Mùa xuân trong thơ Nguyễn Bính

03/02/2019 06:09
KHÁNH VĂN
(GDVN) - Cái lạ của thơ Nguyễn Bính là không kén chọn người đọc, người thị thành, kẻ chốn thôn quê đều tìm thấy mình ở trong đó.

Phong trào Thơ mới của Việt Nam (1932-1945) đã xuất hiện nhiều thi sĩ tài danh trên văn đàn nước ta.

Nhưng, có lẽ nhà thơ Nguyễn Bính (1918-1966) có một vị trí rất riêng, rất khác. Thơ ông, thấm đẫm hồn quê và dung dị đến lạ thường.

Từ những bông cỏ may mỏng manh, lá thư gửi chị, giàn đỗ ván hay một giấc mơ... cũng đều gần gũi và đi vào lòng người đọc.

Đặc biệt, trong quãng đời ngắn ngủi của mình, ông đã dành rất nhiều tình cảm để viết về chủ đề mùa xuân và mùa xuân trong thơ ông dù trong cung bậc cảm xúc nào cũng đều mê hoặc lòng người.

Thơ xuân Nguyễn Bính mang nỗi nhớ quê hương da diết. (Ảnh minh họa: Báo Quân đội nhân dân)
Thơ xuân Nguyễn Bính mang nỗi nhớ quê hương da diết. (Ảnh minh họa: Báo Quân đội nhân dân)

Cái lạ của thơ Nguyễn Bính là không kén chọn người đọc, người thị thành, kẻ chốn thôn quê đều thấy mình ở trong đó. Bởi, thơ Nguyễn Bính gần gũi và chân tình quá đỗi.

Ở đó là nỗi lòng, là những khắc khoải chờ mong, sự nhớ thương da diết trong làn mưa xuân xứ Bắc. Và, những người yêu thơ Nguyễn Bính sẽ không thể nào quên được nhưng câu thơ đáng yêu trong bài Mưa xuân của ông:

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay

Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy

Chao ơi, Nguyễn Bính viết về một ngày xuân hoài niệm “bữa ấy” sao mà dễ thương quá chừng. Cái thứ mưa xuân xứ Bắc cứ lắc rắc rơi rơi vương nhẹ trên mái đầu như đúng từng chi tiết, từng tâm trạng con người.

Tác giả dùng từ “phơi phới” thật đắt bởi nó như láy lại sự chủ động của tiết trời mùa xuân. Trong tiết trời xuân của “bữa ấy” được trang điểm bằng những hạt mưa xuân “phơi phới bay”.

Và, đặc biệt hơn nó khiến ta mê hoặc với sắc màu của những bông hoa xoan tím trắng “lớp lớp rụng vơi đầy” nên nó đã trở thành một bức tranh mùa xuân thật đẹp.

Cảnh xuân ấy như được thôi thúc nỗi lòng, tâm trạng của người đang yêu, để rồi mọi công việc đành gác lại để nhớ nhung, hồi tưởng...

Lòng thấy giăng tơ một mối tình

Em ngừng thoi lại giữa tay xinh

Hình như hai má em bừng đỏ

Có lẽ là em nghĩ đến anh.

Cô gái trong bài thơ thật đẹp bởi lẽ cô đang yêu, tâm hồn cô đang rạo rực, bâng khuâng. Cảnh sắc mùa xuân, cái tình mùa xuân như khơi gợi thêm cho cảm xúc của lòng người.

Cô nhớ… một nỗi nhớ chưa rõ ràng nhưng đã bắt đầu cụ thể bởi “Hình như hai má em bừng đỏ/ Có lẽ là em nghĩ đến anh”.

Mùa xuân trong thơ Nguyễn Bính ảnh 2Xuân về nhớ Nguyễn Bính, mỉm cười cùng vần thơ

Hai câu thơ này, tác giả dùng 2 từ phỏng đoán rất đẹp là “hình như” và “có lẽ”.

Vì đang “nghĩ đến anh” nên “hai má em bừng đỏ”- một cảm xúc thẹn thùng của tuổi mới yêu rất nhẹ nhàng và cũng đắm say vô cùng.

Cái cảm giác hăm hở đi xem hội làng để gặp được người mình nhớ thương, yêu mến bởi hôm nọ: “Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn” nên phía trước là cả một bầu trời xuân, là ước mơ và hy vọng. Cô gái ấy cứ đi, mưa xuân nào có thấm gì và con đường cũng như gần hơn:

Mưa bụi nên em không ướt áo

Thôn Đoài cách có một thôi đê

Những ai đã và đang yêu thì sẽ hiểu hơn nỗi lòng của cô gái lúc này. Những tác động của ngoại cảnh chẳng thấm tháp gì với một nỗi nhớ cồn cào, da diết đang chờ ở phía trước.

Nhưng, bao hy vọng để rồi hẫng hụt và nhận ra sự thật là chàng trai không đến với hội làng để cô gái ra về lẻ loi một mình trên đường khuya vắng mà não nề hờn giận:

Mình em lầm lụi trên đường về

Có ngắn gì đâu một dải đê

Áo mỏng che đầu mưa nặng hạt

Lạnh lùng thêm tủi với canh khuya

Nguyễn Bính viết bài thơ Mưa xuân khi ông 18 tuổi- cái tuổi bắt đầu thể hiện sự nhớ nhung, biết yêu, biết ghét. Bởi vì thế, dù bài thơ có man mác buồn nhưng hình như ta chưa thấy sự thất vọng như sau này ông viết về mùa xuân.

Cuộc đời Nguyễn Bính đi nhiều, yêu nhiều và cũng thất vọng nhiều nên mùa xuân trong thơ của ông thường mang một chất giọng buồn. Cái buồn như đã vận vào cuộc đời ông vậy.

Trong bài Rượu xuân, ông đã viết những câu thơ thật buồn, buồn khi nâng chén rượu tiễn người yêu đi …lấy chồng:

Cao tay nâng chén rượu hồng

Mừng em: Em sắp lấy chồng xuân nay

Có lẽ khi nâng chén rượu mừng, Nguyễn Bính buồn lắm, có cái buồn nào hơn khi người con gái mình yêu sắp bước theo người khác. Bởi, chàng thi sĩ đa tài và cũng đa tình ấy hiểu rằng, từ nay chỉ những cô đơn, lẻ loi là còn lại với riêng mình:

Đấy tình duyên của đôi ta

Đến đây là…đến đây là…là thôi

Em đi dệt mộng cùng người

Lẻ loi chỉ một góc trời riêng anh.

Mùa xuân trong thơ Nguyễn Bính ảnh 3Tiểu đoàn 307 với những chiến công oai hùng 70 năm trước

Có lẽ chính từ những nỗi đau đời, người yêu xa đi lấy chồng mà mùa xuân trong thơ Nguyễn Bính mang một nỗi buồn rất riêng. Ông muốn đi đâu đó thật xa…

Em đi mất tích một mùa xuân

Đi để chôn vùi hận ái ân

                         (Khăn hồng)

Những mùa xuân trong thơ Nguyễn Bính không chỉ là nỗi đau của những mối tình chia ly, dang dở mà còn cả nỗi buồn tha phương khi mọi người vui xuân còn ông vẫn bơ vơ nơi xứ lạ:

Quán trọ xuân này hoa lại nở

Lại ngồi xem Tết, Tết người ta.

                                   (Quán trọ)

Khi mọi người xum vầy bên nhau, mọi người đoàn tụ cùng gia đình, thì thi sĩ tài danh của chúng ta vẫn nơi xứ lạ và canh cánh một nỗi niềm riêng:

Chiều ba mươi hết năm rồi

Nhà tôi riêng một mình tôi vắng nhà

Tôi còn lận đận phương xa

Để ăn cái Tết thật là vô duyên.

                             (Xuân về nhớ cố hương)

Những cái tết tha phương dù có vui nhưng cũng chỉ là sự dối lòng, không chỉ thiếu thốn tình yêu quê hương, xứ sở mà hình như thiếu rất nhiều thứ khác nữa:

Thiên hạ đua nhau mà sắm Tết

Còn mình em vẫn cứ tay không

                              (Xuân tha phương)

Những mùa xuân tha phương của Nguyễn Bính nhiều lắm và cũng buồn lắm. Nhưng, chính cái buồn đó đã giúp ông có những bài thơ xuân thật đẹp để lại cho đời và luôn đi vào lòng bạn đọc.

Vì thế, có lẽ không ai viết về mùa xuân nhiều như Nguyễn Bính và cũng không ai viết buồn như Nguyễn Bính. Cái buồn và mùa xuân trong thơ của ông được vận vào cả cuộc ông vậy.

Năm mới tháng giêng mùng một Tết

Còn nguyên vẹn cả một mùa xuân

                                   (Nhạc xuân)

Nguyễn Bính đã ra đi vào ngày 29 Tết (năm đó không có ngày 30) và ông đã để lại cả một mùa xuân phía trước trong sự tiếc thương của nhiều thế hệ bạn đọc sau này.

Mỗi khi mùa xuân về, ta bắt gặp những làn mưa xuân vương nhẹ trên đầu và đâu đó... hình ảnh những câu thơ Nguyễn Bính lại hiện dần lên trong suy nghĩ của mọi người chúng ta vậy: "Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy...".

KHÁNH VĂN