Văn minh Tà Lưa

10/06/2020 06:00
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dối trá là sản phẩm gắn với nền văn minh nhân loại, một đặc điểm do con người sinh ra và gắn liền với sự tồn tại của loài người.

Khi viết 9 diệu kế của “Binh pháp quan trường”, người viết đã đề cập đến Ngôn pháp Tà Lưa và cũng từ đó ý tưởng về loạt bài liên quan đến chủ đề “Tà lưa” được hình thành.

“Kỷ Tà Lưa” cũng gồm 09 bài như “Binh pháp quan trường”, trước mắt xin gửi đến bạn đọc 05 bài gồm: Văn minh Tà Lưa, Dân chủ Tà Lưa, Văn hóa Tà Lưa, Công lý Tà Lưa, Chính trị Tà Lưa.

Phần tiếp đang được hoàn chỉnh gồm Thần quyền Tà Lưa, Truyền thông Tà Lưa, Hữu nghị Tà Lưa và Tà Lưa bốn chấm. Hy vọng sẽ mang đến cho bạn đọc chút thư giãn.

***

Các nhà khoa học dùng thuật ngữ “Kỷ” để chỉ một niên đại địa chất đã từng tồn tại trên trái đất, mỗi kỷ có những đặc trưng nổi bật, mang tính thống trị, chẳng hạn Kỷ Băng Hà là thời kỳ ngự trị của các dòng sông băng, trái đất giống như là một quả cầu tuyết từ vùng cực tới tận xích đạo;

Kỷ Juda là thời kỳ mặt đất bị thống trị bởi các loại Khủng long mà ngày nay vẫn tìm thấy nhiều hóa thạch rải rác khắp các châu lục;

Kỷ Phấn trắng là thời kỳ khí hậu nóng đến mức không có băng tại hai địa cực, phần lớn bề mặt Trái Đất bị nước nước bao phủ…

Các niên đại địa chất kéo dài hàng triệu, thậm chí hàng tỷ năm. Sau mỗi kỷ, nhiều loài động, thực vật bị tuyệt chủng, nhiều loài mới xuất hiện và cũng có những loài tiến hóa để thích nghi với sự biến đổi khí hậu trên trái đất.

Cho đến nay, ngoại trừ một số nghi vấn về những di tích “do người ngoài hành tinh xây dựng”, chưa có bằng chứng khoa học đáng tin cậy nào chứng minh từng tồn tại những nền văn minh trước khi loài người xuất hiện.

Trong khi lịch sử hình thành trái đất - được các nhà khoa học cho là khoảng 4.570 Ma (1 Ma bằng 1 triệu năm) - thì nền văn minh của loài người chỉ thực sự bắt đầu từ vài nghìn năm trước.

Tại bang Rajasthan - Ấn Độ, các nhà khoa học đã tìm thấy nhiều cổ vật có từ những năm 7500 trước công nguyên đến 6200 trước công nguyên.

Các hiện vật khảo cổ cho thấy các tộc người sống trên miền đất là lãnh thổ Trung Quốc ngày nay đã biết trồng cây kê vào khoảng năm 6000 trước công nguyên.

Dù còn nhiều tranh luận về nền văn minh cổ nhất thế giới, nhưng cho đến nay các nhà khoa học chưa tìm thấy các chứng cứ về sự tồn tại của những nền văn minh trên 10.000 năm tuổi.

Kể từ khi con người biết đi bằng hai chân, biết sử dụng công cụ lao động, dùng tiếng nói và chữ viết để trao đổi tư tưởng thì con người cũng bắt đầu sự thống trị của mình trên địa cầu.

Chính loài người làm bề mặt trái đất biến đổi chưa từng thấy, có người cho đó là sự phát triển rực rỡ của nền văn minh, của trí tuệ siêu việt chỉ có ở con người, có người cho rằng con người là một trong các nguyên nhân làm biến đổi khí hậu, làm trái đất nóng lên, phá hủy tầng Ozon, chính con người đang đưa trái đất và bản thân tiến nhanh hơn đến sự diệt vong nếu không sớm cảnh tỉnh.

Dù theo nghĩa nào, loài người cũng đã và đang tạo dấu ấn trên khắp hành tinh mà các loài khủng long hay voi ma mút thời tiền sử không thể sánh được.

Chính con người đã tạo cho trái đất một kỷ nguyên mới, tuy nhiên vì nó chỉ mới bắt đầu và chưa có hồi kết nên kỷ nguyên mà con người tạo dựng chưa phải là kỷ nguyên theo nghĩa địa chất học và do đó chưa được đặt tên.

Có một câu hỏi hiện đang được quan tâm một cách nghiêm túc: “Liệu tương lai có xảy ra sự tuyệt chủng của nhân loại như khủng long, voi ma mút,…?”.

Nếu điều đó xảy ra và địa cầu xuất hiện các giống loài mới thì kỷ nguyên thống trị của loài người trên trái đất sẽ gọi là kỷ nguyên gì?

Cho đến nay hình như chưa có ai đưa ra một tên gọi về kỷ nguyên thống trị của loài người (theo nghĩa địa chất học).

Để đưa ra một tên gọi phù hợp cho một kỷ nguyên, phải chỉ ra được nét đặc trưng của kỷ nguyên đó. Vậy đâu là dấu ấn đặc trưng của kỷ nguyên mà con người tạo dựng trên địa cầu?

Có phải là các phát kiến khoa học như khám phá ra năng lượng nguyên tử, chinh phục vũ trụ, hay khám phá bí ẩn của chính bản thân loài người qua việc xây dựng bản đồ gen?

Câu trả lời là không phải.

(Ảnh minh họa: Vietnamfinance.vn)

(Ảnh minh họa: Vietnamfinance.vn)

Sự khác biệt giữa con người và phần còn lại của thế giới sinh vật nằm ở chỗ loài người biết tư duy và đó là tư duy logic, nhờ biết tư duy, loài người sáng tạo ra công cụ sản xuất và xây dựng nên cái mà nhiều người gọi là “nền văn minh tri thức” và coi đó là bước tiến vĩ đại của con người trên bước đường khám phá vũ trụ và chính bản thân mình.

Khi còn đi bằng bốn chân, tổ tiên của loài người đã bắt đầu tìm hiểu thế giới, song đó chỉ là bản năng nguyên thủy, chưa phải là nhận thức bằng lý trí.

Chỉ từ lúc xã hội loài người được hình thành, con người mới chính thức bắt đầu quá trình tìm hiểu bản thân và tự nhiên.

Dẫu đã bay lên mặt trăng, đã chụp ảnh được các “Hố đen vũ trụ” thông qua “Chân trời sự kiện” thì cho đến nay vũ trụ và các lực lượng siêu nhiên vẫn nằm ngoài tầm hiểu biết của con người.

Chính vì thế, ngoài việc thần thánh hóa các hiện tượng siêu nhiên, con người còn tự tạo ra các thần linh, xem đó là đấng tối cao để tôn sùng theo tín ngưỡng của mỗi chủng tộc.

Nhân loại đang tiến tới văn minh bằng những bước chân lạc hậu.

Trong khi các triết gia, các nhà tư tưởng, các nhà khoa học cố gắng quảng bá những giá trị mang tính phổ quát như tự do, dân chủ, bình đẳng, minh bạch… thì các tập hợp cư dân, khởi đầu là các bộ tộc, lớn hơn là các chủng tộc chiếm đa số trong cộng đồng, lớn hơn nữa là các lực lượng xuyên quốc gia, tức là các thể chế chính trị, các tôn giáo,… với sự khao khát thống trị, dưới sự thao túng của giới đầu sỏ chính trị lại đi theo con đường ngược lại.

Họ tìm mọi cách tước đoạt quyền tự do, bình đẳng của các nhóm cư dân không cùng chính kiến.

Bằng nhiều cách, những kẻ mạnh (quốc gia - chủng tộc) cố gắng áp đặt quyền thống trị với các nhóm cư dân bị khuất phục bất kể sự khác biệt rất lớn về văn hóa, ngôn ngữ, phong tục tập quán.

Sự khuất phục mà kẻ chiến thắng mang đến cho người bị khuất phục có khi man rợ như nạn diệt chủng mà phát xít Hitler dành cho người Do Thái hay bọn diệt chủng Khmer Đỏ dành cho người dân Campuchia.

Cũng có khi là sự đồng hóa để dần làm biến mất ngôn ngữ, chữ viết, bản sắc dân tộc của cư dân bị khuất phục như một số bộ tộc Việt - từng sinh sống phía nam sông Dương Tử - bị người Hoa Hạ đồng hóa, trừ hai tộc Âu Việt và Lạc Việt liên kết thành quốc gia Âu Lạc trên mảnh đất Giao chỉ mà ngày nay là quốc gia Việt Nam thống nhất từ cao nguyên Đồng Văn đến quần đảo Thổ Chu.

Không ít cá nhân hay phe nhóm chính trị xem sự khuất phục thần dân trong lãnh thổ hay dân chúng ngoài biên giới quốc gia, xem sự mở rộng lãnh thổ bằng vũ lực là công trạng để lại cho hậu thế, để lưu danh muôn thủa.

Mục đích cuối cùng của lòng tham - một đặc tính dường như tự nhiên đã cài sẵn trong mã di truyền khi tạo nên loài người - là quyền lực, là sự thống trị của một cá nhân hoặc phe nhóm đối với số đông còn lại.

Có sự nhầm lẫn khi cho rằng đối tượng của tham vọng quyền lực là lãnh thổ, bắt đầu từ “ao làng”, tiếp là quốc gia, châu lục và cuối cùng là cả thiên hạ.

Thực chất của tham vọng quyền lực là nhằm vào con người, vào chính đồng loại của mình.

Trở thành minh quân hay bạo chúa thì cuối cùng vẫn là kẻ “đè đầu cưỡi cổ” thần dân theo nghĩa này hay nghĩa khác.

Cẩm nang trung thành của kẻ cầm quyền xuyên suốt lịch sử nhân loại là sự lừa dối, lừa dối đối thủ, lừa dối dân chúng, lừa dối chính bản thân mình.

Không phải chỉ khi bị bắt buộc, vào những tình huống ngặt nghèo sự lừa dối mới được sử dụng.

Để thâu tóm và củng cố quyền lực, các chính trị gia, các thế lực nắm quyền cai trị - cả vật chất lẫn tinh thần - luôn sẵn sàng lừa dối nếu sự lừa dối mang lại “Lợi nhuận chính trị” bên cạnh “Lợi nhuận vật chất”.

Đôi khi động vật cũng biết lừa dối, loài chim Tu Hú biết đẻ trứng vào tổ chim khác để khỏi phải ấp trứng, nuôi con, tuy nhiên đây chỉ là hành vi mang tính bản năng và không phổ biến, nó hoàn toàn khác so với con người.

Ngay từ khi còn là đứa bé, như là một phần của bản năng tự nhiên, con người đã biết nói dối. Đánh vỡ một chiếc cốc, đứa bé đã biết chối lỗi, biết nói là mình không đánh vỡ…

Các chính trị gia, các nhà ngoại giao, các tướng lĩnh, các doanh nhân,… đa số đều là những người nói dối đại tài.

“Binh bất yếm trá” (lừa dối không thể thiếu trong chiến tranh) là binh pháp đã được Tôn Tử - một người người Hoa Hạ - phát triển hàng nghìn năm trước.

Ngày nay nhân loại không khó nhận thấy người ta đã và đang áp dụng một cách “sáng tạo” và triệt để “Lý thuyết dối trá” sang các lĩnh vực phi quân sự như văn hóa, ngoại giao, kinh tế, tuyên truyền,…

Tại đất nước được không ít người tung hô là hình mẫu của tự do, dân chủ như Hoa Kỳ, nhà báo Seymour Hersh, người từng giành giải Pulitzer đã phải cay đắng thốt lên:

Dù sao thì dối trá ở cấp cao vẫn là cách vận hành của chính sách Hoa Kỳ…”. [1]

Ngày 4/8/1964 quân đội Mỹ đã tạo dựng sự kiện Vịnh Bắc Bộ lần thứ 2, vu cáo Hải quân Việt Nam tấn công chiến hạm Mỹ.

Ngày 5/8/1964, Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson dựa vào sự kiện giả dối đó ra lệnh ném bom miền Bắc Việt Nam.

Không thể nói Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang Hoa Kỳ lại không được báo cáo về một sự kiện tầm cỡ như vậy.

Tin vào sự dối trá của thuộc cấp hay tự mình tạo ra sự dối trá, Lyndon B. Johnson cũng chỉ là một trong những kẻ dối trá không hơn không kém, có khác chăng kẻ dối trá đó lại là Tổng thống Mỹ.

Ngày 17/2/1979, dựng lên lý do “phản kích tự vệ” Đặng Tiểu Bình xua 60 vạn quân Trung Quốc xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam.

Lẽ thường trong quân sự, “phản kích” xảy ra khi bị đối phương tấn công, Quân đội Việt Nam không hề tấn công xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc vậy thì quân đội Trung Quốc “phản kích” ai, “phản kích” cái gì?

Thói dối trá của những kẻ nắm quyền bất chấp thủ đoạn vốn không có gì là bí mật.

Nhiều người chỉ biết đến câu “kẻ thù của kẻ thù là bạn” mà không biết hai câu còn lại: “bạn của kẻ thù là kẻ thù” và “bạn của bạn chưa chắc đã là bạn”.

Paul Joseph Goebbels – Bộ trưởng Tuyên truyền Đức Quốc xã từng nói đại ý: “Lời nói dối được lặp đi lặp lại thì dù vô lý đến mấy cuối cùng quần chúng cũng sẽ tin”.

Nước Đức từng sản sinh ra những triết gia, nhạc sĩ, nhà khoa học danh tiếng, thế nhưng trước khi thế chiến 2 bùng nổ, một bộ phận khá đông người Đức cũng bị mụ mị bởi bộ máy tuyên truyền của Adolf Hitler mà hùa theo bè lũ phát xít, biến nước Đức thành một đất nước cuồng vọng, khơi mào cuộc chiến cướp đi sinh mạng hàng chục triệu người.

Các dẫn chứng đã nêu ở ba châu lục Á, Âu, Mỹ cho thấy dối trá không phải là nét riêng ở một quốc gia, một chủng tộc, một tổ chức chính trị hay một thời đại nào.

Từ phát ngôn của những nhân vật nổi tiếng người Mỹ, người Đức, người Hoa, rõ ràng là không thể tìm thấy một hệ thống chính trị, một đế chế, một chính khách không sử dụng “Công cụ lừa dối” như là phương thức tất yếu cho thành công.

Dối trá là sản phẩm gắn với nền văn minh nhân loại, một đặc điểm do con người sinh ra và gắn liền với sự tồn tại của loài người.

Chọn trong tiếng Việt một thuật ngữ dễ hiểu, ngắn gọn nhưng phản ánh đúng “thuộc tính” dối trá của con người thay vì dùng “Kỷ nguyên Lừa dối” có lẽ hợp lý nhất là cụm từ “Kỷ Tà Lưa”.

Nền “Văn minh Tà Lưa” rồi sẽ trở thành dĩ vãng theo quy luật vận động của xã hội. Lưu lại những “mẫu vật” để các nhà khảo cổ sau này nhận diện “Kỷ Tà Lưa” cần công sức và đặc biệt là trí tuệ của nhiều người.

Viết chỉ với hy vọng cổ vũ những ai dù đã “cổ lai hy” nhưng trí tuệ chưa đến nỗi phải bò.

Những gì viết ra trong Kỷ Tà Lưa chỉ là những nét chấm phá vụng về của ông giáo quê, không thể tránh khỏi khiếm khuyết, cũng không mong sẽ được đưa vào tủ sách.

Xuân Dương