Văn hóa xin lỗi trong giáo dục từ chuyện cô giáo khóc trước học sinh

01/01/2013 08:02
Độc giả Thành Nguyên
(GDVN) - Một câu chuyện buồn nhưng đã được kết thúc bằng một cách ứng xử đẹp. Việc thầy cô sai thì phải xin lỗi, điều này không có gì đáng phải xấu hổ cả. Nó là một hành động văn minh.
Câu chuyện đau lòng xảy ra tại Trường Tiểu học Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TP.HCM. Sau giờ sinh hoạt dưới cờ vào buổi sáng 26-11, cô Thu - giáo viên khối lớp 2 Trường tiểu học Trung Lập Thượng - phát hiện số tiền hơn 1 triệu đồng đã không còn trong giỏ của mình. Một học sinh trong lớp mách: “Hồi nãy con thấy bạn Thẩm (học sinh lớp 2/3) lục giỏ của cô”. Em Thẩm do bị cô giáo nghi ngờ lấy trộm của cô hơn 1 triệu đồng đã bị giải về công an xã.
Như vậy, trong sự việc này, cả cô giáo, nhà trường và công an đều đã làm sai. Bởi đối với trẻ em, việc lấy lời khai cần có cha, mẹ hoặc người giám hộ để chứng kiến, tránh làm cho trẻ lo sợ. Ở đây, khi các thông tin còn chưa rõ ràng mà nhà trường đã vội báo cho công an đến rồi đưa cháu về trụ sở mà gia đình không hề hay biết. 

Như chúng ta đã biết, cách đây không lâu đã có sự việc bé Trâm ở Đồng Tháp bị công an hỏi cung (do nghi trộm chưa tới 50.000 đồng) và sau đó bị hoảng loạn, không đi học được. Những câu chuyện đau lòng này xảy ra do chính cách cư xử sai trái của người lớn. Các em như những trang giấy trắng, chính thầy cô lại là người vẽ những nét không đẹp lên đó.

Cô giáo Thu khóc khi xin lỗi học trò lớp 2
Cô giáo Thu khóc khi xin lỗi học trò lớp 2

Nhân phẩm con người đâu phải cái áo dơ rồi giặt sạch là sạch. Em Thẩm còn rất nhỏ, hoàn cảnh em Thẩm rất đáng thương, ba mẹ ly hôn, hai anh em Thẩm phải ở với bà ngoại đã hơn 60 tuổi. Gia cảnh của em rất khó khăn.

Sự việc này xảy ra, có lẽ đã khiến em ít nhiều cảm thấy bị tổn thương. Số tiền hơn 1 triệu đồng có thể rất lớn nhưng vấn đề quan trọng hơn là tấm lòng người thầy, đáng lẽ với hoàn cảnh đáng thương như em Thẩm thầy cô phải thương em nhiều hơn mới phải. Giả dụ, đúng là học sinh có ăn trộm tiền thì thầy cô cũng phải ôn hòa, mềm mỏng hơn để học sinh nhận ra lỗi lầm mà điều chỉnh, sửa đổi…

Nếu thầy cô không khéo léo trong cách cư xử thì dễ dàng gây ra hậu quả khôn lường. Đã có rất nhiều sự việc đau lòng xảy ra, khi học sinh tự tử vì đã làm mất tiền quỹ lớp, bị nghi oan. Những bức thư các em để lại ghi vội dòng chữ: “Con xin lỗi bố mẹ, thầy cô, bạn bè. Con chỉ biết lấy cái chết để giữ gìn sự trong sạch” càng thêm xót xa. Đó là những hồi chuông cảnh bảo cho cách ứng xử của người lớn đối với con trẻ. Thầy cô đã dạy cho các em biết bao môn học, biết bao kiến thức nhưng lại không tự xem xét lại bản thân mình?

Tuy nhiên, sự việc sau đó đã được chuyển biến theo hướng tích cực. Sáng 27/12, Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Trung Lập Thượng, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi - TPHCM đã tập trung toàn thể học sinh, giáo viên để chứng kiến việc cô giáo Nguyễn Thị Thu xin lỗi em Lại Thị Thẩm tại trường.
Tại đây, Hiệu trưởng Ngô Thị Mai, cô giáo Nguyễn Thị Thu và ông Nguyễn Văn Đắng (Tổng phụ trách Đội, kiêm giáo viên tư vấn học đường) đã trực tiếp xin lỗi em Thẩm vì nghi em lấy 1 triệu đồng của cô giáo Thu, sau đó giao cho công an để làm rõ.

Cô Nguyễn Thị Thu vừa khóc vừa phát biểu: “Đây là sai lầm mà tôi sẽ nhớ suốt đời, không bao giờ dám tái phạm. Sai lầm xuất phát từ sự nóng vội, những phản ứng thiếu sư phạm, không mang tính giáo dục khiến em Thẩm bị hàm oan”.

Thầy Nguyễn Văn Đặng, tổng phụ trách đội và là thành viên ban tư vấn học đường của trường cũng gửi lời xin lỗi đến em Thẳm và gia đình vì sự sai xót trong tư vẫn vụ việc dấn đến hậu quả khôn lường.

Ngay sau đó bà Nguyễn Thị Mai, hiệu trưởng trường tiểu học Trung Lập Thượng cũng đã đứng lên nhận lỗi về sự thiếu trách nhiệm trong quản lý cũng như nóng vội chủ quan trong xử lý tình huống làm ảnh hưởng đến uy tín ngành giáo dục và xem đây là bài học sương máu trong công tác quản lý giáo dục.

“Tôi chân thành xin lỗi, mong gia đình cũng như em Thẩm đón nhận lời xin lỗi của tôi”, bà Mai nghẹn ngào nói.

Cuối buổi, bà Ngô Thị Mai đã trao tiền từ một số nhà hảo tâm gửi tặng bà cháu em Thẳm, cô giáo Thu cũng tặng 2 anh em Thẳm một chiếc xe đạp để các em làm phương tiện đến trường.

Trước những lời nhận lỗi của quý thầy cô trường tiểu học Trung Lập Thượng, bà Phạm Thị Tăng (bà ngoại em Thẩm) vô cùng xúc động và chấp nhận lời xin lỗi này. Bên cạnh đó, bà cũng mong muốn nhà trường tiếp tục dạy dỗ cháu bà cũng như những học sinh khác nên người.

Em Thẩm (người bị nghi oan lấy số tiền 1 triệu đồng)
Em Thẩm (người bị nghi oan lấy số tiền 1 triệu đồng)

Một câu chuyện buồn nhưng đã được kết thúc bằng một cách ứng xử đẹp. Việc thầy cô sai thì phải xin lỗi, điều này không có gì đáng phải xấu hổ cả. Nó là một hành động văn minh.

Ban đầu theo dõi sự việc này, tôi rất bất mãn với cách cư xử của cô giáo cũng như nhà trường, nhưng cuối cùng đã chuyển sang cảm thông và trân trọng bởi cách ứng xử chân thành của thầy cô. Lỗi dù lớn, nhưng có một sự hối lỗi chân thành sẽ khiến người khác có thiện cảm, dễ tha thứ hơn. Như người xưa đã từng nói: “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang. Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”.

Cô giáo và đại diện nhà trường đã biết lỗi và xin lỗi trước toàn trường, vì thế tôi mong mọi người hãy mở lòng và tha thứ cho thầy cô. Bởi ai cũng có những sai lầm không mong muốn, có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi.

Từ câu chuyện của cô giáo Thu nghĩ đến chuyện xin lỗi trong ngành giáo dục. Từ chuyện giáo viên mắng nhầm học sinh, đổ oan cho học sinh đến… đánh đập học sinh cũng hiếm khi có môt lời xin lỗi chân tình, trừ khi câu chuyện được phanh phui, báo chí vào cuộc. Có khi nào “văn hóa xin lỗi” trong môi trường giáo dục đã bị mai một? Là người lớn, chúng ta cần làm gương để con trẻ noi theo, có như vậy mới giáo dục được các em. Không biết xin lỗi đồng nghĩa với việc học sinh không biết mình mắc lỗi, điều này gây ra nhiều hậu quả không lường.
Độc giả Thành Nguyên