Phó Hiệu trưởng ĐKHXH&NV tiết lộ tiêu chí nhận học bổng ngành Khoa học cơ bản

17/07/2022 06:34
Ngô Hiển
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Năm học 2022-2023, lần đầu tiên ĐHQGHN triển khai chương trình học bổng cho các ngành khoa học cơ bản, góp phần ươm tạo các nhà khoa học trẻ trong tương lai.

Theo Quyết định số 2278/QĐ-ĐHQGHN ngày 7/7/2022 của Đại học Quốc gia Hà Nội, năm học 2022 -2023, nhà trường sẽ bắt đầu triển khai thí điểm chương trình học bổng cho sinh viên các ngành Khoa học cơ bản thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Học bổng sẽ miễn học phí, miễn phí chỗ ở nội trú, ưu tiên tham gia nghiên cứu khoa học và chương trình ươm tạo nhà khoa học, ưu tiên khi xét các học bổng khác và hỗ trợ sinh hoạt phí 20 triệu đồng/năm học.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) rất kỳ vọng vào chương trình học bổng này sẽ thu hút học sinh có thành tích xuất sắc đăng ký vào học các ngành khoa học cơ bản. Từ đó chọn ra được những sinh viên tài năng để ươm tạo trở thành các nhà khoa học trẻ trong tương lai.

“9 ngành khoa học xã hội được lựa chọn trong chương trình học bổng gồm: Văn học, Lịch sử, Triết học, Tôn giáo học, Chính trị học, Nhân học, Việt Nam học, Ngôn ngữ học, Hán Nôm. Đây là các ngành khoa học cơ bản đóng vai trò trụ cột cho sự phát triển nền khoa học xã hội và nhân văn đất nước” Phó Giáo sư Đặng Thị Thu Hương cho biết.

Quyết định số 2278/QĐ-ĐHQGHN ngày 7/7/2022 của Đại học Quốc gia Hà Nội (ảnh: NVCC)

Quyết định số 2278/QĐ-ĐHQGHN ngày 7/7/2022 của Đại học Quốc gia Hà Nội (ảnh: NVCC)

Theo cô Hương, trong thời điểm hiện nay, việc ban hành chương trình học bổng cho các ngành này là rất cần thiết bởi tuyển sinh dễ dàng hơn và góp phần khích lệ sinh viên đăng ký học.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn nêu ví dụ, đối với ngành Tôn giáo học, mấy năm nay, việc tuyển sinh gặp nhiều khó khăn nên bộ môn này rất cần chính sách hỗ trợ học bổng từ phía trường cũng như Đại học Quốc gia Hà Nội.

Do đó, trong bản đề xuất của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn trình lên Đại học Quốc gia Hà Nội cũng ghi rõ: “Ngành Tôn giáo học là ngành chuyên cung cấp những kiến thức lý luận, thực tiễn về tôn giáo và các kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ giúp bổ trợ về lĩnh vực tôn giáo học. Tôn giáo học là ngành chuyên nghiên cứu, truyền bá tri thức về tôn giáo, những đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước về tôn giáo nhằm mục đích phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, phát triển của đất nước”.

Từ đó đặt ra mục tiêu đào tạo của ngành Tôn giáo học là cung cấp cho người học những kiến thức liên ngành toàn diện và chuyên sâu về tôn giáo, tín ngưỡng trong nước và trên thế giới; hình thành các kỹ năng vận dụng các hệ giá trị tôn giáo vào trong đời sống cá nhân và xã hội.

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên ngành Tôn giáo học có thể đảm nhận các vị trí như giảng dạy tôn giáo, nghiên cứu tôn giáo tại các trường, viện, các trung tâm, tổ chức phi chính phủ, các tổ chức tôn giáo; chuyên trách công tác tôn giáo ở các quận, huyện, sở, các ban ngành Trung ương.

Ngoài ra, người học ngành này có thể công tác tại các cơ quan báo chí chuyên môn về tôn giáo, công tác tại các công ty du lịch liên quan văn hóa tâm linh… Sinh viên ra trường cũng có thể học lên cao hơn về tôn giáo trong và ngoài nước.

Tương tự như ngành Nhân học là một ngành nghiên cứu tổng hợp về con người, cụ thể là nguồn gốc, sự phát triển, các tổ chức chính trị xã hội, tôn giáo, ngôn ngữ, nghệ thuật và các tạo vật của con người. Những sinh viên khi đăng ký vào học ngành Nhân học sẽ được trang bị những kiến thức về lý luận, phương pháp nghiên cứu các chuyên ngành, đặc biệt là nắm vững kiến thức thuộc các lĩnh vực chuyên môn của ngành nhân học như vấn đề dân tộc, tôn giáo, đô thị, văn hóa dân tộc người… Tuy nhiên mấy năm gần đây cũng gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Thu Hương (ảnh: NVCC)

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Thu Hương (ảnh: NVCC)

Theo Phó Giáo sư Đặng Thị Thu Hương: “Mỗi ngành khoa học cơ bản dự kiến sẽ được cấp 5 suất học bổng, tùy điều kiện mà có thể tăng thêm. Sinh viên có cơ hội được nhận tham gia chương trình Ươm tạo nhà khoa học, được phân công nhà khoa học đỡ đầu, tham gia nghiên cứu khoa học, hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm thực tế trong suốt quá trình học”.

Bên cạnh đó, sinh viên các ngành này còn được ưu tiên xét và nhận các học bổng khác từ các tổ chức, tập đoàn trong và ngoài nước như: Quỹ Chung-Soo (Hàn Quốc), Quỹ AEON (Nhật Bản), Ngân hàng Shinhan (Hàn Quốc), Ngân hàng BIDV (Việt Nam), Tập đoàn Danko (Việt Nam), Quỹ Thắp sáng niềm tin, Quỹ Đào Minh Quang (Cộng hòa Liên bang Đức)...

Bên cạnh đó, nhà trường cũng triển khai nhiều chính sách khác: giảm học phí, khen thưởng sinh viên có thành tích học tập và rèn luyện, khen thưởng sinh viên có công trình nghiên cứu khoa học, có bài báo công bố trên tạp chí trong nước và quốc tế... Tạo điều kiện, hỗ trợ rất thiết thực, đồng hành cùng sinh viên đang theo học tại trường cũng như thu hút nguồn sinh viên chất lượng cao từ các trường trung học phổ thông trên cả nước.

Chia sẻ thêm về tiêu chí nhận học bổng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn cho biết: “Để xét học bổng cho sinh viên cũng đạt nhiều yếu tố như các năm học ở bậc trung học phổ thông đạt loại giỏi, tham gia các kỳ thi và đạt giải quốc gia, khu vực hoặc quốc tế, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách…”.

Với chính sách học bổng của Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Giáo sư Đặng Thị Thu Hương tin rằng các ngành khoa học cơ bản sẽ thu hút được đông đảo thí sinh đăng ký theo học. Từ đó lựa chọn được những người thực sự giỏi, đam mê khoa học để góp phần thúc đẩy các ngành này phát triển.

Ngô Hiển