Năm 2021, xét tuyển theo kết quả quá trình học tập bậc trung học phổ thông (học bạ) là một trong các phương thức tuyển sinh được nhiều trường đại học áp dụng, trong đó có cả trường công lập và tư thục. Đáng chú ý lượng thí sinh đăng ký phương thức này năm nay tăng đáng kể, thậm chí nhiều trường đã điều chỉnh đề án tuyển sinh theo hướng dành nhiều chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển học bạ.
Việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển năm nay được các trường triển khai sớm hơn mọi năm, gồm nhiều đợt.
Trước xu thế xét tuyển vào đại học bằng học bạ, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ - Phó chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, khi sự thiếu trung thực, giả dối của một số cán bộ quản lý, giáo viên tuy không phổ biến nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục.
Điển hình là vụ việc tiêu cực gian lận điểm thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 xảy ra tại các tỉnh: Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình còn vượt xa cả “bệnh thành tích” mà là chạy chọt, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Không chỉ vậy, vì chạy theo thành tích, nhiều trường đã đẩy sĩ số học sinh lên lớp 100%, trong khi thực tế có học sinh học đến lớp 5, lớp 6 còn chưa đọc thông, viết thạo…Một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do “bệnh thành tích” dẫn đến chưa đánh giá đúng năng lực học sinh, rồi dẫn đến tiêu cực, gian lận.
Theo nhiều chuyên gia, xét học bạ chỉ là bước sơ tuyển, sàng lọc bước đầu chứ dứt khoát phải trải qua một kỳ sát hạch khác để tuyển sinh vào trường đại học. (ảnh minh họa: Thùy Linh) |
“Dù trong tình hình dịch bệnh COVID phức tạp, tôi cho rằng, xét học bạ chỉ là bước sơ tuyển, sàng lọc bước đầu để tạo điều kiện cho người học có cơ hội vào trường. Sau sơ tuyển, dứt khoát các trường đại học cần phải kiểm tra lại bằng hình thức tổ chức bài test hoặc phỏng vấn trực tiếp (tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh), nếu đạt yêu cầu thì thí sinh mới chính thức được trở thành sinh viên.
Như vậy, có nghĩa là, học bạ chỉ là cơ sở để sơ tuyển, đánh giá ban đầu chứ không phải căn cứ duy nhất để xét tuyển vào đại học. Hơn nữa, ngay cả khi xét học bạ thì không chỉ căn cứ vào kết quả lớp 12 mà cũng cần đối sánh quá trình từ lớp 10, lớp 11. Ví như bộ môn này năm lớp 10, lớp 11 chỉ ở mức Trung bình mà năm lớp 12 đạt Giỏi thì cần xem xét lại, đặt vấn đề”, thầy Nhĩ phân tích.
Cuối cùng thầy Nhĩ cho rằng, muốn đảm bảo tính khách quan, công bằng thì với số lượng thí sinh đã được chọn lọc khi xét tuyển bằng học bạ cần phải trải qua một kỳ sát hạch nữa.
Đồng tình với quan điểm này, nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Sóng Hiền – Đại học Newcastle, Úc cho rằng, những quốc gia như Mỹ, Anh, Úc đầu vào các trường đại học họ thường tuyển dụng theo nhiều hình thức theo mục tiêu và tầm nhìn đào tạo của mỗi trường.
Tuy nhiên, tựu trung thì những trường ở top càng cao thì càng khắt khe trong việc tuyển đầu vào vì nó liên quan đến uy tín, thương hiệu của nhà trường củng như chất lượng đầu ra của người học. Trong các tiêu chí xếp hạng thì tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp và ra có việc làm cũng là một trong những tiêu chí trong bảng xếp hạng quốc tế của các trường.
“Cho nên, dù việc xét học bạ cũng là một hình thức xét tuyển nhưng trong bối cảnh giáo dục Việt Nam hiện nay, theo tôi, các trường top đầu cần phải cân nhắc kỹ về hình thức tuyển sinh này và cần phải có những hình thức xét tuyển bổ trợ khác để đánh giá đúng năng lực và trình độ của đầu vào của thí sinh.
Về học bạ thì nên hướng tới sử dụng học bạ điện tử cập nhật và lưu trữ theo từng học kỳ 1 và được quản lý theo hệ thống chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Làm vậy sẽ dễ quản lý và tránh được những vấn đề tiêu cực trong điểm số học bạ”, nhà nghiên cứu giáo dục Nguyễn Sóng Hiền nêu quan điểm.