không được mời làm giới thiệu viên.
- Các ứng viên muốn thăng chức lên bậc Giảng viên và Giảng viên Chính cần cung cấp tên và chi tiết của 2 người có thể đóng vai trò giới thiệu viên.
- Các ứng viên muốn thăng chức lên bậc Phó Giáo sư cần cung cấp tên và chi tiết của hai người có thể đóng vai trò giới thiệu viên (tất cả không làm việc trong trường).
- Các ứng viên muốn thăng chức lên bậc Giáo sư cần cung cấp tên và chi tiết của ba người có thể đóng vai trò giới thiệu viên (tất cả không làm việc trong trường).
2.3.2 Các giới thiệu viên độc lập do Đại học đề cử
- Dựa trên khuyến cáo của Hiệu trưởng (Dean), Đại học sẽ mời thêm một giới thiệu viên để vị này có thể cung cấp những tư vấn độc lập và có thẩm quyền về hồ sơ của ứng viên xin thăng chức lên bậc Giảng viên và Giảng viên Chính.
Hai giới thiệu viên này rất cần thiết trong trường hợp hồ sơ xin thăng thưởng lên bậc Phó Giáo sư và nếu lên bậc Giáo sư thì cần ba giới thiệu viên.
- Khoa trưởng (HOS) sẽ chuẩn bị một nhóm tư vấn gồm nhiều giới thiệu viên thích hợp để giúp cho Hiệu trưởng (Dean) có thể đưa ra những quyết định chính xác.
Giáo sư người Việt ở Úc kiến nghị 7 vấn đề đổi mới cho giáo dục Đại học Việt Nam |
Nhóm này gồm tối thiểu hai (2) giới thiệu viên cho các hồ sơ thăng chức Giảng viên và Giảng viên Chính, tối thiểu bốn (4) giới thiệu viên cho hồ sơ thăng lên bậc Phó Giáo sư và tối thiểu năm vị (5) cho hồ sơ lên bậc Giáo sư.
- Khoa trưởng (HOS) phải tiếp xúc với các giới thiệu viên tiềm năng độc lập trước khi nộp danh sách các thành viên nhóm giới thiệu viên (panel list) cho Hiệu trưởng (Dean) để bảo đảm rằng các giới thiệu viên trong danh sách đã sẵn sàng để đóng vai trò của một giới thiệu viên độc lập nếu họ được Đại học tiếp xúc và yêu cầu.
- Ứng viên có quyền cho ý kiến đối với các giới thiệu viên do Hiệu trưởng và Khoa trưởng giới thiệu.
- Hiệu trưởng sẽ quyết định những giới thiệu viên nào được chọn trong danh sách cung cấp bởi Khoa trưởng và sẽ đảm bảo rằng các giới thiệu viên thích hợp đã được chọn để có thể đưa ra được những đánh giá độc lập cho mỗi hồ sơ.
- Các giới thiệu viên độc lập cần có để xét thăng ngạch lên các bậc D và E phải là những người ở ngoài Đại học.
2.3.3 Đọc các bản báo cáo của ứng viên
- Những bản báo cáo của các giới thiệu viên sẽ được giữ kín.
- Khoa trưởng và quan sát viên của ứng viên (applicant observer) có thể xem các bản báo cáo của các giới thiệu viên trước khi tham dự phiên họp của Ban Thăng thưởng cấp trường (Faculty Promotion Committee meeting).
Vị Quản lý Thăng thưởng Giáo viên (Academic Promotions Manager) sẽ in các bản báo cáo đủ để phát cho mọi thành viên.
- Các bản báo cáo sẽ phát cho Khoa trưởng và quan sát viên của ứng viên tại buổi phỏng vấn.
- Các bản báo cáo của những giới thiệu viên phải được giữ kín nghiêm nhặt và các thành viên của Ban thăng thưởng, cũng như những người có quyền xem các báo cáo này bắt buộc phải giữ kín.
Dưới bất kỳ trường hợp nào nội dung của các bản báo cáo kín của các giới thiệu viên không được thảo luận hoặc để tiết lộ ra cho các ứng viên.
3. Mẫu hồ sơ
Bộ hồ sơ phải được trình bày theo thứ tự dưới đây:
1. Điền đầy đủ Mẫu A do Ủy ban Thăng thưởng Giáo viên.
2. Trang tóm lược nêu rõ các lãnh vực chính do ứng viên có thể đóng góp thể hiện qua chất lượng và ảnh hưởng của các hoạt động liên quan đến nghiên cứu, giảng dạy và phục vụ cộng đồng và năng lực lãnh đạo.
3. Trường hợp liên quan đến thăng thưởng bao gồm ngạch nghiên cứu, giảng dạy, phục vụ cộng đồng và năng lực lãnh đạo với ngoại lệ cho những ứng viên có ít cơ hội trong giảng dạy.
Trong những trường hợp hạn chế này, ứng viên chỉ cần cung cấp một văn bản liên quan đến chứng cứ về hiệu năng của công tác giảng dạy về mặt học tập của các sinh viên của mình. (Dài không quá 9 trang, dựa trên bộ Tài liệu hướng dẫn Thăng thưởng Giáo viên).
Chứng cứ phải được cung cấp trong Phần hai (phía thân) của Mẫu đơn để làm nổi bật chất lượng và mức độ ảnh hưởng của ứng viên.
Ứng viên sẽ được thông báo trước về buổi họp của Hội đồng Thăng thưởng.
4. Cung cấp các hoạt động Nghiên cứu và Giảng dạy bằng cách điền vào Mẫu B. Số trang trong Mẫu A và Mẫu B không hạn chế.
Báo cáo của Khoa trưởng và báo cáo của các giới thiệu viên được vị Quản lý Thăng thưởng Giáo viên đưa vào hồ sơ.
4. Nộp hồ sơ
Hồ sơ xin thăng thưởng Giáo viên phải được nộp cho vị phụ trách trong văn phòng của Hiệu trưởng của mỗi trường đúng ngày theo quy định.
Ứng viên cũng phải gửi hồ sơ của mình qua thư điện tử (chỉ có bộ hồ sơ 10 trang cùng với Mẫu B) tới vị Quản lý Thăng thưởng Giáo viên trong phòng Nhân sự.
Văn phòng Hiệu trưởng có một Ban có trách nhiệm đảm bảo rằng mỗi bộ hồ sơ phải được ký bởi Hiệu trưởng và số giới thiệu viên độc lập thích hợp liên quan đến mỗi bậc thăng thưởng.
Ban này bảo đảm rằng tất cả các hồ sơ đã nhận được đầy đủ sẽ được nộp cho vị Quản lý Thăng thưởng Giáo viên trong thời hạn hai ngày làm việc sau ngày hạn chót nộp đơn.
III. QUY TRÌNH XÉT DUYỆT
Có hai ban thăng ngạch trong một đại học: Các ban thăng ngạch cấp trường đại học (Faculty/College/School) và ban thăng ngạch cấp Đại học (University).
3.1 Các ban thăng ngạch cấp Trường đại học (Faculty Promotion Committees)
Trường hợp bổ nhiệm ngạch giảng viên và giảng viên chính, Ban Thăng ngạch cấp trường (Faculty Promotions Committee) phải làm Bản báo cáo nộp cho Phó Giám đốc khoa học (academic) nêu lên các lý do tại sao các ứng viên này cần được thăng ngạch và các lý do tại sao những ứng viên khác không nên được thăng ngạch.
Thành phần trong Ban Thăng ngạch cấp trường (Faculty Promotions Committee) gồm: Hiệu trưởng trường (Trưởng ban); năm (5) thành viên trong trường do Hiệu trưởng chọn (nhiệm kỳ 3 năm),
Trong đó có ít nhất hai vị có kinh nghiệm trong việc xem xét các đóng góp trong giảng dạy, một vị từ một trường đại học khác trong cùng đại học hoặc từ một đại học khác;
Các thành viên trong Ban Thăng ngạch phải có ngạch tương đương hoặc cao hơn ngạch của ứng viên; các thành viên phải có cả nam lẫn nữ; túc số của Ban Thăng ngạch cấp trường đại học là 5 thành viên.
3.2 Ban thăng ngạch cấp Đại học (University Promotions Committee)
Quy trình thăng ngạch Phó Giáo sư và Giáo sư cũng tương tự như quy trình thăng ngạch ở cấp trường, nhưng phải nộp cho Ban Thăng ngạch cấp Đại học (University Promotion Committee).
Thành viên gồm: Phó Giám đốc do Giám đốc đề cử làm Trưởng Ban; một Phó Giám đốc hoặc Trợ lý Phó Giám đốc; tám thành viên do Giám đốc bổ nhiệm phải có ngạch ít nhất tương đương với ngạch của các ứng viên;
Một thành viên là một giáo sư đầu ngành từ một đại học khác; các Hiệu trưởng trong đại học không được tham dự trong Ban thăng thưởng cấp trường đại học; túc số của Ban thăng ngạch cấp Đại học là 10 thành viên.
3.3 Chấp thuận và ngày chính thức có hiệu lực
Thăng ngạch phó giáo sư phải được sự chấp thuận của Phó Giám đốc Khoa học và thăng ngạch giáo sư phải được chấp thuận của Giám đốc.
Thăng ngạch giảng viên, phó giáo sư và giáo sư có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm sau. Thăng ngạch giảng viên chính có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 trong cùng năm.
3.4 Phản hồi từ các ứng viên không thành công
Phản hồi từ các ứng viên không thành công nhằm mục đích giúp kiện toàn hoạt động thăng ngạch giáo viên chứ không có mục đích khiếu kiện.
Chỉ có những phản hồi liên quan đến sai sót trong quy trình xét thăng ngạch dẫn đến kết quả sai lầm trong quyết định thăng ngạch mới được trường xem xét hết sức cẩn thận.
Khiếu kiện phải được gửi đến Giám đốc của Bộ phận Nhân sự trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày tuyên bố kết quả xét thăng ngạch.
Vị Giám đốc này sẽ làm việc với Hiệu trưởng trường liên hệ và Phó Giám đốc Đại học để điều tra và có hướng giải quyết thích hợp.
Ghi chú và Tài liệu tham khảo:
[1] Tại Mỹ, đơn vị cao nhất của một đại học là University và tên gọi người đứng đầu là President, đơn vị tiếp theo là trường đại học (Faculty hoặc School) và người đứng đầu gọi là Dean (Hiệu trưởng) và người đứng đầu một Khoa (Department) gọi là Head of Department (Khoa trưởng).
[2] Thăng ngạch Giáo viên là một văn bản pháp luật (Act) do Quốc hội của mỗi tiểu bang ban hành riêng cho mỗi đại học.
Mỗi đại học có một chính sách có tên khác nhau: Acedemic Appointment, Performance and Promotion Policy (Chính sách Tuyển dụng, Hoạt động và Thăng ngạch Giao viên, University of Melbourne, Vic Act) hoặc Academic Promotion Procedure (Quy trình Thăng ngạch Giáo viên, ANU, ACT Act), hoặc Academic Promotion Procedures and Policy (Chính sách và Quy trình Thăng ngạch Giáo viên, University of New South Wales, NSW Act).
[3] Xem “Ủy hội Quan hệ Công nghiệp Úc” (Australian Industrial Relations Commission) www.airc.gov.au
[4] Academic Ranks (Australia and New Zealand)
[5] Australian National University – Procedure: Academic Promotion. https://policies.anu.edu.au
[6] Tổ chức Khoa học và Công nghệ Úc (CSIRO). Xem cơ cấu tổ chức và các hoạt động trên webbsite: https://www.csiro.au
[7] Academic Career Benchmarks and Indicators gồm các chuẩn mực và tiêu chí tối thiểu để các đại học dựa vào đó mà tuyển dụng, bổ nhiệm, thăng ngạch giáo viên tại Úc. Xem https://au.promapp.com
[8] Đại học Quốc gia Úc (ANU) dựa trên ba tiêu chí nghiên cứu, giáo dục và dịch vụ với trọng số khác nhau cho hai loại giáo viên:
(1) loại giáo viên nghiên cứu và giáo dục với tối thiểu 15% dành nghiên cứu, tối thiếu 15% dành cho giáo dục và tối thiểu 5% cho dịch vụ,
và (2) loại giáo viên thuần nghiên cứu với tối đa 95% cho nghiên cứu, từ 0% đến tối đa 15% cho giáo dục, và ít nhất 5% cho các hoạt động nổi bật khác.
[9] Ngoài các tiêu chí và chỉ số trong mỗi lãnh vực hoạt động (4 lãnh vực trên), tại Úc còn có chính sách nâng dần dần tỷ lệ giáo viên các ngạch D và E (từ 5% lên 13% sau gần một thập niên).
Trong lúc đó Việt Nam không có Hội đồng Bổ nhiệm và Thăng thưởng ở mỗi Đại học/Trường Đại học mà chỉ có Hội đồng Chức danh Nhà nước và Hội đồng này không có chính sách nâng tỷ lệ giáo viên như ở Úc và các nước phát triển nói tiếng Anh.
Hội đồng này đặc biệt ít chú trọng đến các tiêu chí và trọng số cho các hoạt động quản lý, lãnh đạo, phục vụ cộng đồng như tại các nước phát triển.
Chính điều này đưa đến hậu quả là có rất ít những vị đứng đầu các đại học, các trường đại học có được học hàm phó giáo sư, giáo sư.
Không có những chính sách thăng thưởng đúng mức cũng có thể làm thui chột nghiêm trọng vai trò quản lý, lãnh đạo trong các trường đại học.