Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (77) - Thiền tập về Thương yêu

12/08/2019 06:00
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng
(GDVN) - Hận thù không bao giờ chấm dứt được hận thù. Chỉ có tình thương mới chấm dứt được hận thù. Đó là quy luật của muôn đời.

LTS: Tuần này, Giáo sư Nguyễn Lân Dũng tiếp tục gửi đến độc giả bài viết thứ 77 - Thiền tập về Thương yêu

Đây chính là những ghi chép tâm đắc nhất của Giáo sư khi đọc cuốn sách đầy hấp dẫn này.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả.

Sharon Salzberg sinh ngày 5/8 /1952. Bà là một tác giả có sách bán chạy nhất của Thời báo New York và là giáo viên thực hành thiền định Phật giáo ở phương Tây.

Năm 1974, bà là người đồng sáng lập Hiệp hội Thiền minh sát tại Barre, Massachusetts cùng với Jack Kornfield và Joseph Goldstein.

Bà nhấn mạnh vào các phương pháp vipassanā (tuệ giác) và mettā (từ ái) và đã dẫn đầu các khóa tu thiền trên khắp thế giới trong hơn ba thập kỷ.

Cuốn Thiền tập và yêu thương - Nghệ thuật sống hạnh phúc (Lovingkindness: the revolutionary art of happiness được  Nhà xuất bản Phương Đông và công ty Phương Nam phát hành qua bản dịch của Nguyễn Duy Nhiên.

Cuốn Thiền tập và yêu thương - Nghệ thuật sống hạnh phúc (Ảnh: tác giả cung cấp).
Cuốn Thiền tập và yêu thương - Nghệ thuật sống hạnh phúc  (Ảnh: tác giả cung cấp).

- Đức Phật đã chỉ cho chúng ta một phương pháp rất cụ thể, giúp ta đem con tim mình thoát ra khỏi sự cô lập và nối liền lại với mọi sự sống khác. Nó giúp ta nuôi dưỡng và tăng trưởng những phẩm chất của Yêu (love), Thương (compassion), Niềm vui cảm thông (sympathetic joy) và sự An tĩnh (equanimity) trong ta.

- Phát huy những điều thiện có nghĩa là tìm lại ngọn lửa thiêng của tình thương lúc nào cũng có mặt trong mỗi người chúng ta. Phát huy điều thiện có nghĩa là ta sống đúng với khả năng chân thật của mình.

- Chúng ta cố gắng buông bỏ những điều bất thiện và nuôi dưỡng những điều thiện với niềm tin rằng ta có thể thành công.

- Hạnh phúc chỉ thật sự có mặt khi ta biết buông bỏ những gì không cần thiết và ý thức rằng ta lúc nào cũng đang sống an ổn trong ngôi nhà của mình. Hạnh phúc chân thật có lẽ không xa xôi, nhưng nó đòi hỏi ta phải có một cái nhìn mới mẻ, thấy được hạnh phúc đang thật sự có mặt ở nơi nào.

- Nếu ta muốn tìm thấy một hạnh phúc thật sự, chúng ta cần chuyển từ một thái độ muốn kiểm soát cái vòng xoay bất tận của hạnh phúc và khổ đau, sang một thái độ biết nối liền, cởi mở và thương yêu tất cả, cho dù bất cứ chuyện gì xảy đến cho ra.

- Sự khác biệt giữa hạnh phúc và khổ đau là ở chỗ ta biết đặt sự chú tâm của mình vào nơi nào? Cho dù ta có những kinh nghiệm nào đi chăng nữa, trong ta vẫn có những khía cạnh chưa từng bao giờ bị hư hao. Đó chính là cái hạnh phúc bẩm sinh tự tánh trong mỗi chúng ta. Hạnh phúc và giải thoát là quyền bẩm sinh của mỗi người. Bạn nên nhớ, sự an lạc của ta có thể thay đổi được lịch sử và đó là một điều rất thật.

- Chúng ta hãy ghi nhớ lời này của Phật: tâm ta tự nó lúc nào cũng tỏa chiếu và trong sáng, chúng ta khổ đau là do những phiền não đến từ bên ngoài mà thôi. Đó là một sự thật rất mầu nhiệm. Chúng ta có thể dùng tình thương để đối trị với những sân hận nổi lên, trong ta hoặc kẻ khác, mà tình thương ấy vẫn không hề bị chút suy giảm.

- Một đồng minh thân cận nhất của ta trên con đường tu tập tâm từ là ước muốn được hạnh phúc. Ước muốn ấy cũng là một sự thôi thúc tìm về chân tâm, khi ta ý thức rõ được những gì mới thật sự đem lại cho mình hạnh phúc. Nó giúp ta mở tung cánh cửa giải thoát và cho ta cơ hội để chuyển hóa đời mình.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (66) - Hạnh phúc tại tâm
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (66) - Hạnh phúc tại tâm

- Thấy được cái hay cái đẹp của kẻ khác không có nghĩa là ta bỏ qua hết những cá tính khó khăn hay những hành động bất thiện của họ. Khi ta chú tâm vào những điều tích cực, ta có thể bắc cầu cảm thông nối liền được với người ấy và từ đó ta có thể chia sẻ và giúp đỡ nhau như những người bạn.

- Nếu chúng ta tiếp xúc được với cái hay cái đẹp của mình, nếu ta bớt sợ sệt kẻ khác, nếu ta tin tưởng vào khả năng thương yêu của mình, ta sẽ có hạnh phúc trong tâm. Ngay cả trong những hoàn cảnh thuận lợi và tích cực, nếu tâm ta không có hạnh phúc ta sẽ khốn đốn.

- Khi chúng ta biết sống trọn vẹn, ta sẽ trở nên thân thiết với chính mình hơn, vì có niềm vui và an lạc trong những việc mình làm. Niềm vui ấy sẽ giúp ta mở lòng hơn, phá vỡ hết mọi bức tường ngăn cách và giúp ta cảm thấy thân mật với mọi sự sống khác chung quanh mình.

- Khi con tim ta thấm nhuần tâm từ, chúng ta sẽ ngủ dễ dàng, thức dậy tươi vui và nằm mơ toàn những điều lành. Khi ta sống một cuộc đời đơn giản, trong sáng ta sẽ được an lạc, hạnh phúc. Niềm vui ấy sẽ lan tràn vào giấc ngủ, trong giấc mơ và ngay cả những khi mình thức giấc.

- Được và thua, vinh và nhục, khen và chê, vui và khổ, là tám ngọn gió sẽ mãi mãi thổi ngang qua cuộc đời chúng ta. Nhưng dù vậy chúng ta vẫn có thể được bảo vệ qua cách mình phản ứng, qua cách chúng ta tiếp nhận chúng như thế nào. Tùy ta thể hiện tâm từ được đến đâu sẽ quyết định mức độ tự tại của ta đến đó.

- Tâm từ là một kho tàng vô giá, nó giúp ta trở nên sinh động, giúp ta tiếp xúc được với sự sống của mình và kẻ khác sâu sắc hơn. Đó là một năng lực của tình thương giúp ta thoát ra được những sự ngăn cách cô đơn và mọi sợ hãi.

- Nơi nào tình thương trị vì sẽ không có sự tham muốn quyền lực. Và nơi nào quyền lực thống trị sẽ không có mặt của tình thương. Cái này là bóng tối của cái kia.

- Lòng tham ái khiến ta bị mê mờ, chúng ta quên đi những gì mình đang thật sự có trong tay để đuổi bắt những gì mình không có. Cuối cùng ta có chăng chỉ là một chuỗi dài những sự mất mát mà thôi. Và cái mất mát to tát nhất lại chính là hạnh phúc của mình.

- Khi ta muốn có thật nhiều tiền, thật ra là ta muốn có được những trạng thái tâm mà ta nghĩ tiền bạc sẽ mang lại, như là an ninh, quyền hành hoặc là tự do. Nhưng khi đã có thật nhiều tiền trong tay rồi, vẫn chưa chắc là ta sẽ có được những gì mình muốn. Ta vẫn cảm thấy bị ràng buộc, yếu đuối và bất an.

- Chúng ta có thể thanh lọc tâm mình khỏi năng lực của ái dục bằng cách chọn một lối sống đơn giản, biết những gì là thật sự cần thiết cho hạnh phúc. Sống với sự vô tham, không dính mắc, có nghĩa là ta thể nhập vào với sự sống của mình một cách thật tự nhiên, không cần một dụng công nào hết.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (65) - Sống đơn giản cho mình thanh thản
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (65) - Sống đơn giản cho mình thanh thản

- Hận thù không bao giờ chấm dứt được hận thù. Chỉ có tình thương mới chấm dứt được hận thù. Đó là quy luật của muôn đời.

- Hối hận cho ta năng lượng, giúp ta có thể đứng dậy và bước đi và tự hứa rằng mình sẽ không bao giờ lặp lại lỗi lầm ấy nữa.

- Nếu một người nào làm hại ai, họ sẽ nhận lãnh khổ đau. Và nếu ta gây hại ta sẽ chịu khổ đau. Hạnh phúc hay khổ đau đều hoàn toàn tùy thuộc vào hành động của ta.

- Sự tha thứ có công năng nuôi dưỡng tình thương và làm tăng trưởng lòng kiên nhẫn. Nó mang lại cho ta một cuộc sống mới, không còn bị trói buộc vào quá khứ.

- Sự sống của ta là một đối tượng nghệ thuật, ta muốn uốn nắn nó như thế nào cũng được, tùy theo tâm ý ta. Chỉ có ta mới có thể giới hạn được mình mà thôi. Chung quanh ta có biết bao nhiêu vấn đề, như là chiến tranh, nghèo đói, bắt bớ, tù đày, tranh sống, chăm sóc cho người thân… Nhưng trong cuộc đời này tâm ý của ta vẫn có một ảnh hưởng rất to tát đến thực tại của mình.

- Có tâm bi có nghĩa là ta mong ước cho một người nào hoặc tất cả mọi người được thoát khỏi khổ đau. Có tâm bi tức là ta có thể thực sự cảm nhận được những gì kẻ khác đang trải nghiệm. Mỗi giây phút của cuộc đời ta là một cơ hội để phát triển tâm bi. Mỗi hành động, cho dù nhỏ đến đâu, cũng có thể là một biểu hiện của một con tim biết thương xót.

- Vui với niềm vui của kẻ khác là một điều rất hiếm và rất quý. Mỗi khi ta thấy an vui với hạnh phúc của mình, ta sẽ quý mến thái độ ấy của họ. Khi ta có thể thành thật mừng vui trước hạnh phúc của kẻ khác, trước những thành công và may mắn của họ, thay vì ghen tức là chúng ta đang an trú trong cảnh giới của tâm hỷ (mudita) theo đạo Phật.

- Nếu như có ai không nghe theo lời khuyên của ta mà vẫn có kết quả tốt đẹp, ta có thể mừng giùm họ hay không? Hay là ta xem sự phán quyết của mình quan trọng hơn chính hạnh phúc của kẻ khác?

- So sánh mình với kẻ khác là một phiền não rất lớn. Tâm hỷ giúp ta định hướng lại cuộc đời mình. Nó giúp ta tiếp xúc với thế giới chung quanh bằng một thái độ ban cho, thay vì cứ lo theo đuổi những gì ta nghĩ mình không có.

- Cũng như tâm từ, tâm hỷ là vô biên. Với một tâm hỷ ta có thể vui mừng trước những thành công và hạnh phúc của kẻ khác, cho dù ta có ưa thích người đó hay không. Cuộc sống của chúng ta bao giờ cũng mỏng manh và rất dễ bị tổn thương. Hãy nhớ điều ấy, nó là cánh cửa mở rộng dẫn ta đi vào tâm hỷ.

- Thái độ hẹp hòi của ta đối với những may mắn của kẻ khác là một chiến lược thất bại. Khi ta mong cho hạnh phúc của người khác bị suy sụp, nó sẽ làm suy sụp hạnh phúc của chính ta. Và ngược lại, khi ta làm tăng trưởng hạnh phúc của kẻ khác, hạnh phúc của ta cũng sẽ tăng trưởng theo. Vì hạnh phúc bao giờ cũng có đủ hết cho tất cả mọi người.

Thầy Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (63) - Suy nghĩ thông minh Sống đời thông thái
Thầy Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (63) - Suy nghĩ thông minh Sống đời thông thái

- Khi ta ganh tỵ với ai, ta có thể tìm đủ mọi cách để hại người ấy, nhưng cuối cùng người bị tổn thương nhất sẽ là ta. Nếu biết vậy, tại sao ta không chọn vui với hạnh phúc của kẻ khác, vì chắc chắn nó sẽ làm tăng trưởng thêm hạnh phúc của chính mình.

- Lòng ích kỷ tạo nên rất nhiều khổ đau, sống trong tình trạng này ta không bao giờ có hạnh phúc. Tánh ganh tỵ và ích kỷ bắt nguồn từ sự ghét bỏ kẻ khác và tham đắm vào đối tượng của mình.

Tâm hỷ giúp ta tìm được hạnh phúc và vui với những điều hay, đẹp của kẻ khác. Khi ta vui cho kẻ khác ta cũng sẽ vui cho chính mình. Mọi buồn chán sẽ tự nhiên tiêu tan mất.

- Chúng ta sống thiện để được tăng trưởng hơn, cởi mở hơn, nối liền hơn, an lạc hơn với chính mình và vui vẻ hơn với kẻ khác. Sự biết ơn cũng mang đến cho ta một niềm vui.

- Năng lượng của sự chia sẻ, cảm thông với một người đang đau khổ sẽ khởi động tâm bi cùng với một niềm an lạc bao la. Và vì vậy ta vẫn có thể cảm thấy hạnh phúc khi đứng trước niềm vui hoặc khổ đau của kẻ khác, không phân biệt.

- Thay vì phê phán, chúng ta hãy nuôi dưỡng một tâm thức quân bình, có thể tiếp nhận bất cứ một việc gì xảy ra, không kỳ thị. Và thái độ chấp nhận ấy là nguồn gốc của sự tự tin và an vui của ta.

- Tâm xả đem lại sự quân bình cho Tâm từ, Tâm bi và Tâm hỷ. Tâm xả sẽ đem lại cho ta một sự an tĩnh với ý thức rằng, dầu cuối cùng có việc gì xảy ra đi chăng nữa, tất cả đều vẫn được tốt đẹp.

- Không thể nào có một đời sống tâm linh chân thật, nếu ta không có một con tim rộng lượng. Khi ta ban cho, nó sẽ mang lại cho ta một niềm hoan hỷ, một niềm vui không ngần ngại. Sự ban cho sẽ đem lại cho ta hạnh phúc trong từng mỗi giai đoạn của nó. Ta cảm thấy hạnh phúc khi khởi ý muốn ban cho; ta cảm thấy hạnh phúc khi làm hành động ban cho; và ta cảm thấy hạnh phúc khi nghĩ nhớ lại việc làm ban cho ấy.

- Sự ban cho mang lại cho ta rất nhiều lợi lạc. Nó tập cho con tim ta biết buông thả. Cũng giống như trọn một đời, bàn tay ta đã nắm chặt lại quá lâu, giờ đây nó đang từ từ mở ra. Càng mở ra bao nhiêu ta lại càng cảm thấy thư thái và an lạc bấy nhiêu. Mà thật ra, trên cuộc đời này muốn có được hạnh phúc, ta không cần phải nắm giữ bất cứ một điều gì hết.

- Khi ta thật sự biết thương mình, ta sẽ không dám làm hại một ai khác, vì tất cả chúng ta đều có mối liên hệ mật thiết với nhau. Bảo vệ kẻ khác cũng là bảo vệ chính ta. Giới luật có thể được thực thi trên mọi lĩnh vực: trong mối liên hệ với chính ta, trong mối liên hệ với kẻ khác và với cả môi trường chung quanh.

- Sống một cuộc sống bất hại là một sự bảo vệ căn bản và thiết yếu nhất mà ta có thể ban cho hoặc tiếp nhận từ kẻ khác. Nó bảo vệ ta, vì khi ta không hành động theo tham, sân, si, ta sẽ không mang một mặc cảm tội lỗi, khổ đau và hối hận nào trong tâm, trong giờ phút này và ngay cả khi nhắm mắt.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng