Đức Gyalwang Drukpa nói về phụ nữ Việt Nam

08/03/2019 09:25
Kiến Văn
(GDVN) - “Chúng ta đã nói rất nhiều về hòa bình thế giới nhưng nếu chúng ta không có sự bình đẳng giới thì hòa bình ở đâu?”, Đức Gyalwang Drukpa bày tỏ.

Nhân dịp kỷ niệm Ngày phụ nữ quốc tế tế 8/3, Đức Gyalwang Drukpa đã có những chia sẻ suy nghĩ của Ngài về vai trò của người phụ nữ Việt Nam, cũng như phụ nữ trên toàn thế giới.

Đức Gyalwang Drukpa luôn đề cao vai trò của người phụ nữ trên toàn thế giới, đặc biệt Ngài rất ấn tượng với người phụ nữ Việt Nam.
Đức Gyalwang Drukpa luôn đề cao vai trò của người phụ nữ trên toàn thế giới, đặc biệt Ngài rất ấn tượng với người phụ nữ Việt Nam.

Ngài là bậc lãnh đạo tâm linh, và cũng là nhà hoạt động xã hội luôn khích lệ cho bình đẳng giới. Xin Ngài chỉ giảng rõ thêm về sự cần và nên tôn trọng quyền phụ nữ?

Đức Gyalwang Drukpa: Lời đầu tiên tôi muốn nói rằng bình đẳng giới là một điều rất quan trọng, nó không chỉ dành riêng cho phụ nữ mà còn vì sự bình an của đất nước, và vì hạnh phúc nhân loại và hòa bình của toàn thế giới.

Chúng ta đã nói rất nhiều về hòa bình thế giới nhưng nếu chúng ta không có sự bình đẳng giới thì hòa bình ở đâu? Tôi cho rằng điều này rất dễ hiểu, người phụ nữ cần được tôn trọng. Tất nhiên chúng ta cũng cần tôn trọng cả những người đàn ông, nhưng dù sao thì đàn ông đã luôn được tôn trọng trong xã hội rồi và đôi khi là người phụ nữ chưa được đối xử bình đẳng với nam giới.

Đó là lý do tại sao tôi luôn nỗ lực kêu gọi và ủng hộ cho sự bình đẳng giới, chính là vì sự hạnh phúc nhân loại và hòa bình của thế giới.

Tôi tin rằng hòa bình trên thế giới này phụ thuộc nhiều vào bình đẳng giới. Đây là một trong những khía cạnh quan trọng tạo lập nên sự hòa bình.

Ngài là bậc thầy Phật giáo đầu tiên khích lệ và hỗ trợ mạnh mẽ cho các vị ni sư học võ thuật, đặc biệt đó lại là học võ cổ truyền của Việt Nam. Ngài có thể chia sẻ thêm tại sao Ngài biết đến võ cổ truyền Việt Nam và mục đích của việc các ni sư học võ thuật là gì?

Đức Gyalwang Drukpa: Cá nhân tôi và dòng Truyền thừa Drukpa của tôi có một mối liên kết sâu sắc với đất nước và con người Việt Nam. Tôi nghĩ rằng mối quan hệ này không chỉ trong đời này mà còn nhiều đời trước, đó là một trong những lý do khiến tôi biết Việt Nam và võ thuật Việt Nam.

Một điều nữa là các học sinh của tôi ở Tây Thiên, các ni sư, rất giỏi về võ thuật và điều này làm tôi rất ngưỡng mộ.

Lý do thứ 3 tại sao các ni sư ở tự viện của tôi lại học võ thuật là vì tôi muốn tôn vinh vị thế của người phụ nữ, đưa họ lên một tầm cao hơn, để có thể cho mọi người thấy rằng người phụ nữ cũng có thể học được nhiều thứ và một trong những điều đó là võ thuật.

Không chỉ đơn thuần là biết võ mà họ học võ thuật để có thể tự vệ cho bản thân mình trong nghịch cảnh. Tôi cho rằng điều này rất tốt, là tấm gương tốt cho những người phụ nữ khác noi theo, hiểu rằng tuy là phụ nữ nhưng ai cũng cần biết bảo vệ bản thân mình.

Văn hóa Việt Nam ngày càng đề cao và tôn trọng vị thế người phụ nữ trong xã hội, tôn vinh những vẻ đẹp của người phụ nữ như là trí tuệ, tinh thần, tình yêu thương, nghị lực và lòng dũng cảm, sự tần tảo và cả lòng vị tha nữa. Sau nhiều năm gắn bó với đất nước chúng tôi, Ngài có nhận xét gì về điều này?

Đức Gyalwang Drukpa: Tôi đồng tình về ý kiến này. Về mặt lịch sử, đất nước và dân tộc Việt Nam trải qua bao nhiêu khó khăn mà vẫn vững vàng phát triển không chỉ nhờ sức của những người đàn ông mà còn một phần rất lớn nhờ công lao của người phụ nữ, cho tới tận ngày hôm nay.

Tôi cảm thấy rất tự hào về phụ nữ Việt Nam, tôi muốn gửi lời cảm ơn và chúc mừng đến tất cả những người phụ nữ Việt Nam đã góp sức vào gây dựng đất nước này,  từ thế hệ này cho tới thế hệ khác. Sự đóng góp của người phụ nữ là vô cùng quan trọng , bạn có thể thấy và hiểu một cách vô cùng rõ ràng, ngay cả từ góc độ quốc tế.

Sắp tới Ngài có những dự định, thiện hạnh gì thúc đẩy việc bình đẳng giới?

Đức Gyalwang Drukpa: Khi đi bất kỳ nơi đâu trên thế giới, Tăng đoàn của tôi luôn bao gồm các chư Ni, bằng cách này chúng tôi có thể nói rằng người phụ nữ có thể làm được rất nhiều việc, nhiều thiện hạnh lợi lạc trên thế giới này.

Tôi cũng dành thời gian để giảng dạy, hoằng pháp bởi vì ngày nay hầu hết mọi người nghĩ về tôi, với tư cách là một nhà sư Phật giáo, rằng ông ta chỉ nên thiền định, ông ta chỉ nên giảng kinh...

Nhưng sự thật là, có rất nhiều bậc thầy đang giảng pháp khắp nơi trên thế giới, có rất nhiều vị thiền sư đang dạy về thiền, nhưng tôi muốn thể hiện tình yêu thương trong hành động, ban trải lòng từ bi qua các thiện hạnh.

Các thiện hạnh như: bảo vệ môi trường, làm sạch nước, làm sạch bầu không khí, không chỉ bảo vệ nữ quyền và các vấn đề bình đẳng giới mà cả các vấn đề với ô nhiễm không khí, nước, đất.

Tất cả những điều này đều nằm trong giáo lý Phật giáo. Vì vậy, tôi luôn cảm thấy rằng bảo vệ môi trường là vai trò và nhiệm vụ của mình, không chỉ là bảo vệ những người nữ yếu thế, mà còn bảo vệ thiên nhiên vì lợi ích của thế giới.

Không chỉ riêng ở Việt Nam hay một số quốc gia nhất định, mà cả thế giới đang phải chịu đựng sự nóng lên của toàn cầu và biến đổi khí hậu. Những điều khủng khiếp, thiên tai đang xảy ra trên thế giới này, chúng ta có thể nhìn thấy nó bằng chính mắt mình, chúng ta không cần phải thiền định để thấy điều đó.

Chúng tôi phải thực sự làm việc chăm chỉ để thế giới của các thế hệ tiếp theo sẽ tốt đẹp hơn, vì vậy tôi nghĩ đây là vai trò của tôi.

Cảm ơn Ngài và tăng đoàn đã tới Việt Nam!

Kiến Văn