"Chiến sĩ ở Trường Sa: hồn nhiên, vô tư dù rất vất vả!"

14/05/2014 08:02
Lê Phương
(GDVN) - ‘Một chiến sĩ bảo với tôi rằng: ‘bọn em ở đây vất vả lắm'!", diễn viên Quang Tèo nhớ lại.

LTS: Diễn viên Quang Tèo tên thật là Nguyễn Tiến Quang. Hiện, Quang Tèo là một sĩ quan quân đội thuộc quân số của Nhà hát kịch quân đội. Trước sự việc Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan 981 tại thềm lục địa Việt Nam, ngang ngược tấn công làm bị thương và hỏng tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư của Việt Nam, Quang Tèo cảm thấy rất bức xúc. Diễn viên Quang Tèo đã có những chia sẻ riêng của mình với Báo Giáo dục Việt Nam đặc biệt là những kỷ niệm về các chiến sĩ ở Trường Sa, dù vất vả nhưng lúc nào cũng vô tư, yêu đời và vững vàng niềm tin, chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc.

Diễn viên Quang Tèo
Diễn viên Quang Tèo

Chia sẻ với Báo Giáo dục Việt Nam, diễn viên Quang Tèo cho biết, hiện tại anh rất bức xúc với hành động ngày càng ngang ngược của Trung Quốc khi đưa giàn khoan 981 vào thềm lục địa Việt Nam:

'Tôi cũng giống như nhiều người Việt Nam đều bức xúc trước cảnh Trung Quốc bành trướng từ lâu nay rồi nhưng việc mang giàn khoan vào vùng biển Việt Nam thì là quá mức.

Trên mạng tôi cũng thấy dậy lên nhiều phong trào của thanh niên sẵn sàng vì tổ quốc, vì biển đảo. Điều đó cho thấy trong lòng mọi người dân Việt Nam đang rất bức xúc trước hành động ngang ngược của Trung Quốc'.

Tuy nhiên, theo Quang Tèo thì anh vẫn mong muốn sự việc này sẽ được giải quyết bằng chính trị và Trung Quốc sẽ tự nhận thấy hành động của mình là sai trái và rút ra khỏi vùng biển của Việt Nam:

'Tôi nghĩ nên giải quyết mọi chuyện bằng chính trị là tốt nhất, kêu gọi các nước vào cuộc để Trung Quốc có thể nhìn thấy hành động của mình là sai trái. Vì nếu để xảy ra đấu tranh thì cả hai bên đều đổ máu cả và nếu một người Trung Quốc ngã xuống thì sẽ có một bà mẹ Trung Quốc đau khổ và ngược lại. Nên nếu giữ được tình đoàn kết, hữu nghị thì vẫn hay hơn.

Tôi biết nhiều nước cũng không chấp nhận trước hành động hiện nay của Trung Quốc', Quang Tèo chia sẻ quan điểm của mình.

Quang Tèo và các chiến sĩ hải quân trên đảo Trường Sa
Quang Tèo và các chiến sĩ hải quân trên đảo Trường Sa

Ngoài việc chia sẻ những bức xúc của bản thân trước sự ngang ngược của Trung Quốc, diễn viên Quang Tèo cũng nhớ lại kỉ niệm khi ra đảo Trường Sa biểu diễn. Khuôn mặt Quang Tèo ánh lên niềm tự hào khi nhắc đến các chiến sĩ hải quân, dù họ sống rất vất vả nhưng lúc nào cũng hồn nhiên và vững tinh thần bảo vệ Tổ quốc:

'Tôi nhớ mãi kỉ niệm khi đến đảo chìm, nó giống một cái chòi, được dựng lên để mấy chiến sĩ sống ở trên đấy. Ở đó thiếu thốn đủ thứ, ban ngày thì còn thấy nhấp nhô mấy viên đá nhưng ban đêm thì mênh mông biển nước.

Khi tôi từ thuyền lớn xuống thuyền bé để đi ra đảo Chìm sóng cứ đánh lật ngửa cả người lên trời, khi vào được chân đèo các chiến sĩ thòng dây xuống cho trèo lên. Lên đến nơi thì một chiến sĩ bảo với tôi rằng: ‘bọn em ở đây vất vả lắm nhưng hôm nay thấy rất vui vì nếu em không ra ngoài đảo thì không có cơ hội gặp anh’. Câu nói đó khiến tôi rất mát lòng và thấy các chiến sĩ rất hồn nhiên, vô tư dù rất vất vả'.

Không chỉ cảm thấy hạnh phúc trước những lời nói chân thành của các chiến sĩ hải quân, Quang Tèo còn vui hơn khi nhận được bài thơ reo toàn tên mình của một chiến sĩ khác.

'Có một chiến sĩ khoe với tôi là đã thức cả đêm để làm thơ tặng. Đó là một bài thơ gieo toàn vần Quang Tèo thôi. Nhìn cuộc sống của các chiến sĩ tôi thấy thương chảy cả nước mắt, có những chiếc áo họ mặc mốc meo cả lên vì không có nước ngọt để tắm rửa, lại ở nơi nắng nóng và mênh mông biển nước nhưng tính cách lúc nào cũng vô tư, hồn nhiên còn tình thân yêu nước, bảo vệ tổ quốc thì vững vàng', giọng Quang Tèo run run xúc động khi kể lại kỉ niệm này.

Và thông qua Báo Giáo dục Việt Nam, diễn viên Quang Tèo muốn gửi lời động viên tới các chiến sĩ hải quân của biển đảo Việt Nam:

'Tôi cũng là sĩ quan quân đội nên tôi rất đồng cảm, thương cảm với các chiến sĩ đang canh giữ biển đảo. Tôi mong các anh sẽ cố gắng bám trụ được biển đảo của Tổ quốc'.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa

Tôi không ngạc nhiên khi Trung Quốc đưa giàn khoan lấn sâu vào thềm lục địa Việt Nam và mang cả một đội tàu hùng hậu, trong ấy có cả tàu chiến, rồi máy bay chiến đấu yểm trợ xâm lấn biển đảo Việt Nam. Vì sao tôi không thấy bất ngờ? Các bạn có thể nhìn lại các sự kiện vào năm 1974, 1979 và 1988 thì sẽ thấy rất rõ mưu đồ của Trung Quốc là muốn gặm dần lãnh thổ Việt Nam, bao gồm cả đất liền và trên biển.

Hoàng Sa, Trường Sa luôn là những chảo lửa, không biết sẽ bùng lên lúc nào. Đây cũng là vùng lãnh hải thiêng nhất và cũng bất an nhất của nước ta. Nếu đất nước của chúng ta có những biến động thì sẽ bắt đầu từ vùng sóng gió này.  (Theo Nguyễn Sinh Phúc - Giáo dục Việt Nam).

Nhà văn Tô Nhuận Vỹ

Không thể nào nói khác, đây là một cuộc xâm lấn! Kể cả những người vì một lý do nào đó không có cái nhìn khách quan, cũng không thể nào bác bỏ được đây là một cuộc xâm lấn. Mấy chục năm qua, kể từ trước cuộc chiến tranh biên giới 1979 đến nay, Trung Quốc luôn luôn được đằng chân lân đằng đầu. Có một điều lạ là cứ khi nào sắp có một sự kiện gì đó liên quan giữa hai nước, hoặc của Việt Nam thì bao giờ Trung Quốc cũng có chuyện lấn chiếm. Trên đất liền trước đây cũng vậy.

Thử nhìn mà xem, họ kéo cả một đại binh đoàn như vậy đi qua vùng lãnh hải đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vào sâu như vậy mà vẫn lu loa. Thậm chí còn vu vạ rằng Việt Nam bắt nạt Trung Quốc. Cho nên, việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam lần này là một cuộc xâm lấn. Tôi nhớ tới lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 19-12-1946: “Chúng ta muốn hòa bình. Chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Không! Chúng ta thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ...”. Với Trung Quốc không thể chỉ lùi lại, dừng lại một chút. Nếu làm như vậy lần này họ sẽ tiếp tục lấn sâu vào nữa. Cực kỳ nguy hiểm. (Theo Tuổi trẻ).

Lê Phương