Ký ức của những giáo viên ngày đầu lên non cao dựng lớp học

17/11/2020 06:06
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Những lớp học tạm bợ được dựng lên từ cọc tre, phên nứa chỉ một thời gian ngắn là mục ruỗng, có khi sau trận mưa gió, lớp học bị cuốn bay.

Trầm Cóc là điểm trường nhiều khó khăn trong bảy điểm trường thuộc Trường Tiểu học Pa Nang (xã Ba Nang, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị).

Nơi vùng đất biên giới xa xôi, cuộc sống của đồng bào dân tộc Vân Kiều vẫn còn nhiều vất vả, hành trình mang con chữ lên non càng gian nan bội phần.

Hai năm trở lại đây, một ngôi trường đúng nghĩa với những lớp học bằng bê tông, mái ngói đã được dựng xây. Thế nhưng, trong ký ức của nhiều thầy cô giáo, họ vẫn không quên những tháng ngày dựng trường, dựng lớp với những tre, nứa, lạt buộc, dây rừng.

Chênh vênh những lớp học bằng tre nứa giữa núi đồi

Năm 2008, sau khi ra trường, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Ánh Tuyết (sinh năm 1988, thị xã Quảng Trị) mang theo bao khát khao, hi vọng đến với miền đất biên giới xa xôi.

Sau một năm dạy học tại Trường Tiểu học A Bung (Huyện Đakrông), cô chuyển công tác về Trường Tiểu học Pa Nang. Đến hôm nay, cô đã gắn bó với điểm trường Trầm Cóc 13 năm - một hành trình dài với biết bao kỷ niệm, có nước mắt, nụ cười, có những nỗi nhớ mênh mang và cả niềm hạnh phúc được sống trong yêu thương bình dị.

Nói về lý do lên vùng cao dạy học, cô Tuyết chia sẻ: “Tuổi trẻ mà, thuở ấy ôm ấp lý tưởng, nhiều mộng mơ và khát khao được trải nghiệm. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là mình còn trẻ, mình cần phải đi, và mình muốn đến những vùng đất khó để dạy học.

Thế nhưng, tháng năm gắn bó với các em học sinh và bà con nơi đây, tình yêu thương cứ lớn dần, tôi không có ý định trở về xuôi nữa”.

Nhiều năm trước, điểm trường Trầm Cóc chỉ có lớp học dựng lên từ tre, nứa, học sinh vẫn nhiều em chân trần tới lớp. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Nhiều năm trước, điểm trường Trầm Cóc chỉ có lớp học dựng lên từ tre, nứa, học sinh vẫn nhiều em chân trần tới lớp. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Hơn 10 năm trở về trước, cuộc sống trên vùng đất Ba Nang trong trí nhớ của cô Tuyết chỉ có núi rừng hoang vu, những đêm tối lạnh lẽo, những cung đường rừng hiểm trở, chênh vênh.

“Ngày đầu tiên đến Trầm Cóc tôi không bao giờ quên được, đường đi khó lắm, chỉ có thể đi bộ thôi. Vượt quãng đường rừng mới đến được nhà công vụ, không điện, không nước, căn nhà trống hoác chẳng có đồ vật gì.

Thầy cô chúng tôi phải vào bản xin người dân nắm xôi ăn đỡ đói rồi trải chiếu giữa nền đất nằm ngủ. Vậy mà mới đó đã 13 năm”, cô Tuyết kể lại theo dòng hồi tưởng.

Bắt đầu đến Ba Nang dạy học từ năm 2012, cô Nguyễn Thị Mỹ Liên (sinh năm 1991) cũng là một giáo viên kiên trì gắn bó với vùng đất biên giới miền Tây Quảng Trị.

Cô Liên chia sẻ: “Nhà tôi cũng thuộc huyện Đakrông, cách điểm trường 40 cây số, nhưng là ở vùng thuận lợi, nằm sát bên đường quốc lộ 9.

Sau khi kết hôn, nhà chồng ở huyện Cam Lộ nên đường đến trường lại càng xa hơn”.

Cô Nguyễn Thị Ánh Tuyết (trái) và cô Nguyễn Thị Mỹ Liên (phải) cùng học trò. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cô Nguyễn Thị Ánh Tuyết (trái) và cô Nguyễn Thị Mỹ Liên (phải) cùng học trò. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Giống như cô Tuyết, cô Liên đã gửi gắm những năm tháng thanh xuân tươi đẹp cho sự nghiệp trồng người nơi miền biên viễn xa xôi. Ý thức sâu sắc về ý nghĩa công việc của mình, sau khi ra trường, cô thi đậu biên chế và xin lên vùng cao dạy học.

Lạ thay, càng ở càng thương, càng gắn bó càng thân thuộc, cho đến khi đã lập gia đình, các cô vẫn chọn được sống, được dạy học ở Trầm Cóc.

Với những cô giáo miền xuôi lên cắm bản, ký ức sâu đậm nhất chính là những tháng ngày cùng người dân dựng lớp, dựng trường, đi tìm từng chiếc cọc tre, phên nứa.

Cô Tuyết hồi tưởng lại: “Gọi là điểm trường mà tới nơi chẳng thấy trường đâu. Cứ đầu tháng 8, thầy cô lại vận động phụ huynh cùng nhau dựng trường, dựng lớp, bắt đầu đi chặt tre, kiếm dây rừng.

Mượn nhà sinh hoạt cộng đồng của bản làng, lớp học tạm được xây dựng bằng cách dùng phên nứa bao quanh phần bên dưới nhà sàn.

Bên trên nhà dành cho lớp 1, phía bên dưới ngăn thành 2 phòng, buổi sáng cho lớp 2, lớp 3; buổi chiều lại đổi ca cho lớp 4, lớp 5”.

Với những lớp học này, chỉ sau một thời gian, những bức tường bao quanh mục ruỗng, xiêu vẹo. Vậy là sau một năm học, thầy cô và phụ huynh lại cùng nhau dựng lại điểm trường Trầm Cóc.

“Có năm trường phải sửa đi sửa lại không biết bao lần, cứ mỗi trận mưa gió lớn, lớp học bị hất tung. Nếu có bão, những lớp học tạm bợ làm sao chống cự nổi.

Năm đầu tiên tôi lên đây, lớp học vừa dựng được 5 ngày thì bị gia súc chăn thả đến phá tan. Nhìn lớp học như thế, mình chỉ biết ôm mặt khóc. Sau đó bà con lại cùng đến để dựng lại trường”, cô Liên chia sẻ.

Lớp học tạm bợ giữa dải đất miền Trung khắc nghiệt đã viết nên biết bao kỷ niệm khó quên trong cuộc đời dạy học của những cô giáo cắm bản.

Mùa hè, cái nắng gay gắt thiêu đốt núi đồi, càng về chiều, ánh nắng chiếu thẳng vào lớp học đến bỏng rát.

Mùa đông rét đến cắt da cắt thịt, những đứa trẻ với tấm áo mỏng manh, đôi chân trần co ro hứng chịu gió buốt lùa qua khe những tấm phên nứa, ngồi học trong lớp chẳng khác mấy ở ngoài trời.

“Mùa đông nơi đây lạnh lắm, các con thiếu quần áo ấm, ngồi học trong những lớp học tạm bợ thương vô cùng. Giờ ra chơi, cô trò lại đi nhặt mấy nhành củi khô, nhóm lửa, cả lớp ngồi thành vòng tròn để sưởi ấm chân tay.

Những ngày trời mưa to, nước hắt vào ướt hết bàn ghế, sách vở, dồn bàn thế nào cũng không tránh được mưa”, cô Liên tâm sự.

Gian nan là thế nhưng những lớp học bằng tre nứa chênh vênh giữa núi đồi cũng mang đến nhiều ký ức đẹp.

Những tấm tre nứa lâu ngày bị mọt gặm nhấm, mỗi khi có trận gió thổi qua, bụi bay trắng xóa. Nhìn mặt mũi, đầu tóc cô trò lấm lem đầy bụi, cả lớp lại cười ồ lên, xong rồi đứng dậy phủi bụi và tiếp tục bài học.

Cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Liên từ chối về xuôi dạy học để được đồng hành cùng học sinh vùng cao. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Liên từ chối về xuôi dạy học để được đồng hành cùng học sinh vùng cao. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Chắt chiu yêu thương từ gian khó

“Càng khó khăn, tôi càng trân quý hành trình dạy học của mình, càng yêu nghề, càng muốn gắn bó với điểm trường Trầm Cóc.

Người dân nơi đây có thể còn nghèo về cái ăn cái mặc nhưng họ thương giáo viên lắm, từng nắm xôi, từng bó rau rừng, bà con cũng sẻ chia”.

Đó là những lời tâm sự của cô Tuyết trước những vất vả, gian nan khi sống giữa vùng biên giới.

Đối với cô Nguyễn Thị Ánh Tuyết, hơn bốn năm là giáo viên hợp đồng cắm bản. Cứ hết hợp đồng, đến hè, cô lại làm hồ sơ để xin tiếp tục dạy học tại điểm trường Trầm Cóc của Trường Tiểu học Pa Nang.

Năm đầu tiên, cô Tuyết chỉ được nhận mức lương 800.000 đồng, đến năm thứ 3, mức lương của cô cũng chỉ hơn một triệu đồng. Đứng trước bao khó khăn, cô vẫn kiên trì với tình yêu dành cho mảnh đất Ba Nang: “Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ về xuôi”!

Năm 2011, cô Tuyết được biên chế và vẫn ở lại công tác tại trường như đúng mong muốn của bản thân.

Năm 2016, cô kết hôn, dù đã có gia đình riêng nhưng cô vẫn chấp nhận xa chồng, xa gia đình để tiếp tục hành trình mang con chữ, tình yêu thương đến với học sinh vùng cao.

Cô Tuyết tâm sự: “Hai vợ chồng công tác ở hai huyện miền núi khác nhau nên phải chấp nhận sống xa nhau nhiều. Nhà cách trường 100 cây số, mỗi tháng tôi cố gắng về nhà một, hai lần. Có khi cả tháng trời vợ chồng không được gặp nhau”.

Lựa chọn dạy học ở vùng đất xa xôi, cách trở đồng nghĩa với việc họ phải hi sinh tình cảm gia đình, hi sinh hạnh phúc của bản thân.

Cứ mỗi dịp cuối tuần, cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Liên lại vượt quãng đường hơn 70 cây số để về nhà. Hành trình gian nan như vậy nhưng với cô, dạy học ở Trầm Cóc, sống giữa bản làng là niềm hạnh phúc lớn lao.

“Người dân quý cô giáo lắm, đợt mưa bão vừa rồi, nhiều đoạn đường sạt lở bị chia cắt, thầy cô trực ở trường được bà con chia sẻ từng bó rau, trái cà, quả trứng.

Những tình cảm yêu thương giản dị mà mình nhận được giúp mình có thêm động lực để vượt qua khó khăn. Mình thích sống ở vùng đất này, những tình cảm nồng hậu, ấm áp khiến mình luôn cảm thấy hạnh phúc”, cô Liên tâm sự.

Thời gian trước, đã có lúc gia đình gọi cô về dưới xuôi công tác nhưng cô Liên kiên quyết từ chối để được tiếp tục dựng trường, dựng lớp cùng bà con Vân Kiều, tiếp tục đồng hành với các em học sinh trên hành trình tìm kiếm con chữ.

Những ngày đầu tiên lên đây dạy học, cô Tuyết đã sống trong cảnh không điện, không nước, sống trong nỗi nhớ nhà khôn nguôi.

Những giáo viên vùng cao như cô Tuyết, cô Liên đã quen với việc leo dốc, vượt đồi đi chở từng thùng nước sinh hoạt.

Những ngày mưa gió, đường sạt lở, chia cắt, mỗi bước chân của thầy cô lại ngập trong bùn lầy, con đường tới trường chưa bao giờ hết gian nan.

Thế nhưng càng gian khó bao nhiêu, yêu thương càng đong đầy. Nhìn những đứa trẻ nghèo áo rách, chân trần tới lớp, thầy cô càng muốn sẻ chia nhiều hơn.

Cứ mỗi lần về nhà dưới xuôi, cô Tuyết, cô Liên lại đi khắp nơi xin quần áo, sách vở cũ để mang lên cho các em.

Thương học sinh năm học mới chưa có đủ sách vở, bút thước, các cô lại bỏ tiền túi mua cho các em.

Gắn bó với miền đất khó, chấp nhận mọi vất vả, những giáo viên cắm bản vẫn tiếp tục chắt chiu yêu thương, mang ánh sáng tri thức đến với học sinh trên non cao biên giới.

Ngày hôm nay, Trầm Cóc đã không còn những lớp học bằng tre nứa chênh vênh giữa núi đồi, ánh sáng đã về với bản làng, lớp học. Thế nhưng, con đường đến trường của các em vẫn còn nhiều lắm những khó khăn.

Và trên những cung đường rừng cheo leo ấy, hành trình tìm kiếm con chữ, hành trình đến với ánh sáng tri thức vẫn luôn có sự đồng hành của những người thầy tâm huyết, giàu tình yêu thương!

Phạm Minh