Công trình kiến trúc mang bản sắc văn hóa dân tộc ở Gia Lai tiếp tục bị tàn phá?

25/06/2019 06:32
Theo Báo Xây dựng
(GDVN) - Những di sản văn hóa chứa đựng trên các công trình kiến trúc nhà ở của đồng bào các dân tộc tại Gia Lai đang ngày ngày bị tàn phá.

Nhiều năm gần đây, hình ảnh Gia Lai - một vùng đất giàu tài nguyên thiên nhiên, nhiều phong cảnh đẹp với những thác nước và núi rừng hùng vĩ, mảnh đất chứa đựng biết bao di sản văn hóa cần được quan tâm lưu giữ.

Thế rồi, thời gian qua đi, rừng từ từ “biến mất”, bao di sản văn hóa chứa đựng trên các công trình kiến trúc nhà ở của đồng bào các dân tộc cũng dần dần bị tàn phá, để lại trong lòng những ai đã từng sống ở nơi đây, những ai dù đã một lần qua nơi này đều thấy đau đáu.

Biển Hồ nguyên sơ của một thời để nhớ… trong lòng du khách. (Ảnh: Theo Báo Xây dựng.)
Biển Hồ nguyên sơ của một thời để nhớ… trong lòng du khách. (Ảnh: Theo Báo Xây dựng.)

Lần này, chúng tôi trở lại Gia Lai ấn tượng mà mãi không quên đó là tấm lòng hồn hậu, hiếu khách của những con người sống trên mảnh đất này, nhưng không thể quên đi một cảm giác “đau đáu” thật là kỳ lạ.

Biển hồ vẫn xanh và thơ mộng như xưa, rừng thông vẫn rộn ràng bài ca hiếu khách, nhưng có điều một công trình được thiết kế và xây dựng hơn 30 năm trước đây, mang phong thái kiến trúc biểu tượng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên bỗng dưng bị phá bỏ, thay vào đó là bức tượng Phật bà đặt không đúng hướng theo các chuyên gia phong thủy; lưng về phía hồ; mặt nhìn vào hướng núi (theo ý của người thiết kế và quy hoạch ban đầu) đồng thời chủ đầu tư lại mở thêm một trạm gác, bán vé cho những du khách đến vãn cảnh.

Ý tưởng quy hoạch của những nhà thiết kế khi xây dựng công trình này cách đây 30 năm đã tính đến vị trí đặt tượng Phật bà (vì trước khi giải phóng ở tại nơi đây đã có tượng Phật bà nhưng do chiến tranh tàn phá chưa kịp dựng lại) tượng bà cũng đặt gần vị trí hiện nay, quay hướng như hiện nay và dựa lưng vào công trình hiện hữu; khi công trình đã bị phá thì việc đặt vị trí tượng Phật bà hiện nay cần phải xem lại.

Biển Hồ của ngày hôm nay khô cứng trong bê tông và đá giữa thiên nhiên do Công ty trách nhiệm hữu hạn Quang Đức cung tiến. (Ảnh: Theo Báo Xây dựng.)
Biển Hồ của ngày hôm nay khô cứng trong bê tông và đá giữa thiên nhiên do Công ty trách nhiệm hữu hạn Quang Đức cung tiến. (Ảnh: Theo Báo Xây dựng.)

Chúng tôi ngỡ ngàng vì một công trình kiến trúc đã được xây dựng hơn 30 năm nay, chí ít công trình đó đã là một sự cố gắng của bao thế hệ lãnh đạo tỉnh và các ngành, nó đã in đậm dấu ấn đối với những khách thập phương dù qua đây một lần.

Vậy tại sao phá đi, ai phá?

Nhân dân Gia Lai và du khách thập phương đang chờ đợi Uỷ ban Nhân dân tỉnh Gia Lai trả lời câu hỏi này.

Trở lại câu chuyện xây dựng tượng Phật bà, chúng tôi đồng tình nên có bức tượng ở đây, nhưng không phải vì vậy mà phá đi một công trình kiến trúc có giá trị, về giá trị vật chất gấp nhiều lần giá trị của công trình tượng Phật bà hiện nay.

Được biết, công ty trách nhiệm hữu hạn Quang Đức đã bỏ tiền làm từ thiện để xây dựng tượng Phật bà, điều đó rất đáng tôn vinh nếu đó là một việc làm thành tâm.

Cái bia khắc tên công ty này hy vọng nhiều năm sau, nhiều thế hệ nhân dân ở tỉnh Gia Lai và những du khách đến tham quan vùng này coi đó là một nghĩa cử đáng trân trọng.

Nhưng có một điều thật kỳ lạ công trình tượng đã xây dựng hơn một năm nhưng Tổng Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn Quang Đức vẫn nợ của doanh nghiệp đá mỹ nghệ và xây dựng Ninh Vân với số tiền là 518.000.000 đồng (Năm trăm mười tám triệu đồng).

Về chùa Keo (Thái Bình), ngoạn cảnh đẹp từ ngàn xưa

Mặc dù doanh nghiệp Ninh Vân đã nhiều lần gửi công văn đòi, thậm chí phải bỏ kinh phí bay vào tận trụ sở của người cung tiến để nhắc nhở, nhưng “đại gia” này vẫn không chịu trả.

Liệu việc xây dựng công trình tượng Phật bà có còn là một nghĩa cử tốt đẹp và linh nghiệm?

Qua câu chuyện này, chúng tôi - một thế hệ đã sống và cống hiến nhiều năm trên đất Gia Lai, muốn gửi một thông điệp đến thế hệ trẻ lãnh đạo Uỷ ban Nhân dân tỉnh Gia Lai và lãnh đạo thành phố Pleiku hãy biết trân trọng những thành quả lao động của bao thế hệ đi trước.

Một điều cần thiết phải làm rõ: Ai sẽ chịu trách nhiệm về việc tàn phá công trình này?

Chúng tôi cho rằng “đại gia” là Tổng Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn Quang Đức - người trực tiếp phá bỏ công trình, những người ra lệnh cho phá bỏ công trình, nên có trách nhiệm khôi phục lại công trình đã phá, để đáp ứng nguyện vọng của nhân dân tỉnh Gia Lai, những thế hệ đi trước đã chiến đấu, lao động, công hiến trên mảnh đất này và những du khách đã từng đến nơi đây để thể hiện rõ trách nhiệm của mình.

Theo Báo Xây dựng