Bệnh sợ trách nhiệm!

08/06/2020 11:29
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có mùa phượng hồng nào buồn như năm nay, cây bị cắt bỏ, cây bị cách ly. Tuổi học trò xa vắng cánh phượng hồng vì một số người có tư duy kỳ lạ.

Những ngày qua, hình ảnh thất thần của thầy hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Bạch Đằng (Quận 3 – Thành phố Hồ Chí Minh) - ngôi trường có cây phượng vĩ già nua bật gốc khiến nhiều học sinh bị thương và học sinh bị thiệt mạng khiến nhiều người suy nghĩ.

Thầy đã chịu trách nhiệm và học sinh của thầy cũng chẳng thể quay về đùa vui với chúng bạn trong lớp học nữa.

Sau sự cố ấy, hàng loạt những cây phượng trong sân trường khác bị đối xử một cách “kỳ lạ”, cây thì bị đốn hạ, cây thì bị cách ly.

Có lẽ nhiều lãnh đạo nhà trường lo sợ trách nhiệm nên thay vì để các cơ quan chuyên môn rà soát xử lý thì họ nhanh chóng ra quyết định cắt cụt hết cả tán cây; thậm chí bứng hẳn những cây to ra khỏi sân trường. Chỉ còn lại nền bê tông bỏng rát, vô hồn.

Tai nạn ngoài ý muốn tại trường Trung học cơ sở Bạch Đằng đúng thời điểm đầu hạ, khi loài cây vốn là biểu tượng của tuổi học trò bắt đầu bung nở.

Phượng là loài cây làm thổn thức trái tim học trò biết bao thế hệ, vì một sự trùng hợp của một tai nạn không ai muốn, bỗng trở thành “tội đồ”.

Phượng hồng đã từng là nhân chứng của tuổi học trò. “Mùa phượng, mùa nắng, mùa xa vắng. Mùa phượng, mùa thi, mùa chia li”… hàng ngàn những câu thơ, lời hát của tuổi học trò mộng mơ được cất lên dưới mái trường phượng nở.

Hình ảnh cây phượng đi theo ta suốt quãng đời học sinh, ghi lại bao cảm xúc vui buồn của tuổi học trò.

Nơi còn đọng lại những gì đẹp đẽ nhất mà tưởng chừng như có thể bỏ quên.

Một chút lo lắng vì kì thi sắp đến. Một chút khẽ vui vì mùa hè về, kì nghỉ hè cũng đến.

Một chút lưu luyến, bâng khuâng vì sắp phải tạm biệt thầy cô, bạn bè, cả cây phượng thân quen là nơi tụ tập bạn bè mỗi giờ ra chơi.

Phượng cùng lũ học sinh ghi lại bao cảm xúc, phượng chứng kiến những khoảnh khắc dấu yêu của tuổi ô mai, mộng mơ.

Những cành phượng hồng được thể hiện cái lộng lẫy, kì diệu của mình một cách trọn vẹn nhất mà lại là lúc quyến luyến, bồi hồi, trìu mến của tình bạn, tình thầy trò giữa mùa hạ chia ly.

Nhưng tại sao, chỉ vì một tai nạn hy hữu mà lỗi ở đây vẫn thuộc về con người khi không kịp thời chăm sóc, thay thế cây phượng già, cây phượng đã đi qua vòng đời của thảo mộc, hoàn thành xứ mệnh của nó với thiên nhiên?

Dạy học sinh bảo vệ môi trường như thế nào? Ảnh: VOV

Dạy học sinh bảo vệ môi trường như thế nào? Ảnh: VOV

Để rồi năm nay khi Hạ về, sau mỗi giờ học là tiếng trống trường khô khốc hòa vào màu nắng gắt giữa cục bê tông bỏng rát.

Nhìn cách tàn phá những cây phượng phải rất nhiều năm mới có được bóng mát, có thể thấy nhiều lãnh đạo trường học đang tìm mọi cách tránh chịu trách nhiệm.

Trong cuộc họp giao ban thành ủy Hà Nội, ông Phạm Thanh Học - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội chia sẻ rất thẳng thắn: "Những ngày qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã nói rất nhiều về vấn đề này. Nếu giờ thống kê thì trên cả nước có hàng nghìn, hàng vạn cây phượng. Vụ việc xảy ra ở Thành phố Hồ Chí Minh là sự cố hy hữu, lần đầu tiên xảy ra.

Cây phương này đổ vì gốc hỏng, không may làm học sinh bị thương và một em tử vong. Sau vụ việc này, nhiều nơi thái quá đi cắt sạch phượng là không được. Tội nghiệp cho cây phượng".

Thay vì cắt bỏ một cách tàn bạo cây xanh trong trường học việc cần làm của người lớn là ra soát, kiểm kê “sức khỏe” của chúng, tìm cách khắc phục những tồn tại, hạn chế rủi ro khi mùa mưa bão về.

Có thể nói, sợ trách nhiệm là căn bệnh phổ biến, đã tồn tại trong hệ thống hành chính từ rất lâu và cũng là căn bệnh rất dễ “lây nhiễm”.

Giáo sư Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm Nghiệp đã chỉ ra những nguyên nhân làm cho cây gãy đổ: “ Với các khu đô thị, trường học mới xây dựng, muốn cho đẹp mắt ngay nên người ta thường trồng cây lớn.

Tại những chỗ rễ cái, cành to bị cắt, hay những chỗ xây xước trong quá trình vận chuyển đều là nguyên nhân dẫn đến mục rỗng.

Sau này, khi thấy cây sống, mọi người tưởng rằng đã an toàn nhưng khi gặp gió bão, những cây này dễ đổ, gãy.

Khi làm sân trường, người ta thường đổ những lớp bê tông đến gần sát gốc cây. Trong khi đó, đặc điểm của cây phượng là rễ ăn nổi, ngang, không đâm sâu xuống đất, nên khi đổ những lớp bê tông dày từ 15 - 20 cm thì toàn bộ lớp rễ nằm dưới phần bê tông rơi vào tình trạng yếm khí, không hô hấp được và chết dần, cũng là nguyên nhân khiến cây dễ đổ”.

Từ ý kiến của các nhà chuyên môn cũng thấy rằng ngoài việc sợ trách nhiệm, một trong nhưng nguyên nhân gây gãy đổ nữa chính là tư duy nóng vội của con người khi muốn có cây mới ngay, muốn đẹp ngay.

Và ở đây, có thể thấy, ở trong trường học, người lớn đang vướng vào “mớ bòng bong” về bệnh “ăn xổi” khi muốn đẹp ngay và khi xảy ra chuyện thì “sợ trách nhiệm” loại bỏ toàn bộ cây xanh trong trường học một cách nghiệt ngã.

Phượng hồng bị chặt hạ ở nhiều nơi vì sự thiếu hiểu biết.

Phượng hồng bị chặt hạ ở nhiều nơi vì sự thiếu hiểu biết.

Trên thời báo Tài chính đăng tải ý kiến của Tiến sĩ Đinh Quang Diệp - nguyên giảng viên Trường Đại học Nông lâm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: "Các ban ngành, địa phương nên thống nhất tiêu chí quản lý cây xanh trong các khuôn viên công sở, trường học.

Giao đầu mối cho một đơn vị chức năng, nghiên cứu phương án, cách làm hay ở một số đơn vị đã làm để chọn ra tiêu chí chung rồi phổ biến rộng rãi cho các địa phương, đơn vị. Việc kiểm tra, giám định cây xanh cũng nên theo một đầu mối để thẩm định loại cây nào cần duy trì hay phải chặt bỏ. Việc chăm sóc, cắt tỉa cũng nên theo quy trình chung.

Không thể viện lý do cây phượng bật gốc ở trường Bạch Đằng mà chặt những cây phượng và các loại cây khác một cách tự phát như ở nhiều nơi.

Việc đốn hạ cây phải do đơn vị chuyên môn đảm nhiệm, nhà trường có trách nhiệm chăm sóc cây khi phát hiện các hiện tượng bất thường cho đơn vị chuyên môn, đơn vị này phải có trách nhiệm giám định cây định kỳ để đưa ra quyết định sớm, chặt bỏ hoặc chỉ tỉa cành".

Nếu không quan tâm tới hệ thống cây xanh thì có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của cả học sinh và giáo viên. Nhưng quan tâm tới mức cắt cụt hết, chặt bỏ, chỉ để lại những cây nhỏ thì đó lại là lối hành xử quá cứng nhắc.

Còn rất nhiều ý kiến khác của các thầy cô giáo và nhiều nhà chuyên môn cũng cho rằng, không thể vì một vài cây phượng bị gãy đổ mà chặt hết, phá hết. Nếu vậy, cứ mỗi lần có loại cây nào bị bật gốc, bị gãy cành thì lại cưa hết, rồi bứng cả cây đi hay sao?

Cây xanh cũng như con người, chúng có sự sống và cần được chăm sóc để phát triển khỏe mạnh. Một vài cây phượng bị hỏng rễ thì đó không phải là bản thân loài cây này nguy hiểm mà do những người có trách nhiệm đã bỏ mặc nó nhiều năm, cũng có nghĩa là họ chẳng hề quan tâm tới sự an toàn cho tới khi xảy ra sự việc thì cuống cuồng chặt phá. Nói như Giáo sư Trần Văn Chứ thì, cây xanh không có lỗi mà lỗi là ở lối hành xử của con người.

Trần Phương