Đầu tư 21 tỷ vẫn... "đắp chiếu": Điều gì đang xảy ra với phim Việt?

19/09/2014 07:02
Quốc Khánh
(GDVN) - Thông tin bộ phim đầu tư hàng chục tỷ đồng không có người xem khiến nhiều người xót xa và băn khoăn tự hỏi: Điều gì đang xảy ra với điện ảnh nước nhà?
Điện ảnh Việt chia làm 2 nhóm khá rõ ràng là phim tư nhân và phim nhà nước. Trong khi các hãng phim tư nhân ăn lên làm ra với các bộ phim “bom tấn” thì các bộ phim nhà nước thường chịu cảnh ế ẩm, không có người xem.

Nếu chỉ nhìn vào lượng người đến rạp để theo dõi các bộ phim này, người ta có thể dễ dàng cho rằng, điện ảnh tư nhân đang ở trong thời kỳ hoàng kim. Tuy nhiên, xét một cách toàn diện, thì cả điện ảnh tư nhân và điện ảnh nhà nước đang đi về hai thái cực hoàn toàn khác nhau. Điều đáng buồn là cả hai thái cực này đều không có tác động tích cực thúc đẩy sự phát triển nói chung của điện ảnh nước nhà.

Dòng phim tư nhân: Không có gì ngoài sex và bạo lực

Dòng phim tư nhân lấy yếu tố giải trí làm chính. Các bộ phim đa phần chạy theo thị hiếu hoặc “ăn theo” các sự kiện văn hóa, xã hội trong và ngoài nước.

Điều dễ nhận thấy nhất ở các bộ phim tư nhân là yếu tố sex và bạo lực. Đây có thể coi là hai yếu tố then chốt được các nhà sản xuất chọn làm điểm nhấn để phim tư nhân kéo khán giả đến rạp. Chính vì vậy, những hình ảnh sexy, những “cảnh nóng” trở thành điểm nhấn trong các chiến dịch PR rầm rộ của các hãng phim tư nhân.

Hầu hết các bộ phim đình đám trong thời gian qua như Mùa hè lạnh, Tối nay, 8 giờ; Mỹ nhân kế, Cánh đồng bất tận, Hoàng tử & lọ lem, Scandal 2 – Hào quang trở lại, Mất xác, Đập cánh giữa không trung… đều sử dụng yếu tố sex hoặc bạo lực như những điểm nhấn tạo sự chú ý cho khán giả.

Một cảnh trong Bi! Đừng sợ...
Một cảnh trong Bi! Đừng sợ...

Điều đáng nói là, ngoài yếu tố sex và bạo lực, đa số các bộ phim kể trên khá hời hợt về nội dung, mờ nhạt về thông điệp và không thể “đọng lại” bất cứ một “ám ảnh” nào trong lòng khán giả. Yếu tố sex trở thành cứu cánh, thành điểm tựa để cứu vãn sự hời hợt, thiếu logic trong nội dung của đa số các bộ phim do tư nhân sản xuất.

Việc lạm dụng yếu tố sex cùng với các chiến dịch quảng bá rầm rộ đã giúp cho các bộ phim truyện tư nhân dù “không có nội dung” vẫn có thể kéo khán giả đến rạp. Tuy nhiên, không ít khán giả có cảm giác mình “bị lừa” sau khi xem xong bộ phim do các hãng tư nhân sản xuất.

Phim nhà nước: Đầu tư lớn để… chiếu

Trong khi các bộ phim điện ảnh tư nhân khá mờ nhạt trong thông điệp thì các hãng phim nhà nước vẫn duy trì cách làm phim truyền thống với mô tuýp, tuyến nhân vật quen thuộc. Đa số các bộ phim nặng về thông điệp, tuyên truyền. Điều này khiến cho các bộ phim do các hãng phim nhà nước sản xuất thiếu hơi thở của thời đại.
Do vậy, dù được đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng vẫn không thể kéo khán giả đến rạp.

Sự cũ kỹ trong cách thể hiện cộng với việc thiếu một chiến dịch quảng bá chuyên nghiệp càng làm cho các bộ phim do các hãng phim nhà nước sản xuất không đến được với người xem. Số phận chung của các bộ phim nhà nước được đầu tư hàng chục tỷ đồng là nằm trong… kho!

Bộ phim Sống cùng lịch sử được đầu tư 21 tỷ đồng nhưng không có người xem...
Bộ phim Sống cùng lịch sử được đầu tư 21 tỷ đồng nhưng không có người xem...

Tạm kết

 
Cố gắng câu khách bằng sex và bạo lực hay chú trọng “bài học đạo đức” mà quên hơi thở cuộc sống đều không đem đến sự phát triển cho điện ảnh nước nhà. Ngược lại, hai khuynh hướng phát triển này của điện ảnh Việt càng “đẩy” khán giả đến với phim nước ngoài hơn là các bộ phim sản xuất trong nước.
Điều này càng làm nguy cơ điện ảnh Việt “thua ngay trên sân nhà” ngày càng trở nên rõ ràng hơn.
Đã đến lúc, các nhà làm phim, biên kịch và đạo diễn phim Việt cần có sự điều chỉnh để có thể phản ánh một cách đầy đủ và thấm thía những vấn đề của cuộc sống. Có như vậy, phim Việt mới thoát khỏi cảnh nằm “đắp chiếu” vì ế ẩm!
Quốc Khánh