Những kẻ vô nhân tính

24/06/2019 06:10
Trần Phương
(GDVN) - Chăn dắt trẻ em để đi ăn xin là hoạt động vô nhân tính, các em đáng lẽ phải được vui chơi, được giáo dục trong những mái ấm, ngôi trường giàu tình thương..

Những hình ảnh trẻ em trên đường phố phải đi xin ăn, bán rong không còn là hiếm trên các đường phố tại các thành phố lớn.

Tại khu vực bến xe, những điểm chờ xe bus hay trong nhiều tuyến phố du lịch... của Hà Nội không khó để bắt gặp hình ảnh các em bé bán hàng rong.

Những đứa trẻ lang thang khắp các ngõ ngách, hàng ăn, quán nhậu, mang trên vai giỏ hàng với đủ thứ lỉnh kỉnh chào mời khách qua đường.

Ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, nhưng các em đã sớm phải vất vả mưu sinh và không ít trường hợp đang là nạn nhân của những đường dây lợi dụng và bóc lột sức lao động trẻ em.

Những đứa trẻ đã không có tuổi thơ, thay vào đó chúng bị ném ra đường để trục lợi, kiếm lời dựa trên tình thương của người đời.

Thế nhưng, sự thương xót của người đời vô tình lại khiến những đứa trẻ đó càng thêm lún sâu vào cuộc sống mưu sinh cơm áo gạo tiền mà cái tuổi của chúng chưa phải nghĩ đến.

Khoản 12, Điều 6 của Luật Trẻ em số 102/2016/QH13 nghiêm cấm: Lợi dụng việc nhận chăm sóc thay thế trẻ em để xâm hại trẻ em; lợi dụng chế độ, chính sách của Nhà nước và sự hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức, cá nhân dành cho trẻ em để trục lợi.

Còn theo Điểm C, Điều 17 Nghị định số 114/2006/NĐ-CP ngày 3/10/2006 quy định người nào lợi dụng trẻ em vào mục đích trục lợi, bắt trẻ em đi ăn xin, cho thuê, cho mượn trẻ em..., ngoài việc xử lý hành chính phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng tuỳ theo lỗi nặng nhẹ mà phải xử lý nghiêm trước pháp luật... 

Nếu để ý quan sát ở bất cứ địa điểm nào có đông người ăn xin, không khó nhận ra rằng họ cùng một "hội", có ai đó quản lý, phân chia địa bàn hoạt động cho họ...

Và ai đó ăn xin riêng lẻ cũng "khó ổn" với những nhóm người này.

Tại các quán nhậu của Hà Nội, khu vực Cầu Giấy, Hoàn Kiếm, ngồi trong một quán nhậu vỉa hè, thực khách sẽ phải tiếp rất nhiều các em nhỏ đi bán đủ thứ đồ lặt vặt.

Dường như chúng được dặn trước không được phép nói chuyện với người lạ và chỉ bán hàng như một cái máy.

Một thực trạng đau lòng khác khi trong khoảng thời gian nghỉ hè, không ít ông bố, bà mẹ tranh thủ cho con ra phố đi bán hàng rong kiếm thêm thu nhập.

Cũng không ít trẻ em thành nạn nhân của những đường dây chăn dắt của những kẻ ma cô kiếm ăn trên thân xác các em.

Theo tìm hiểu, những đứa trẻ được các đối tượng, đường dây chăn dắt nhắm tới thường là trẻ em những vùng quê nghèo khó, có hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Thông qua bạn bè các em hoặc hứa hẹn tạo công ăn việc làm là cách để những đối tượng này đưa những đứa trẻ quê mùa ra Hà Nội.

Sau khi được các ông, bà chủ gom nhặt, bọn trẻ thường trải qua những khóa “huấn luyện” về cách đi bán hàng rong, như đến những nơi có đông người qua lại, nhiều hàng quán.

Phần lớn các em đều nằm trong độ tuổi từ 6 đến 12, nhiều trẻ đã nghỉ học.

Vấn đề nhức nhối này cũng đã được rất nhiều các cơ quan báo chí phản anh, nhiều vụ việc, các đối tượng chăn dắt cũng đã được đưa ra ánh sáng và xử lý theo luật định.

Tuy nhiên, thực tế vẫn có những diễn biến phức tạp.

Tại các tụ điểm tâm linh, du lịch hay các thành phố lớn, chính quyền sở tại cũng đã nhiều lần ra quân dẹp nạn ăn xin thế nhưng kiểu dẹp loạn theo “chiến dịch” hiện nay chỉ có hiệu quả thức thời khi hết chiến dịch mọi thứ đâu lại vào đó.

Không khó để bắt gặp cảnh trẻ em bán hàng rong trên phố về đêm. (Ảnh: Tổng hợp từ Tiền phong, giaoduc.edu.vn, giadinhxahoi)
Không khó để bắt gặp cảnh trẻ em bán hàng rong trên phố về đêm. (Ảnh: Tổng hợp từ Tiền phong, giaoduc.edu.vn, giadinhxahoi)

Từ năm 2014, việc dẹp nạn ăn xin tại Thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện rất nhiều lần, những năm sau đó, cứ dịp tết, dịp lễ lại có những đợt ra quân dẹp loạn ăn xin.

Thế nhưng, chỉ sau những dịp ra quân đỉnh điểm, nạn lợi dụng trẻ em ăn xin, bán hàng rong lại nhộn nhịp trở lại như ban đầu.

Việc trẻ em bị ép buộc lao động sớm, khiến các em bị tước quyền đến trường, hao tổn sức khỏe; trí tuệ phát triển lệch lạc...

Không được học hành, cũng không nhận được sự giáo dục tử tế, bị huấn luyện cách lợi dụng tình thương từ người khác, e sau này các em khó giữ được nhân phẩm để trở thành người tốt; nguy hại hơn là các em dễ rơi vào vòng xoáy của tệ nạn xã hội…

Những đứa trẻ tuổi đời mới chỉ lên 9, lên 10 vì hoàn cảnh, tác động từ gia đình, bỏ học, đã phải bươn chải, tiếp xúc với môi trường đầy rẫy những cám dỗ đã làm cho các em không còn hồn nhiên như những đứa trẻ cùng trang lứa.

Xâm hại trẻ em, tội không thể dung thứ
Xâm hại trẻ em, tội không thể dung thứ

Tại Việt Nam, theo Luật Trẻ em 2016, tại Việt Nam đang có tới 17 cơ quan, tổ chức, nhóm tổ chức có chức năng bảo vệ và chăm sóc, hỗ trợ trẻ em ở các cấp độ khác nhau, gồm tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân các cấp, Quốc hội, các Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Tư pháp, Công an, Y tế, Giáo dục đào tạo, Văn hóa - thể thao và du lịch, Thông tin truyền thông, Ủy ban nhân dân các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên của Mặt trận, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam...

Sắp tới đây sẽ có thêm một tổ chức liên ngành có trách nhiệm hỗ trợ bảo vệ trẻ em là Ủy ban Quốc gia về trẻ em, do phó thủ tướng Vũ Đức Đam làm chủ tịch, thành viên gồm nhiều lãnh đạo cấp thứ trưởng của trên 10 bộ ngành.

Các cơ quan này có nhìn thấy các em đang hàng ngày phải đi bán hàng rong trên phố? Ở tuổi các em, đáng lẽ các em được sống với tuổi thơ, vui bước đến trường nhưng các em phải lao đầu ra phố để đối mặt với những sóng gió cuộc đời với gánh lặng mưu sinh.

Tương lai các em sẽ về đâu khi mỗi ngày thức dậy chỉ biết ngủ dậy và ra đường kiếm sống qua ngày?

Trần Phương