Theo thống kê thì Việt Nam đang ở trong nhóm những quốc gia tiêu thụ bia rượu cao nhất thế giới. Việc sử dụng rượu bia quá nhiều trong những năm qua là một phần nguyên nhân gây ra bệnh tật, tai nạn giao thông... trở thành gánh nặng lớn cho xã hội.
Chính vì thế rất nhiều ý kiến đồng tình với Bộ Y tế cần phải xây dựng luật để sớm cụ thể hóa các biện pháp cải thiện tình trạng hiện nay, đặc biệt là góp phần nâng cao thể trạng sức khỏe cho người Việt, giảm bớt gánh nặng cho xã hội.
Để góp phần xây dựng tốt nhất cho Luật Phòng, chống, tác hại rượu bia, Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về dự án luật. Hội thảo có sự tham dự của đại diện ban soạn thảo Luật Phòng chống tác hại rượu bia, đại diện các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, rượu bia, các chuyên gia y tế và kinh tế.
Nhiều đại diện doanh nghiệp đã cho rằng riện nay hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành quy định về sản xuất kinh doanh và sử dụng rượu bia khá đầy đủ, có tới 85 văn bản từ Luật, Nghị định, Nghị quyết, Chỉ thị, Thông tư… Tại sao có nhiều văn bản quy phạm pháp luật như vậy mà chưa quản lý tốt?
Về ý kiến này, đại diện các nhà làm luật cho biết, hiện nay đã có 85 văn bản liên quan đến hoạt động quản lý rượu, bia trong đó tính đến này chỉ còn 33 văn bản còn hiệu lực.
Tuy nhiên các văn bản này chủ yếu điều chỉnh đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và xử phạt đối với rất ít các hành vi vi phạm liên quan đến rượu, bia.
Do đó, còn một khoảng trống rất lớn các nội dung chưa được điều chỉnh đặc biệt là các quy định mang tính phòng ngừa các tác hại của rượu, bia vì vậy cần thiết phải có một luật quy định bao phủ các hoạt động kiểm soát giảm mức tiêu thụ rượu, bia; kiểm soát việc cung cấp rượu, bia; giảm tác hại của rượu, bia.
Vẫn còn thiếu những quy định mang tính phòng ngừa các tác hại của rượu, bia mang lại (Trong ảnh: Một nạn nhân của rượu. Ảnh Lại Cường) |
Bên cạnh đó, trả lời về việc Luật Phòng chống tác hại rượu bia không phù hợp với Luật Quảng cáo, Luật Thương mại, các nhà làm luật cho rằng, dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia có liên quan đến rất nhiều Luật chuyên ngành khác về thương mại, quảng cáo, giao thông… nên có một số quy định liên quan đến các luật này.
Mặc dù, các luật khác có quy định liên quan đến tác hại của rượu, bia nhưng lại chưa đáp ứng, chưa phù hợp với yêu cầu phòng, chống tác hại của rượu, bia nên các quy định này cần phải được điều chỉnh để bảo đảm tính thống nhất, đáp ứng yêu cầu về phòng, chống tác hại của rượu, bia, bảo vệ sức khỏe người dân, công đồng.
Người Việt uống rượu đa phần không rõ nguồn gốc, tửu lượng gấp 3 lần thế giới |
Trong khi đó, Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia là luật chuyên ngành về vấn đề này nên cần có những quy định đặc thù, thống nhất trong luật này để tránh việc nội dung về phòng, chống tác hại của rượu, bia được quy định tản mạn, không thống nhất trong các Luật khác.
Về cơ sở pháp lý, việc một luật sửa nhiều luật đã được Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định.
Đồng thời, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng quy định trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy pháp luật ban hành sau.
Vì vậy, việc Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định một số vấn đề khác với các quy định tại các văn bản luật ban hành trước nhằm đáp ứng mục tiêu phòng, chống tác hại của rượu, bia là bảo đảm tính hợp pháp.
Bên cạnh đó, điển hình như Luật Quảng cáo và Luật Thương mại quy định khác nhau về vấn đề quảng cáo rươụ ( Luật Thương mại quy định cấm quảng cáo rượu trên 30 độ, luật Quảng cáo cấm rượu trên 15 độ) tuy nhiên vẫn được xây dựng và ban hành.