LTS: Ranh giới giữa việc thái quá và thăng hoa trong sáng tạo là rất mong manh, vì thế, thầy giáo Sơn Quang Huyến cho rằng chúng ta cần có cái nhìn chính xác trước khi phán xét, đánh giá những tình huống liên quan đến sáng tạo trong giáo dục.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Làm quản lý, không có gì hạnh phúc hơn khi đội ngũ của mình có tâm, có tầm với nghề. Thật bất hạnh, khi đội ngũ chỉ là “thợ dạy” lấy lương, không sáng tạo, chỉ biết “dựa cột nghe”.
Người ta hay nói với nhau “Nếu đi làm để chờ lương thì chọn ông chủ có tâm; nếu đi làm để cống hiến, chọn ông chủ có tầm”.
Vậy nhưng, với giáo viên công lập Việt Nam, không thể chọn “ông chủ” cho mình. Vì vậy nhìn vào “sự cống hiến”, sự “hy sinh”, sự “sáng tạo” của giáo viên, ta biết ngay tâm, tầm của cán bộ quản lý!
Một ngôi trường, giáo viên chỉ là “thợ dạy”, phong trào thi đua “èo uột”, phong trào đổi mới phương pháp không có, hoạt động chuyên môn “lối cũ ta về”, đích thị cán bộ quản lý ở đó thiếu cả tâm và tầm.
Ngôi trường có nhiều giáo viên, được học sinh yêu mến; có nhiều thành tích thi đua, có nhiều “chuyên đề” đổi mới giáo dục; ngôi trường xuất thân của nhiều cán bộ quản lý, cán bộ nguồn của ngành; hiệu trưởng trường đó phải là người có tâm và có tầm.
Hội thi "Sân khấu hóa tác phẩm văn học". Ảnh: Baonamdinh.com.vn |
Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng, câu tục ngữ đó đúng với cả tập thể giáo viên. Hiệu trưởng có tâm, có tầm luôn lan tỏa sự tử tế. Giáo viên tốt sẽ thăng hoa, giáo viên chưa tốt cũng tự soi mình, điều chỉnh, rèn luyện cho tốt.
Ngược lại, hiệu trưởng xấu, sau một thời gian quản lý, làm lu mờ cái hay cái tốt; ngôi trường chỉ còn lại “áng mây mờ” phủ che bục giảng.
Vì thế vai trò của hiệu trưởng nói riêng, người đứng đầu nói chung cực kì quan trọng với sự phát triển của một đơn vị, tổ chức.
Người lớn, chẳng qua là “trẻ con nhiều tuổi”, vẫn thích “kẹo”, họ được khen ngợi, nhìn nhận đúng, đánh giá đúng, họ sẵn sàng hy sinh; nếu sự cống hiến, hi sinh không ai thấy, không được tôn trọng, không được khen ngợi, chẳng khác gì ngọn đèn không được châm thêm dầu, dần dần sẽ vùi tắt.
Thế nhưng, đôi khi, sự cống hiến trở nên “thái quá”, xa rời quỹ đạo; lúc này mới thực sự cần thiết đến “người cầm lái”, làm sao “con thuyền” vẫn đi đúng hướng, vẫn giữ được tốc độ, phụ thuộc vào tầm và tâm của hiệu trưởng.
Vậy làm sao vẫn giữ được nhiệt huyết của giáo viên khi thấy có sự “thái quá” trong sáng tạo?
Đối thoại, đúng với mọi việc giải quyết “tranh chấp”, ở góc nhìn này, ta có thể thấy “thái quá”, ở góc nhìn khác lại thấy đó là sự “thăng hoa”.
Hiệu trưởng (hay bất cứ ai) không nên chủ quan khi nhìn nhận sự sáng tạo của người khác; hãy đứng ở vị trí của họ, nhìn nhận vấn đề, đánh giá; nhìn bao quát, tổng thể chứ không phải nhìn một góc nào đó.
Đối thoại với họ - giáo viên sáng tạo - nhiều khi ta được “bài học” cho chính mình.
Ngoài đối thoại với chủ nhân “sáng tạo”, hiệu trưởng cần dân chủ, tuyệt đối không áp đặt “quan điểm” của mình với người khác, nghe được nhận xét đánh giá trung thực của đồng nghiệp về vấn đề mình quan tâm.
Nếu môi trường thiếu dân chủ, hiệu trưởng là “vua con”, những người trong hội đồng kỉ luật lúc đó chỉ còn a dua, oan sai với người “sáng tạo” là điều tất yếu.
Cổ nhân có câu “Chỉ những người thực tài mới thu phục được người tài, sử dụng được người tài”. Một hiệu trưởng mà có nhiều giáo viên trong trường giỏi, giàu sáng tạo, đó mới là hiệu trưởng tài năng.
Ngược lại, hiệu trưởng bất tài, chỉ chăm chăm sợ mất ghế, sợ người khác giỏi hơn mình, tài năng lúc này đúng là “chữ tài đi với chữ tai một vần”.
Sân khấu hóa văn học rất cần thiết, kỷ luật sẽ làm thầy trò sợ hãi |
Quay lại vụ việc ở Trường Trung học phổ thông Võ Trường Toản, Quận 12, thành phố Hồ Chí Minh đã áp dụng hình thức kỉ luật cảnh cáo và đình chỉ dạy 12 tháng đối với thầy giáo Phạm Quốc Đạt; ông Lương Văn Định - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Võ Trường Toản cho biết:
“Tôi không biết tôi có lạc hậu không nhưng việc đó (cảnh nhạy cảm) là không nên hãy để cho các em đủ 18 tuổi”.!
Nhìn vấn đề “nhạy cảm” của vở kịch do học sinh dàn dựng ở mức độ tổng thể, bao quát là điều bình thường; nếu nhìn kiểu “thầy bói xem voi” đoạn trích clip nhạy cảm mới nhận xét là “nhạy cảm”.
Việc đơn lẻ ở một nơi, thế nhưng cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo công tác cán bộ của ngành giáo dục.
Những hiệu trưởng đang “vô cảm” với nỗi đau đồng nghiệp khi bị kỉ luật “vì sự sáng tạo”; vô cảm với nỗi đau của học sinh khi bị “đánh hội đồng dã man, lột hết quần áo” chỉ là chuyện trẻ con; chính họ chứ không phải ai khác đang, đã làm mất lòng tin của xã hội với nghề giáo; đang góp phần giết chết sự sáng tạo.
Chương trình mới sắp được áp dụng, thành công hay thất bại dựa vào sự cống hiến, sáng tạo của giáo viên; sự lãnh đạo sáng suốt của các hiệu trưởng.
Cần lắm những hiệu trưởng có tâm, đủ tầm khơi dậy niềm hứng khởi sáng tạo, đem lại lợi ích cho học trò, lấy lại niềm tin cho xã hội.