LTS: Dưới đây là bài viết tác giả Phạm Hùng Hiệp, hiện đang là nghiên cứu sinh về thương mại hoá giáo dục đại học tại Đại học Văn hoá Trung Hoa, Đài Loan sẽ cho chúng ta có cái nhìn độc đáo về một số trường nội trú nổi tiếng và lâu đời trên thế giới, cũng như phác thảo qua một số nét cơ bản về triết lý đào tạo của loại hình đào tạo đặc biệt này.
Có một điểm chung khá lý thú giữa Lý Quang Diệu (Thủ tướng Singapore, người mới qua đời tuần qua), Mark Zuckerberg (nhà sáng lập mạng xã hội Facebook) và Evariste Galois (thiên tài toán học người Pháp) cũng như nhiều vĩ nhân khác là họ đều đã theo học tại các trường phổ thông nội trú trong thời niên thiếu của mình.
Trường Raffles và Lý Quang Diệu
Được sáng lập năm 1823 bởi Sir Stamford Raffles, cũng chính là người kiến tạo nên đảo quốc Singapore, Trường Raffles (Raffles Institution) được biết đến là nơi ươm mầm nhiều "tinh hoa" về chính trị, quản lý cho không chỉ Singapore mà cả nhiều nước khác.
Trường Raffles - nơi Cố thủ tướng Singapore đã từng theo học lúc thiếu thời. Ảnh PH |
Những gương mặt cựu học sinh của Trường Raffles sau này thành công trên chính trường có thể kể đến Cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu, Cố Thủ tướng Malaysia Abdul Hussein, Thủ tướng thứ hai của Singapore Goh Chok Tong hay Michael Chan, thành viên thứ hai của Quốc Hội Anh có nguồn gốc là người Trung Hoa ...
Với nhiệm vụ Nuôi dưỡng các nhà tư tưởng, lãnh đạo và các nhà tiên phong - những người có đặc điểm mong muốn phục vụ thông qua lãnh đạo và lãnh đạo sự phục vụ, Trường Raffles đã xây dựng những quy định quản lý rất khắt khe trong việc đào tạo học sinh của mình.
6.700 cây xanh và đề toán đặc biệt của thầy giáo tiểu học
(GDVN) - Liên quan đến việc chặt hạ, thay thế cây xanh ở Hà Nội trong những ngày qua, một thầy giáo đã nảy sinh ý tưởng ra một bài toán đố học sinh gây sốt.
Trong cuốn "Câu chuyện Singapore", Lý Quang Diệu đã hồi tưởng "các nam sinh thậm chí còn bị phạt đánh roi chỉ vì nháy mắt với nữ sinh".
Ông Lý lý giải sự hà khắc này là bởi trường Raffles muốn đào tạo các nam sinh trở thành những luật sư, nhà quản lý, bác sỹ tốt trong tương lai. Ngày nay, tất nhiên là những hình thức kỷ luật sắt đá này không còn nữa, nhưng dư âm của nó vẫn còn thể hiện qua việc bắt buộc học sinh phải mặc đồng phục khi chơi thể thao, không được mang bánh kẹo ra ngoài căn-tin ....
Học sinh trường Raffles, bên cạnh các môn thông thường, có thể học thêm 2 môn chuyên sâu trong số các môn lịch sử, địa lý, toán, sinh, hoá, vật lý, ngữ văn và âm nhạc.
Ngoài ra, tất cả học sinh lớp 12 tại trường này cũng bắt buộc phải trải qua 9 đến 10 tuần theo khoá học đặc biệt về kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng sống độc lập.
Học viện Phillipes Exeter – nguồn cung cấp sinh viên tương lai cho các đại học tinh hoa tại Mỹ
Chúng ta đều biết Mark Zuckerberg khai trương phiên bản đầu tiên của mạng xã hội Facebook vào năm 2004 khi anh còn là sinh viên tại Đại học Harvard. Nhưng ít người biết rằng, ý tưởng về Facebook, trong thực tế đã được Mark nhen nhóm từ hơn 2 năm trước đó, khi anh còn là học sinh phổ thông tại trường nội trú danh tiếng Phillipes Exeter (Phillipes Exeter Academy).
Thành lập năm 1781 bởi thương nhân John Phillips, Học viện Phillipes Exeter được biết đến là một trong những trường nội trú lâu đời và danh tiếng nhất không chỉ của vùng New Hampshire mà còn cả toàn nước Mỹ nói chung; đồng thời cũng là “lò đào tạo” sinh viên tương lai của các trường hàng đầu nước Mỹ như Harvard, Standford, Yale, Princeton ….
Học sinh Học viện Phillipes Exeter ngồi học tại chiếc bàn hình bầu dục theo phương pháp Harkness nổi tiếng của trường này. Ảnh PH |
Ngoài Mark Zuckerberg, có thể kể đến một số cựu học sinh nổi tiếng tại trường này như nhà báo Gore Vidal (1925-2012) hay nhà văn Dan Brown, tác giả của cuốn truyện nổi tiếng Mật mã Da Vinci. Học viện Phillips Exeter nổi tiếng với phương pháp giảng dạy Harkness mà tại đó, tất cả học sinh thay vì ngồi hàng ngang như lớp học thông thường, sẽ ngồi xung quanh một chiếc bàn bầu dục.
Với việc bố trí bàn như vậy, lớp học tại đây thường chỉ có 8-12 học sinh. Cũng theo phương pháp Harkness này, học sinh sẽ phải tự học lý thuyết ở nhà và thời gian trên lớp sẽ là lúc để cùng làm và chữa bài tập.
Vì là trường nội trú, nên Học viên Phillipes Exeter đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng các chương trình ngoại khoá, hoạt động thể thao của học sinh. Trường hiện có cơ sở vật chất cho học sinh chơi hầu hết các môn được ưa chuộng trong nước Mỹ như bóng rổ, tennis, bơi, hockey, vật, đá bóng, đá bóng Mỹ, bóng nước ….
Trường Louis Le Grand – niềm tự hào của người Pháp
Toạ lạc giữa thủ đô Paris hoa lệ, không xa khu phố Latin là trường trung học nội trú mang tên Louis Le Grand có tuổi đời gần 500 năm. Đây cũng chính là nơi đào tạo ra hàng nghìn trí thức, văn hào, nhà hoạt động chính trị và giới tinh hoa không chỉ cho nước Pháp mà còn cho nhiều nước khác, nhất là các nước thuộc địa Pháp.
Các gương mặt cựu học sinh tiêu biểu của trường này có thể kế đến thần đồng toán học Evariste Galois, đại thi hào Moliere, nhà văn Victor Hugo, nhà bác học Poincare, tổng thống Pháp Pompidou, tổng thống Pháp Jacques Chirac, tổng thống Cameroon Paul Biya, Phó Tổng thống Serbia Bozidar Delic ….
Việt Nam cũng vinh dự có một số gương mặt nổi tiếng đã từng học tại trường trung học này, tiêu biểu có thể kể đến học giả Hoàng Xuân Hãn hay nhà triết học Trần Đức Thảo.
Một tấm bưu thiệp có in hình trường Louis Le Grand có tuổi đời gần 500 năm. |
Với triết lý đào tạo chuyên sâu toàn diện, học sinh bắt buộc phải học tất cả các môn từ khoa học, toán học, lịch sử cho đến triết học, việc nhiều học sinh trường này sau đó thành công trong sự nghiệp cũng là điều dễ hiểu. Và tất nhiên, để thi đỗ vào học tại Louis Le Grand cũng không phải là chuyện đơn giản.
Tuổi học sinh phổ thông trung học (15-18) là độ tuổi đặc biệt vì nó đánh dấu quãng thời gian bước qua tuổi thiếu niên để trở thành thanh niên và trưởng thành. Đây cũng là giai đoạn tiền đề để học sinh chuẩn bị cho việc bước vào môi trường đại học.
Mô hình trường nội trú là mô hình đặc biệt và khá phù hợp với mục tiêu đào tạo cho lứa tuổi này. Mặc dù rất phổ biến trên thế giới, và cũng đã từng tồn tại ở Việt Nam, nhưng rất tiếc chưa được biết đến rộng rãi ngày nay.
Ở Việt Nam thì sao? Trong lịch sử cha mẹ gửi con đi học ở nhà ông đồ (một dạng nội trú) như thế nào; đến các trường thời pháp thuộc, cũng có 1 số trường theo mô hình nội trú (quốc học Huế, đồng khánh?) rồi các trường thời sơ tán (cả thầy cả trò đc gửi đến vùng quê, cùng học, ở trong nhà dân) cho đến các trường nội trú theo mô hình hiện đại ngày nay.
Bài viết tới sẽ cùng độc giả nhìn qua một số các trường theo mô hình nội trú ở Việt Nam, và hơn hết để thấy được loại hình này đã làm nên một nền giáo dục đậm chất văn hóa Việt Nam.