Vận thế đất nước phụ thuộc vào cán bộ

02/12/2022 06:36
Phan Văn Lâm - Viện nghiên cứu Pháp luật và Kinh tế Asean
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo Báo cáo của BCH TƯ Đảng khóa 12 tại ĐH Đảng lần thứ 13, chỉ riêng trong nhiệm kỳ ĐH XII có tổng số hơn 87.000 đảng viên bị kỷ luật.

Có lẽ bất cứ một quốc gia nào trên thế giới này khi xây dựng chính quyền nhà nước thì việc đầu tiên là lựa chọn cán bộ cho bộ máy hoạt động, việc coi trọng cán bộ là hoàn toàn đúng với lẽ tự nhiên. Tuy nhiên ở mỗi nước lại có những cách làm khác nhau trong vấn đề tuyển chọn, sử dụng và đào tạo cán bộ trong bộ máy nhà nước. Vì vậy có thể nói sự hưng thịnh của quốc gia phụ thuộc vào công tác cán bộ.

Theo V.I. Lênin: “Nghiên cứu con người, tìm những cán bộ có bản lĩnh (...) đó là then chốt; nếu không thì tất cả mọi mệnh lệnh và quyết định sẽ chỉ là mớ giấy lộn”. Như vậy cách đây cả trăm năm thì việc đánh giá vai trò của cán bộ cũng đã được nhìn nhận và nghiên cứu kỹ lưỡng.

Ảnh minh họa: vtv.vn

Ảnh minh họa: vtv.vn

Ở Việt Nam chúng ta khi đánh giá về vai trò của công tác cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém… vấn đề cán bộ là một vấn đề rất trọng yếu, rất cần kíp”. Kế thừa và phát huy tinh thần và tư tưởng của Lênin và Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định: “phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt” của công tác xây dựng Đảng, có liên quan đến sự sống còn của Đảng và vận mệnh của chế độ; cán bộ là cái gốc của mọi công việc, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Vì vậy, phải đặc biệt coi trọng xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu thật sự có đức, có tài, có uy tín trong Đảng và nhân dân”.

Vì thế việc lựa chọn được cán bộ tốt, cán bộ giỏi sẽ góp phần cho Đảng, Nhà nước ta có lực lượng cán bộ trung với Đảng, hiếu với dân, đưa ra những chủ trương, chính sách phù hợp, đúng đắn và đưa cuộc sống vào luật pháp và xây dựng được hệ thống pháp luật mang tính kiến tạo và phát triển. Qua đó mà chúng ta có được đội ngũ cán bộ thực sự vì dân, vì sự phát triển của đất nước trong thực tiễn, không phải hình thức hay hô hào khẩu hiệu, cán bộ miệng nói tay làm xem nhân dân là khách hàng cần thiết được phục vụ mà không phải khách hàng tiềm năng để khai thác.

Theo Báo cáo của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 tại Đại hội Đảng lần thứ 13, chỉ tính riêng trong nhiệm kỳ Đại hội XII trong tổng số hơn 87.000 đảng viên bị kỷ luật thì số đảng viên sai phạm có liên quan tới tham nhũng chiếm tỷ lệ khá lớn: 14% đảng viên thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý; 6,76% đảng viên vi phạm về đạo đức, lối sống; 5,52% đảng viên vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; 8,54% đảng viên vi phạm pháp luật về đất đai, tài nguyên, tài chính, ngân hàng, đầu tư, xây dựng cơ bản…

Đặc biệt những cán bộ vi phạm pháp luật là cán bộ cấp cao như: Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Bắc Son; Trương Minh Tuấn, Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Hữu Tín; Nguyễn Đức Chung; Tất Thành Cang, Trần Văn Nam, Trần Việt Tân, Phan Văn Vĩnh, Hồ Anh Sơn…và mới đây là Nguyễn Thành Long - Bộ trưởng Bộ Y Tế, Chu Ngọc Anh - Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội…Những cán bộ đảng viên bị truy tố và xử lý kỷ luật nêu ở trên chỉ phản ánh phần nổi của tảng băng chìm. Quyền lực không được kiểm soát chặt chẽ, cụ thể cộng với việc cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước không được lựa chọn đúng với tiêu chí “Cần kiệm, Liêm chính, Chí công, Vô tư” mà chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy sẽ mang lại nhiều nguy hại cho sự phát triển của đất nước, xói mòn niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, cho sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa. Vậy để hạn chế cán bộ đảng viên vi phạm pháp luật thì cần thay đổi tư duy trong công tác cán bộ như thế nào?

Chọn lọc cán bộ tâm – tầm – tài

Không thể phủ nhận được những gì mà công tác cán bộ của chúng ta đã cố gắng làm trong thời gian qua, thành quả đó cũng cho thấy chúng ta có được lực lượng cán bộ phục vụ trong bộ máy của Đảng và Nhà nước khá hùng hậu, đông đủ. Đặc biệt đội ngũ cán bộ của đất nước ta cùng với nhân dân tạo ra nền kinh tế xã hội ngày càng phát triển như hiện nay.

Thay đổi từ nền kinh tế quan liêu, tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên xã hội càng ngày càng phát triển thì công tác cán bộ phải luôn đổi mới để phù hợp hơn với tình hình của đất nước và dẫn dắt xã hội phát triển đi lên. Vậy cán bộ có tâm, có tầm, có tài đang ở đâu? Cán bộ phục vụ trong bộ máy nhà nước là từ trong nhân dân, là công dân của đất nước được học tập và rèn luyện trong thực tiễn và được nhà nước tuyển dụng vào làm việc và do nhà nước chi trả lương bằng nguồn ngân sách. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là công tác tuyển chọn, sử dụng, đào tạo và phát triển của chúng ta đã phù hợp, đã thu hút, khích lệ, công bằng, công khai, minh bạch để công dân tốt, giỏi có cơ hội vào phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân?

Để trả lời cho câu hỏi này chúng ta cũng cần thay đổi một số vấn đề trong công tác cán bộ hiện nay:

Lấy thứ hạng để lựa chọn cán bộ

Thứ hạng là cách mà con người ta phân biệt cao thấp, tài giỏi, trước sau vì thế tuyệt đối hóa công tác tuyển dụng nhân sự bằng cách thi viết kết hợp thi vấn đáp để đảm bảo yếu tố nhận thức và kỹ năng viết, kỹ năng nói, kỹ năng xử lý tình huống và xem xét yếu tố ngoại hình, thái độ, tác phong và đạo đức, từ đó để quyết định ai trúng hay không và ai trước ai sau trong tuyển dụng. Đặc biệt cần mô tả vị trí việc làm cụ thể và tuyển chọn bằng cấp đúng chuyên môn, không được cài cắm điều kiện không phù hợp để từ đó đưa người nhà, người thân, đệ tử vào làm việc.

Ở cấp trung ương cần giao cho Bộ Nội Vụ tổ chức thi tuyển, cấp địa phương cần giao cho Sở Nội Vụ tổ chức thi tuyển, hai cơ quan, hai người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về tính bảo mật và chất lượng của đề thi. Tránh việc “ một người làm quan cả họ được nhờ và cả họ làm quan thì toàn huyện được nghèo”. Phải tổ chức thi tuyển nghiêm túc, công khai, minh bạch như chúng ta đã từng tổ chức thi tuyển sinh đại học trước đây. Không để nhân dân hoài nghi con quan mới được làm quan và muốn làm quan “phải chạy” mới được vào, được lên, tránh cán bộ bằng giả kiến thức giả, bằng thật mà kiến thức không thật.

Xác định tầm và chuyên môn để luân chuyển

Việc phân công, luân chuyển công việc phải gắn với mô tả vị trí việc làm để phát huy trình độ chuyên môn và năng lực cán bộ, tránh tình trạng khi tuyển thì đúng nhưng khi phân công lại sai, tạo tâm lý bất an và không đúng chuyên môn đào tạo, hoặc khi tuyển dụng không cụ thể địa bàn công tác như miền núi, hải đảo xa xôi để ứng viên cân nhắc lựa chọn, nên khi được phân công thì bất ngờ bỏ việc. Việc phân công không đúng chuyên môn đã không phát huy được trình độ năng lực mà còn vừa lãng phí công tác đào tạo ban đầu và đào tạo lại trong quá trình làm việc .

Trong công tác luân chuyển cán bộ hiện nay vẫn còn tình trạng khá "tùy ý" của người đứng đầu đơn vị giữa các phòng ban, bộ ngành, đoàn thể vẫn còn những bất cập, nhiều cán bộ đang làm tốt công việc của mình nhưng khi được luân chuyển công việc sang đơn vị mới đã gặp nhiều khó khăn vì không phù hợp. Tác giả đã từng thấy có cán bộ là tiến sĩ về nông nghiệp nhưng lại chuyển sang phụ trách nghiên cứu khoa học của Viện nghiên cứu về pháp lý chuyên sâu nên trong quá trình điều hành hoạt động và chủ trì hội thảo đã không được sự đồng thuận của cán bộ trong cơ quan và các chuyên gia, các nhà khoa học. Việc luân chuyển cán bộ hàng ngang có lẽ cần đảm bảo tính chất công việc chuyên môn để phát huy năng lực sẵn có. Đặc biệt có thể linh hoạt luân chuyển cán bộ từ khu vực công ra khu vực tư để trải nghiệm, đào tạo và nắm bắt thực tế và tạo nguồn sau này.

Mặt khác đối với việc luân chuyển cán bộ Trung ương xuống địa phương cũng cần xem xét kỹ lưỡng hơn tránh tình trạng cán bộ đang làm tốt xuống địa phương khi quay về trung ương làm việc đã không còn vị trí công việc phù hợp, hay luân chuyển theo phong trào dẫn đến thừa thiếu cán bộ nguồn. Gần đây cho thấy một số cán bộ từ địa phương khi rút lên đứng đầu bộ ngành điều hành công việc không mấy thuận lợi vì từ tầm quản lý một tỉnh khác quản lý tầm quốc gia, phải chăng nên luân chuyển giữ cấp phó để làm quen với công việc với thời gian nhất định trước khi giữ cấp trưởng.

Không lấy quy hoạch, phân biệt công - tư làm rào cản tuyển dụng nhân tài

Hơn bao giờ hết, công tác bổ nhiệm lãnh đạo cần được rà soát kỹ hơn và việc bổ nhiệm lãnh đạo cần dựa trên kết quả công việc, về thành tích đạt được và khả năng tập hợp đội ngũ, năng lực điều hành, nhận thức pháp luật… Có thể thi tuyển lãnh đạo đối với cấp bộ trưởng trở xuống. Đặc biệt không lấy quy hoạch, đảng viên, biên chế, phân biệt khu vực công- tư hay sống lâu lên lão làng làm rào cản trong bổ nhiệm hay tuyển dụng nhân tài cho đất nước. Miễn là công dân Việt Nam có tâm - tầm - tài cần được tuyển dụng một cách linh hoạt vì chính họ cũng là người có mong muốn phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân dân, xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Mặt khác cần gắn trách nhiệm của người giới thiệu và người quyết định bổ nhiệm trong công tác cán bộ để giảm thiểu sai sót, bổ nhiệm người không đúng với năng lực, không phù hợp với vị trí, có vị trí mà tâm và tầm không xứng. Loại bỏ tính cá nhân, tiền tệ, hậu duệ, quan hệ và đệ tử trong bổ nhiệm lãnh đạo các cấp.

Lấy hiệu quả công việc làm thước đo cán bộ

Đánh giá cán bộ cần được coi trọng và thường xuyên hơn nữa. Lấy hiệu quả công việc làm thước đo cán bộ, từ hiệu quả công việc để cân nhắc bố trí công việc phù hợp, bổ nhiệm lãnh đạo hay có thể sử dụng tiếp hay không. Nên xóa bỏ chế độ biên chế cán bộ suốt đời tránh tình trạng người yếu kém năng lực cấu kết với nhau bằng lá phiếu, lấy lá phiếu để chi phối lãnh đạo. Các cơ quan cần xây dựng tiêu chí đánh giá cán bộ cụ thể, nâng cao đánh giá định lượng công việc được giao để làm căn cứ thi đua khen thưởng. Tránh tình trạng luân phiên trong thi đua khen thưởng theo kiểu dàn xếp “công bằng”. Thực tế cho thấy nhiều cán bộ vì bị đánh giá không đúng mà bỏ khu vực công ra khu vực tư.

Tăng thu nhập để bảo đảm sự liêm chính

Chính sách tiền lương và đãi ngộ luôn là vấn đề hàng đầu của sự tồn tại và phát triển cá nhân. Không ai bỏ ra một khoản đầu tư lớn cho học tập để đổi lấy thu nhập thấp, thiếu thốn trăm bề trong cuộc sống, vợ suốt ngày lẩm bẩm tiền tiền tiền, con cái liên tục so sánh bạn cùng lớp là con cái gì cũng thua các bạn, cha mẹ già yếu thiếu sự phụng dưỡng…tất cả phải từ lương, thu nhập tăng thêm để đảm bảo cái cơ bản trong một gia đình nhỏ đủ để hạnh phúc. Để đảm bảo cán bộ hàng ngày đi làm việc không phải nghĩ tới tham nhũng vặt ở cơ quan hay gây khó dễ, sách nhiễu nhân dân để lấy những đồng tiền tiêu cực thì cải cách tiền lương và nâng cao thu nhập bằng cách thu gọn bộ máy, giảm biên chế linh hoạt 1/3 nhân sự và tăng hiệu suất công việc cá nhân lên 1/3 để có thu nhập tăng thêm 1/3 là cần thiết trong bối cảnh đất nước hiện nay và những năm tới. Có như vậy yếu tố duy trì và phát triển cá nhân và gia đình mới đảm bảo, cán bộ mới yên tâm công tác hơn. Đây cũng là yếu tố quan trọng giữ chân cán bộ không nhảy ra ngoài khu vực tư như thời gian vừa qua.

Như vậy để đất nước phát triển thịnh vượng thì công tác cán bộ phải được đặt lên hàng đầu, phải được làm đúng cách và phù hợp với thực tiễn và xu thế thời đại. Quả là vận thế đất nước phụ thuộc vào cán bộ không bao giờ sai.

Phan Văn Lâm - Viện nghiên cứu Pháp luật và Kinh tế Asean