VTV chiếu phim 18+: Sẽ ảnh hưởng nhất định đến con trẻ!

06/11/2014 15:24
Mai Anh
(GDVN) - PGS - TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn, Trưởng bộ môn Tâm lý học (Đại học Sư phạm TP.HCM) nói về thông tin VTV2 sẽ phát sóng phim dành cho người lớn.

Phim 18+ sẽ ảnh hưởng đến trẻ

Bắt đầu từ ngày 17/11, kênh VTV2 - Đài truyền hình Việt Nam phát sóng phim dành cho người lớn vào lúc 23h mỗi ngày. Bộ phim đầu tiên được trình chiếu trong khung giờ này là Sex and the City (Chuyện ấy là chuyện nhỏ), một bộ phim bom tấn về đề tài tình yêu, tình dục do Mỹ sản xuất.

Nội dung phim Sex and the City đi sâu vào đề tài tình yêu, tình dục tất nhiên trong đó sẽ có rất nhiều những cảnh nóng bỏng, cảnh quan hệ nam nữ… và từng được chiếu rạp tại Việt Nam.

Hình ảnh phim Sex and the City.
Hình ảnh phim Sex and the City.

Để tránh phản ứng của dư luận, VTV đưa khung giờ phim dành riêng cho người lớn (sau 23h), gắn mác 18+ cho chương trình để khán giả biết chương trình không dành cho những người dưới 18 tuổi. Việc lựa chọn phát trên VTV2 nhà đài lý giải đây là kênh Khoa học - Giáo dục, nên nội dung chương trình này cũng nhằm hướng đến phổ biến kiến thức về tình dục, giới tính cho khán giả.

Tuy nhiên liên quan đến kế hoạch phát sóng phim 18+c của VTV có nhiều ý kiến trái chiều, trong đó có không ít lo ngại những bộ phim nay sẽ ảnh hưởng không tốt đến trẻ em dưới 18 tuổi nếu các em tình cờ xem được. Tiêu cực hơn sẽ dẫn đến việc trẻ em tò mò làm theo hình ảnh trong phim, từ đó dẫn đến hành vi trái pháp luật.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, PGS - TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn, Trưởng bộ môn Tâm lí học (Đại học Sư phạm TP.HCM) cũng khẳng định, việc phát sóng bộ phim liên quan đến giới tính, tình dục có ảnh hưởng nhất định đến con trẻ.

“Tuy nhiên, cần ý thức rất rõ về thời gian phát sóng. Ở một góc độ nào đó, nếu trẻ em được trang bị các kiến thức giáo dục giới tính sẽ có một hiểu biết nhất định nên khó có thể nói rằng việc các bộ phim hay các tập phim này ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ...”, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn cho biết.

PGS. TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn - Trưởng bộ môn Tâm lý học (Đại học Sư phạm TP.HCM)
PGS. TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn - Trưởng bộ môn Tâm lý học (Đại học Sư phạm TP.HCM) 

Theo PGS.TS Huỳnh Văn Sơn: “Cha mẹ cần có trách nhiệm với việc giải trí của chính mình. Việc này có thể nói tạo nên những suy nghĩ rất có trách nhiệm của người lớn về hành vi, thái độ của bản thân mình trong đời sống gia đình. Một mặt, người lớn có thể xem lại cách chung sống, chế độ sinh hoạt, giấc ngủ và việc ngủ chung hay riêng với con trẻ. Mặt nữa, người lớn cũng biết cách quản lý hành vi của bản thân”, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn nói.

Trách nhiệm của cha mẹ vẫn lớn nhất

Đồng quan điểm với PGS.TS Huỳnh Văn Sơn, theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh - PGĐ Trung tâm Rồng Việt (Trung tâm chuyên tư vấn giảng dạy kỹ năng tâm lý trẻ em), ở nước ngoài việc chiếu phim dành cho người lớn trên truyền hình là điều bình thường. Tuy nhiên ở Việt Nam đây là lần đầu tiên nên có nhiều ý kiến trái chiều.

“Các chương trình dành cho người lớn hay chiếu vào các giờ khuya, khi trẻ em đã đi ngủ. Như vậy, nếu vô ý hay cố tình cho các em xem, đó là trách nhiệm của cha mẹ. Tuy nhiên, vấn đề không nằm ở chỗ để trẻ xem hay không xem, mà là cách thức tiếp cận”, chuyên gia tâm lý Lê Khanh phân tích.

Theo ông Khanh, phụ huynh có thể cho các em xem một cách bình thường, không cần bình luận gì hay có phản ứng kiểu bắt con nhắm mắt lại, quay mặt đi hay chuyển kênh ngay lập tức, bởi  vì chính điều đó sẽ tạo ấn tượng là chuyện yêu đương hay hình ảnh hở hang là điều xấu xa tồi tệ. 

Theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh chính việc cấm đoán, thiếu hướng dẫn của phụ huynh khiến trẻ em hành động thiếu hiểu biết dẫn đến hậu quả
Theo chuyên gia tâm lý Lê Khanh chính việc cấm đoán, thiếu hướng dẫn của phụ huynh khiến trẻ em hành động thiếu hiểu biết dẫn đến hậu quả

“Phụ huynh cũng có thể cho trẻ biết đây là các hoạt động bày tỏ tình cảm của người lớn hay đó là một hành vi nên làm ở chỗ kín đáo, để trẻ có sự hiểu biết thấu đáo hơn. Điều này tùy thuộc vào sự quan tâm của trẻ. Chính việc ngăn cấm hay che giấu mới gây ra những ảnh hưởng tâm lý của các em, sẽ khiến cho trẻ “ghi vào bộ nhớ” với ý nghĩa tiêu cực và sự tò mò để sau đó lại lén lút xem những bộ phim, hình ảnh khiêu dâm thứ thiệt", chuyên gia tâm lý Lê Khanh nhận định.

Tuy nhiên chuyên gia tâm lý Lê Khanh cho rằng, nói như thế, không có nghĩa là chúng ta cổ súy cho những phim ảnh cấp 3, mang tính khiêu dâm vì điều đó thì bất cứ một quốc gia nào, một nền giáo dục nào cũng không chấp nhận. “Nhưng với những điều gọi là nhạy cảm trên màn ảnh trong mức độ cho phép, thì đó lại điều có thể xem và giải thích hoặc coi như đó là điều bình thường và có thể nói thêm cho trẻ biết đó chỉ là trên phim ảnh.  Có thể các em sẽ có ấn tượng về những điều đó, nhưng nếu nó được đi kèm với những lời giải thích thì chắc chắn sẽ tốt hơn”, ông Khanh cho biết thêm.

Cũng theo ông Khanh, tỷ lệ phá thai, nạo thai của giới trẻ Việt Nam thuộc vào hàng top của thế giới chính từ việc cấm đoán trẻ em. Chính vì việc ngăn cấm không đến nơi đến chốn, vì thực sự là không ngăn cấm được, mà lại không có những hướng dẫn đúng đắn đi kèm đã khiến cho giới trẻ nói chung và trẻ em nói riêng trở nên tò mò “tự tìm lối mà chạy lung tung” không cần chúng ta “vẽ đường cho hươu chạy" nữa.

Chúng ta không nên đổ lỗi cho những hình ảnh nhạy cảm làm “hư con cái mình" mà chính là thái độ “nói" không đi đôi với “làm”, nghiêm cấm mà không hướng dẫn cùng với việc bảo bọc con thái quá không giúp con có những nhận thức và kỹ năng tự chủ để nhận biết về giá trị bản thân và ý nghĩa của tình dục mới đưa con trẻ bắt chước, làm theo các hình ảnh nhạy cảm đầy rẫy trên phim ảnh và trên internet một cách sai lầm để dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.

Mai Anh