Vì sao không nên rút bảo hiểm xã hội một lần?

19/07/2022 09:18
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Việc nhận bảo hiểm xã hội một lần là lợi bất cập hại, vô hình trung người lao động đã đánh mất những quyền lợi rất cơ bản về an sinh xã hội của mình.

Báo động tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần

Trước tình trạng ngày càng có nhiều người lao động muốn nhận bảo hiểm xã hội một lần gây ra nhiều lo ngại trong việc đảm bảo quyền lợi và chính sách an sinh xã hội lâu dài cho người lao động về sau, Bảo hiểm xã hội Đà Nẵng đã có cảnh bảo về vấn đề này.

Nhiều công nhân ở các khu công nghiệp Đà Nẵng rút bảo hiểm xã hội một lần do hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Ảnh: AN

Nhiều công nhân ở các khu công nghiệp Đà Nẵng rút bảo hiểm xã hội một lần do hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Ảnh: AN

Theo Bảo hiểm xã hội Đà Nẵng, hiện nay còn một bộ phận người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn thường muốn nhận bảo hiểm xã hội một lần sau khi mất việc làm.

Tuy nhiên, việc này là lợi bất cập hại, vô hình trung họ đã đánh mất những quyền lợi rất cơ bản về an sinh xã hội của mình.

Khi đó người lao động sẽ không còn cơ hội được hưởng lương hưu và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu để đảm bảo cuộc sống và sức khỏe khi về già.

Số liệu thống kế trong năm 2021 cho thấy, Bảo hiểm xã hội thành phố Đà Nẵng đã giải quyết cho 15.079 người hưởng Bảo hiểm xã hội (bằng 120% so với năm 2020), với số tiền gần 660 tỷ đồng (bằng 128% so với năm 2020).

Chỉ riêng ba tháng đầu năm 2022, Bảo hiểm xã hội Đà Nẵng cũng đã giải quyết cho trên 2.800 người hưởng bảo hiểm xã hội một lần (bằng 72,29% so với cùng kỳ năm 2021), với số tiền gần 126 tỷ đồng (bằng 79,15% so với cùng kỳ năm 2021).

Được biết phần lớn người rút bảo hiểm xã hội một lần tại Đà Nẵng là lao động trẻ đã nghỉ việc một năm và chưa tìm hiểu kỹ về những thiệt thòi khi nhận bảo hiểm xã hội một lần, nên khá vội vàng khi đưa ra quyết định.

Chị Nguyễn Thị Lan (công nhân tại Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) chia sẻ: “Do dịch bệnh Covid-19 kéo dài, công việc lúc có lúc không nên gia đình chúng tôi rất khó khăn.

Ngoài khoản tiền thuê trọ, tiền chi phí sinh hoạt hàng ngày thì còn tiền học cho hai cháu nên cả hai vợ chồng tôi quyết định rút bảo hiểm xã hội một lần. Vẫn biết là rút tiền sớm như vậy sẽ thiệt thòi sau này nhưng kinh tế khó khăn quá, không biết vay mượn ai nữa”.

Cũng như hoàn cảnh chị Lan, nhiều công nhân khác ở các Khu công nghiệp của Đà Nẵng cũng rút bảo hiểm xã hội một lần để trang trải cuộc sống khó khăn trước mắt.

“Đây là thực tế rất đáng lo ngại, không chỉ tác động trực tiếp đến quyền lợi của người lao động mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội lâu dài của quốc gia khi mà những năm tới dân số nước ta đang bắt đầu già hóa.

Vì những lý do trên, ngành Bảo hiểm xã hội luôn khuyến nghị người lao động cần cân nhắc kỹ, không nên quyết định hưởng bảo hiểm xã hội một lần mà nên bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội.

Khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện để có điều kiện tự đảm bảo cuộc sống và chăm sóc sức khỏe cho bản thân khi về già, hết tuổi lao động”, ông Nguyễn Văn Tiết - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Đà Nẵng cảnh báo.

“Lợi trước mắt, hại lâu dài”

Chia sẻ về những thiệt hại của người lao động khi rút bảo hiểm xã hội một lần, ông Đinh Văn Hiệp – Giám đốc Bảo hiểm xã hội Đà Nẵng cho hay: “Người nhận bảo hiểm xã hội một lần sẽ phải chấp nhận thiệt thòi rất lớn. Với mức 22% tiền lương đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất thì một năm tổng mức đóng là 2,64 tháng lương.

Trong khi mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần cho mỗi năm chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước 2014 và bằng 2 tháng mức bình quân đóng bảo hiểm xã hội cho những năm 2014 trở đi.

Khi đã nhận bảo hiểm xã hội một lần, nếu tiếp tục quay lại tham gia bảo hiểm xã hội sẽ không được cộng nối thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội trước đó. Dẫn đến có thể không đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động hoặc nếu đủ điều kiện thì lương hưu cũng không cao”, ông Hiệp nói.

Trước thực trạng trên, Bảo hiểm xã hội thành phố Đà Nẵng đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp nhằm hạn chế việc rút bảo hiểm xã hội một lần, qua đó đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho người lao động.

“Thời gian vừa qua, tốc độ hưởng bảo hiểm xã hội một lần có chiều hướng qua các năm đều tăng là do chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động đồng thời hơn 2 năm qua còn do tác động tiêu cực của dịch bệnh covid-19.

Dưới góc độ là cơ quan tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội cho người lao động chúng tôi đã đề xuất một số giải pháp nhằm hạn chế việc rút bảo hiểm xã hội một lần của người lao động.

Thứ nhất, việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần tăng nhanh có liên quan mật thiết đến sự phát triển của kinh tế - xã hội. Vì vậy, Nhà nước cần có giải pháp tổng thể mang tính vĩ mô thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mở rộng sản xuất, kinh doanh tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.

Thứ hai, các cấp, các ngành tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, thực hiện các hình thức tuyên truyền mới để đạt hiệu quả cao hơn trong việc đưa chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội đến với người dân, người lao động.

Cần thực hiện tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, để người lao động nhận thức được những bất lợi của việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần và thấy được những quyền lợi ưu việt khi có lương hưu.

Thứ 3, khi đề xuất sửa Luật Bảo hiểm xã hội lần này cần có chính sách tăng quyền lợi đối với người lao động có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội chưa hưởng bảo hiểm xã hội một lần”, ông Nguyễn Văn Tiết – Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Đà Nẵng nhấn mạnh.

AN NGUYÊN