Vẫn còn băn khoăn về cách tính giảm định mức, giờ phụ trội cho GV

14/07/2023 07:00
Nguyễn Quân
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều giáo viên kiêm nhiệm các chức vụ cả về đoàn thể và chuyên môn chỉ được tính một kiêm nhiệm cao nhất.

Một giáo viên đang công tác tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long có chia sẻ về Tạp chí nêu, năm học 2022-2023 cô được phân công dạy tin khối 10, 11, kiêm nhiệm làm giáo viên chủ nhiệm lớp 10 và quản lý phòng máy. Đến cuối năm học tính giờ trội thì cơ quan không tính giờ trội vì cho rằng cô làm 2 chức vụ nên chỉ hưởng 1 chức vụ nào cao nhất là giáo viên chủ nhiệm. Cô cho biết, nhà trường cho rằng, cô dạy tin học thì phòng máy phục vụ cho công việc của cô nên không tính. Giáo viên này cho rằng, cô đang bị thiệt thòi và "lăn tăn" về cách tính đó là đúng hay sai?

Băn khoăn của giáo viên trên cũng là nỗi niềm của nhiều giáo viên. Sau học kì I và cuối năm học, giáo viên phải kê khai phụ trội, thống kê lại các tiết dạy chính khóa, dạy phụ đạo, hoặc các tiết kiêm nhiệm để nhà trường chi trả tiền nếu dạy nhiều hơn so với mức quy định.

Tuy nhiên, việc kê khai tính giờ trội thường gây ra khá nhiều tranh cãi, bức xúc cho giáo viên, bởi do việc hiểu và vận dụng văn bản hướng dẫn của một số lãnh đạo trường học còn chưa khác nhau, hoặc bản thân giáo viên chưa nắm rõ các quy định về nội dung này.

Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Vấn đề thường gây tranh cãi chủ yếu là cách tính tiết giảm trừ các nhiệm vụ kiêm nhiệm.

Nhiều giáo viên kiêm nhiệm các chức vụ cả về đoàn thể và chuyên môn chỉ được tính một kiêm nhiệm cao nhất.

Có cô giáo là phó chủ tịch công đoàn trường, nhưng kiêm nhiệm thêm chủ nhiệm lớp, nhưng chỉ được tính giảm trừ các tiết chủ nhiệm.

Hoặc có trường hợp giáo viên kiêm nhiệm quản lý phòng thiết bị bộ môn, vừa chủ nhiệm lớp cũng chỉ được tính giảm trừ các tiết chủ nhiệm.

Theo đó, Khoản 5 Điều 9 Thông tư Số: 03/VBHN-BGDĐT quy định: “Để đảm bảo chất lượng giảng dạy và chất lượng công tác, mỗi giáo viên không làm kiêm nhiệm quá 2 chức vụ và được hưởng chế độ giảm định mức tiết dạy của chức vụ có số tiết giảm cao nhất”.

Điều 8, 9, 10 của Thông tư 03/VBHN-BGDĐT quy định về các chế độ giảm định mức tiết dạy khi kiêm nhiệm. Theo quy định hiện hành, định mức tiết dạy và quy đổi các nhiệm vụ của giáo viên tiểu học là 23 tiết, giáo viên trung học cơ sở là 19 tiết, giáo viên trung học phổ thông là 17 tiết mỗi tuần.

Để được tính dư giờ, không tính theo tuần mà tính theo định mức tiết dạy/năm học, cụ thể năm học 2022-2023 từ cấp tiểu học đến trung học phổ thông thực hiện 35 tuần thực dạy thì số tiết tiêu chuẩn/năm học của tiểu học là 805 tiết, trung học cơ sở 665 tiết, cấp trung học phổ thông 595 tiết.

Ở văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGDĐT ngày 23/6/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó có Điều 8 quy định chế độ giảm định mức tiết dạy đối với giáo viên kiêm nhiệm các công việc chuyên môn; Điều 9 quy định về chế độ giảm định mức tiết dạy đối với giáo viên kiêm nhiệm công tác Đảng, đoàn thể và các tổ chức khác trong nhà trường; Điều 10 quy định chế độ giảm định mức tiết dạy đối với các đối tượng khác; Điều 11 về Quy đổi các hoạt động chuyên môn khác ra tiết dạy.

Nhiều giáo viên khi gửi băn khoăn về cho Tạp chí nêu, theo các quy định hiện hành, giáo viên hiểu rằng, chế độ giảm định mức tiết dạy đối với giáo viên kiêm nhiệm các công việc chuyên môn và chế độ giảm định mức tiết dạy đối với giáo viên kiêm nhiệm công tác Đảng, đoàn thể và các công tác khác trong nhà trường là khác nhau.

Trường hợp giáo viên thực hiện các nhiệm vụ kiêm nhiệm mà vượt quá mức quy định thì sẽ được trả lương dạy thêm giờ theo các quy định tại Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 08/3/2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính.

Giáo viên cũng nêu dẫn chứng, thực tế Cục Nhà Giáo và Cán bộ Quản lý Giáo dục đã có công văn số 1335/NGCBQLGD-CSNGCB ngày 19/9/2019 trả lời cho Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An về vấn đề tính giảm định mức.

Trong văn bản này nêu: "Trường hợp giáo viên vừa kiêm nhiệm công tác chuyên môn, vừa kiêm nhiệm công tác Đảng, đoàn thể và các công tác khác trong nhà trường thì số tiết giảm trừ bằng tổng số tiết giảm trừ của các công việc chuyên môn và một chức vụ kiêm nhiệm công tác Đảng, đoàn thể và các công tác khác trong nhà trường. Trường hợp giáo viên kiêm nhiệm nhiều công việc chuyên môn thì số tiết giảm trừ tính bằng tổng số tiết giảm trừ của các công việc đó; Trường hợp giáo viên vừa kiêm nhiệm công tác chuyên môn vừa kiêm nhiệm công tác Đảng, đoàn thể và các tổ chức khác trong nhà trường thì số tiết giảm trừ bằng tổng số tiết giảm trừ của các công việc chuyên môn và 1 chức vụ kiêm nhiệm công tác Đảng, đoàn thể, các tổ chức khác trong nhà trường có số tiết giảm cao nhất".

Tuy nhiên, thực tế, các nơi đang có cách hiểu, cách tính khác nhau về việc giảm số tiết định mức cho giáo viên và rất cần Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý Giáo dục có hướng dẫn chung cho cả nước để thống nhất việc thực hiện.

Tài liệu tham khảo

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Van-ban-hop-nhat-03-VBHN-BGDDT-2017-che-do-lam-viec-doi-voi-giao-vien-pho-thong-355032.aspx

Công văn số 1335/NGCBQLGD-CSNGCB ngày 19/9/2019

Nguyễn Quân