NS Nguyễn Tài Tuệ: 'Tôi mong Bộ trưởng Văn hóa quán triệt...'

21/02/2012 12:51
Hoàng Lâm
(GDVN) - Sau nhạc sĩ Huy Thục, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, một trong những “lão làng” của nhạc trữ tình cũng bày tỏ sự bức xúc của mình về tình trạng xâm phạm bản quyền.
- Các nhạc sĩ đã dày công sáng tác ra các tác phẩm âm nhạc nhưng thường xuyên bị sử dụng tràn lan mà không hề xin phép. Nhạc sĩ là người lâu năm trong nghề có cho rằng đây có phải là một vấn đề rất lớn trong nền âm nhạc Việt Nam không?
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ: Trước hết, cần phải nhớ rằng, Luật sở hữu trí tuệ có từ 1995, lúc đó luật ra đời nhưng chưa áp dụng được. 

Năm 1995 luật đã có nhưng đến năm 2007 luật này mới thực sự chi phối toàn bộ xã hội, tất cả các ngành, các phương diện, nhưng đi sâu và triệt để thì hơi khó. 
Thực tế, không chỉ các tác phẩm âm nhạc mà ngày nay các tác phẩm nghệ thuật khác như: Văn học, mĩ thuật đều chưa được đánh giá và xem là sở hữu trí tuệ của những người làm ra nó, vấn đề chưa được giải quyết triệt để nên vẫn có tình trạng sao chép, ăn cắp bản quyền diễn ra thường xuyên. Đó là một vấn đề lớn.
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ
- Nhạc sĩ nghĩ sao về việc Trung tâm bảo vệ bản quyền âm nhạc thay mặt các nhạc sĩ đòi quyền lợi nhưng Cục nghệ thuật biểu diễn lại vẫn đóng dấu cho phép biểu diễn?
Tôi chỉ e có điều gì không rõ ràng ở đây. Tôi mong Bộ trưởng Bộ Văn hóa quán triệt chỉ đạo, Luật Sở hữu trí tuệ từ khi được đưa ra rất đúng đắn nhưng khi đưa xuống dưới các cấp dưới của Bộ thì lại chưa được áp dụng đúng. Hãy bảo đảm quyền con người cho giới văn nghệ sĩ chúng tôi, ngay ở chuyện tác quyền. Bản quyền là bản chất thực sự của bảo vệ con người, bảo vệ tác quyền của giới nghệ sĩ, nó cực kì quan trọng hay nói cách khác nó như cơm ăn nước uống. Đáng buồn là tình trạng xâm phạm tác quyền hiện nay chưa xử lý được.
- Nhạc sĩ có thu được nhiều tiền bản quyền từ các bài hát của mình không?
Tôi là người thu nhập thấp trong giới nhạc sĩ vì các bài hát của tôi thường khó hát và kén người nghe. Ngược lại, những bài hát của nhiều nhạc sĩ trẻ ngày nay rất xô bồ nên dễ hát, nên họ dễ có thu nhập cao. 
- Nhạc sĩ đã từng phát hiện ra trường hợp nào vi phạm bản quyền với các tác phẩm của mình chưa?
Cũng như nhiều nhạc sĩ khác hiện nay là những người phải dày công, lao tâm khổ tứ mới cho ra được một tác phẩm nhưng hiện tượng băng đĩa lậu tràn lan đang làm ảnh hưởng rất lớn đến chuyện tác quyền. Các tác phẩm của tôi cũng không nằm ngoài vòng xoáy đó.
Đơn cử như trường hợp ca sĩ Anh Thơ với 10 ca khúc trữ tình, vừa hát xong chưa nhà xuất bản nào đăng ký thì ngay lập tức đã có trên thị trường đĩa lậu với cái tên tương tự!
- Nhạc sĩ sẽ tranh đấu tới cùng để đòi quyền lợi cho mình và các nhạc sĩ khác chứ?
Thực tế, tôi không tranh đấu cho mình mà tranh đấu chung cho giới nghệ sĩ vì tác phẩm của họ bị ăn cắp và sử dụng rất bừa bãi. Kim, chỉ còn phải tính toán trả tiền huống chỉ tới những tác phẩm nghệ thuật. Âm nhạc là tài sản quốc gia, là cái mà nhân dân phải được hưởng. Nhưng nếu tình trạng xâm phạm tác quyền như hiện nay thì không khuyến khích ai sáng tác được. Dù vậy, những nhạc sĩ như chúng tôi vẫn phải cố gắng sáng tạo vì đó vừa là nhu cầu làm ra sản phẩm trí tuệ của bản thân, vừa đóng góp vào nền văn hóa chung của đất nước.
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ cũng không nằm ngoài "vòng xoáy" bị vi phạm bản quyền dù các tác phẩm của ông rất kén người hát và người nghe - Ảnh: VOV
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ cũng không nằm ngoài "vòng xoáy" bị vi phạm bản quyền dù các tác phẩm của ông rất kén người hát và người nghe - Ảnh: VOV

- Theo ông giới nhạc sĩ phải làm gì để đòi quyền lợi của mình trong thời gian tới, khi Cục nghệ thuật biểu diễn vẫn tiếp tục giữ quan điểm cấp phép show diễn như hiện nay? 

Tôi cho rằng phải công khai, trình bày phản đối với đầy đủ lí lẽ, đưa ra trách nhiệm các đơn vị có liên quan để bảo đảm quyền cho giới nhạc sĩ. Không thể để tình trạng nhập nhèm mãi như vậy được.
- Xin cám ơn nhạc sĩ đã chia sẻ!
Hoàng Lâm