Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: Công thức nào để tạo ra hạnh phúc?

05/04/2021 09:11
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chỉ dấu tốt của hạnh phúc chính là khi gia đình giống như người bạn, còn bạn bè lại gắn bó như gia đình.

LTS: Tuần này, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng tiếp tục gửi đến độc giả bài viết số 132 trong loạt bài Đọc giùm bạn trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Trong bài viết này, Giáo sư bật mí những điều thú vị trong cuốn sách "Công thức hạnh phúc" của Manfred F.R. Kets, là một học giả về quản lý và phân tâm học người Hà Lan, Giáo sư về phát triển lãnh đạo và thay đổi tổ chức tại INSEAD.

Công việc của ông tập trung vào khả năng lãnh đạo và động lực của sự thay đổi cá nhân và tổ chức.

Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ đã trao cho ông Giải thưởng Harry và Miriam Levinson vào năm 2001. Kets de Vries được đánh giá trong số 50 nhà tư tưởng hàng đầu về quản lý.

Cuốn “Công thức hạnh phúc được Nhà xuất bản Thế giới và Công ty Nhã Nam phát hành với bản dịch của Hoàng Nam.

Cuốn sách "Công thức hạnh phúc" của Manfred F.R. Kets. (Ảnh: Fahasa.com)

Cuốn sách "Công thức hạnh phúc" của Manfred F.R. Kets. (Ảnh: Fahasa.com)

- Ai ai cũng lùng kiếm hạnh phúc. Gần như cả thế giới đều sùng bái hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc thực ra là gì? Công thức nào để tạo ra hạnh phúc? Tất thảy đều mơ hồ, khó nắm bắt.

- Hạnh phúc có thể được so sánh với bầu trời và đám mây. Sự luân phiên của mặt trời và đám mây khiến cuộc sống của chúng ta trở thành một hành trình lên xuống của cảm xúc.

- Hạnh phúc là một trải nghiệm ngắn ngủi và khó nắm bắt. Thử thách cho chúng ta là phải nhận ra và tận dụng những khoảnh khắc hạnh phúc khi chúng đến.

- Chúng ta không nên bỏ cuộc hay mất hy vọng; hạnh phúc luôn ở đâu đó, trong hiện tại và trong tương lai.

- Khôn ngoan nhất là tìm kiếm hạnh phúc từ những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống. Ta thường là tác giả sự đau khổ của chính ta. Quá thường xuyên, ta trở đi trở lại với suy nghĩ tiêu cực mà quên đếm những phúc lành.

- Người hạnh phúc chống chọi hiệu quả hơn với căng thẳng và chấn thương tâm lý. Họ có nhiều năng lượng hơn và bền bỉ hơn. Họ có hệ miễn dịch khỏe hơn nên ít khi bị ốm, tăng cường tuổi thọ tiềm năng. Người hạnh phúc có năng suất lao động cao hơn và sáng tạo hơn.

- Hạnh phúc không phải một thứ xa xỉ phẩm không cần thiết. Hạnh phúc hay buồn khổ đều ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của chúng ta.

- Hạnh phúc là một công việc của nội tâm. Nó không bày sẵn ra; nó không phụ thuộc vào địa vị, quyền lực, thanh thế hay tiền bạc. Ta cần phải biến nó thành hiện thực.

- Chất lượng các mối quan hệ chính là nguyên liệu cơ bản của hạnh phúc. Chỉ dấu tốt của hạnh phúc chính là khi gia đình giống như người bạn, còn bạn bè lại gắn bó như gia đình.

- Đố kỵ là căn bệnh truyền nhiễm. Đem lòng đố kỵ cũng giống như tự chuốc một liều độc dược ngấm từ từ. Ta chỉ tìm thấy hạnh phúc khi ngừng so sánh mình với người khác và học cách hài lòng với những gì mình đã có.

- Giữ mãi lòng giận về những chuyện đã xảy ra trong quá khứ cũng là một dạng tự đầu độc. Tha thứ có nghĩa là làm lành với quá khứ. Đó là nguồn sức mạnh, là món quà cho chính bản thân ta, thả tự do cho ta.

- Chấp nhận phúc lành và bày tỏ lòng biết ơn với người khác giúp ta cải thiện tình trạng tinh thần.

- Một trong những bí mật để đạt được hạnh phúc chính là khiến người khác hạnh phúc, vì hạnh phúc phụ thuộc vào những gì ta cho đi nhiều hơn những gì ta nhận được.

- Một câu ngạn ngữ của Trung Quốc nói rằng: Công thức cho hạnh phúc là: Có người để yêu, Có việc để làm và Có điều để hy vọng.

- Ta cần đi theo niềm tin của mình. Ta cần tự nhủ ta không chỉ là sinh vật được tạo nên bởi hoàn cảnh, ta là những người tự do.

- Người lạc quan nhìn vào mặt tích cực của mọi việc, nhìn mỗi lần thất bại như một cản trở tạm thời.

Khi đối mặt với một tình huống xấu, họ coi đó là thử thách và làm việc chăm chỉ để thay đổi nó.

Họ hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn và tin rằng họ có thể thành công trong những việc họ quyết định làm.

- Những việc tích cực thường xảy đến với người suy nghĩ tích cực, họ chống chọi với căng thẳng hiệu quả hơn, họ có sức khỏe tốt hơn và họ thành công hơn.

- Người hướng ngoại giỏi hơn người hướng nội ở việc tìm kiếm người khác và giao tiếp tích cực với họ, họ tham gia vào nhiều hoạt động xã hội hơn.

- Một trong những chỉ dấu rõ nhất của hạnh phúc là mức độ ta cảm thấy thoải mái về bản thân. Những người thích chính mình thấy dễ dàng mở lòng với người khác thay vì giữ kẽ.

Họ có mạng lưới quan hệ rộng hơn, có nhiều hỗ trợ xã hội hơn và tham gia vào nhiều công việc xã hội hơn.

- Ta có sức mạnh để tác động lên số phận, nhưng ta cần phải muốn làm điều đó. Ta cần phải chủ động.

- Bí mật của hạnh phúc là khả năng tìm được niềm vui trong niềm vui của người khác, là mong muốn làm những người khác hạnh phúc. Khi ta mang ánh mặt trời đến với cuộc đời người khác, ta nhận được trở lại một vài tia nắng.

- Có những điều nhỏ nhặt nhất cũng có thể tạo ra những khoảnh khắc hạnh phúc - một nụ cười, một cái ôm, một câu cảm ơn chân thành. Những hành động nhỏ bé này có thể trở thành những cảm xúc huy hoàng cho cả người cho và người nhận.

- Một mối quan hệ đôi lứa thành công là khi tình yêu giữa hai người vượt qua quan hệ thể xác, hợp nhất sự gắn bó với tình bạn đích thực. Một cuộc hôn nhân tốt đẹp được dựa trên chất lượng của tình bạn.

- Bạn bè giúp ta tìm đường vượt qua những trở ngại của cuộc sống. Họ còn đóng vai trò như một kiểu ngân hàng ký ức bổ sung, giúp ta nhớ lại những trải nghiệm hay những điều về bản thân mà chúng ta đã quên, kể cả những khoảnh khắc hạnh phúc.

- Nghiên cứu đã cho thấy có ai đó để tâm sự giúp làm giảm căng thẳng, nâng cao hệ miễn dịch và tăng cường tuổi thọ.

- Giữ cho tình bạn tiếp diễn, giúp nó phát triển và trưởng thành thay vì cho mặc nó trì trệ, là một quá trình tinh vi. Tình bạn là một thực thể mỏng manh cần được quan tâm, nuôi dưỡng, thậm chí hy sinh vì nó.

- Với rất nhiều người trong chúng ta, cơ hội để có những người bạn mới dường như ít đi sau những giai đoạn đầu đời. Kết quả là những người bạn mất đi không được thay thế.

- Nếu ta không nỗ lực kiến tạo thêm tình bạn, có lẽ đến tuổi già ta sẽ thấy bản thân chỉ còn lại một mình - một tình huống là mất cân bằng phương trình hạnh phúc.

- Sống ở đời, việc đối xử tử tế với mọi người rất quan trọng, một phần là bởi ta sẽ khiến người ta tử tế lại. Để đối xử tử tế - nghĩa là, đảm bảo sự có qua có lại trong các mối quan hệ - ta cần khả năng đặt mình vào địa vị người khác.

- Một trong những phần thưởng tuyệt nhất trong cuộc sống là cơ hội được làm công việc ta thích và có tính thử thách.

Ta nên tìm công việc cho chúng ta cảm giác có mục đích. Khi ta cảm thấy những gì mình làm tạo nên sự khác biệt, cuộc sống của ta có ý nghĩa hơn.

- Công việc cho phép ta cảm thấy mình đang đóng góp, công việc thật sự lôi cuốn chúng ta, công việc đòi hỏi sự tập trung hoàn toàn - đây là công việc tạo nên những khoảnh khắc hạnh phúc.

- Hy vọng là một nhân tố quan trọng trong điều kiện tạo nên con người, thúc đẩy và động viên chúng ta khám phá và trưởng thành.

Ai cũng có gì đó để hy vọng. Hy vọng giúp ta cảm nhận được phương hướng trong hành trình đi qua cuộc đời - cảm giác về nơi ta muốn đến.

- Tham vọng quá cao có thể là mối đe dọa đến hạnh phúc cũng nhiều như sự thiếu hụt ước mơ. Thường thì nên chia giấc mơ lớn thành những phần có thể giải quyết được.

Làm thế giúp ta có cảm giác điều khiển được mọi việc và cho ta được ăn mừng những cột mốc nhỏ dọc đường.

- Lão Tử nói: Hành trình hàng vạn dặm bắt đầu từ một bước nhỏ. Nỗ lực ban đầu của ta, dù có vẻ bé mọn, sau này đều có thể trở thành những thứ lớn lao.

Những bước ướm thử đầu tiên sẽ chỉ cho ta hướng đi đúng và vẽ nên phần còn lại của hành trình.

- Nếu muốn tận hưởng cuộc sống ta phải làm ngay hôm nay, không phải ngày mai hay một khoảnh khắc nào đó trong tương lai.

Cuộc sống không phải là buổi tập dượt, nó là hiện thực. Ta muốn một cuộc đời trọn vẹn hay một cuộc sống bị trì hoãn.

- Làm sao ta có thể cho trẻ em những ký ức có ý nghĩa nếu như ta quá bận rộn không thể dành thời gian cho chúng?

Để đạt được hạnh phúc nhất định phải có những khoảnh khắc đặc biệt với các thành viên gia đình.

Thêm vào đó, ta sẽ được tận hưởng cuộc sống tận hai lần khi sung sướng nhìn lại những khoảnh khắc ấy.

- Thành công của chúng ta cần phải được đo không phải bởi những gì ra đã đạt được mà bởi những chướng ngại ta đã vượt qua.

- Albert Einstein có một công thức cho thành công: A=X+Y+Z, trong đó A là sự thành công, X là công việc, Y là vui chơi và Z là chủ động lắng nghe người khác.

Thứ thành công thực sự khiến ta thỏa mãn thường đến với những người không đi tìm thành công. Bởi vì muốn đến với thành công thật sự ta phải ra khỏi con đường được định sẵn.

Những người bị thành công thôi thúc thường hiếm khi thấy thỏa mãn. Bất cứ khi nào họ đạt đến một nấc thành công nào họ lại hình dung ra một mức cao hơn.

Hạnh phúc nằm trong việc thấy thỏa mãn cả những gì ta có lẫn những gì ta không có. Sự thỏa mãn kép đó là nền tảng vững chắc cho cảm giác hạnh phúc.

- Hạnh phúc thật sự không thể cùng tồn tại với đố kỵ, ghen ghét hay thù oán.

Nếu sự đố kỵ giam cầm một người, nó sẽ hạn chế tiềm năng của con người, cô lập anh ta, bóp nghẹt khả năng vui chơi, và dẫn đến đau khổ.

- Albert Scheweitzer từng nói hạnh phúc không gì ngoài sức khỏe tốt và một trí nhớ tồi.

Thể trạng của chúng ta ảnh hưởng to lớn đến tình trạng tinh thần của chúng ta. Sức khỏe thể chất có thể được so sánh với tài khoản ngân hàng.

Vài người thường tiêu xài phung phí, chỉ khi chẳng còn bao nhiêu họ mới nhận ta tầm quan trọng của sức khỏe.

- Einstein đã đúng khi chỉ ra tầm quan trọng của việc vui chơi trong cuộc sống. Vui chơi gắn kết chặt chẽ tới sự sáng tạo; nó còn có chức năng phục hồi.

Vui chơi ám chỉ làm những việc bên ngoài khuôn sáo hàng ngày, một sự đa dạng hóa những ham thích.

Sự tiêu khiển đích thực kích thích khát vọng, khiến chúng ta sáng tạo và hiệu quả hơn trong công việc và trong những mối quan hệ.

- Ta tăng khả năng có được hạnh phúc khi ta học cách chơi khi làm việc và làm việc khi chơi. Chính trong thế giới chuyển tiếp của sự vui chơi quá trình sáng tạo xảy ra.

Đó là thế giới của suy nghĩ lạc khỏi quy phạm, dẫn tới những liên hệ và kết hợp, đóng góp cho những nhân thức mới. Trí óc cũng giống như cái ô, hoạt động tốt hơn khi được bung mở.

- Quá trình học không bao giờ nên dừng lại. Ta cần phải tiếp tục phát triển tiềm năng của mình. Liên tục học tập nghĩa là luôn tham gia một cách nhiệt huyết vào cuộc sống.

Nghịch lý của tri thức là càng học nhiều ta càng khám phá ra mình ngu dốt cỡ nào và nó thúc đẩy ta khám phá nhiều hơn. Một trong những bí mật của một cuộc sống trọn vẹn và hạnh phúc là giữ được sự tò mò về tri thức.

- Không có gì là thú vị nếu như ta không có hứng thú. Ta càng có hứng thú về nhiều thứ ta càng sống tích cực hơn.

- Điều duy nhất không thay đổi trong cuộc sống là thay đổi. Nếu như ta cởi mở học hỏi, sự thay đổi mà đâu đâu cũng có ấy có thể là người thầy của chúng ta.

Ta cần phải liên tục thử những thứ mới và chúc mừng bản thân khi ta tìm ra cách phá bỏ sự đơn điệu đang rình rập, tìm ra cách để trở thành người chơi, không phải khán giả, trong trò chơi cuộc sống. Ta già đi là vì mất đi hứng thú vào cuộc sống.

- Trong khi theo đuổi hạnh phúc, cũng như đối mặt với những thăng trầm của cuộc sống, quan trọng là phải sống thật. Nếu ta không thật lòng với bản thân, làm sao ta có thể thành thật với người khác?

Sống thật không chỉ có nghĩa là tin vào điểm mạnh của mình mà còn là đối mặt với những điểm yếu và kiên nhẫn với những điểm không hoàn hảo.

- Nếu ta sống thật, ta khiến người khác tin tưởng. Ta tiếp thêm khí thế cho những người xung quanh. Ta thanh thản với bản thân và từ đó có thể giúp người khác cảm thấy tốt hơn về bản thân họ.

- Cốt lõi của sự sống thật là sự chân thành. Những bài học tốt nhất ta có thể học không phải là từ thành công mà từ thất bại.

Khó khăn chồng chất làm ta cứng rắn hơn trước những vất vả trong tương lai. Sống thật tức là làm những điều ta thật sự tin tưởng - những hoạt động có ý nghĩa đối với ta.

- Chỉ sống, mà không tìm ý nghĩa trong những việc ta làm, sẽ dẫn đến một sự tồn tại trống rỗng.

Chỉ khi những hoạt động cá nhân của ta nhất quán với giá trị, cam kết và những yếu tố quan trọng khác trong quan niệm của chúng ta về bản thân thì ta mới có thể đạt tới ý nghĩa.

- Hạnh phúc không đạt được qua sự tự thỏa mãn bản thân mà qua sự trung thành với một mục đích xứng đáng.

- Tất cả mọi người đều tìm kiếm một cuộc sống hạnh phúc, nhưng nhiều người nhầm phương tiện - ví dụ, của cải và địa vị - với chính bản thân cuộc sống.

Những thứ thật sự đáng giá là những hoạt động đứng đắn tạo nên một cuộc sống hạnh phúc, không phải là những thứ ngoại thân có vẻ như đang tạo ra hạnh phúc.

- Sự chân thật và ý nghĩa không phải là những món quà cho không, biếu không. Ta phải vất vả để giành được chúng.

Không có sai lầm thì không có trải nghiệm. Không có trải nghiệm thì không có thông thái.

Thất bại là viên đá đầu tiên tạo nên sự thông thái, bổ sung cho sự chân thật. Ký ức mà những lần thất bại để lại là chất xúc tác lớn đến sự tự chiêm nghiệm.

- Chỉ khi hiểu được phần không hay của bản thân ta mới có thể tránh đi và vượt qua phần đen tối trong mình. Sự thông thái không chỉ đến từ trải nghiệm mà còn từ việc suy ngẫm về trải nghiệm.

- Hiểu thế giới bên trong là chìa khóa để chinh phục thế giới bên ngoài - và để đến với sự thông thái.

Nếu chinh phục bản thân, ta sẽ chinh phục được tất cả. Để trở thành một người am hiểu về con người, ta cần phải biết rõ bản thân mình.

- Tìm kiếm hạnh phúc không giống như đến một trạm dừng. Không có phép mầu nào xảy ra khi ta đến đích. Không có đích đến. Sẽ luôn có trạm dừng tiếp theo. Hạnh phúc là con đường đi.

- Một cuộc đời không được nghiền ngẫm thì không đáng sống. Và một cuộc đời không sống thì không đáng được nghiền ngẫm. Nếu như ta nghiêm túc theo đuổi hạnh phúc, ta phải làm cho hành trình ấy đáng giá, phải trân trọng từng khoảnh khắc.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng