NSƯT Đạo diễn Hồ Ngọc Xum: Thiếu vốn sống làm phim sẽ dở

04/01/2016 11:42
Nguyễn Thịnh
(GDVN) - Người đạo diễn phải sáng tạo. Không phải kịch bản có sao thì làm y vậy. Nếu thấy kịch bản đuối, không hợp thì từ chối, chứ không nhận bừa.

Hồ Ngọc Xum thành công và nổi tiếng với những bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Hồ Biểu Chánh như:  “Con nhà nghèo”,  “Nợ đời”, “Lòng dạ đàn bà”… thu hút công chúng. 

Phim của anh mang nét hồn hậu, chân chất mà đậm đà sâu lắng của người Nam bộ. Có lẽ vì thế anh hợp với  việc phim hóa những câu chuyện của nhà văn Hồ Biểu Chánh.  

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn Hồ Ngọc Xum xung quanh vấn đề làm nghề.

PV: Thưa đạo diễn Hồ Ngọc Xum, lý do gì khiến anh thích chuyển thể hoặc phóng tác từ truyện của nhà văn Hồ Biểu Chánh để làm phim?

NSƯT, đạo diễn Hồ Ngọc Xum
: Hiện nay, kịch bản phim truyện, đặc biệt là phim truyền hình, rất thiếu. Kịch bản có chất lượng lại càng thiếu vì đội ngũ biên kịch của ta còn mỏng và người có chuyên môn giỏi không phải là nhiều. Trong khi nhu cầu của các nhà đài thì rất lớn. 

NSƯT Đạo diễn Hồ Ngọc Xum: Thiếu vốn sống làm phim sẽ dở ảnh 1
Đạo diễn Hồ Ngọc Xum. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)

Do đó, chúng tôi chọn chuyển thể những tiểu thuyết của nhà văn Hồ Biểu Chánh để làm phim vì truyện của ông viết có tính hấp dẫn cao, ý nghĩa sâu sắc. 

Cách làm này vừa đảm bảo chất lượng của kịch bản, vừa giúp khán giả hình dung được bối cảnh, văn hóa, phong tục… của vùng đất Nam Bộ xưa.

- Khi dàn dựng những bộ phim từ kịch bản của nhà văn Hồ Biểu Chánh, anh gặp khó khăn gì không, vì bối cảnh câu chuyện trong những tiểu thuyết đó xảy ra cách đây hàng thập kỷ, không dễ gì tái hiện về mặt hình ảnh… 


Đúng là cũng có những khó khăn trong việc lựa chọn bối cảnh, nhất là ngoại cảnh, ví dụ như: các căn nhà cổ, khu vườn xưa… rất khó tìm ở thời nay. 

Tuy nhiên, chúng tôi cũng cố gắng để lùng kiếm những ngoại cảnh phù hợp để tiến hành quay. Dĩ nhiên là cũng tương đối chứ không thể đòi hỏi cao hơn được, vì nhiều yếu tố khách quan, trong đó có yếu tố kinh phí. 

Nếu chúng ta có điều kiện tốt hơn, ví dụ như phim trường, nguồn đầu tư lớn… thì khác. Nhưng chúng tôi phần nào hài lòng vì thấy mình đã truyền tải được tinh thần, hồn cốt của câu chuyện thời đó lên phim.

 - Có khi nào anh gặp khó khăn trong việc làm nghề?

Nếu gọi là khó khăn thì có hể nói đó là giai đoạn đầu khi tôi mới bước vào nghề. Sau khi học xong về ngành đạo diễn điện ảnh ở Hà Nội, tôi về công tác ở hãng phim Giải Phóng. 

Thời gian đầu, tôi làm biên tập phim. Sau đó, nghe theo lời khuyên của một số đạo diễn đàn anh, tôi làm phim tài liệu. Thời gian sau thì chuyển qua làm phim nhựa.

Ở lĩnh vực mới này tôi đã phải học hỏi rất nhiều. Nhờ vậy, tôi rút ra bài học: đạo diễn mà không có vốn sống, vốn văn học thì  làm phim không coi được. 

Bởi vì phim, nhất là điện ảnh, thì chất văn học, nhân văn phải có trong phim. Ví dụ như câu thoại trong phim phải có hồn, thực tế chứ không thể khô khan, giả tạo được. 

Người đạo diễn phải sáng tạo. Không phải kịch bản có sao thì làm y vậy. Nếu thấy kịch bản đuối, không hợp thì từ chối, chứ không nhận bừa. 

Tuy nhiên, hiện nay, chúng ta đang thiếu những kịch bản đúng nghĩa, thiếu những kịch bản hay. Kịch bản phim truyền hình hay cũng ít. 

Theo tôi, lý do là do nhà sản xuất không quan tâm đến chất lượng kịch bản. Họ chỉ quan tâm đến quảng cáo. Phim dở, một phần cũng do lỗi của đạo diễn, vì đạo diễn có quyền từ chối làm phim. Còn anh làm dở là do anh, đừng đổ lỗi cho ai khác.

-Có nhận định cho rằng: Hiện nay, các hãng phim Nhà nước sản xuất ít phim và ít hấp dẫn, trong khi phim tư nhân thì nhiều và hấp dẫn hơn, anh nghĩ sao?

Các hãng phim Nhà nước từng có những bộ phim hay, phim nghệ thuật hẳn hoi. Nhưng hiện giờ thì do không có kịch bản hay, kinh phí thấp… nên không chen chân được vào thị trường. 

Nguyên nhân thì do nhiều yếu tố. Nhưng tựu chung lại là do bản lĩnh kém. Các hãng phim tư nhân họ làm phim là phải có lãi, phải có người xem, nhưng nói thật phim tư nhân tính nghệ thuật rất ít. Ở đây, tôi muốn nói thêm về sự xã hội hóa điện ảnh. 

Diễn viên Quỳnh Lan (bên trái) và diễn viên Nguyệt Ánh trong cảnh phim “Hai khối tình”
Diễn viên Quỳnh Lan (bên trái) và diễn viên Nguyệt Ánh trong cảnh phim “Hai khối tình”

Giờ làm phim như chết dí một chỗ. Mà khi có kịch bản thì phải chờ duyệt, muốn duyệt nhanh thì phải “co” nhiều thứ lại. Và phim bị rơi vào lối mòn. Vì vậy, phim Nhà nước khó hay, trừ khi có tài trợ.

-Thế nhưng trong thực tế có một số phim Nhà nước được tài trợ rất nhiều tiền nhưng chất lượng phim vẫn không cao?

Đúng vậy, bởi vì dù có tài trợ thì bao nhiêu cho đủ? Và thực chất tiền tài trợ có đổ vào phim hay không? Điều này, tôi không dám nói thẳng vì là chuyện tế nhị. 

Nhưng làm phim tài trợ thì cho cả trăm tỷ, chất lượng phim cũng khó có phim hay, chất lượng không cao. Thực tế, một số bộ phim làm theo kiểu tài trợ, đặt hàng như thế chưa được công chúng xem nhiều. 

Những nhà làm phim kiểu đó quên đi tính hấp dẫn của bộ phim. Ngay cả những bộ phim thương mại, ít nhiều cũng phải có người xem.

NSƯT Đạo diễn Hồ Ngọc Xum: Thiếu vốn sống làm phim sẽ dở ảnh 3
Đạo diễn Hồ Ngọc Xum (giữa) đang chỉ đạo diễn xuất. (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)

Phim là của đạo diễn. Phim không hay, không ai xem  là do đạo diễn. Nếu tiền ít thì yếu kém của bộ phim cũng ít và ngược lại. Cũng không phải phim nào họ cũng yếu kém mà yếu kém trong một phim cụ thể. 

Hiện nay, trong các hãng phim nhà nước có chuyện giao tiền thầu phim, làm nửa chừng rồi bỏ, đưa người khác làm. Ở nước ngoài thì họ dự trù trước, còn mình thì không làm vậy.

Có người làm phim chỉ để mong đoạt giải. Đoạt xong giải rồi thì  bỏ, phim có được chiếu hay không cũng không quan tâm. 

Theo tôi, nếu không xã hội hoá nhanh thì tình hình dẫm chân tại chỗ của điện ảnh còn kéo dài. Chuyện này, Nhà nước cũng đã thấy và họ đang làm. Mong rằng tình hình sẽ khác đi và chúng ta sẽ có những phim ấn tượng, phim hay?
 
- Nói như anh ở trên thì có vẻ như các hãng phim nhà nước đang bị “trói”?

Nếu có trói, thì do hãng phim Nhà nước “tự trói” mình, chứ không ai “trói” họ cả. Những người lãnh đạo hãng phim Nhà nước không phải họ không nhìn thấy, mà họ sợ mất quyền lợi. Đừng đổ thừa cho Nhà nước. 

Chính những giám đốc hãng phim, lãnh đạo ngành điện ảnh, những nghệ sĩ trong ngành này phải có trách nhiệm. Họ thấy điều gì cản trở thì phải đề nghị thay đổi. Tại sao bên sân khấu họ làm (đổi mới, phát triển) được mà điện ảnh không làm được? Chính sách của Nhà nước đối với văn hóa nghệ thuật cực kỳ rộng rãi. Anh làm không được là do anh, đừng đổ thừa.

Phim tư nhân phải thuê vẫn làm phim được. Các hãng phim nhà nước có đủ cơ sở vật chất sao không làm được? Tại ai? Trong khi  nhân sự, lực lượng, đạo diễn… họ có đủ. Họ không làm được là do trình độ và năng lực kém.

-Trân trọng cảm ơn anh!

Nguyễn Thịnh