Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (9) - Vươn lên sau vấp ngã

02/04/2018 07:02
Giáo sư Nguyễn Lân Dũng
(GDVN) - Giáo sư Nguyễn Lân Dũng gửi tới bạn đọc một số trích dẫn đáng suy ngẫm từ tác phẩm “Vươn lên từ thất bại” của Giáo sư Brené Brown ở Đại học Houston, Hoa Kỳ.

LTS: Với mong muốn trích dẫn một số ý tưởng đáng suy ngẫm và để giúp các bạn trẻ thực hiện trong cuộc sống, tuần này Giáo sư Nguyễn Lân Dũng gửi tới bạn đọc bài viết số 9 - Vươn lên sau vấp ngã.

“Vươn lên từ thất bại” chính là tác phẩm của Giáo sư Brené Brown ở Đại học Houston, Hoa Kỳ. Bản dịch của Huyền Trang, Nhà xuất bản Khoa học xã hội. Sách dầy 463 trang do Alphabooks phát hành.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả.

- Chúng ta có thể chọn sống dũng cảm hoặc sống an nhàn, nhưng không thể chọn cả hai cùng một lúc.

- Chúng ra phải chấp nhận cảm xúc đau đớn khi vấp ngã, nhưng phải tìm cách vượt qua cảm xúc khó khăn và vươn mình đứng dậy.

- Không có một phương thức đơn điệu nào trong công việc cứu chữa những lần vấp ngã.

- Vươn lên mạnh mẽ không chỉ thay đổi bạn mà còn thay đổi những người xung quanh bạn.

- Đoạn giữa hành trình thường rối ren, nhưng đó cũng là nơi phép màu xuất hiện.

Vươn lên sau vấp ngã (Ảnh minh họa từ websongdep.com).
Vươn lên sau vấp ngã (Ảnh minh họa từ websongdep.com).

- Nỗi đau không biến mất chỉ bởi lý do đơn giản là vì chúng ta không thừa nhận nó. Nếu bị bỏ đó không được ngó ngàng đến nó sẽ ung lên, và có thể phá hỏng các mối quan hệ cũng như sự nghiệp của chúng ta.

- Chúng ta không thể gói ghém nỗi đau, cũng không thể trút bỏ nó lên người khác, làm như vậy họ sẽ mất hết lòng tin và sự tôn trọng đối với ta.

- Nói Tôi chẳng quan tâm thì dễ hơn nhiều so với nói Tôi đau.

- Không thể xua đi nỗi đau cảm xúc bằng rượu, bằng ma túy hay bất cứ thứ gì khác. Khi chúng ta làm tê liệt bóng tối cũng sẽ làm tê liệt cả ánh sáng.

- Không thể gói ghém nỗi đau lại, giữ mọi thứ trong lòng. Trầm cảm và lo âu là hai phản ứng đầu tiên của cơ thể trước việc tích luỹ đau thương.

- Có một cách thực tập điềm tĩnh là thở theo chiến thuật sau đây: Hít sâu qua mũi, bụng phình ra và đếm 1, 2, 3, 4 trong 4 giây. Giữ hơi và đếm 1, 2, 3, 4. Đẩy hơi chậm qua miệng và đếm 1, 2, 3, 4. Giữ hơi rỗng trong khi đếm 1, 2, 3, 4. Lặp lại như vậy cho đến khi thấy giảm đi lo âu và căng thẳng.

- Khi chúng ta tập nhân ái với chính mình, chúng ta cũng sẽ nhân ái với người khác.

- Không ai có thể vừa chạy trốn vừa vươn lên mạnh mẽ.

- Giận dỗi, thù hằn giống như tự uống thuốc độc rồi mong đợi nó sẽ giết sạch kẻ thù của ta.

- Thất bại không phải là nguyên nhân làm trái tim tan vỡ. Trái tim tan vỡ khi mất đi tình yêu hay cảm giác mất đi tình yêu. Tan vỡ trái tim là không thể tránh khỏi, trừ khi chúng ta lựa chọn chẳng yêu đương gì cả.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (9) - Vươn lên sau vấp ngã ảnh 2Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn(2): Đừng bỏ lỡ cơ hội

- Đau thương cũng giống như lướt sóng. Đôi khi ta cảm thấy vững vàng và có thể lướt sóng, và đôi khi mọi thứ đổ ụp xuống, đẩy ta xuống sâu đến độ ta chắc chắn sẽ bị chết chìm.

- Tha thứ không chỉ là lòng trắc ẩn. Ta cần tin rằng ta có thể trở thành một con người tốt đẹp hơn. Một con người tốt hơn con người đang bị lấn át bởi nỗi giận dữ và thù ghét.

- Phải dạy cho con cái mình biết rằng vấp ngã là việc không thể tránh khỏi và chúng được phép tham dự vào một tiến trình vươn lên mạnh mẽ đầy yêu thương và được hỗ trợ.

- Nếu không cho đi và nhận lại thì sự kết nối sẽ không tồn tại. Chúng ta cần cho đi và chúng ta cũng cần nhận lại.

- Đề nghị giúp đỡ và hỏi xin sự giúp đỡ đều là những hành động dũng cảm và giàu lòng nhân ái.

- Hối tiếc là người thầy nghiêm khắc nhưng công bằng.

- Sống mà không hối tiếc chẳng khác nào tin rằng ta chẳng có gì để học, chẳng có gì để sửa đổi và chẳng có cơ hội nào để can đảm hơn trong cuộc sống.

- Đôi khi mối đe dọa lớn nhất là khi ta cứ cắm đầu nhìn xuống và quá tập trung vào việc tránh các hố nước, đến nỗi không nhìn thấy được mình đang đi đâu và tại sao mình lại đi theo hướng ấy.

- Nỗi xấu hổ không thể tồn tại nếu được nói ra. Chúng ta có thể chia sẻ trải nghiệm xấu hổ của mình với một người có thể đáp lại bằng sự thấu cảm, nỗi xấu hổ đó sẽ không thể tồn tại.

- Trách nhiệm là điều kiện tiên quyết để có được những mối quan hệ vững mạnh. Nó đòi hỏi sự đích thực, hành động cũng như việc can đảm nhận lỗi và sửa sai.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (9) - Vươn lên sau vấp ngã ảnh 3Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn: Phải dám tin để luôn là chính mình

- Sự tin tưởng vào bản thân và người khác thường là đối tượng thương vong đầu tiên trong cú vấp ngã. Những câu chuyện về niềm tin tan vỡ có thể khiến chúng ta chết lặng trong đau đớn và đẩy chúng ta vào sự câm lặng phòng thủ.

- Sự tin tưởng không phải là đồ ăn xổi, bất kể đó là sự tin tưởng giữa hai người bạn hay sự tin tưởng trong một đội công tác. Nó phải được phát triển trong một tiến trình diễn ra suốt mối quan hệ.

- Hãy chọn dũng cảm thay vì an nhàn, thoải mái. Hãy chọn điều đúng đắn thay vì những gì vui vẻ, nhanh chóng hoặc dễ dàng. Hãy chọn thực hành các giá trị của mình thay vì chỉ tung hô chúng.

- Lòng tin đối với bản thân thường là nạn nhân khi bạn gặp thất bại. Hãy dũng cảm sửa sai, hành động phù hợp với giá trị của mình và đối diện trực tiếp với nỗi xấu hổ và trách cứ.

- Trải nghiệm thất bại thường dẫn đến cảm giác bất lực, vì chúng ta không đạt được mục đích hoặc không tác động được đến sự thay đổi mà mình mong muốn.

- Muốn thoát ra khỏi cảm giác bất lực, thậm chí tuyệt vọng chúng ta phải biết hy vọng. Hy vọng không phải là cảm xúc, đó là một tiến trình nhận thức. Hy vọng xuất hiện khi chúng ta xác lập mục tiêu, bền bỉ và kiên trì theo đuổi mục tiêu đó, cũng như tin vào năng lực hành động của chính mình.

- Hối tiếc là một trong những cảm xúc gợi nhắc mạnh mẽ nhất rằng thay đổi và trưởng thành là cần thiết. Sống mà không hối tiếc có nghĩa là sống mà không chiêm nghiệm, là tin rằng ta chẳng có gì phải học, chẳng có gì phải sửa đổi và chẳng có cơ hội nào để trở nên can đảm hơn trong cuộc sống.

Mười chỉ dẫn cho một cuộc sống hết mình:

1- Vun đắp sự đích thực: buông bỏ những gì người khác nghĩ.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (9) - Vươn lên sau vấp ngã ảnh 4Giáo sư Nguyễn Lân Dũng đọc giùm bạn (4) - Tôi học được nhiều từ cháu

2- Vun đắp lòng nhân ái với bản thân: buông bỏ sự cầu toàn.

3- Vun đắp tinh thần kiên cường: buông bỏ thói quen làm tê liệt và cảm giác bất lực.

4- Vun đắp lòng biết ơn và niềm vui sống: buông bỏ nỗi sợ bóng tối.

5- Vun đắp trực giác và đức tin: buông bỏ nhu cầu phải chắc chắn.

6- Vun đắp sự sáng tạo: buông bỏ sự so sánh.

7- Vun đắp sự vui đùa và nghỉ ngơi: buông bỏ việc cho rằng sự mệt mỏi là một biểu trưng cho địa vị, và năng suất là biểu trưng cho giá trị bản thân.

8- Vun đắp sự bình tĩnh và yên ả: buông bỏ lối sống lo âu.

9- Vun đắp công việc có ý nghĩa: buông bỏ sự nghi ngờ bản thân.

10- Vun đắp tiếng cười, bài ca và những điệu nhảy: buông bỏ việc làm  một người hay ho.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng