Giáo dục bằng tình thương từ câu chuyện cổ tích của thầy trò vùng cao xứ Quảng

18/11/2020 08:00
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chỉ có giáo dục bằng tình thương mới mang đến những lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc.

Sự ra đi đột ngột của cậu học trò tí hon Đinh Văn K’Rể để lại trong lòng những người yêu mến niềm thương tiếc, xót xa.

Sau 4 ngày nhập viện, vì nhiều bệnh lý, K’ Rể đã không qua khỏi. Mọi người đưa em trở về với cha mẹ, bản làng, núi rừng – nơi em đã được sinh ra.

Trong suốt 5 năm qua, và ngay cả những giây phút cuối cuộc đời, trong hành trình cuối cùng khi K’Rể trở về với đất mẹ, bên cạnh em luôn có bóng dáng người thầy đặc biệt – thầy Đặng Văn Cương.

Giờ đây, hành trình nghị lực của cậu học trò tí hon đã dừng lại, nhưng câu chuyện của em và thầy Đặng Văn Cương sẽ mãi là câu chuyện giáo dục nhân văn và ý nghĩa trong cuộc sống này.

Và trên tất cả, đó là bài học sâu sắc đối với công tác giáo dục, đối với những người làm giáo dục trên chặng đường đổi mới, khi chúng ta đang hướng đến một nền giáo dục nhân văn với những lớp học hạnh phúc.

Câu chuyện cổ tích của thầy Đặng Văn Cương và cậu học trò tí hon Đinh Văn K’Rể (Ảnh: Báo điện tử VTV)

Câu chuyện cổ tích của thầy Đặng Văn Cương và cậu học trò tí hon Đinh Văn K’Rể (Ảnh: Báo điện tử VTV)

Cũng giống như Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Sơn Ba (Sơn Hà – Quảng Ngãi) cùng trái tim yêu thương, tấm lòng nhân ái của thầy giáo Đặng Văn Cương đã mang đến cuộc đời hạnh phúc cho một đứa trẻ.

Dù đã hơn 5 tuổi, K’Rể cao chưa tới nửa mét, nặng chưa được 4 kg. Với sự khác lạ về ngoại hình, cậu đã từng bị những người trong thôn bản kỳ thị, xa lánh.

Người dân HRê ở thôn Gò Da với cuộc sống ẩn mình trong núi sâu vẫn thường cho rằng: K’ Rể bị con ma rừng ám, thậm chí người ta nói em chính là con ma rừng, phải đem trả cho thần rừng.

Trước khi được đến trường, trước khi được sống trong vòng tay yêu thương của thầy Cương, K’Rể chỉ có thể lầm lũi một mình hoặc chơi với đàn gà, đàn lợn.(1)

Trường học và tình yêu thương của thầy Đặng Văn Cương đã làm thay đổi của cuộc đời K’Rể (Ảnh: Báo điện tử VTV)

Trường học và tình yêu thương của thầy Đặng Văn Cương đã làm thay đổi của cuộc đời K’Rể (Ảnh: Báo điện tử VTV)

Nếu không có cuộc gặp gỡ định mệnh với thầy Cương, nếu không được thầy đón tới trường thì có lẽ, cuộc sống của K’ Rể sẽ mãi chìm sâu trong sự xa lánh của nhiều người.

Năm 2012, trong một lần lên Gò Da vận động học sinh tới trường, thầy Đặng Văn Cương khi ấy là Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Sơn Ba đã gặp cậu bé tí hon ngồi trong chiếc túi vải sau lưng mẹ.

Từ cuộc gặp gỡ đó, thầy Cương bắt đầu tìm hiểu về K’Rể, đến nhà vận động cha mẹ cho em sau này được đến trường.

Thầy Đặng Văn Cương, một người con của quê hương Thái Bình, đã gắn bó sự nghiệp trồng người nơi mảnh đất rẻo cao xã Sơn Ba gần 20 năm.

Là một Hiệu trưởng nhưng thầy vẫn ngày ngày leo rừng, vượt núi đến từng nhà vận động học sinh tới trường.

Trước đó, năm 2009, khi thấy quãng đường tới trường của học sinh quá gian nan, thầy Cương quyết tâm đưa các em xuống núi học nội trú. Sau khi xin phép lãnh đạo Phòng giáo dục, các thầy cô ở trường thu dọn phòng giáo viên cho các em tá túc, đi xin từng khúc gỗ làm nhà ăn, đóng bàn ghế, cáng đáng luôn phần việc nấu ăn, chăm sóc các em.(2)

Câu chuyện của thầy Hiệu trưởng Đặng Văn Cương đã mang đến cho chúng ta bài học ý nghĩa: Giáo dục cần được xây dựng trên nền tảng của tình yêu thương.

Trường học là nơi không bao giờ bỏ rơi học sinh, dù các em là ai, có khác biệt như thế nào, cánh cổng trường sẽ vẫn luôn rộng mở đón chào các em với tất cả tình thương yêu.

K’Rể có trải nghiệm học tập thú vị. (Ảnh: Báo điện tử VTV)

K’Rể có trải nghiệm học tập thú vị. (Ảnh: Báo điện tử VTV)

Năm 2015, thầy Cương tiếp tục lên bản vận động gia đình cho K’Rể được xuống trường học tập.

Một đứa trẻ 7 tuổi trong hình hài nhỏ bé của một đứa trẻ sơ sinh, không biết nói, vẫn ăn bốc và không thể tự chủ việc vệ sinh cá nhân, chẳng ai có thể nghĩ rằng đứa trẻ đó có thể đi học, và liệu rằng có mấy ai dám nhận cậu bé tí hon ấy làm học trò.

Vậy mà thầy Hiệu trưởng của một trường tiểu học hết lần này đến lần khác vượt hơn 10km đường rừng, lên bản vận động cha mẹ cho em được đi học. Trước những cái lắc đầu, lưỡng lự của phụ huynh, thầy vẫn kiên trì, cố gắng, bằng mọi giá giúp em được đến trường, chỉ mong sao có thể thay đổi cuộc sống của em.

Với những nỗ lực tâm huyết của một người thầy, Đinh Văn K’Rể đã trở thành cậu học sinh của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Sơn Ba.

Câu chuyện cổ tích của hai thầy trò cũng đã cho chúng ta hiểu hơn về ý nghĩa triết lý giáo dục bằng tình thương.

Nếu không có tình yêu thương, nếu không nặng lòng với học sinh vùng cao, thầy Cương đã chẳng rời chiếc ghế Hiệu trưởng để lên từng bản vận động học trò tới lớp.

Và cũng chính tình yêu thương đã đưa thầy đi đến quyết định nhận nuôi, chăm sóc cho K’Rể. Những ngày đầu tiên sống cùng cậu học trò tí hon chẳng dễ dàng, cậu bé không có ý thức đi vệ sinh, thầy Cương đã kiên trì, nhẫn nại, chăm sóc, chỉ dạy cho K’Rể như một người cha đối với cậu con trai bé bỏng.

Thầy Cương cũng chính là người đưa cậu học trò đi khám bệnh tại Hà Nội. Khi biết được căn bệnh của K’Rể, người thầy đã trằn trọc, lo lắng về tuổi thọ, những biến chứng của căn bệnh Seckel.

Các thầy giáo Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học An Lương gùi thức ăn trên lưng, vượt đèo, lội suối vì bữa ăn của học sinh sau cơn lũ. (Ảnh: Báo điện tử VTV)

Các thầy giáo Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học An Lương gùi thức ăn trên lưng, vượt đèo, lội suối vì bữa ăn của học sinh sau cơn lũ. (Ảnh: Báo điện tử VTV)

Dẫu vậy, thầy vẫn luôn bên cạnh, yêu thương, chăm sóc cho em, thầy dạy em tập viết chữ cái, cố gắng để em có một cuộc đời ý nghĩa và hạnh phúc nhất.

Và quả thực, K’Rể đã có một cuộc đời hạnh phúc đúng nghĩa. Sứ mệnh của giáo dục là mang hạnh phúc tới cho con người – thầy giáo Đặng Văn Cương đã chứng minh điều đó.

Cậu bé đã có những trải nghiệm học tập đặc biệt tại trường học. Dù cậu không thể nói, chưa thể viết chữ nhưng cậu vẫn được tới lớp, vẫn được đùa vui cùng bạn bè và sống trong tình yêu của thầy cô.

Không còn là cậu bé tí hon lầm lũi chơi với đàn gà, đàn lợn và bị dân làng xa lánh, từ khi được tới trường, K’Rể nhận được muôn vàn tình yêu thương, đi tới đâu, em cũng được mọi người yêu mến.

Niềm hạnh phúc hiện rõ trên nụ cười của em, ngập tràn trong ánh mắt sáng long lanh, hồn nhiên vô tư của em. Sau quãng thời gian gắn bó với trường học, với bạn bè, thầy cô, K’Rể cũng đã được người dân bản đón nhận, yêu thương.

Câu chuyện của thầy giáo Đặng Văn Cương cũng cho chúng ta hiểu rằng, trường học không chỉ là nơi truyền thụ kiến thức, sứ mệnh của những người làm giáo dục còn là giúp học sinh phát triển kỹ năng, bồi đắp tình cảm cho các em.

Từ một cậu bé không biết nói, không có một kỹ năng gì, K’Rể đã được dạy về những kỹ năng quan trọng trong cuộc sống, biết nói ạ thay cho lời cảm ơn, biết nhận quà bằng hai tay, biết bắt tay và chào tạm biệt,…

Giáo dục Việt Nam đang trên chặng đường đổi mới với những giải pháp như giảm tải chương trình; phát triển năng lực, phẩm chất học sinh; giảm áp lực thi cử; thực hiện kỷ luật tích cực.

Nền giáo dục của chúng ta cũng đang hướng tới việc xây dựng những trường học hạnh phúc, giáo viên hạnh phúc, học sinh hạnh phúc.

Nhưng điều quan trọng nhất là mọi triết lý giáo dục đều cần phải được xây dựng trên nền tảng của tình thương, tấm lòng bao dung và sự chân thành.

Và có lẽ, không chỉ có riêng thầy giáo Đặng Văn Cương, trên khắp dải đất hình chữ S, từ đồi núi, cao nguyên tới đồng bằng, vẫn còn rất nhiều tấm gương các thầy cô với những chuyến đò chở nặng yêu thương như thế.

Còn nhớ năm 2018, sau trận lũ kinh hoàng, các thầy giáo của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học An Lương (Văn Chấn – Yên Bái) đã cõng 2 tấn lương thực vượt 17km đường đèo suối để học sinh không bị đói khi vào năm học mới. (3)

Cũng bởi tình yêu thương học trò vô hạn đã giúp các thầy giáo làm được những điều phi thường đến thế.

Tuy nhiên, bên cạnh những câu chuyện giáo dục nhân văn, vẫn còn đó những câu chuyện phản ánh góc tối của ngành giáo dục khiến nhiều người phẫn nộ, bức xúc.

Những ngày vừa qua, dư luận bức xúc với sự việc hai cô giáo mầm non ở Ninh Bình đánh một đứa trẻ 15 tháng tuổi vì cháu đi đại tiện ra quần giữa lớp học và nói dối rằng cháu bị ngã. (4)

Ngày 12/11, Ủy ban nhân dân thành phố Nha Trang công bố kết quả kiểm tra công tác quản lý hoạt động bán trú tại Trường Tiểu học Phước Long 1, theo đó, trường này đã bớt xén thức ăn của khoảng 930 học sinh bán trú.(5)

Liệu có hay không những học sinh hạnh phúc khi giáo viên vẫn sử dụng bạo lực với các em, khi nhà trường còn bớt suất ăn của học sinh bán trú.

Vẫn biết rằng, giáo viên là một nghề vô cùng vất vả và chịu nhiều áp lực, thế nhưng đó không thể là lý do cho những hành động thiếu chuẩn mực, sai trái.

Nếu thầy cô giáo dục học sinh bằng tình yêu thương chân thành, bằng sự đồng cảm, sẻ chia và tấm lòng bao dung thì sẽ không quá khó khăn để chúng ta hướng tới xây dựng những trường học hạnh phúc, những học sinh hạnh phúc và một nền giáo dục nhân văn đúng nghĩa.

Tài liệu tham khảo:

(1) https://vtv.vn/video/vtv-dac-biet-k-re-392534.htm?fbclid=IwAR2MQN8hnZTaS9rJfKzgtUSOj33Vku0WdxybIUb6MDFIxmsZ_pARMRkgDco

(2) https://laodong.vn/phong-su/chuyen-co-tich-ve-nguoi-thay-o-vung-cao-xu-quang-568303.ldo

(3) https://vtv.vn/trong-nuoc/chuyen-nhung-thay-giao-cong-2-tan-luong-thuc-vuot-nui-va-noi-dau-cua-co-giao-mat-con-20181119183148072.htm

(4) https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/co-giao-danh-tre-15-thang-nhung-lai-noi-voi-phu-huynh-la-con-bi-nga-post213610.gd

(5) https://www.tienphong.vn/giao-duc/truong-tieu-hoc-bot-suat-an-cua-hoc-sinh-1749830.tpo

Phạm Minh