Ngày 1/6/2018, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết được Báo VietnamNet đặt câu hỏi:
"Ông là tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới, nhưng gần đây có thông tin ông viết sách giáo khoa cho Công ty Cổ phần đầu tư xuất bản – thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC). Điều này có hợp lý không?"
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho biết:
"...Tôi đã hoàn thành các đề tài nghiên cứu về mô hình sách giáo khoa môn Tiếng Việt - Ngữ văn cho Viện Nghiên cứu sách giáo khoa và học liệu của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam;
Hoàn thành bản thảo sách Tiếng Việt lớp 1 theo mô hình mà tôi đề xuất cho một đơn vị thành viên được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam giao nhiệm vụ là Công ty VEPIC." [1]
VEPIC có phải là đơn vị thành viên của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam?
Ngày 7/5, trong phiên làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ông Ngô Trần Ái báo cáo về VEPIC:
Ông Ngô Trần Ái báo cáo Đoàn giám sát tập bản thảo sách giáo khoa mới lớp 1 mà một số thành viên ban phát triển chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã biên soạn xong cho VEPIC trong thời gian từ tháng 9/2017 đến tháng 5/2018, trong đó có Tổng chủ biên Nguyễn Minh Thuyết. Ảnh: GDVN. |
“Hầu hết các đơn vị mà Đoàn đến làm việc là của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, riêng công ty này không phải, không trực thuộc Nhà xuất bản Giáo dục. Hôm nay chúng tôi rất vinh dự được nói như thế."
"Thành lập tháng 8/2016, vì sao thành lập? Vì có Nghị quyết 29 Trung ương, Nghị quyết 88 Quốc hội, Nghị quyết 44 Chính phủ, trong đó có nội dung quan trọng nhất là một chương trình, nhiều sách giáo khoa.
Đó, quan trọng đó. Mới nhất từ xưa.
Từ trước đến nay là một bộ sách giáo khoa. Lần này là nó có cái mới á. Cái mới đó, thì mình có cái đam mê làm sách, mình cố gắng làm.
Hiện nay chúng tôi tổ chức biên soạn, biên tập, xuất bản, về xuất bản thì chúng tôi có bản thảo, qua nhà xuất bản nào đó, vì luật xuất bản của mình như thế.
Đăng ký với nhà xuất bản để họ xuất bản, rồi cái việc bản thảo đó, mình làm cái bản thảo rồi mình phải làm cho nó thật là tốt, chỉn chu.
Và đặc biệt là biên soạn bộ sách theo Nghị quyết 88 từ lớp 1 đến lớp 12, thì hiện nay, công ty phải nói là chưa đông lắm. 30, gần 40 người, nhưng mà hầu hết là biên tập, họa sĩ, đó, lành nghề.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết viết sách giáo khoa cho VEPIC từ khi nào? |
Còn lại những bộ phận khác thì chưa có, vì chưa đến lúc mình phát hành, chưa đến lúc mình tiếp thị, chưa đến lúc mình...nên chúng tôi (mới) chỉ có biên tập, họa sĩ và một số lãnh đạo.
Chúng tôi làm bộ sách lớp 1 đến lớp 12, sách giáo khoa á, theo cái 1 chương trình nhiều bộ sách, cạnh tranh với nhiều đơn vị, nhưng cũng được biết có bốn năm đơn vị làm sách.
Làm biên tập tốt (mới) cạnh tranh, muốn cạnh tranh thì phải chất lượng, chất lượng và chất lượng, không có gì khác nữa."
Như vậy VEPIC là một công ty tư nhân, và ông Ngô Trần Ái khẳng định VEPIC không phải đơn vị thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, thậm chí còn là đối thủ cạnh tranh với đơn vị này trong việc phát hành sách giáo khoa mới.
Nếu quả thực như vậy, làm sao có chuyện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam "giao nhiệm vụ" cho VEPIC như lời Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết?
Đi sâu tìm hiểu mối quan hệ phức tạp này, chúng tôi nhận thấy vấn đề không đơn giản như ông Ngô Trần Ái hay Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã nói.
Bóng dáng một sân sau
Theo hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Công ty Cổ phần đầu tư xuất bản - thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) đăng ký thành lập ngày 27/7/2016, người đại diện theo pháp luật là ông Ngô Trần Ái.
Những quy luật bất thường qua 3 lần thay sách giáo khoa |
Xin lưu ý, thời điểm thành lập VEPIC, ông Ngô Trần Ái vẫn đang là Cố vấn cấp cao Hội đồng thành viên và Ban Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Đặc biệt, ông Ngô Trần Ái lúc này vẫn đang giữ cương vị Trưởng ban chỉ đạo biên soạn sách giáo khoa mới.
Trong số 7 cổ đông sáng lập VEPIC, có 3 đơn vị thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, bao gồm:
Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục phương Nam, góp 12 tỷ đồng, chiếm 11,038% cổ phần theo nghị quyết số 349/NQ-HĐQT ngày 14/9/2016;
Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục Đà Nẵng, góp 6 tỷ đồng, chiếm 5,519% cổ phần theo văn bản số 416/CV-DEIDCO ngày 18/7/2016, cử ông Nguyễn Quang Dũng - Phó tổng giám đốc công ty làm người đại diện phần vốn góp tại VEPIC.
Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục Hà Nội (HEID), góp 12 tỷ đồng, chiếm 11,038% cổ phần, góp vốn theo Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐQT ngày 21/7/2016 với sự nhất trí 100% của 5 thành viên Hội đồng quản trị.
(5 thành viên này gồm các ông bà: ông Ngô Trần Ái - Chủ tịch danh dự Hội đồng quản trị; ông Mạc Văn Thiện - Chủ tịch Hội đồng quản trị; ông Vũ Bá Khánh - Phó chủ tịch Hội đồng quản trị; bà Trần Thị Như Hà - Ủy viên; Bà Dương Thị Việt Hà - Ủy viên).
Quyết định cử ông Vũ Bá Khánh làm người đại diện phần vốn góp của Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển giáo dục Hà Nội tại VEPIC. [2]
Ảnh chụp một phần Tờ trình số 01/2017/TT-HĐQT ngày 3/1/2017 về việc bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị VEPIC do ông Vũ Bá Khánh - Chủ tịch Hội đồng quản trị VEPIC thời điểm đó ký. |
Đại hội đồng cổ đông VEPIC năm 2017 diễn ra ngày 14/1/2017 tại tòa nhà HEID ngõ 12 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội mà Công ty Cổ phần đầu tư phát triển giáo dục Hà Nội (HEID) là chủ sở hữu;
Khi đó Chủ tịch Hội đồng quản trị VEPIC là ông Vũ Bá Khánh, đại diện góp vốn của HEID vào VEPIC. [3]
Ngoài ra, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam còn một đơn vị thành viên nữa cũng “thống nhất góp vốn” thành lập VEPIC.
Đó là Công ty Cổ phần sách giáo dục tại thành phố Hà Nội, thống nhất góp vốn 2 tỷ đồng thành lập VEPIC theo Báo cáo hoạt động của ban kiểm soát năm 2016 tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017, số 01BCBKS/2017 ngày 25/3/2017. [4]
Như vậy có thể thấy, tuy VEPIC không phải thành viên trực thuộc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, nhưng cũng “từ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam” mà ra;
Ít nhất có 3 đơn vị thành viên của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là cổ đông sáng lập của VEPIC, chiếm 27,595% cổ phần doanh nghiệp này.
Lúc thành lập VEPIC, ông Ngô Trần Ái khi đó là Chủ tịch danh dự Hội đồng quản trị của Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển giáo dục Hà Nội (HEID), là một trong 5 người bỏ phiếu nghị quyết của HEID về việc góp vốn thành lập VEPIC.
Ở góc độ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, thời điểm thành lập VEPIC ông Ngô Trần Ái là Trưởng ban chỉ đạo biên soạn sách giáo khoa mới kiêm Cố vấn cao cấp Hội đồng thành viên, Ban Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Nguồn:
[1]http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-da-duoc-tham-dinh-454315.html
[2]http://images1.cafef.vn/download/260716/eid-nghi-quyet-hdqt_2.pdf
http://images1.cafef.vn/download/260716/eid-nghi-quyet-hdqt_1.pdf
[3]http://vepic.edu.vn/Content/Clients/tailieudaihoi.pdf
[4]http://images1.cafef.vn/download/270317/ebs-nghi-quyet-dai-hoi-dong-co-dong-thuong-nien-nam-2017.pdf