Cha mẹ quá bao bọc sẽ khiến trẻ đánh mất kỹ năng tự lập

02/01/2021 13:07
KIM OANH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trẻ cần được định hướng và hướng dẫn những công việc, kĩ năng từ sơ đẳng đến cơ bản để con có thể tự lập khi vắng hoặc xa gia đình.

Có lần tôi sang nhà anh bạn đồng nghiệp thì cũng là lúc vợ chồng anh vừa mới đi làm thủ tục nhập học cho con gái trên Thành phố Hồ Chí Minh. Nhìn đôi mắt vợ anh bạn sưng híp vì lo lắng và thương nhớ con mà chúng tôi thấy băn khoăn vô cùng.

Nghĩ cũng tội, con gái của anh chị lần đầu tiên phải xa cha mẹ đến học tập tại một thành phố lớn mà chẳng biết gì ngoài khả năng học tập ở nhà trường.

Thay vì định hướng thì có một số bậc cha mẹ thường làm việc thay con. (Ảnh minh họa: Báo Vietnemnet)

Thay vì định hướng thì có một số bậc cha mẹ thường làm việc thay con. (Ảnh minh họa: Báo Vietnemnet)

Vợ chồng anh thuộc diện khá giả bởi cả 2 vợ chồng đều là viên chức nhà nước, nhà lại có mấy chục công ruộng cho thuê hàng năm nên chuyện kinh tế thì gia đình anh chẳng bao giờ phải bận tâm.

Anh chị có 2 đứa con, ông bà nội lại đều đã về hưu nên ngoài chuyện công sở thì ngay cả anh chẳng phải làm gì. Chuyện dọn dẹp nhà cửa, cơm nước gần như ông bà lo cả.

Chính vì thế mà anh chị dành toàn bộ tình yêu thương và thời gian chăm sóc cho 2 đứa con của mình. Con gái đầu anh học rất giỏi và ngoan hiền. Suốt 3 năm cấp Trung học phổ thông thì cháu học ở lớp chuyên Hóa ở trường chuyên của tỉnh.

Áp lực học tập ở trường chuyên thì ai cũng biết rồi, ngoài học chính khóa thì còn phải học thêm vào trái buổi ở trường và ngay cả buổi tối cũng phải học thêm ít nhất 1 ca ở nhà thầy cô.

Thương con học hành vất vả, anh chị cưng cháu hết lòng. Vợ chồng thay nhau đưa đón cháu bất cả ngày mưa hay nắng, ban ngày hay ban đêm miễn là cháu học tốt. Về đến nhà thì cơm nước ông bà, mẹ đã lo sẵn nên con gái anh chị chỉ việc ăn uống xong là lại lo học hành hoặc giải trí rồi nghỉ ngơi.

Lịch trình các cấp học phổ thông gần như được sắp sẵn như vậy cho cháu cho đến khi cháu đậu vào một trường đại học.

Thế rồi, nhập học cho con xong và trở về nhà thì cả 2 vợ chồng anh đều hẫng hụt, nghĩ suy. Từ nay, cháu phải tự thân vận động và lo lắng hết mọi công việc của mình. Từ chuyện học hành, ăn uống, giặt giũ…

Vì thế, vợ chồng anh lo từ nay cháu sẽ ăn uống ra sao? Tự nấu ăn thì cháu đâu biết mà ăn uống ở ngoài thì thất thường, không đảm bảo vệ sinh, chất lượng.

Chuyện giặt giũ cũng vậy, từ nhỏ đến giờ cháu chưa bao giờ phải đụng tay đến những bộ quần áo bẩn. Nhà có sẵn máy giặt nên mẹ giặt xong rồi gấp sẵn bỏ vào tủ cho cháu, mặc xong thì mẹ lại giặt cho cẩn thận. Nhưng bây giờ….

Không chỉ lo chuyện sinh hoạt hàng ngày, điều mà anh chị lo nhất là phương tiện đi học của cháu không biết xoay sở như thế nào cho phù hợp.

Lâu nay, đi lại toàn cha mẹ đưa đón bởi anh chị sợ cháu đi sẽ không an toàn. Bây giờ nếu mua cho chiếc xe đạp thì thương con đi lại vất vả, mua xe máy thì cháu chưa biết đi, đường xá Sài Gòn thì người đông như mắc cửi vậy…

Có lẽ, trong thâm tâm của anh chị còn ngổn ngang trăm thứ mà cái nào cũng thấy bất an cả.

Thấy vợ chồng anh bạn đồng nghiệp cái gì cũng “sợ”, cũng lo lắng nên chúng tôi chỉ biết an ủi anh chị rằng cháu lớn rồi. Ra đời, xa cha mẹ thì cháu còn bạn bè, thầy cô ở trường, ở khu nhà trọ thì có người xung quanh bầu bạn, giúp đỡ. Lúc đầu có thể còn lạ lẫm nhưng chỉ một thời gian sau cháu sẽ quen dần.

Hơn nữa, khi xa cha mẹ sẽ giúp cháu tự lập và tự thích nghi với môi trường sống mới, những điều đó sẽ giúp cháu trưởng thành hơn. Sinh viên bây giờ mà, cũng nhiều cháu giống hoàn cảnh của con anh chị.

Thế nhưng, lòng chị vẫn buồn man mác và thảng thốt: nghĩ cũng tại cha mẹ cả, nhiều khi mình thương con, thấy nó học hành vất vả nên chỉ biết động viên cháu học tập mà quên đi việc hướng dẫn, định hướng cho con mình làm những việc giản đơn nhất.

Khi đưa con đi nhập học, giữa chốn thị thành tấp nập người xa lạ như vậy mới thấy thương con. Những kĩ năng sơ đẳng nhất để lo cho bản thân cũng chưa dạy được cho cháu. Âu cũng là tại mình cưng con quá nhiều.

Có lẽ rồi đây, tôi sẽ rút kinh nghiệm để dạy cho đứa em của cháu tốt hơn. Tình thương không chỉ đơn thuần là cưng chiều, bao bọc con một cách quá mức để đến khi xa con rồi lại thương và lo lắng nhiều hơn.

Từ câu chuyện của vợ chồng anh bạn đồng nghiệp khiến cho chúng tôi nhiều trăn trở. Đôi lúc, mình thương con mình nhiều quá. Tình thương con đôi lúc lấn át cả lý trí của bậc làm cha làm mẹ.

Đôi khi ta cứ nghĩ cha mẹ cũng nhàn hạ, rảnh rỗi nên gánh vác tất cả việc nhà để con mình có thời gian và tập trung cả vào việc học.

Nhưng rồi tình thương đó vô tình lại hại con và không giúp con có một khả năng thích ứng để sinh tồn với hoàn cảnh sống khi thiếu bàn tay nâng đỡ của cha mẹ.

Chúng ta sợ con đi ra đường một mình nên cứ mãi kèm cặp, đón đưa, sợ con ăn uống ở quán xá mất vệ sinh nên mua sẵn thức ăn hàng ngày. Nếu cha mẹ có đi đâu vắng nhà thì nấu sẵn thức ăn, hẹn đi, hẹn lại.

Sợ con đi học uống nước mất vệ sinh, không an toàn nên ta nấu sẵn để mang theo. Sợ cho con tiền thì chúng lại chi tiêu vào những khoản không cần thiết. Sợ con tiếp xúc với bạn bè xung quanh vì mấy đứa đó bỏ học sớm sẽ nhiễm những thói hư, tật xấu…

Tất cả những điều đó dần dà trở thành một thói quen thụ động cho con em mình lúc nào chẳng hay mà rất khó khắc phục, sửa chữa.

Là cha mẹ, ai cũng đều thương con và mong con mình khôn lớn trưởng thành bằng bạn bè. Tuy nhiên, tình thương tốt nhất là chúng ta gần gũi, định hướng, giám sát và hướng dẫn con những công việc, kĩ năng từ sơ đẳng đến cơ bản để con có thể tự lập khi vắng hoặc xa cha mẹ.

Sự che chở, bao bọc con cũng rất cần thiết nhưng cũng không phải lúc nào cha mẹ cũng làm vậy. Sự trưởng thành của con cái ngoài sự cố gắng của bản thân các em thì luôn cần sự cộng hưởng của giáo dục từ cha mẹ, nhà trường và xã hội.

Trong đó, yếu tố gia đình đóng vai trò quan trọng nhất và điều chắc chắn sự giáo dục đó phải từ sự yêu thương , cộng với tính nghiêm khắc, bảo ban từ cha mẹ, ông bà…

Nhưng, cha mẹ cũng đừng bao bọc con nhiều quá, đừng làm thay con, nhất là khi các con đã tự biết làm những công việc nhà, những công việc tự phục vụ mình.Hãy giáo dục cho con mình trưởng thành với đầy đủ những kỹ năng cần thiết để khi xa cha mẹ thì các em có thể tự lo, tự chăm sóc cho mình.

KIM OANH