Vì sao Gốm Chu Đậu của Việt Nam bị hiểu nhầm là Gốm Trung Quốc?

18/01/2015 13:21
Ngọc Quang
(GDVN) - PGS.TS Bùi Minh Trí cho biết, một số sản phẩm gốm màu xanh ngọc của Chu Đậu (Hải Dương) đã từng bị hiểu lầm là gốm của Trung Quốc.

Ngày 17/1, Trung tâm Nghiên cứu Kinh Thành (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hải Dương, Bảo tảng tỉnh Hải Dương công bố sơ bộ kết quả khai quật di chỉ Gốm Chu Đậu tại xã Thái Tân, huyện Nam Sách (Hải Dương).

Sau gần 50 năm, kể từ khi L. R. Hobson phát hiện dòng minh văn ghi trên vai bình gốm hoa lam đẹp tr­ưng bày tại Bảo tàng Topkapi Saray, Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) vào những năm 1933-1934, những thông tin về làng gốm cổ Chu Đậu, quê hương của bình gốm nổi tiếng này mới được khám phá một cách tình cờ trong một chuyến điều tra về nghề dệt chiếu ở thôn Chu Đậu, năm 1984. Các cuộc khai quật trên, di tích gốm Chu Đậu đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm chú ý đặc biệt của các nhà nghiên cứu gốm sứ trong và ngoài nước. Cũng từ sau phát hiện quan trọng này, trong nhiều di tích khảo cổ học bên ngoài Việt Nam, người ta đã nhận ra trong số đồ gốm Việt Nam có gốm Chu Đậu.

Đặc biệt, vào những năm cuối của thế kỷ trước, hàng loạt con tàu đắm dưới lòng đại dương chở gốm Việt Nam thế kỷ 15 được phát hiện, như tàu đắm ở Hội An (Việt Nam), Pandanan (Philippines), Turian (Malaysia). Riêng con tàu đắm Hội An có tới 240.000 món đồ gốm còn nguyên vẹn, trong đó có số lượng lớn là đồ gốm Chu Đậu. Nhận thức rõ tầm quan trọng và để bảo vệ di tích, năm 1992, Chu Đậu đã được Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cấp bằng xếp hạng di tích quốc gia.

PGS.TS Bùi Minh Trí đang giới thiệu về những phát hiện mới của gốm Chu Đậu với PGS.TS Hoàng Văn Quán và PGS.TS Nguyễn Đình Chiến. Ảnh: Ngọc Quang.
PGS.TS Bùi Minh Trí đang giới thiệu về những phát hiện mới của gốm Chu Đậu với PGS.TS Hoàng Văn Quán và PGS.TS Nguyễn Đình Chiến. Ảnh: Ngọc Quang.

Hơn thế nữa, Trung tâm nghiên cứu Kinh thành còn chỉ ra thêm ba kết quả quan trọng trong cuộc nghiên cứu mới này:

Thứ nhất, đây là lần thứ hai phát hiện được dấu tích lò nung gốm tại Chu Đậu. Lò nung này thuộc loại lò bầu, có hệ bầu đốt hai ngăn. Phân tích từ phế phẩm lò nung và công cụ sản xuất, có thể nhận xét, đây là lò gốm chuyên sản xuất đồ dùng sinh hoạt với 3 dòng gốm chính là gốm men ngọc, gốm hoa lam và gốm men trắng. Trong đó, gốm men ngọc dường như là sản phẩm chủ đạo, được chế tạo với trình độ công nghệ rất cao, không thua kém sản phẩm gốm men ngọc lò Long Tuyền (Chiết Giang - Trung Quốc) đương thời. Đáng lưu ý, những sản phẩm gốm men ngọc ở đây được nung đơn chiếc, nghĩa là nung 1 sản phẩm trong 1 bao nung.

Theo PGS.TS Bùi Minh Trí - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh Thành (chỉ đạo công tác khai quật và nghiên cứu), phát hiện này rất có ý nghĩa, không chỉ cho ta thấy được công nghệ và trình độ sản xuất rất cao của gốm Chu Đậu mà còn phản ánh về việc đầu tư qui mô để cung cấp ra thị trường những sản phẩm gốm có chất lượng cao.

PGS.TS Bùi Minh Trí cho biết, gốm Chu Đậu đã đạt đến trình độ rất cao vào thế kỷ XV. Một số sản phẩm gốm men ngọc trước kia bị hiểu lầm là gốm ở Trung Quốc, thực chất lại là của Chu Đậu. Điều đó cho thấy sản phẩm gốm của Việt Nam đẹp không kém gì Trung Quốc. Ảnh: Ngọc Quang.
PGS.TS Bùi Minh Trí cho biết, gốm Chu Đậu đã đạt đến trình độ rất cao vào thế kỷ XV. Một số sản phẩm gốm men ngọc trước kia bị hiểu lầm là gốm ở Trung Quốc, thực chất lại là của Chu Đậu. Điều đó cho thấy sản phẩm gốm của Việt Nam đẹp không kém gì Trung Quốc. Ảnh: Ngọc Quang.

Thứ hai, bên cạnh dấu tích nền lò nung gốm, hố khai quật liền kề đã tìm thấy phần nền của một mặt bằng cư trú. Việc san lấp ao/hồ bằng các đồ phế thải diễn ra vào khoảng cuối thế kỷ 15 đầu thế kỷ 16 cho thấy sự mở rộng về qui mô sản xuất trước nhu cầu phát triển của thị trường. Từ đây, nghiên cứu về địa tầng và mối quan hệ về loại hình sản phẩm, chúng tôi đã đưa ra nhận định đây có thể là khu di chỉ xưởng sản xuất gốm bao gồm lò nung và khu vực sản xuất gốm của một gia đình thợ gốm hay của một thợ gốm.

Nhận định tưởng đơn giản, nhưng nó rất có ý nghĩa trong việc nghiên cứu về phong cách cá nhân hay phong cách truyền thống gia đình trong việc sản xuất gốm đương thời. Đây vốn là vấn đề rất khó, chưa có cơ hội nghiên cứu vì chưa có cuộc khai quật nào có qui mô lớn để có thể tìm hiểu được không gian sản xuất của một cơ sở sản xuất tại Chu Đậu.

Thứ ba, lần đầu tiên tại Chu Đậu đã phát hiện được 2 sản phẩm gốm đích thực của lò quan Thăng Long. Đây là phát hiện cực kỳ có giá trị, minh chứng rằng, thợ gốm ở đây đã có mối quan hệ nào đó với thợ gốm ở Thăng Long hoặc đây là những quà tặng từ kinh thành Thăng Long.

Đồng thời, sản phẩm gốm hoa lam của lò gốm ở đây có mối quan hệ hay có sự ảnh hưởng rất rõ ràng về phong cách và nghệ thuật trang trí từ di chỉ lò gốm Ngói (huyện Bình Giang). Minh chứng sinh động về điều này đó là những loại đĩa nhỏ cao cấp, ngoài vẽ hoa sen dây, lòng vẽ phong cảnh, chim, cá. Đây là những sản phẩm rất đặc trưng và phổ biến của di chỉ gốm Ngói, được sản xuất nhiều từ đầu thế kỷ 16. Loại gốm này đã được tìm thấy tại khu khai quật, bao gồm cả đồ phế phẩm. Nếu không nghiên cứu kỹ về kỹ thuật tạo chân đế ta rất khó phân biệt giữa gốm Chu Đậu và gốm Ngói. Kết quả nghiên cứu về lịch sử gốm cổ Việt Nam và Trung Quốc cho thấy rằng, sự giống nhau về phong cách là minh chứng về mối quan hệ, sự ảnh hưởng giữa các lò gốm là rất rõ ràng.

Trong cuộc khai quật vào tháng 12/2014, Trung tâm nghiên cứu Kinh Thành đã tìm thấy hàng trăm hiện vật quý giá về gốm Chu Đậu. Ảnh: Ngọc Quang.
Trong cuộc khai quật vào tháng 12/2014, Trung tâm nghiên cứu Kinh Thành đã tìm thấy hàng trăm hiện vật quý giá về gốm Chu Đậu. Ảnh: Ngọc Quang.

Mối quan hệ và sự ảnh hưởng về phong cách giữa gốm Chu Đậu và gốm hoa lam lò Cảnh Đức Trấn, tỉnh Giang Tây (Trung Quốc) cũng bước đầu có những manh mối rất thú vị. Một số sản phẩm Gốm tinh xảo trước đây nhiều người nghĩ rằng của Trung Quốc thì thực chất lại là Gốm Chu Đậu. Điều đó cho thấy, nghệ thuật Gốm Chu Đậu vào thế kỷ XVI đã đạt đến trình độ rất cao.

PGS.TS Bùi Minh Trí nhận định: "Nhiều sản phẩm của lò gốm này chắc chắn đã từng được sử dụng trong Hoàng cung Thăng Long thời Lê sơ. Kết quả nghiên cứu so sánh ban đầu cho thấy, nhiều sản phẩm gốm men ngọc ở đây giống hệt với những đồ gốm khai quật được tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long, trong đó rất điển hình là loại đĩa khắc hoa cúc, lòng khắc khóm cỏ hay bông hoa sen.

Khu di tích khảo cổ học Hoàng thành Thăng Long đã tìm được rất nhiều loại hình đồ gốm, bao gồm gốm sứ Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Á và Hàn Quốc với nhiều niên đại và nguồn gốc lò sản xuất khác nhau. Trong đó, gốm Việt Nam có số lượng nhiều nhất, bao gồm các loại sản phẩm được sản xuất tại các lò: Thăng Long, Nam Định, Hải Dương và xa hơn là các lò gốm ở các tỉnh miền Trung Việt Nam như Bình Định, Thừa Thiên Huế".

PGS.TS Nguyễn Đình Chiến - nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia (chuyên gia về gốm cổ): "Những phát hiện mới của Trung tâm nghiên cứu Kinh Thành hết sức có ý nghĩa, nó cho thấy mối liên quan giữa gốm Chu Đậu và kinh thành Thăng Long. Vì vậy, việc triển khai những công tác tiếp theo để bảo tồn và phát huy giá trị tốt đẹp của gốm Chu Đậu là hết sức cần thiết. Tôi cho rằng cần có một bảo tàng nhỏ ở đây, tuy rằng quy mô không lớn nhưng rất cần thiết để giới thiệu với du khách quốc tế, đồng thời cũng tạo điều kiện để các nhà khoa học có những nghiên cứu sâu hơn".

Ngọc Quang